Hội thảo “Khoa học công nghệ chuyên ngành lâm nghiệp”

Ngày 05/9/2018, tại Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, được sự đồng ý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam phối hợp với Vụ KHCN&MT đã tổ chức Hội thảo “Khoa học công nghệ chuyên ngành lâm nghiệp” nhằm đánh giá những kết quả đã đạt được, những tồn tại hạn chế trong giai đoạn 2013-2018 từ đó xây dựng định hướng và giải pháp cho giai đoạn 2019-2025, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất LN ở nước ta.

Tham dự và điều hành Hội thảo có TS. Nguyễn Thị Thanh Thủy – Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường – Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn và GS.TS. Võ Đại Hải – Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam. Tham dự hội thảo còn có hơn 120 đại biểu là các nhà quản lý, nhà khoa học đến từ các cơ quan quản lý (Vụ KHCN&MT, Tổng Cục Lâm nghiệp, Bộ Khoa học và Công nghệ), các cơ quan nghiên cứu và giảng dạy (Viện Khoa học Lâm nghiệp VN, Trường Đại học Lâm nghiệp, Hội khoa học kỹ thuật lâm nghiệp VN, Viện Điều tra quy hoạch rừng, Viện NC cây nguyên liệu giấy), Tổng công ty giấy Việt Nam, Sở NN&PTNT Tuyên Quang và Sở NN&PTNT Phú Thọ cùng các các cơ quan thông tấn báo chí.

18-09-05HT1

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các báo cáo tham luận về công tác quản lý và những kết quả đã đạt được, những tồn tại hạn chế trong giai đoạn 2013-2018 và định hướng nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cho các lĩnh vực Giống và Công nghệ sinh học, Lâm sinh và Kinh tế lâm nghiệp, Công nghiệp rừng trong giai đoạn 2019-2025.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Thị Thanh Thủy Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và môi trường đã nhấn mạnh Khoa học và công nghệ lâm nghiệp đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, đã từng bước nâng cao được giá trị gia tăng của rừng thông qua việc nâng cao năng suất, chất lượng rừng, chế biến gỗ và các sản phẩm đồ gỗ.

18-09-05HT2

Kết quả thực hiện trong giai đoạn 2013-2017

Trong những năm qua, công tác nghiên cứu giống cây rừng đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, đã có 110 giống cây lâm nghiệp (Keo, bạch đàn, mắc ca, Sa nhân tím, Tràm…) được công nhận là giống quốc gia và giống tiến bộ kỹ thuật. Nghiên cứu nhân giống bằng giâm hom và nuôi cấy mô cũng đã có những bước tiến vượt bậc, một số đơn vị trong ngành như Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Trường Đại học Lâm nghiệp đã và đang ứng dụng mạnh mẽ công nghệ sinh học trong chọn giống bằng các chỉ thị phân tử, kiểm định giống, rút ngắn thời gian chọn giống cho keo và bạch đàn; tạo được một số dòng tam bội keo có sinh trưởng vượt trội so với giống nhị bội, tỷ trọng gỗ cao, sợi gỗ dài hơn và bước đầu đã trồng thử nghiên tại hiện trường. Đến nay, hầu như các giống keo và bạch đàn đã được sản xuất đại trà, qua đó đã góp phần nâng cao năng suất và chất lượng rừng trồng (có nơi năng suất đạt trên 40 m3/ha/năm).

18-09-05HTLamsinh

Về kỹ thuật trồng rừng, trong giai đoạn vừa qua, các nghiên cứu đã xây dựng được hướng dẫn kỹ thuật gây trồng rừng cho hơn 30 loài cây bản địa lấy gỗ phục công tác trồng rừng gỗ lớn), nhằm nâng cao năng suất và chất lượng gỗ, được thị trường trong nước và quốc tế chấp nhận để thay thế một số loại gỗ nhập khẩu chất lượng cao.

Về điều tra, quy hoạch, quản lý tài nguyên rừng và đa dạng sinh học: Đã xác định hiện trạng diện tích rừng, đánh giá chất lượng và kiểm kê các loại rừng theo chủ rừng cần thực hiện trên toàn quốc. Dự án điều tra, đánh giá và giám sát tài nguyên rừng quốc gia là một trong những nhiệm vụ khoa học và công nghệ thường xuyên của ngành được ghi trong Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (hiện hành) và Luật Lâm nghiệp (có hiệu lực vào năm 2019).

