Công tác bảo tồn nguồn gen cây rừng giai đoạn 1996-2010

Nguyễn Hoàng Nghĩa và Phí Hồng Hải

Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam

TÓM TẮT

Từ năm 1989, đề tài nghiên cứu “Bảo tồn nguồn gen cây rừng” do Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam làm chủ trì đã thực hiện công việc điều tra khảo sát, xây dựng phương án bảo tồn, thu thập hạt giống, cây con hoặc cành hom và xây dựng một số khu sưu tập, quần thụ bảo tồn cho hàng trăm loài cây rừng quý hiếm và/hoặc có giá trị kinh tế. Năm mươi ba loài cây lá kim, 42 loài thuộc 6 chi Dầu; 216 loài/phân loài của 25 chi tre, và 107 loài cây lá rộng khác đã được điều tra và lên danh sách, từ đó làm cơ sở cho chọn lọc loài bảo tồn và đánh giá mức độ đe dọa theo tiêu chí của IUCN (2001). Cho tới nay, gần 80 ha quần thụ bảo tồn ex-situ và trên 60ha rừng trồng bảo tồn của 192 nguồn gen thuộc 84 loài, trong đó có 100 nguồn gen của 38 loài quý hiếm, đã được xây dựng tại Ba Vì – Hà Nội, Cầu Hai – Phú Thọ, Xuân Sơn – Phú Thọ, Lương Thịnh – Yên Bái; Bến En – Thanh Hóa, Măng Linh – Lâm Đồng, Đakplao – Đắk Nông, Bình Thuận, Bầu Bàng – Bình Dương, Cát Tiên – Đồng Nai và Cà Mau. Bên cạnh đó, công tác bảo tồn hạt giống cũng đã bước đầu được tiến hành cho 1000 lô hạt cá thể và xuất xứ của các loài như Keo tai tượng, Keo lá tràm, Keo lá liềm, Bạch đàn uro, Bạch đàn pellita, Bạch đàn grandis và Bạch đàn camal.Sử dụng hai loại chỉ thị phân tử RAPD và DNA lục lạp (cpADN) đánh giá mối quan hệ di truyền giữa các loài cây (cho 17 loài thuộc 6 chi họ Dầu và 12 loài cây họ Dầu) và đánh giá đa dạng di truyền trong loài (cho Linh xanh, Gõ đỏ, Giổi xương, Giổi xanh, Pơ mu, Sao lá hình tim, Bách xanh) đã được chú trọng thực hiện. Nghiên cứu nhân giống sinh dưỡng đã thành công cho nhiều loài cây bản địa. Công tác tư liệu hóa trên máy vi tính danh sách giống (xuất xứ và lô hạt) của 16 loài Bạch đàn, 31 loài Keo, 6 loài Thông, 10 loài Tràm, và 2 loài Phi lao. Chương trình tra cứu cơ sở dữ liệu trên máy tính đã được thiết kế cho 150 loài cây bản địa và bước đầu thử nghiệm trên Website của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam.

Từ khóa: Bảo tồn nguồn gen

I. MỞ ĐẦU

Bảo tồn các tài nguyên sống có ba mục tiêu chủ yếu, đó là (1) Bảo vệ các hệ sinh thái (bảo tồn thiên nhiên), (2) Bảo tồn sự đa dạng di truyền (bảo tồn nguồn gen) và (3) Bảo đảm sử dụng lâu bền các nguồn tài nguyên. Như vậy có thể dễ dàng nhận thấy vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng của bảo tồn nguồn gen trong chiến lược bảo vệ đa dạng sinh học (FAO, 1983). Bảo tồn nguồn gen thực chất là bảo tồn đa dạng di truyền tồn tại bên trong mỗi loài và giữa các loài. Đa dạng di truyền là biến dị di truyền có trong biến dị tự nhiên. Biến dị tự nhiên có bên trong mỗi loài là kết quả của các tương hỗ phức tạp giữa các yếu tố khác nhau như di truyền, phản ứng với sự đa dạng của môi trường sống, hệ thống nhân giống, mức độ lai chéo, lai giống, kích thước quần thể và sự cách ly. Cùng với quá trình tiến hóa, các yếu tổ này thường tạo nên các quần thể khác biệt về mặt di truyền bên trong một loài và tạo nên các cá thể khác biệt nhau về mặt di truyền bên trong quần thể (Baradat, 1986; Cossalter, 1989).

Việt Nam có một hệ thực vật rất phong phú và đa dạng, trong đó có khoảng 20% số loài là đặc hữu (N.N.Thìn 1997, T. V. Trừng 1998). Các nhà khoa học dự đoán Việt Nam có khoảng 15.000 loài thực vật, trong đó trên 10.000 đã được nhận biết. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân như chiến tranh kéo dài, khai thác lạm dụng, du canh du cư, chuyển đổi mục đích sử dụng đất đã làm diện tích và chất lượng rừng của nước ta bị suy giảm. Các hệ sinh thái rừng cũng bị suy thoái nghiêm trọng. Nhiều loài thực vật rừng quý hiếm đang bị khai thác, chặt hạ trái phép nên đang đứng trước nguy cơ bị đe doạ tuyệt chủng. Năm 1996, Việt Nam có 356 loài thực vật bị đe doạ tuyệt chủng (Sách đỏ Việt Nam 1996), thì con số này đã tăng lên 450 loài vào năm 2007 (Sách đỏ Việt Nam, 2007). Nếu chúng ta không có những chính sách và chiến lược bảo tồn kịp thời và hiệu quả thì con số này sẽ còn tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.

(Kỷ yếu Hội nghị Khoa học Công nghệ Lâm nghiệp với phát triển rừng bền vững và biến đổi khí hậu, trang 45-54)

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]