Hội thảo “Tăng cường năng lực trong các hoạt động nghiên cứu và phát triển cây Mắc ca tại Việt Nam”

Được sự tài trợ của Chính phủ Australia thông qua Quỹ Hỗ trợ Cựu sinh viên Australia, Viện Nghiên cứu Giống và Công nghệ sinh học Lâm nghiệp (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) đã tổ chức hội thảo “Tăng cường năng lực trong các hoạt động nghiên cứu và phát triển cây Mắc ca tại Việt Nam” trong thời gian từ ngày 10 đến ngày 11 tháng 10 năm 2022 theo cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Tham dự hội thảo có các nhà khoa học và quản lý khoa học trong lĩnh vực cải thiện giống, bảo vệ thực vật và một số lĩnh vực liên quan đến phát triển cây Mắc ca ở Việt Nam và Úc. Bên cạnh đó, Hội thảo cũng đã nhận được nhiều sự quan tâm đặc biệt từ Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, cũng như một số công ty gây trồng và sản xuất các sản phẩm nhân hạt Mắc ca qua việc cử các đại diện cấp cao đến tham dự và đóng góp các ý kiến tham luận tại Hội thảo thông qua cả 2 hình thức. Theo đó, đã có trên 100 lượt đại biểu từ gần 20 đơn vị nghiên cứu và sản xuất liên quan đến Mắc ca trên cả nước tham dự Hội thảo này.

Các bài trình bày tại Hội thảo đã tập trung đánh giá thực trạng nghiên cứu và phát triển cây Mắc ca tại Úc và Việt Nam trong cã lĩnh vực: cải thiện giống, phòng trừ sâu bệnh hại, nhân giống, trồng và chăm sóc cây mắc ca. Các nhà khoa học đã nêu ra những điểm tương đồng trong chương trình cải thiện giống giữa 2 nước, kết quả đã đạt được, xu hướng nghiên cứu trong tương lai, và một số vấn đề đang phải đối mặt hiện nay cũng như các nguy cơ tiềm ẩn đến ngành công nghiệp Mắc ca tại Việt Nam cũng như các nước có diện tích gây trồng Mắc ca lớn trên thế giới trong thời gian tới.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Phí Hồng Hải – Phó giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cho biết, đến nay nước ta đã có khoảng 19.000ha rừng trồng Mắc ca chủ yếu tập trung ở khu vực Tây Bắc và Tây Nguyên.  Với tầm quan trọng của cây Mắc Ca, Thủ tướng chỉnh phủ đã ký Quyết định số 344/QĐ-TTg ngày 15 tháng 3 năm 2022 phê duyệt Đề án phát triển bền vững Mắc ca giai đoạn 2021-2030, trong đó cải thiện và phát triển các giống Mắc ca có năng suất cao vào sản xuất là một trong những hoạt động ưu tiên. PGS.TS. Phí Hồng Hải cũng đại điện cho đơn vị tổ chức Hội thảo đã gửi lời cám ơn sự hỗ trợ của Chính phủ Australia thông qua Chương trình Aus4Skills để Viện Nghiên cứu Giống và Công nghệ Sinh học Tổ chức Hội thảo này. Ông cũng tin tưởng rằng, Hội thảo là cơ hội tốt và còn là diễn đàn để các chuyên gia, nhà quản lý trao đổi, thảo luận về các thành công, tồn tại trong quá trình nghiên cứu và phát triển giống cây Mắc ca, cũng như mở rộng mạng lưới và quan hệ hợp tác giữa các đơn vị trong và ngoài nước.

Tổng kết hội thảo, PGS.TS. Phí Hồng Hải đã đánh giá rất cao về các bài tham luận được trình bày, qua đó đã cung cấp được những thông tin tương đối đầy đủ về chương trình chọn giống Mắc ca tại Úc và Việt Nam. Ông cũng nhận định rằng, để phát triển cây Mắc ca một cách hiệu quả và bền vững việc phối hợp chặt chẽ và có hệ thống giữa các nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực với các nhà quản lý là rất quan trọng. Bên cạnh đó, vai trò Hiệp hội Mắc ca Việt Nam trong nghiên cứu và phát triển cây Mắc ca ở nước ta cũng được ghi nhân là rất quan trọng. PGS.TS. Hải hy vọng trong thời gian tới, việc liên kết giữa Hiệp hội, các đơn vị quản lý và các nhà khoa học sẽ tạo được các mối liên kết chặt chẽ hơn nữa để đáp ứng được yêu cầu thực tiễn về sản xuất và phát triển cây Mắc ca trong thời gian tới.

Hội thảo là một phần dự án “Nâng cao năng lực trong các hoạt động nghiên cứu và phát triển cây Mắc ca tại Việt Nam” do Chính phủ Australia tài trợ thông qua Chương trình Aus4Skills cho bốn cựu sinh viên Úc đang công tác tại Viện Khoa học Lâm Nghiệp Việt Nam. Quỹ Hỗ trợ Cựu sinh viên Australia do Chương trình Aus4Skills quản lý, tài trợ cho các đề xuất của các cựu sinh viên Việt Nam đã từng học tập tại các tổ chức giáo dục Australia, nhằm củng cố kiến thức và kỹ năng chuyên môn; góp phần thay đổi về tổ chức và thể chế của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và tổ chức; đồng thời tăng cường mối liên kết giữa hai quốc gia.

Viện Nghiên cứu Giống và CNSH Lâm nghiệp

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]