Nguyễn Tử Kim
Viện khoa học Lâm nghiệp Việt Nam
Cây Hông ( Paulownia fortunei Hemsl) thuộc họ Hoa mõm chó (Scrophulariaceae), là cây gỗ lớn, cao 20-30m, đường kính 50-60cm thậm chí có cây đường kính trên 100 cm. Cây ở tuổi 10 có thể đạt thể tích 0,4-0,5 m3. Phân bố chủ yếu ở Trung Quốc, Việt Namvà Lào. ở Việt Nam, cây Hông có mặt ở các vùng Bắc Trung bộ, Tây Bắc, