Cải cách tiền lương chính là đầu tư tốt cho con người và xã hội

Trịnh Quang Khải

Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam

Số lượng người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước ở nước ta là rất lớn và đối tượng cũng rất đa dạng, bao gồm:

– Cán bộ công chức được tuyển dụng, được bổ nhiệm và được dân bầu thuộc các cơ quan hành chính quản lý Nhà nước, các cơ quan Đảng, đoàn thể (khoảng 38 vạn người), các cơ quan sự nghiệp- Giáo dục, y tế, khoa học. . . (khoảng 100 vạn người).

– Cán bộ lãnh đạo, công chức chuyên môn nghiệp vụ và nhân viên thuộc các doanh nghiệp Nhà nước.

– Sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên, hạ sỹ quan, chiến sỹ thuộc lực lượng vũ trang ( quân đội, lực lượng cơ yếu, công an)

– Cán bộ hưu trí mất sức ( 1.635.000 người trước năm 1995)

– Người có công với cách mạng (4,1 triệu người)

– Cán bộ xã phường, cán bộ y tế xã phường, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp (64 vạn người).

Cải cách tiền lương là cả vấn đề kinh tế- chính trị- xã hội. Nó đụng chạm đến đời sống số đông quần chúng thuộc mọi tầng lớp, nó tác động đến mọi cấp mọi ngành, nó ảnh hưởng đến tâm tư từng cán bộ, đảng viên. Vì vậy đòi hỏi Đảng và Nhà nước phải tổng kết thực tiễn để xây dựng một đề án cải cách tiền lương khoa học, đáp ứng được lòng mong đợi của mọi tầng lớp nhân dân.

Thực tế cho thấy Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng chính sách tiền lương, đã quan tâm cải cách tiền lương nhằm nâng cao mức sống của người lao động. Từ năm 1957 đến 1993, Nhà nước đã 3 lần cải cách tiền lương. Riêng từ năm 1993 đến nay đã 4 lần điều chỉnh mức lương tối thiểu. Có thể nói đề án tiền lương năm 1993 là bước tiến quan trọng về nhận thức đối với tiền lương trong điều kiện cơ chế thị trường. Nó đã góp phần xứng đáng vào sự thành công to lớn của nước nhà trong giai đoạn đầu của công cuộc đổi mới đất nước. Tuy nhiên, sau gần 10 năm vận hành, đề án tiền lương năm 1993 không còn phù hợp với tình hình của đất nước, khi mà nền kinh tế phát triển hơn, thu nhập quốc dân tăng nhanh, nhu cầu đời sống của nhân dân cũng cao hơn và đa dạng hơn. Những bất hợp lý của đề án tiền lương năm 1993 đã bộc lộ:

Mức lương tối thiểu 210.000 đ không đủ để tái sản xuất giản đơn sức lao động. Tiền lương chưa đủ đảm bảo cuộc sống cho cán bộ công chức ở mức trung bình, chưa có tác dụng khuyến khích cán bộ công chức tận tâm với công việc, chưa thu hút được nhân tài.

Mặt khác, thang lương, bậc lương hiện hành chưa đảm bảo công bằng, hợp lý giữa các công chức có cùng trình độ làm việc ở khu vực hành chính sự nghiệp với khu vực sản xuất kinh doanh; giữa cán bộ công chức công tác trong các cơ quan Đảng, đoàn thể với cán bộ công chức cơ quan Nhà nước. Đây là những lý do làm cho việc điều động cán bộ gặp rất nhiều khó khăn. Xu thế hiện nay là cán bộ trong bộ máy Nhà nước chuyển sang các doanh nghiệp và khu vực ngoài Nhà nước có chiều hướng tăng nhanh.

Thực tiễn cũng cho thấy: Thiết kế quá nhiều bậc lương trong mỗi ngạch như hiện nay đã làm tăng tính bình quân trong việc trả lương, làm cho mức chênh lệch giữa các bậc lương không còn ý nghĩa kinh tế thực sự, gây khó khăn cho việc điều động, sử dụng công chức. Ví dụ: công chức ngạch nghiên cứu viên cứ 3 năm được lên 1 bậc lương với tổng số tiền được tăng thêm là 210.000 x 0,24 = 50.400 đ.

Thang bậc lương của cán bộ công chức làm công tác nghiên cứu khoa học còn chưa hợp lý. Chẳng hạn, lương bậc 1 của cán bộ tốt nghiệp đại học trong thời gian tập sự bằng 1,86 x 210.000 x 85% = 332.100 đ thấp hơn học bổng của sinh viên lớp cử nhân tài năng là 500.000 đ. Đối với sinh viên tốt nghiệp xuất sắc được chuyển tiếp học thạc sỹ hoặc nghiên cứu sinh, sau 2 hoặc 4 năm tốt nghiệp cũng chỉ được xếp lương như sinh viên tốt nghiệp đại học.

