Hiện trạng lâm sản ngoài gỗ và vai trò của nó trong đời sống kinh tếxã hội tại xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.
Đặng Thịnh Triều, Nguyễn Quang Khải, Hoàng Văn Thắng
Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam
Lâm sản ngoài gỗ là nguồn tài nguyên có vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế xã hội, đặc biệt đối với các cộng đồng có đời sống gắn liền với rừng. Ngày nay với sự phát triển nhanh chóng của các ngành công nghiệp cùng với sự mở rộng quy mô hội nhập kinh tế đã làm tăng nhu cầu sử dụng lâm sản ngoài gỗ. Tuy nhiên do sức ép của sự gia tăng dân số và việc khai thác không hợp lý đã dẫn đến diện tích rừng tự nhiên bị suy giảm kéo theo không những gỗ mà cả lâm sản ngoài gỗ cũng bị nghèo kiệt, điều này đã có tác động xấu đối với đời sống cộng đồng dân cư sống phụ thuộc vào nghề rừng.
Vạn Yên là xã miền núi thuộc huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Với tổng diện tích đất tự nhiên là 10.100 ha, trong đó rừng và đất lâm nghiệp chiếm 69,04%. Hệ thực vật rất phong phú và đa dạng, có tới 461 loài, thuộc 341 chi và 130 họ khác nhau, trong đó có 15 loài lâm sản ngoài gỗ có giá trị kinh tế cao [3]. Mặc dù số lượng lâm sản ngoài gỗ ở đây đa dạng, phong phú nhưng do khai thác quá mức đã dẫn tới cạn kiệt. Việc gây trồng, phát triển lâm sản ngoài gỗ mới chỉ được triển khai ở quy mô các hộ gia đình do tự phát. Để phát triển bền vững nguồn tài nguyên quý giá này và góp phần nâng cao đời sống cho dân cư địa phương rất cần có những giải pháp thích hợp về khai thác, sử dụng, gây trồng lâm sản ngoài gỗ trên địa bàn xã Vạn Yên.
1. Nội dung
-Điều tra tình hình kinh tế xã hội liên quan đến việc phát triển, khai thác, sử dụng và kinh doanh lâm sản ngoài gỗ trên địa bàn địa phương.
-Điều tra hiện trạng thực vật, đặc biệt là các loài lâm sản ngoài gỗ trên một số trạng thái rừng tại hai thôn Đài Làng và Đài Mỏ.
2. Phương pháp
2.1. Địa điểm và thời gian điều tra
-Địa điểm: Các điều tra khảo sát được thực hiện tại hai thôn Đài Làng và Đài Mỏ thuộc xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.
-Thời gian: Thời gian điều tra tiến hành trong tháng 8 năm 2005.
2.2. Phương pháp điều tra phỏng vấn hộ gia đình
Sử dụng phương pháp phỏng vấn hộ gia đình để thu thập các thông tin về dân sinh, kinh tế, xã hội và các thông tin về lâm sản ngoài gỗ cũng như những chính sách, thị trường trong việc phát triển lâm sản ngoài gỗ trên địa bàn địa phương. Các hộ gia đình được chọn phỏng vấn đại diện cho mức thu nhập, thành phần dân tộc. Số hộ trong hai thôn đã được chọn để phỏng vấn chiếm 20%.
2.3. Phương pháp điều tra thực vật ngoài hiện trường
Sử dụng phương pháp điều tra theo ô tiêu chuẩn điển hình trên các trạng thái rừng. Trong mỗi trạng thái rừng lập 3 ô tiêu chuẩn tạm thời, mỗi ô có diện tích 1000m2, tại các ô này đo đếm toàn bộ cây gỗ có đường kính D1.3 >3cm. Trong mỗi ô tiêu chuẩn tạm thời, lập 1 ô tiêu chuẩn thứ cấp có diện tích 500m2 điều tra các loài tre, nứa. Ngoài ra trong mỗi ô tiêu chuẩn tạm thời lập 3 ô tiêu chuẩn dạng bản mỗi ô có diện tích 100m2 để điều tra các loài song, mây, cây tái sinh và dây leo.
Các chỉ tiêu đo đếm:
-Xác định tên loài; chiều cao vút ngọn, đường kính 1,3m; chất lượng cây theo 3 mức: tốt, trung bình và xấu của tất cả các cây gỗ có D1.3 > 3cm.
-Đối với các loài tre, nứa thu thập các chỉ tiêu như tên loài, đường kính (D1.3), chiều cao, chất lượng cây, độ tuổi (non, trung bình và già), trữ lượng (kg/ha).
-Đối với cây tái sinh, xác định tên loài, chiều cao, chất lượng cây, nguồn gốc tái sinh.
-Đối với song mây đo chiều cao, chất lượng cây, trữ lượng (kg/ha).
