Ngày 19/4/2023, tại trụ sở Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, số 46 Đường Đức Thắng, phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội đã diễn ra “Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học và công nghệ giữa Bộ Khoa học & Công nghệ và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn”.
Tới dự và đồng chủ trì Hội nghị có Đồng chí Lê Minh Hoan – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT và đồng chí Huỳnh Thành Đạt – Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
Tham dự hội nghị về phía Bộ Khoa học và Công nghệ có đồng chí Thứ trưởng Trần Hồng Thái, Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ: Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ KHCN các ngành kinh tế xã hội, Cục tiêu chuẩn và đo lường,… và các đơn vị trực thuộc Bộ KHCN.
Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Lãnh đạo và chuyên viên Vụ Khoa học Công nghệ và môi trường, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch, Vụ Tài chính, Văn phòng Bộ; các Viện Chính sách và Chiến lược phát triển NNNT, Viện KH Nông nghiệp Việt Nam, Viện KH Thủy lợi Việt Nam, Viện KHLN Việt Nam, Viện Chăn Nuôi, Viện Thú Y; Viện nuôi trồng thủy sản 1; Viện Cơ điện và Công nghệ sau thu hoạch; Học Viện Nông nghiệp; Báo NN…
Hoạt động của Hội nghị bao gồm: (i) Trưng bày giới thiệu các sản phẩm, kết quả nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; (ii) Thăm mô hình, phòng thí nghiệm nuôi cấy mô, các giống mới của Viện Nghiên cứu giống và công nghệ sinh học lâm nghiệp; Thăm phòng tiêu bản các loại gỗ của Việt Nam và Phòng thí nghiệm giám định gỗ công nghệ DART-TOFMS (Hoa Kỳ).; (iii) Báo cáo một số kết quả phối hợp trong hoạt động Khoa học và Công nghệ giai đoạn 2021-2023, đề xuất kiến nghị trong thời gian tới; (iv) Phát biểu của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
Ngày 25/6/2021, Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký kết Chương trình phối hợp hoạt động khoa học và công nghệ giữa hai Bộ giai đoạn 2021-2030 (Văn bản số 1672/CTPH-BKHCN-BNNPTNT) với 10 nội dung trọng tâm. Ngay sau khi ký kết Chương trình, hai Bộ đã chủ động phối hợp ban hành kế hoạch với các nhiệm vụ cụ thể của từng nội dung, Bộ Khoa học và Công nghệ đã bố trí nguồn kinh phí để tổ chức triển khai các nội dung trong khuôn khổ Chương trình phối hợp.
Giai đoạn 2021-2023, từ kết quả nghiên cứu, Bộ NN&PTNT đã công nhận 141 giống mới, 83 Tiến bộ kỹ thuật mới; 21 sáng chế, giải pháp hữu ích đã được công nhận; công bố mới 245 TCVN và ban hành mới 11 QCVN. Các giống cây trồng, vật nuôi, quy trình công nghệ mới,… đã được chuyển giao áp dụng vào sản xuất nông nghiệp thông qua doanh nghiệp và người nông dân, giảm chi phí đầu tư, góp phần tăng lợi nhuận và mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp; nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao tăng hiệu quả kinh tế từ 10-30%; góp phần thay đổi tập quán, thói quen canh tác, nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế của ngành.
Nhờ những đóng góp của KH&CN, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp khá cao bình quân 3 năm (giai đoạn 2021-2023) đạt 3,35%/năm (giai đoạn 2016-2020 là 2,62% năm), tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản giai đoạn 2021 – 2023 đạt 154,8 tỷ USD, bình quân đạt trên 51,61 USD/năm, cao hơn nhiều so với mức đạt 36,63 tỷ USD của giai đoạn 2016-2020. Năm 2023 với nhiều khó khăn, thách thức nhưng ngành nông nghiệp vẫn duy trì đà tăng trưởng cao, phát triển toàn diện; giá trị gia tăng toàn ngành (GDP) tăng cao, đạt 3,83% (nông nghiệp tăng 3,88%; thủy sản tăng 3,71%, lâm nghiệp tăng 3,74%); tỷ lệ che phủ rừng 42,02%; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới khoảng 78%; tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành 53,01 tỷ USD, thặng dư thương mại cao nhất từ trước tới nay là 12,07 tỷ USD, tăng 43,7%.
Trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình phối hợp đã nhận được sự chỉ đạo quyết liệt và quan tâm của các đồng chí Bộ trưởng hai Bộ và các đồng chí lãnh đạo hai Bộ; đồng thời có sự phối hợp, hỗ trợ chặt chẽ và kịp thời của các đơn vị trực thuộc hai Bộ; Hai Bộ đã phối hợp chặt chẽ trong hoàn thiện cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật; Phối hợp chặt chẽ, kịp thời xây dựng kế hoạch và đưa vào triển khai thực hiện các chương trình KHCN, các cụm nhiệm vụ trọng điểm đáp ứng yêu cầu thực tiễn của ngành nông nghiệp; Kịp thời hướng dẫn xây dựng kế hoạch; mặc dù kinh phí ngân sách nhà nước dành cho KHCN giảm, nhưng đã ưu tiên bố trí nguồn kinh phí cho các hoạt động KHCN của ngành nông nghiệp đã được phê duyệt; Phối hợp chặt chẽ trong công tác sở hữu trí tuệ, đo lường chất lượng, hệ thống TCQC ngành nông nghiệp từng bước đã được bổ sung, hoàn thiện và phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.
Tại Hội nghị, đại diện các đơn vị thuộc 2 Bộ đã trao đổi, thảo luận, đánh giá những kết quả đã đạt được, những tồn tại, khó khăn và đưa ra giải pháp để nâng cao hơn nữa các hoạt động phối hợp trong thời gian tới. Đồng thời những đề xuất, kiến nghị của Bộ NN&PTNT về đổi mới chính sách KH&CN, cơ chế thu hút nhân lực KH&CN, xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ, cho thuê tài sản liên doanh liên kết… đã được đại diện các đơn vị chức năng thuộc Bộ KH&CN trao đổi, giải đáp.
Phát biểu tại Hội nghị, GS.TS Võ Đại Hải – Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã báo cáo kinh nghiệm và các kết quả nổi bật trong chương trình Hợp tác của Viện với Bộ KHCN, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho tính đặc thù của nghiên cứu lĩnh vực lâm nghiệp, tháo gỡ những khó khăn về sản phẩm KHCN trong nghị định 70/2018/NĐ-CP, tăng cường đầu tư trang thiết bị nghiên cứu; đặc biệt là kiến nghị 2 Bộ trưởng đưa sản phẩm gỗ vào Danh mục các sản phẩm chủ lực của Việt Nam để tập trung nguồn lực đầu tư cho nghiên cứu phát triển các sản phẩm gỗ.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Đồng chí Lê Minh Hoan – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT ghi nhận kết quả đã đạt được của “Chương trình phối hợp hoạt động khoa học và công nghệ giữa hai Bộ giai đoạn 2021-2030” cũng như các thành tựu, tiến bộ kỹ thuật, các giống cây trồng mới, các quy trình kỹ thuật mới ngành Nông nghiệp. Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề cập đến vấn đề hợp tác công tư trong lĩnh vực Nông nghiệp. Khi các doanh nghiệp kết hợp với các đơn vị nghiên cứu, chúng ta có thể sớm đưa các thành quả khoa học ra thị trường. Tuy nhiên, để làm được điều này cần có thêm những chính sách, cơ chế phù hợp và cả sự thay đổi trong tư duy của người làm khoa học để thích ứng với những thay đổi của thực tiễn.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị, trong Chương trình hợp tác giữa 2 Bộ bổ sung nội dung triển khai Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa, ứng dụng KH&CN mới, năng lượng nguyên tử nhằm tăng năng suất, chất lượng, ứng dụng công nghệ viễn thám trong quản lý, điều hành nông nghiệp…
Phát biểu kết thúc Hội nghị, Đồng chí Huỳnh Thành Đạt – Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ghi nhận các ý kiến đóng góp của các đơn vị trực thuộc Bộ NN&PTNT và Bộ KHCN đồng thời cũng nhấn mạnh Những thành tựu KH&CN của ngành Nông nghiệp đã đóng góp chung vào thành tựu của ngành KH&CN đồng thời KH&CN cũng có những đóng góp rất đáng ghi nhận trong thành tựu chung của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho rằng: “Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số còn nhiều dư địa để phát triển và đóng góp nhiều hơn cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng.