 18-09-05HTCNR

Lĩnh vực công nghiệp rừng đã đạt được các thành tựu quan trọng như:  Áp dụng được các tiến bộ kỹ thuật trong việc giâm hom cây lâm nghiệp, chế tạo các thiết bị nhổ gốc cây, cầy ngầm làm đất trồng rừng, cải tiến cày chảo, cày không lật chăm sóc rừng; máy phun thuốc trừ sâu cho độ cao phun trên 10 m, phun thuốc diệt cỏ cho rừng trồng, thiết bị phòng chống cháy rừng bằng sức gió cầm tay, máy phun đất cát chữa cháy rừng cầm tay, xe chữa cháy rừng đa năng, hệ thống thiết bị chữa cháy rừng tràm. Về Chế biến, bảo quản lâm sản đã nghiên cứu về tính chất cơ lý, giải phẫu gỗ của 300 loài cây gỗ và tre, thuộc 53 chi, 25 họ thực vật ở Việt Nam; Đã nghiên cứu chế tạo thiết bị ép và công nghệ sản xuất ván ép biến tính nhiều lớp kích thước lớn, chịu ẩm từ gỗ rừng trồng. Nghiên cứu và xác định được công nghệ tạo ván bóc, xử lý biến tính ván bóc từ gỗ keo lai, Keo tai tượng đáp ứng yêu cầu nguyên liệu sản xuất gỗ khối ép lớp làm vật liệu đóng đồ nội thất, ngoại thất; xác định và đánh giá được chất lượng gỗ tròn của keo lai và Keo tai tượng ở vùng Đông Bắc Bộ, làm cơ sở xác định tuổi thành thục về công nghệ của rừng trồng keo lai và Keo tai tượng….

Về Kinh tế Lâm nghiệp, trong thời gian qua, đã nghiên cứu và đề xuất các chính sách phát triển trồng rừng sản xuất cung cấp gỗ lớn; Đánh giá được các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị gỗ và sản phẩm gỗ rừng trồng trên 11 tỉnh; phân tích và so sánh được hiệu quả kinh tế của 3 phương thức kinh doanh rừng trồng các loài keo lai với các chu kỳ khác nhau (5 năm, 6 năm và 10 năm tuổi) và đã đề xuất được giải pháp cụ thể nhằm khuyến khích trồng rừng chu kỳ dài, gỗ lớn để thay đổi mục tiêu kinh doanh rừng trồng có hiệu quả kinh tế cao; Xác định khung về mức chi trả giá trị dịch vụ môi trường rừng đối với cơ sở sản xuất thuỷ điện Hòa Bình, Thác Bà, Thác Mơ, Yaly, Vĩnh Sơn, Phú Ninh và Phần mềm (kèm theo tài liệu hướng dẫn sử dụng phần mềm) chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Ngoài ra, các ý kiến thảo luận tại hội thảo cũng đã cho rằng, để góp phần thực hiện tốt đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp thì các cơ chế chính sách lâm nghiệp cũng đóng vai trò rất quan trọng, trong đó việc huy động nguồn lực tài chính cho phát triển trồng rừng sản xuất thông qua tích tụ đất đai; huy động vốn thông qua thực hiện cơ chế chính sách khuyến khích tạo ra mô hình liên kết lấy doanh nghiệp chế biến làm trung tâm để tạo liên kết với các đối tượng khác và huy động vốn thông qua cổ phần hóa các các công ty trồng rừng là những nội dung quan trọng. Quy hoạch liên khu giữa vùng nguyên liệu và các cơ sở chế biến, dịch vụ về rừng nhằm tạo ra vùng nguyên liệu tập trung, ổn định, có năng suất và chất lượng cao. Chế biến, tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao giá trị rừng trồng.

