Hội đồng thẩm định hồ sơ Phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2021-2030 các đơn vị Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Bắc Trung Bộ, Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp vùng Trung tâm Bắc Bộ.

Thực hiện Quyết định số 220/QĐ/KHLN-KH ngày 21/6/2021 của Giám đốc Viện về việc Thành lập hội đồng Khoa học Công nghệ thẩm định hồ sơ Phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2021-2030. Ngày 23/6/2021, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã tổ chức họp hội đồng thẩm định hồ sơ:

– Phương án quản lý rừng bền vững Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Bắc Trung Bộ.

– Phương án quản lý rừng bền vững Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp vùng Trung tâm Bắc Bộ.

Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Bắc Trung Bộ và Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp vùng Trung tâm Bắc Bộ là đơn vị chủ rừng được Nhà nước giao quản lý diện tích rừng và đất lâm nghiệp phục vụ nghiên cứu khoa học, việc xây dựng kế hoạch quản lý, bảo tồn, bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng là một nhiệm vụ định kỳ và yêu cầu bắt buộc.

Theo Điều 27, Luật Lâm nghiệp yêu cầu “Chủ rừng là tổ chức phải xây dựng và thực hiện phương án quản lý rừng bền vững”. Do vậy, quản lý rừng bền vững đã trở thành một nguyên tắc, nhiệm vụ bắt buộc đối với quản lý, bảo tồn, bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng. Mặt khác, theo Quyết định số 1288/QĐ-TTg ngày 01/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Quyết định số 4691/QĐ-BNN-TCLN ngày 27/11/2018 về Kế hoạch thực hiện Đề án quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng;

Các nội dung và trình tự các bước xây dựng Phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2021-2030 của Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Bắc Trung Bộ, Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp vùng Trung tâm Bắc Bộ được tuân thủ theo hướng dẫn tại Thông tư số 28/2018/TT-BNNPTNT, ngày 16/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Việc xây dựng Phương án quản lý rừng bền vững là tiến tới quản lý bảo vệ và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên hiện có, đồng thời đảm bảo việc sử dụng tài nguyên rừng một cách lâu dài và liên tục. Cùng với sự phát triển tài nguyên rừng thông qua các hoạt động như: Trồng rừng, bảo tồn, bảo vệ rừng, làm giàu rừng,… cần có sự phát triển kết hợp các hoạt động cung cấp dịch vụ môi trường rừng, du lịch dưới tán rừng nhằm tạo việc làm thu hút lao động, từng bước nâng cao đời sống kinh tế một cách ổn định lâu dài cho cán bộ, viên chức và người lao động thực hiện việc quản lý, bảo vệ rừng và cộng đồng dân cư địa phương sinh sống gần rừng.

Kết thúc buổi họp, các thành viên Hội đồng đã nhất trí và kiến nghị Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tổ chức thẩm định và phê duyệt cho các đơn vị được thực hiện Phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2021-2030.

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]