Bộ trưởng đề nghị hai Bộ tiếp tục phối hợp để tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 30/1/2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới; Tiếp tục phối hợp chặt chẽ để sửa đổi Luật KH&CN và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động KH,CN&ĐMST trong lĩnh vực nông nghiệp; Phối hợp triển khai thành công Nghị định số 10/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định về Khu công nghệ cao trong đó có Khu nông nghiệp ứng dụng cao; Quy hoạch mạng lưới tổ chức KH&CN công lập thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Phối hợp xây dựng cơ chế thử nghiệm chính sách KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp
Bộ KH&CN cam kết đồng hành cùng Bộ NN&PTNT triển khai thành công Đề án 1 triệu ha lúa, ứng dụng năng lượng nguyên tử, công nghệ viễn thám vào phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Bộ KH&CN mong muốn Bộ NN&PTNT huy động lực lượng các nhà khoa học trong ngành tích cực tham gia vào chương trình KH&CN cấp quốc gia, từ đó đẩy mạnh ứng dụng các nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng hưởng ứng đề xuất của Bộ trưởng Lê Minh Hoan về việc tổ chức diễn đàn về KH,CNĐMST phục vụ nông nghiệp và thí điểm trưng bày sản phẩm KH&CN ngành nông nghiệp trong thời gian tới.
Một số hình ảnh hội thảo:
Tin mới nhất
- Hội nghị “Thúc đẩy thí điểm cấp, quản lý mã số vùng trồng rừng nguyên liệu và khởi động dự án FCBMO”
- Hội đồng tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ cấp tỉnh: Nghiên cứu trồng rừng thâm canh cây Sồi phảng (Lithocapus fissus Champ. Ex Benth) cung cấp gỗ lớn ở Quảng Ninh
- Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình phối hợp công tác giữa Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang với Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, giai đoạn 2021 - 2025
- PGS.TS Hoàng Văn Thắng - Viện trưởng Viện nghiên cứu Lâm Sinh - Viện khoa học Lâm nghiệp Việt Nam được tôn vinh :” Nhà khoa học của nhà nông 2024”
- Điều động, bổ nhiệm Phó Trưởng ban Khoa học, Đào tạo và Hợp tác quốc tế
Các tin khác
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết đề tài KHCN cấp Quốc gia: Nghiên cứu bảo tồn và phát triển nguồn gen cây Bách vàng (Xanthocyparis vietnamensis Parjon &N.T.Hiep) ở một số tỉnh miền núi phía Bắc.
- Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam có thêm 02 Phó Giáo sư trẻ
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết đề tài KHCN cấp Bộ: Nghiên cứu chọn giống và kỹ thuật trồng rừng thâm canh cây Sấu tía (Sandoricum Indicum Cav) cung cấp gỗ lớn tại các tỉnh phía Nam
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết đề tài KHCN tiềm năng cấp Bộ: “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo mô hình hệ thống thiết bị tự động điều khiển nhiệt độ và tốc độ khuấy dung dịch để sản xuất keo dán gỗ”.
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết đề tài KHCN tiềm năng cấp Bộ: “Nghiên cứu cải tiến thiết bị bẫy đèn diệt côn trùng gây hại cây trồng nông lâm nghiệp có hiệu quả cao và sử dụng điện năng lượng mặt trời”