Đánh giá vai trò của hộ gia đình trong phục hồi rừng phòng hộ đầu nguồn vùng hồ thủy điện Hòa Bình

Hoàng Liên Sơn

Phòng Nghiên cứu Kinh tế Lâm nghiệp

Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam

TÓM TẮT

Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong tổng số 86.979,8ha rừng và đất phòng hộ đầu nguồn (RPHĐN) cho khu vực hồ thủy điện Hòa Bình thì có tới 81.851,9ha, chiếm 94,1% tổng diện tích được giao cho hộ gia đình (HGĐ) quản lý. HGĐ tham gia vào hoạt động phục hồi RPHĐN trong dự án 661, Dự án 747 và dự án RENFODA. HGĐ đóng góp đất đai, công lao động và tham gia vào tất cả các hoạt động phục hồi RPHĐN như trồng mới, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh, làm giàu rừng, bảo vệ rừng,… các ban quản lý rừng phòng hộ và ban quản lý dự án chỉ đóng vai trò hỗ trợ, thúc đẩy về mặt kỹ thuật, kinh phí, giống,… và thực hiện kiểm tra, giám sát. Kết quả phục hồi RPHĐN do HGĐ thực hiện tại vùng hồ thủy điện Hòa Bình cho thấy trong giai đoạn 2005 – 2010 đã có 44.164 HGĐ tham gia phục hồi rừng của dự án 661, phục hồi được 247.236,1ha RPHĐN bao gồm trồng mới 15.446,8ha, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh 15.466,8 ha, bảo vệ rừng trồng và rừng tự nhiên được 226.369,8ha với tổng số vốn đầu tư lên tới 42.816,4 triệu đồng; Dự án 747 giai đoạn 1995 – 2008 trồng mới được 16.285,2ha RPHĐN với loài cây chủ yếu là Luồng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh và bảo vệ rừng được 852ha với tổng số vốn đầu tư cho phục hồi RPHĐN và hỗ trợ phát triển kinh tế hộ lên tới 170.947,55 triệu đồng; Dự án RENFODA trồng phục hồi được 341,55ha bao gồm trồng mới 269,55ha, làm giàu rừng và khoanh nuôi xúc tiến tái sinh được 72,3ha.Từ khóa: Phục hồi RPHĐN, vùng hồ thủy điện Hòa Bình, hộ gia đình

ĐẶT VẤN ĐỀ

Rừng phòng hộ đầu nguồn (RPHĐN) khu vực hồ thủy điện Hòa Bình có vai trò rất quan trọng trong việc nuôi dưỡng nguồn nước, hạn chế lũ lụt, giảm thiểu xói mòn đất gây bồi lắng lòng hồ. Tuy nhiên, do bị khai thác, sử dụng không hợp lý nên hiện nay hầu hết diện tích RPHĐN này đang bị suy thoái nghiêm trọng. Được sự quan tâm của Nhà nước, trong 20 năm qua đã có rất nhiều các chương trình, dự án trong và ngoài nước đầu tư phục hồi RPHĐN như Chương trình 327, Dự án 661, Dự án 747 (472) và một số dự án quốc tế tài trợ như Dự án RENFODA,… được triển khai nhằm phục hồi và nâng cao khả năng phòng hộ của rừng. Tuy nhiên, khác với những khu RPHĐN khác, RPHĐN vùng hồ Hòa Bình phân bố dọc 2 bên mép hồ đan xen với các phương thức sử dụng đất của 20 xã đồng bào dân tộc sống ở khu vực lòng hồ nên phần lớn RPHĐN vùng hồ Hòa Bình được giao cho các hộ gia đình (HGĐ) quản lý.Trong tổng số 86.979,8ha rừng và đất RPHĐN khu vực hồ thủy điện Hòa Bình thì có tới 81.851,9ha, chiếm 94,1% tổng diện tích này được giao cho HGĐ quản lý. Như vậy, có thể thấy rằng HGĐ giữ một vai trò rất quan trọng trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển RPHĐN ở khu vực hồ thủy điện Hòa Bình. Do vậy, việc làm rõ vai trò của HGĐ trong phục hồi RPHĐN ở khu vực làm cơ sở đề xuất những giải pháp thúc đẩy sự tham gia của HGĐ trong công tác phục hồi RPHĐN vùng hồ thủy điện Hòa Bình là rất cần thiết và có ý nghĩa.

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]