Vũ Tấn Phương, Võ Đại Hải
Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam
TÓM TẮT
Trong những năm gần đây, vai trò của rừng trong việc hấp thụ carbon, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đang được cộng đồng Quốc tế và Việt Nam rất quan tâm. Do vậy, việc nghiên cứu sinh khối là một yêu cầu khách quan và cấp bách phục vụ cho việc tính toán phát thải và thương mại giá trị hấp thụ carbon của rừng. Nghiên cứu được thực hiện tại Lâm Đồng, nơi rừng trồng Thông ba lá chiếm diện tích lớn. Nghiên cứu tiến hành xác định sinh khối và cấu trúc sinh khối của lâm phần rừng trồng Thông ba lá, gồm sinh khối tầng cây gỗ, sinh khối tầng cây bụi thảm tươi và sinh khối thảm mục theo tuổi rừng và cấp đất. Biểu cấp đất cho Thông ba lá đã được xây dựng nhưng mới đề cập đến sinh trưởng (D, H) của lâm phần theo từng cấp đất (Bộ NN&PTNT 2003).
Kết quả nghiên cứu cho thấy tổng sinh khối của toàn lâm phần ở cấp đất I là khoảng 348 tấn/ha; trên cấp đất II là khoảng 258 tấn/ha; trên cấp đất III là khoảng 171 tấn/ha; trên cấp đất IV là khoảng 120 tấn/ha; và trên cấp đất V là khoảng 86 tấn/ha. Cấu trúc sinh khối tầng cây gỗ (cây rừng) trong lâm phần là khoảng 86% (dao động từ 82-94%); của tầng cây bụi thảm tươi là 3,9% (dao động từ 1,3-7,7%); và của tầng thảm mục là 10,5% (dao động từ 4,6-16,6%).
Từ khoá: Sinh khối, Thông ba lá, Lâm Đồng.
ĐẶT VẤN ĐỀ
Nghiên cứu sinh khối và tăng cường trồng rừng trên các diện tích đất trống đồi núi trọc ở các vùng nhiệt đới từ lâu đã được thừa nhận là một giải pháp hữu hiệu trong việc giảm tỷ lệ gia tăng của khí CO2 trong khí quyển (Dyson, 1977). Khi cây sinh trưởng và phát triển, chúng hấp thụ carbon trong các tế bào và đồng nghĩa với việc gia tăng sinh khối của cây (trong rừng hoặc trong các sản phẩm từ rừng), như vậy nồng độ khí CO2 trong khí quyển sẽ giảm đi. Khả năng hấp thụ khí CO2 của rừng là vấn đề tiên quyết trong việc thúc đẩy các dự án hấp thụ carbon ở các nước đang phát triển, các quốc gia này có thể nhận đầu tư từ các công ty, chính phủ có mong muốn bù đắp lại lượng phát thải khí nhà kính của họ theo cơ chế phát triển sạch của Nghị định thư Kyoto (Fearnside, 1999).
Ở Việt Nam, các nghiên cứu cơ sở về sinh khối và trữ lượng carbon của rừng đang được quan tâm nghiên cứu từ một vài năm gần đây và cũng đã có những thành tựu đáng kể. Các nghiên cứu điển hình bao gồm nghiên cứu trữ lượng carbon trong các thảm thực vật như cỏ tranh, lau lách và cây bụi (Vũ Tấn Phương và cs, 2005); trữ lượng carbon của rừng trồng Keo tai tượng, Keo lá tràm, Bạch đàn urophylla (Ngô Đình Quế và cs, 2006; Vũ Tấn phương và cs, 2007); Thông (Nguyễn Ngọc Lung và cs, 2004; và Võ Đại Hải và cs, 2009).
Thông ba lá là loài cây có phân bố tự nhiên ở vùng Tây Nguyên (như Lâm Đồng, Kon Tum, v.v) và Tây Bắc (Hà Giang). Thông ba lá là loài cây chủ lực trong trồng rừng ở các tỉnh Tây Nguyên và một số vùng ở Hà Giang. Thông ba lá là loài cây sinh trưởng khá nhanh, nên ngoài giá trị về gỗ thì sinh khối và trữ lượng carbon được cho là khá lớn, có tiềm năng cao trong việc hấp thụ carbon. Chính vì vậy việc nghiên cứu sinh khối và trữ lượng carbon của rừng trồng Thông ba lá ở Lâm Đồng sẽ cung cấp cơ sở khoa học quan trọng trong việc kiểm kê khí nhà kính và thương mại giá trị carbon của rừng.
Tin mới nhất
- Tạp chí Khoa học Lâm nghiệp
- Ảnh hưởng của mật độ và phân bón đến năng suất rừng trồng Keo lai 9,5 năm tuổi ở Quảng Trị
- Nghiên cứu đặc điểm đất đai tại khu vực loài Trúc đen (Phyllostachys nigra Munro) phân bố tại Sa Pa, Lào Cai
- Phân tích chỉ số đa dạng sinh học của thực vật thân gỗ trong Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà - Tp. Đà Nẵng
- Nghiên cứu đa dạng di truyền cây Dầu rái (Dipterocarpus alatus Roxb.) bằng kỹ thuật RAPD
Các tin khác
- Đánh giá sinh trưởng của các loài keo trồng trong mô hình trình diễn của dự án phát triển ngành lâm nghiệp tại tỉnh Thừa Thiên Huế
- Xây dựng mô hình tính toán sinh khối cây cá thể Thông ba lá ở huyện Hoàng Su Phì tỉnh Hà Giang
- Xác định đường carbon cơ sở cho rừng phục hồi sau nương rẫy tại Tương Dương, Nghệ An
- Kết quả bước đầu nghiên cứu nhân giống Chò xanh (Terminalia myriocarpa Huerch et M.A) tại Tây Bắc
- Hiện trạng và một số giải pháp phát triển nguồn tài nguyên tre nứa ở xã Vạn Mai, huyện Mai Châu, Hòa Bình