3. Kết quả điều tra
3.1. Tình hình kinh tế xã hội.
Kết quả điều tra về kinh tế xã hội của hai thôn Đài Làng và Đài Mỏ:
-Về thành phần dân tộc và trình độ học vấn: Kết quả điều tra cho thấy người Dao chiếm 25% và người Kinh chiếm 75%. Trình độ giáo dục 44,5% tốt nghiệp cấp II, trình độ cấp I hoặc chưa đến tuổi đi học chiếm 37,5%, trình độ cấp III đạt 16,4% và trình độ cao đẳng, đại học đạt 1,6%.
-Vấn đề lương thực:Số hộ thiếu lương thực từ 1-3 tháng trong năm chiếm 42,8%, tập trung chủ yếu vào các hộ gia đình thuộc dân tộc Dao. Nguyên nhân chủ yếu của các hộ thiếu lương thực là do thiếu diện tích canh tác lúa nước. Ngoài ra do đất bạc màu hoặc không đủ nước nên chỉ canh tác được 1 vụ. Năng xuất lúa bình quân đạt thấp 3,1-4,2 tấn/ha/năm.
-Diện tích đất canh tác:Diện tích canh tác nông nghiệp trung bình mỗi nhân khẩu được 0,048ha (tương đương với 1,6 sào Bắc bộ). Trong đó 33.3% diện tích này cấy được 1 vụ do thiếu nước. Diện tích đất lâm nghiệp có sự biến động lớn giữa các hộ gia đình trong thôn. Nhiều nhất là 34ha và có hộ không có đất lâm nghiệp.
-Thu nhập: 50% số hộ được phỏng vấn có nguồn thu nhập từ LSNG. Trong đó thu nhập từ các nguồn như sau: Nông nghiệp 18,5%; chăn nuôi 27,4%; thu nhập từ các khoản khác 8,1% và thu nhập từ LSNG 46,0%. Điều này cho thấy LSNG đóng góp quan trong trong thu nhập của người dân, đặc biệt đối với những hộ thiếu đất canh tác nông nghiệp.
-Cơ chế hưởng lợi và chính sách của nhà nước về sản xuất, kinh doanh lâm sản ngoài gỗ tại địa phương:Qua phỏng vấn cho thấy trên địa bàn xã Vạn Yên hiện tại có 2 hình thức sử dụng rừng và đất rừng. Hình thức thứ nhất là người dân được giao đất, giao rừng từ chính quyền địa phương với thời gian nhận khoán từ 30-50 năm (có sổ đỏ). Hình thức thứ hai là người dân nhận đất từ Lâm trường Kế Bào với thời hạn 25 năm (có sổ xanh). Đối với các chủ rừng và đất rừng ngoài việc phải tuân theo luật Bảo vệ và Phát triển rừng được công bố ngày 19 tháng 8 năm 1991 được in kèm sổ giao đất, giao rừng cho từng hộ gia đình, xã đã triển khai xây dựng bản cam kết thực hiện luật Bảo vệ và Phát triển rừng.Tuy nhiên trên thực tế vấn đề hưởng lợi của người dân cũng như vấn đề bảo vệ, phát triển rừng và đất rừng của các chủ rừng, chủ đất còn nhiều điểm cần chú ý. Trước hết là vấn đề hưởng lợi. Hiện nay Nhà nước đã có quyết định 178/2001/QĐ-TTg về việc hưởng lợi của người nhận rừng và đất rừng nhưng trên địa bản chưa triển khai thực hiện. Cả chủ rừng và những người đi thu hái lâm sản ngoài gỗ tự do chưa quan tâm đến việc sử dụng bền vững nguồn tài nguyên này. Việc áp dụng luật bảo vệ rừng cũng còn nhiều khó khăn, đặc biệt trong việc bảo vệ lâm sản ngoài gỗ. Hiện tại trừ trường hợp khai thác tre, mây với số lượng lớn thì người dân xin phép kiểm lâm và đóng thuế lâm sản. Ngoài ra việc khai thác LSNG gỗ khác còn thực hiện tự do, và ngay cả việc khai thác trái phép từ diện tích rừng không phải của mình cũng chưa có chế tài xử phạt của các cấp chính quyền địa phương.
-Chính sách đối với phát triển lâm sản ngoài gỗ: Hiện tại trên địa bàn địa phương chưa có chính sách riêng cho phát triển lâm sản ngoài gỗ. Tuy nhiên hầu hết các hộ gia đìnhđược hỗ trợ vay vốn ưu đãi không lãi suất từ các tổ chức Nhà nước và xã hội khác nhau như chính sách vay vốn xoá đói giảm nghèo từ chính quyền địa phương, vốn vay qua Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh vv… Trung bình mỗi gia đình vay từ 5 đến 14 triệu đồng để nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây ăn quả, trồng rừng. Ngoài ra có một số hộ còn vay tiền ngân hàng với lãi suất 1,1%/tháng để mua sắm phương tiện làm nghề. Trong Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Đảng bộ xã Vạn Yên nhiệm kỳ 2005-2010, mục tiêu phấn đấu của xã là ngành lâm nghiệp cần đạt được 30-35% tỷ trọng kinh tế của toàn xã trong đó chú trọng tới rừng trồng và lâm sản ngoài gỗ. Báo cáo cho thấy vai trò quan trong của ngành lâm nghiệp nói chung và của lâm sản ngoài gỗ nói riêng đối với đời sống của người dân địa phương cũng như sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương đối với sự phát triển của ngành lâm nghiệp.
