Hội nghị Giống cây trồng lâm nghiệp

 

Sáng 12/4 tại Thái Nguyên, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội nghị Giống cây trồng lâm nghiệp. Tham dự và điều hành Hội thảo có Thứ trưởng thường trực Hà Công Tuấn – Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Ông Trịnh Việt Hùng Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên và ông Nguyễn Quốc Trị – Tổng cục Trưởng  tổng cục Lâm nghiệp. Tham dự hội thảo còn có hơn 200 đại biểu là các nhà quản lý, nhà khoa học, các cơ quan quản lý, doanh nghiệp đến từ các tỉnh, thành trên cả nước, các cơ quan thông tấn báo chí.

Đoàn đại biểu Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam tham dự Hội nghị có TS. Phí Hồng Hải – Phó Giám đốc Viện cùng với các nhà khoa học và lãnh đạo một số đơn vị trong Viện.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe các báo cáo tham luận của các địa phương về Kết quả thực hiện công tác quản lý Nhà nước về Giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn. Trong khuôn khổ Hội nghị TS. Phí Hồng Hải – Phó Giám đốc Viện Khoa học lâm nghiệp cũng đã trình bày “Báo cáo đánh giá hiện trạng nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trong phát triển giống cây trồng lâm nghiệp”.

Tại hội nghị “Giống cây trồng lâm nghiệp”, Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn khẳng định, việc phát triển giống cây lâm nghiệp và đưa giống tốt vào sản xuất là giải pháp quan trọng, có ý nghĩ quyết định đến năng suất và chất lượng rừng trồng, góp phần đẩy mạnh xuất khẩu gỗ.

Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, trong khoảng 3,5 triệu ha rừng trồng cho sản xuất, năm 2025, Việt Nam phải thâm canh được ít nhất 50% diện tích, 50% diện tích được ứng dụng công nghệ giống mới trong phát triển rừng trồng. Cùng với đó là đảm bảo 2 triệu ha rừng có chứng chỉ rừng bền vững. Như vậy, việc này sẽ tạo ra sân chơi cho những người trồng rừng, doanh nghiệp chế biến, nhà khoa học liên kết với nhau trong chuỗi giá trị. “Rừng trồng muốn phát triển nhanh, muốn có gỗ lớn thì khâu quan trọng nhất là phải kiểm soát giống, đảm bảo giống có nguồn gốc. Do vậy, ngành sẽ phải hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp cũng như thực hiện nghiêm Luật Lâm nghiệp”,

Hiện nay, có 183 giống cây lâm nghiệp được công nhận; trong đó các giống được trồng phổ biến hiện nay là 55 giống. Giống các loài keo, bạch đàn chiếm 70% diện tích rừng trồng sản xuất, với diện tích tương đương trên 1 triệu ha.

Cả nước có 744 đơn vị, cá nhân sản xuất kinh doanh giống (có đăng ký sản xuất kinh doanh); trong đó có 229 cơ sở thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ, công ty lâm nghiệp sản xuất khoảng 20% số lượng cây giống hàng năm và 515 công ty tư nhân và hộ gia đình sản xuất khoảng 80% số lượng cây giống cung cấp cho trồng rừng.

Hàng năm các địa phương trong cả nước sản xuất khoảng 650 triệu cây giống phục vụ trồng rừng; trong đó cây gieo ươm từ hạt 500 triệu cây, chiếm 77%, gồm các loài chủ yếu như: keo tai tượng, thông mã vĩ, hồi, lát hoa, quế, mỡ, lim xanh… và 150 triệu cây mô-hom, chiếm 23% như: keo lai, bạch đàn lai, bạch đàn u rô..

Năng suất rừng trồng cả nước đạt bình quân khoảng 15 m3/ha/năm, tăng 50% so với năm 2009 (10m3/ha/năm). Những diện tích rừng trồng, rừng thâm canh các giống tiến bộ kỹ thuật, giống quốc gia đạt 20-25 m3/ha/năm, cá biệt có mô hình rừng trồng đạt năng suất 40m3/ha/năm.

Tuy nhiên, trong công tác quản lý giống vẫn còn những tồn tại, hạn chế, như việc xây dựng và ban hành bổ sung các tiêu chuẩn để quản lý chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp chưa đầy đủ và kịp thời.

Chưa quy định bắt buộc đối với các tổ chức, cá nhân trồng rừng sản xuất có sử dụng vốn ngân sách nhà nước, hoặc các chương trình, dự án tài trợ khác phải sử dụng giống mô, hom để nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng.

Giá thành sản xuất cây giống mô, hom (Keo, Bạch đàn) còn cao so với cây giống sản xuất từ hạt, Nguồn giống có chất lượng di truyền cao (Rừng giống, Vườn giống) còn hạn chế, hạt giống từ rừng rừng giống, vườn giống mới đáp ứng được khoảng 40% đối với những loài trồng từ hạt. Giống của loài cây bản địa có giá trị kinh tế cao còn ít, đặc biệt là giống của loài cây lâm sản ngoài gỗ.

Đối với nhóm loài cây trồng rừng gỗ lớn, tập trung đánh giá phân loại để khuyến cáo sử dụng giống cụ thể cho từng vùng sinh thái. Nghiên cứu chọn giống để đáp ứng các yêu cầu của công nghiệp chế biến như: tỷ trọng, co rút, mấu mắt…

Tiếp tục chọn lọc, nghiên cứu nhân giống đối với các loài cây bản địa mọc nhanh để trồng rừng theo từng vùng sinh thái. Rà soát, hoàn thiện văn bản quản lý, xây dựng bổ sung các tiêu chuẩn để quản lý chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp như: Tiêu chuẩn quốc gia về khảo nghiệm đối với cây lâm sản ngoài gỗ, Tiêu chuẩn về lâm phần tuyển chọn; tiêu chuẩn về cây giống cây lâm nghiệp chính (đã có 16 loài/20 loài cây trồng chính).

Riêng đối với các cơ quan, đơn vị nghiên cứu về giống cây trồng lâm nghiệp, tổ chức thực hiện có hiệu quả các dự án giống cây trồng lâm nghiệp, cung ứng kịp thời các giống đầu dòng có năng suất, chất lượng cao cho các địa phương sản xuất phục vụ trồng rừng. Tổng cục Lâm nghiệp tổ chức kiểm tra, thanh tra chuyên đề về công tác giống cây lâm nghiệp theo kế hoạch đối với một số tỉnh còn tỷ lệ cao về diện tích rừng trồng chưa được kiểm soát chất lượng giống. Kiểm tra việc lưu trữ, sử dụng giống gốc tại các đơn vị có giống được công nhận đảm bảo công tác quản lý, lưu trữ và sử dụng giống gốc hiệu quả.

Một số hình ảnh về gian trưng bày sản phẩm giống cây lâm nghiệp của Viện tại Hội nghị:

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]