Ngày 22 và 23/6/2017, tại huyện Bắc Hà, tỉnh Lào cai Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào cai và tổ chức Helvetas Việt Nam tổ chức hội thảo Đối thoại chính sách phát triển dược liệu theo hướng chuẩn hóa tại tỉnh Lào Cai, Việt Nam.
Chủ trì hội thảo có GS.TS Võ Đại Hải Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam và lãnh đạo Thường trực HĐND tỉnh; lãnh đạo sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai và lãnh đạo tổ chức Helvetas tại Việt Nam. Tổ chức hội thảo có sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào cai, Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ; tham dự hội thảo có một số cục, vụ, viện thuộc Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; tổ chức Helvetas; tổ chức Oxfam tại Việt Nam; một số sở, ngành liên quan của tỉnh Lào Cai, Lai Châu và Hà Giang.
GS.TS Võ Đại Hải và đoàn chủ trì hội thảo.
Sau khi GS.TS Võ Đại Hải phát biểu khai mạc Hội thảo TS. Phan Văn Thắng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ trình bày báo cáo về tình hình phát triển và chuỗi giá trị một số dược liệu ở vùng núi phía Bắc Việt Nam. Theo báo cáo của Hội thảo, tính đến năm 2016 Việt Nam hiện chỉ còn khoảng 206 loài cây thuốc có giá trị có thể khai thác tự nhiên; hằng năm cung cấp khoảng 10.000 – 20.000 tấn dược liệu; Tuy nhiên, hiện nay tình trạng khai thác quá mức dẫn đến nguồn dược liệu quý trong nước đang có nguy cơ cạn kiệt. Vì vậy, cần tính đến các giải pháp nghiên cứu bảo tồn và phát triển nguồn cây dược liệu.
Các đại biểu tham quan các sản phẩm nghiên cứu và sản xuất của Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản Ngoài gỗ
Tại tỉnh Lào Cai hiện có hơn 812 ha trồng dược liệu; trong đó, trên 257 ha được trồng tập trung tại huyện Sa Pa, Bát Xát, Bắc Hà với các loại: Đương quy (106 ha), Cát cánh (20 ha), Chè dây (11 ha), Đan sâm (20 ha), Xuyên khung (100 ha),… Nguồn giống cây dược liệu gây trồng chủ yếu từ 2 nguồn cung cấp chính đó là các doanh nghiệp đầu tư thu mua sản phẩm cung ứng hạt giống cho trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện giao ươm rồi cấp cho dân trồng và nguồn do dân tự lấy trong tự nhiên hoặc tự lưu giống.
Những năm gần đây, dược liệu là một trong những cây trồng chủ đạo, nằm trong nội dung tái cơ cấu ngành trồng trọt của tỉnh, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân vùng cao (bình quân thu nhập từ 120 – 240 triệu đồng/ha). Tuy nhiên, quy mô trồng còn ít, chủng loại chưa phong phú, quy trình kỹ thuật canh tác, những tiến bộ kỹ thuật canh tác chưa được áp dụng rộng rãi, việc phát triển mở rộng còn gặp khó khăn do thị trường tiêu thụ không ổn định, thiếu cơ sở thu gom và sơ chế, chế biến sản phẩm.
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, nghiên cứu một số nội dung: Tình hình phát triển và chuỗi giá trị một số dược liệu ở vùng núi phía Bắc Việt Nam; chia sẻ kinh nghiệm liên quan đến phát triển dược liệu bền vững, hiệu quả; tìm hiểu về tiềm năng, thách thức và bàn giải pháp để phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh Lào Cai và ở Việt Nam; lấy ý kiến tham vấn của đại biểu góp ý vào các chính sách phát triển dược liệu bền vững; thảo luận về Dự thảo thông tư quy định các nguyên tắc, tiêu chuẩn về “Thực hành trồng trọt và thu hái cây thuốc” của Bộ Y Tế .
GS. TS Võ Đại Hải đã kết luật thống nhất 6 điểm nhấn cho các hoạt động tiếp theo sau hội nghị để phát triển dược liệu tại tỉnh Lào Cai và vùng núi phía Bắc gồm:
1. Cần có quy hoạch chi tiết cho trồng cây dược liệu, phù hợp với điều kiện phát triển loài cây, nhu cầu thị trường. Đặc biệt tại hai huyện Sapa và Bắc Hà, quy hoạch phát triển cây dược liệu cần gắn với du lịch.
2. Xây dựng và phát triển kinh doanh hiệu quả với 2 mô hình chính gồm:
– Mô hình bảo tồn và phát triển các loài dược liệu
– Mô hình khai thác và phát triển các loài dược liệu
3. Nghiên cứu chọn, tạo phát triển giống, kỹ thuật gây trồng cây dược liệu. Giống phải được công nhận, quy trình kỹ thuật phải là tiến bộ kỹ thuật.
4. Phát triển xúc tiến thương mại và phát triển thị trường, lựa chọn đối tác chiến lược, gắn kết của 4 nhà (Nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, nhà sản xuất).
5. Thúc đầy hợp tác, liên kết vùng hợp tác từ khâu phát triển sản xuất đến tiêu thụ. Trước mắt cần có phối hợp giữa 3 tình Lào cai – Lai Châu – Hà Giang tạo thành vùng liên kết sản xuất dược liệu trọng điểm tại Việt Nam
6. Đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền, đào tạo tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho công tác trồng phát triển, chế biến, tiêu thụ cây được liệu.
Các đại biểu tham dự hội thảo đã đến tham quan một số mô hình trồng dược liệu trên địa bàn huyện Bắc Hà.
Quốc Huy Ban KHKH
Tin mới nhất
- Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và phương hướng triển khai nhiệm vụ năm 2025
- Viện Nghiên cứu Công nghiệp rừng nhận cờ thi đua nhân kỷ niệm 50 năm thành lập
- VFCS được công bố tại website của Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản
- Lễ ký ký biên bản ghi nhớ về việc trao các mẫu vật liệu mới từ gỗ của Đại sứ quán (ĐSQ) Phần Lan để phục vụ trưng bày tại Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam
- Hội đồng nghiệm thu sản phẩm và tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ cấp tỉnh "Nghiên cứu hoàn thiện kỹ thuật nhân giống và xây dựng mô hình trồng thâm canh Vù hương (Cinnamomum balansae H.Lec) cung cấp gỗ lớn kết hợp lấy tinh dầu tại tỉnh Lào Cai"
Các tin khác
- Hội thảo khởi động Dự án “Thúc đẩy quản lý lâm sản bền vững của các công ty lâm nghiệp ở Việt Nam”
- VAFS và dấu ấn tự chủ trong khoa học – Báo Nông nghiệp Việt Nam
- Lễ công bố Quyết định bổ nhiệm Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Đông Bắc Bộ
- Thông tin luận án của NCS Phạm Tuấn Anh
- Thông tin buổi bảo vệ luận án Tiến sĩ cấp Viện cho NCS Lại Thanh Hải