Hệ thống bảng lương chức vụ bầu cử ( theo Quyết định 69 QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng) chưa giải quyết được bất hợp lý giữa người hưởng lương bầu cử với người hưởng lương chuyên môn nghiệp vụ.

Những bất hợp lý trong thiết kế tiền lương1993 đã trở thành vấn đề bức xúc hiện nay, đòi hỏi phải được nghiên cứu giải quyết. Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 9 đã chỉ rõ: “Cải cách cơ bản chế độ tiền lương cán bộ công chức theo hướng tiền tệ hoá đầy đủ tiền lương; điều chỉnh tiền lương tương ứng với nhịp độ tăng thu nhập trong xã hội; hệ thống thang bậc lương đảm bảo tương quan hợp lý, khuyến khích người có tài, người làm việc giỏi”. Trước hết phải quán triệt quan điểm coi nguồn lực con người là yếu tố căn bản đảm bảo sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Chi phí cho tiền lương chính là chi phí cho việc bồi đắp và sử dụng hiệu quả nguồn lực con người. Trả lương chính là đầu tư cho con người, đầu tư cho sự phát triển của xã hội.

Cải cách tiền lương phải được đặt trong tổng thể của quá trình cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, bảo đảm sự hài hoà với quá trình cải cách kinh tế, với những bước đi thích hợp, không gây xáo động về kinh tế- xã hội; đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước.

Từ những định hướng nêu trên, chúng ta cần nghiên cứu giải quyết một số vấn đề được đề xuất sau đây:

– Tạo thêm nguồn chi trả lương khác ngoài nguồn chi từ ngân sách Nhà nước như giao khoán quỹ lương cho doanh nghiệp, tự trang trải một phần hoặc toàn bộ tiền lương đối với các đơn vị sự nghiệp có thu.

– Xác định được mức lương tối thiểu chung cho toàn quốc, đảm bảo tiền lương thực sự là nguồn thu nhập chính yếu của người lao động.

– ápdụng hệ số điều chỉnh khu vực (từ 0 – 1,5 lần) và hệ số điều chỉnh vùng (từ 0 – 0.5 lần)

– Cho phép khu vực doanh nghiệp Nhà nước tự chọn mức lương tối thiểu, không khống chế mức lương tối đa với 2 điều kiện: Tốc độ tăng tiền lương bình quân phải nhỏ hơn tốc độ tăng năng suất lao động và lợi nhuận bình quân năm sau không nhỏ hơn lợi nhuận bình quân năm trước liền kề.

– Bỏ đối tượng hưởng lương do dân cử và bầu cử, có quy định riêng cho đối tượng này, vì trách nhiệm của họ lớn và thời gian làm việc dài.

– Khi tính bội số lương ngạch không áp dụng điều kiện lao động mà thay vào đó là hệ số điều chỉnh ngành. Như vậy 19 thang bảng lương thành 1 bảng lương.Ví dụ hiện nay công chức tốt nghiệp đại học khi được xếp vào bậc 1 các ngạch lại có hệ số lương rất khác nhau: Kỹ sư 1,78 ; Nghiên cứu viên 1,86 ; Thanh tra viên 2,01.

– Song song với cải cách tiền lương cũng cần phải thay đổi lại chế độ đóng bảo hiểm: Không đóng bảo hiểm bắt buộc với các hệ số điều chỉnh; lương hưu được tính trên cơ sở tổng đóng góp bảo hiểm xã hội của người lao động; tiền lương hưu được thừa kế 50% nếu người lao động mất sớm.

– Trong tương lai, phải tính toán để tách lương của khoảng 1,4 triệu người thuộc khối quản lý Nhà nước và khối sự nghiệp ra khỏi ngân sách Nhà nước, có như vậy mới giảm nhẹ gánh nặng của ngân sách Nhà nước.

Cải cách tiền lương là đòi hỏi khách quan của cuộc sống, cũng là một thử thách lớn đối với những cơ quan nghiên cứu, tham mưu cho Đảng và Nhà nước về chính sách tiền lương. Tuy đang trong xu hướng phát triển nhưng bối cảnh kinh tế – xã hội nước ta trong những năm tới còn nhiều khó khăn. Chúng ta đã có bước tiến bộ về lý luận và phương pháp tiếp cận trong quá trình xây dựng và vận hành đề án tiền lương năm 1993, nhưng vẫn chưa có một hệ thống lý luận đủ sức thuyết phục làm cơ sở cho hoạch định chính sách tiền lương mới. Vì vậy việc tiếp tục nghiên cứu, đánh giá khách quan, thực trạng để đưa ra các luận cứ khoa học và các giải pháp khả thi cho việc cải cách cơ bản chế độ tiền lương theo yêu cầu của Nghị quyết Đại hội Đảng IX, cần được cán bộ các cấp, các ngành tham gia đóng góp một cách rộng rãi.

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]