18-09-05HT3

Định hướng nghiên cứu và chuyển giao công nghệ lâm nghiệp giai đoạn 2019-2025

Để góp phần thực hiện tốt Kế hoạch nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2019-2025 theo QĐ 5171/QĐ-BNN-KHCN ngày 11/12/2017 của Bộ NNPTNT, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ lâm nghiệp cần quan tâm đến một số định hướng sau:

– Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu KHCN theo các chương trình lớn, mang tính tổng hợp, theo chuỗi để ra được sản phẩm cuối cùng, nâng cao được giá trị gia tăng của rừng, đáp ứng được mục tiêu của Đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp.

– Về rừng trồng: thực hiện Chương trình nghiên sản phẩm chủ lực là gỗ keo và các sản phẩm từ gỗ keo nhằm nâng cao giá trị và hiệu quả của rừng trồng keo ở các vùng sinh thái trong nước; Nghiên cứu xây dựng quy trình trồng rừng thâm canh cho một số loài cây gỗ lớn và cây LSNG đạt hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với từng vùng trồng rừng trọng điểm.

– Nghiên cứu chọn, tạo và nhân giống cho năng suất, chất lượng cao đáp ứng yêu cầu nguyên liệu chế biến và xuất khẩu; nghiên cứu chọn tạo được giống kháng bệnh, chịu hạn, chịu phèn, chịu mặn, cây lâm sản ngoài gỗ phục vụ trồng rừng sản xuất và phòng hộ cho các tiểu vùng sinh thái. Ưu tiên ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn, tạo giống bằng chỉ thị phân tử; nghiên cứu chuyển gen; lai giống; tạo giống đa bội cho nhóm loài cây trồng rừng chủ lực keo, bạch đàn, cây bản địa là một số cây lâm sản ngoài gỗ có giá trị.

– Về rừng tự nhiên: thực hiện chương trình nghiên cứu các giải pháp phục hồi, nâng cao năng suất, chất lượng cho các đối tượng rừng tự nhiên nghèo kiệt nhằm quản lý rừng theo hướng bền vững. Nghiên cứu các giải pháp kinh tế – kỹ thuật và cơ chế, chính sách để quản lý bền vững rừng tự nhiên ở Việt Nam.

– Thực hiện chương trình nghiên cứu cho đối tượng rừng ven biển nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay.

– Nghiên cứu công nghệ tạo sản phẩm mới từ gỗ rừng trồng, công nghệ biến tính gỗ để nâng cao giá trị sử dụng gỗ cho các loài cây trồng rừng chủ lực ở các vùng sinh thái; nghiên cứu công nghệ tạo vật liệu phụ trợ Keo dán, chất phủ, thuốc bảo quản gỗ thân thiện môi trường.

– Nghiên cứu chính sách phát triển rừng trồng nguyên liệu cung cấp gỗ lớn; chính sách phát triển thị trường nội địa gỗ và sản phẩm gỗ; chính sách trong cổ phần hóa các công ty lâm nghiệp và chính sách huy động nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước trong sản xuất kinh doanh lâm nghiệp; xây dựng mô hình liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất kinh doanh gỗ, sản phẩm gỗ rừng trồng và lâm sản ngoài gỗ.

– Thúc đẩy triển khai Đề án QLRBV và CCR, tập trung tổ chức triển khai thực hiện cấp CCR và chứng chỉ CoC cho một số nhà máy chế biến gỗ ở Việt Nam.

–      Thúc đẩy các hoạt động khuyến lâm, hội nghị khoa học, phối hợp với các cơ quan quản lý từ Trung ương đến địa phương để giới thiệu và chuyển giao giống, TBKT và các kết quả nghiên cứu vào sản xuất.

–      Phối hợp với các doanh nghiệp để thực hiện các nhiệm vụ KHCN của ngành; ứng dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0 trong lâm nghiệp và phát triển nông thôn.

–      Tiếp tục đề xuất và duy trì dự án điều tra, đánh giá và giám sát tài nguyên rừng quốc gia; thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến đa dạng sinh học và bảo tồn thiên nhiên trong hoạt động quản lý rừng bền vững, tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp làm cơ sở quản lý hệ thống rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và các khu rừng có giá trị đa dạng sinh học cao. Đề xuất các nghiên cứu về bảo tồn loài thực vật rừng, động vật rừng, đặc biệt là các loài nguy cấp, quý hiếm….

Ban KHKH

 

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]