Sử dụng gỗ rừng trồng bạch đàn Urô góp phần giảm bớt áp lực sử dụng gỗ rừng tự nhiên, giải quyết khó khăn về nhu cầu nguyên liệu gỗ cho lĩnh vực đóng mới và sửa chữa tàu thuyền…
Sản phẩm tàu thuyền đánh cá được làm từ gỗ bạch đàn Urô
Ở nước ta, các loại tàu thuyền đánh bắt hải sản công suất vừa và nhỏ hiện vẫn sử dụng vật liệu gỗ chủ yếu là gỗ rừng tự nhiên có kích thước lớn. Tuy nhiên nguyên liệu trong nước đang ngày càng ít, phải phụ thuộc vào gỗ nhập khẩu, giá bán liên tục tăng, là những trở ngại cho các cơ sở đóng tàu.
Sử dụng gỗ rừng trồng sẵn có trong nước là một giải pháp để tháo gỡ khó khăn thiếu nguyên liệu gỗ đóng tàu thuyền. Song, gỗ rừng trồng của Việt Nam tồn tại nhiều bất cập như chất lượng thấp, kích thước sản phẩm gỗ nhỏ, độ bền tự nhiên thấp, mức độ biến dạng cao trong quá trình sử dụng và một số tính chất cơ học, vật lý của gỗ chưa đáp ứng các yêu cầu nguyên liệu gỗ đóng tàu thuyền.
Thực hiện đề tài cấp Nhà nước, KC07.22/06-10 trong giai đoạn 2009 – 2010, Viện Nghiên cứu công nghiệp rừng (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) đã nghiên cứu thành công công nghệ sản xuất ván ép nhiều lớp biến tính kích thước lớn từ gỗ bạch đàn Urô (Eucalyptus urophylla) đáp ứng yêu cầu chất lượng vật liệu gỗ đóng sàn, cabin, hầm tàu đánh cá trên biển. Công nghệ này đã được Bộ NN-PTNT công nhận là tiến bộ kỹ thuật năm 2015 (theo QĐ số 193a/QĐ-TCLN-KH&HTQT ngày 5/5/2015).
Sản phẩm ván ép nhiều lớp biến tính kích thước lớn được tạo ra từ ván bóc gỗ bạch đàn Urô (12 tuổi) có đặc tính sau: Kích thước: dài 5.000mm; rộng 500mm; dày 30mm; Khối lượng thể tích trung bình: 751,35 kg/m3; độ bền uốn tĩnh: 69,62 (MPa); mô đun đàn hồi uốn tĩnh: 9490,3 (MPa); độ bền kéo trượt màng keo: t 5,09 (MPa) và mức độ trương nở chiều dày trung bình là 3,27% trên cả chiều dài sản phẩm.
Kích thước và độ bền cơ học của sản phẩm đã đáp ứng được yêu cầu vật liệu đóng boong, sàn, hầm tàu của các tàu thuyền đánh cá vừa và nhỏ (công suất dưới 100 mã lực).
Sản phẩm đã được Cty Đóng tàu Hiệp May (Quảng Ninh) chấp nhận sử dụng đóng sàn, hầm, cabin cho 1 tàu đánh cá trên biển công suất 150 mã lực. Kết quả là sau 5 năm hoạt động (tàu hạ thủy tháng 11/2010), vật liệu ván ép nhiều lớp nói trên vẫn trong tình trạng ổn định chất lượng.
Theo đánh giá của ông Lê Khang Hiệp, Giám đốc Cty Đóng tàu Hiệp May, sử dụng vật liệu ván ép nhiều lớp biến tính của Viện Nghiên cứu Công nghiệp rừng, chẳng những có lợi về kinh tế (giá mua gỗ giảm 5% so với gỗ chò chỉ; giảm 29% so với gỗ táu) mà còn tiết kiệm chi phí gia công tới 50% so với sử dụng gỗ xẻ thông thường vì vật liệu này đã có chiều dày và độ nhẵn bề mặt đáp ứng yêu cầu không cần gia công thêm.
Sử dụng gỗ rừng trồng bạch đàn Urô tạo vật liệu gỗ đáp ứng yêu cầu chất lượng vật liệu đóng tàu thuyền đi biển đã góp phần giảm bớt áp lực sử dụng gỗ rừng tự nhiên, giải quyết khó khăn về nhu cầu nguyên liệu gỗ cho lĩnh vực đóng mới và sửa chữa tàu thuyền góp phần gia tăng giá trị gỗ rừng trồng hiện nay ở nước ta.
Để tiếp tục hoàn thiện công nghệ sản xuất và mở rộng phạm vi sử dụng sản phẩm ván ép nhiều lớp biến tính từ gỗ rừng trồng, Viện Nghiên cứu Công nghiệp rừng đang thực hiện dự án sản xuất thử cấp Bộ với mục tiêu tiếp tục nâng cao chất lượng ván ép nhiều lớp kích thước lớn, đáp ứng yêu cầu chất lượng vật liệu đóng sàn xe ô tô, sàn container và tạo được sản phẩn ván ép nhiều lớp chịu nước, có tráng phủ ván lạng làm vật liệu đóng vách ngăn trên các tàu du lich trên sông, biển thay thế vật liệu gỗ rừng tự nhiên đang được sử dụng trong lĩnh vực đóng mới tàu thuyền.
NGUYÊN HUÂN
Nguồn: http://m.nongnghiep.vn/dong-tau-thuyen-di-bien-bang-bach-dan-uro-post174164.html
Tin mới nhất
- Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và phương hướng triển khai nhiệm vụ năm 2025
- Viện Nghiên cứu Công nghiệp rừng nhận cờ thi đua nhân kỷ niệm 50 năm thành lập
- VFCS được công bố tại website của Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản
- Lễ ký ký biên bản ghi nhớ về việc trao các mẫu vật liệu mới từ gỗ của Đại sứ quán (ĐSQ) Phần Lan để phục vụ trưng bày tại Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam
- Hội đồng nghiệm thu sản phẩm và tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ cấp tỉnh "Nghiên cứu hoàn thiện kỹ thuật nhân giống và xây dựng mô hình trồng thâm canh Vù hương (Cinnamomum balansae H.Lec) cung cấp gỗ lớn kết hợp lấy tinh dầu tại tỉnh Lào Cai"
Các tin khác
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết cấp cơ sở nhiệm vụ Điều tra, hỗ trợ kiểm kê rừng tại ba tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2015 – 2016.
- Tổ chức Hội đồng đánh giá luận án Tiến sĩ cấp Viện cho NCS Lê Minh Cường
- Hội thảo Nâng cao tính bền vững của hoạt động cung cấp và sử dụng nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ
- Triển vọng trồng rừng gỗ lớn từ bạch đàn lai UP - Báo Nông nghiệp Việt Nam
- Hội nghị IUFRO Phytophthora 2017 - Nấm Phytophthora hại rừng và các hệ sinh thái tự nhiên