Hội đồng nghiệm thu Dự án Sản xuất thử nghiệm cấp Bộ: “Sản xuất thử nghiệm và hoàn thiện công nghệ nhân giống và trồng cây Tam thất hoang (Panax stipuleanatus) theo tiêu chuẩn GACP-WHO ở vùng Tây Bắc“

Thực hiện Quyết định số: 625/QĐ /KHLN-KH ngày 29/ 12/2023 của của Giám đốc Viện về việc Thành lập Hội đồng Khoa học Công nghệ. Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã tổ chức họp Hội đồng nghiệm thu Dự án Sản xuất thử nghiệm cấp Bộ: “Sản xuất thử nghiệm và hoàn thiện công nghệ nhân giống và trồng cây Tam thất hoang (Panax stipuleanatus) theo tiêu chuẩn GACP-WHO ở vùng Tây Bắc“. Chủ nhiệm: TS. Phạm Quang Tuyến. Đơn vị thực hiện: Viện Nghiên cứu Lâm sinh.

Mục tiêu của dự án:

– Hoàn thiện được quy trình nhân giống tam thất hoang (một số biện pháp kỹ thuật mới trong quy trình được được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận là tiến bộ kỹ thuật)

– Hoàn thiện được quy trình trồng Tam thất hoang theo hướng dẫn GACP-WHO.

– Xây dựng được 0,2 ha vườn cung cấp vật liệu giống Tam thất hoang theo tiêu chuẩn GACP-WHO;

– Sản xuất được 30.000 cây giống đủ tiêu chuẩn đưa vào sản xuất sau 5 năm;

– Xây dựng được 0,2 ha mô hình trồng thâm canh tập trung có giàn che tại Lai Châu và 2 ha mô hình trồng dưới tán rừng (1ha tại Lai Châu và 1ha tại Lào Cai);

– Tập huấn chuyển giao được 04 lớp kỹ thuật cho 120 lượt người, trong đó 01 lớp tập huấn nhân giống tại Lai Châu, 01 lớp tập huấn trồng thâm canh tam thất hoang tại Lai Châu và 02 lớp tập huấn kỹ thuật trồng tam thất hoang dưới tán rừng tại Lai Châu và Lào Cai

  1. Nội dung

Nội dung 1: Hoàn thiện quy trình, công nghệ

Nội dung 2: Xây dựng mô hình sản xuất nhân giống và trồng TTH theo hướng GACP-WHO

Nội dung 3: Tập huấn và chuyển giao kỹ thuật.

           

Đánh giá về hiệu quả do nhiệm vụ mang lại:

Hoàn thiện quy trình công nghệ

– Xây dựng vườn vật liệu cung cấp giống: Đã xây dựng được vườn vật liệu cung cấp giống Tam thất hoang với diện tích 2.000m2 tại xã Giang Ma, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu có chất lượng hàm lượng saponin tổng số đạt trên 5%. Cây mẹ đủ năng lực để cung cấp được 30.000 hạt/năm để sản xuất cây giống.

– Hoàn thiện quy trình nhân giống: Đã thí nghiệm hoàn thiện được quy trình nhân giống hữu tính với biện pháp xử lý hạt bằng GA3 20-50ppm giúp tỷ lệ nảy mầm đạt trên 90%. Lựa chọn được giá thể gieo hạt là đất tầng mặt + cát (2:1) giúp tỷ lệ sống cây con trong vườn ươm lên 86,46% và đối với giá thể seedchip có thể đạt 90%, sử dụng phân hữu cơ sinh học GROWTH HIHA PT hàm lượng 70% hữu cơ, 6% Nts, 3% canxi để bón thúc 500g/m2. Đối với biện pháp nhân giống vô tính thì kích thước hom 01 mắt có thể sử dụng để nhân giống cho hệ số nhân giống cao hơn 3-4 lần so với biện pháp cũ. Chất kích thích ra rễ không ảnh hưởng đến khả năng ra chồi của hom.

– Dự án đã đưa ra được trình kỹ thuật nhân giống Tam thất hoang và áp dụng vào thực tiễn sản xuất, bước đầu được các đơn vị, cá nhân đón nhận cho tỷ lệ sống và sinh trưởng tốt hơn so với trước khi áp dụng công nghệ. Các kỹ thuật này đã được trình Bộ NN và PTNT để công nhận là TBKT.

– Hoàn thiện kỹ thuật trồng, chăm sóc: Giàn che ảnh hưởng rõ rệt đến sinh trưởng cây trồng đặc biệt đến sinh khối và kích thước củ. Giàn che mái nghiên 300 là biện pháp kỹ thuật tốt nhất. Phân bón vi lượng là loại phân bón tốt nhất sử dụng để bón lót và bón thúc cho cây Tam thất hoang. Chế phẩm sinh học chưa ảnh hưởng đến sinh trưởng và tỷ lệ sống cây Tam thất hoang trồng.

Mô hình sản xuất cây giống và trồng Tam thất hoang

– Đã xây dựng được 02 vườn ươm để sản xuất cây giống Tam thất hoang vượt 01 vườn so với đặt hàng. Công suất thiết kế vườn ươm có thể đạt 100.000 cây/năm.

– Xây dựng dựng được 01 mô hình trồng thâm canh có mái che diện tích 2.000m2 với tỷ lệ cây sống sau 03 năm trồng đạt 86,5%, khối lượng củ 24,31g/củ. Xây dựng được 02 ha mô hình trồng cây dưới tán rừng trong đó 01 ha ở Lai Châu tỷ lệ sống đạt 88,44%, khối lượng củ 21,56 g và 01 ha ở Lào Cai đạt tỷ lệ 82,22%, khối lượng củ 19,71 g.

Khuyến nghị

– Cần xem xét việc áp dụng nhân giống, nuôi dưỡng cây con áp dụng seedchip để nhân giống trực tiếp dưới tán rừng.

– Hạn chế chọn khu vực đất đã qua canh tác, ngoài ra cần chú ý cải tạo môi trường xung quanh, xử lý nấm bệnh để đảm bảo tỷ lệ sống cao hơn.

– Kỹ thuật nhân giống, trồng, chăm sóc Tam thất hoang sẽ được tiếp tục hoàn thiện sử dụng và áp dụng vào thực tế sản xuất để phát triển.

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]