-Thị trường lâm sản ngoài gỗ tại địa phương: Thị trường tiêu thụ LSNG trên địa bàn xã Vạn Yên chủ yếu tập trung vào 3 dạng. Một là cung cấp nguyên liệu cho nhà máy giấy Hải Phòng, hai là tập trung phát triển các làng nghề đan mây, tre tại Hà Tây (mua song, mây, tế, guột), và ba là những người thu mua cây làm thuốc. Hiện tại trong xã có 2 đại lý thu mua lâm sản ngoài gỗ (chủ yếu là các cây thuốc), ngoài ra hàng ngày còn có người từ thị trấn Cái Rồng vào thu mua. Kết quả phỏng vấn cho thấy 100% số hộ được hỏi đều trả lời là cung không đủ cầu, như vậy lượng tiêu thụ LSNG là rất lớn, giá cả cũng ổn định và có nhu cầu tăng so với các năm trước.
-Nguyện vọng của các hộ gia đình trong phát triển lâm sản ngoài gỗ: Kết quả điều tra cho thấy 85.7% số hộ gia đình trả lời muốn được hỗ trợ kỹ thuật, kinh phí để thực hiện việc nuôi trồng LSNG, 14.3% số hộ muốn thực hiện nhưng không có nhân lực hoặc thiếu đất. Nhu cầu nuôi trồng các loài LSNG cụ thể như sau(một hộ có thể có nhiều nguyện vọng): 28,5% số hộ gia đình có nhu cầu trồng mây;25,0% số hộ gia đình có nhu cầu trồng ba kích; 21,4% số hộ gia đình có nhu cầu trồng, phục tráng rừng tre; 21,4% số hộ gia đình có nhu cầu trồng trám trắng; 17,8% số hộ gia đình có nhu cầu nuôi ong; 17,8% số hộ gia đình có nhu cầu trồng hoàng đằng; 14,2% số hộ gia đình có nhu cầu trồng lá khôi; 14,2% số hộ gia đình có nhu cầu trồng kim ngân; 10,7% số gia đình có nhu cầu nuôi tắc kè; 10,7% số gia đình có nhu cầu trồng nhân trần; 10,7% gia đình có nhu cầu trồng kim tiền thảo; 7,1% số gia đình có nhu cầu trồng hương bài; 7,1% gia đình có nhu cầu trồng ké đầu ngựa; 3,5% số hộ gia đình có nhu cầu phục tráng ràng ràng. Lý do để các hộ lựa chọn loài cây, con trên là do giá trị kinh tế, dễ nuôi trồng, thị trường ổn định, có diện tích canh tác và nhân lực vv…
3.2.Hiện trạng thực vật và LSNG tại thôn ĐàiLàng và ĐàiMỏ:
Tin mới nhất
- Tạp chí Khoa học Lâm nghiệp
- Ảnh hưởng của mật độ và phân bón đến năng suất rừng trồng Keo lai 9,5 năm tuổi ở Quảng Trị
- Nghiên cứu đặc điểm đất đai tại khu vực loài Trúc đen (Phyllostachys nigra Munro) phân bố tại Sa Pa, Lào Cai
- Phân tích chỉ số đa dạng sinh học của thực vật thân gỗ trong Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà - Tp. Đà Nẵng
- Nghiên cứu đa dạng di truyền cây Dầu rái (Dipterocarpus alatus Roxb.) bằng kỹ thuật RAPD
Các tin khác
- Ảnh hưởng của giao đất, giao rừng tới phát triển rừng trồng sản xuất ở các tỉnh miền núi phía Bắc
- KẾT QUẢ BƯỚC ĐẦU XÂY DỰNG MÔ HÌNH TRỒNG RỪNG SAO ĐEN NĂNG SUẤT CAO Ở ĐÔNG NAM BỘ
- MỘT SỐ KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU NÂNG CAO HIỆU SUẤT GIÂM HOM KEO LAI PHỤC VỤ CHO TRỒNG RỪNG TẠI ĐÔNG NAM BỘ
- KHẢO NGHIỆM XUẤT XỨ VÀ THỬ NGHIỆM GIÂM HOM BẠCH ĐÀN PELLITA
- CHUYỂN HÓA RỪNG TRỒNG KEO LAI NGUYÊN LIỆU GIẤY THÀNH RỪNG GỖ CÔNG NGHIỆP BẰNG PHƯƠNG PHÁP TỈA THƯA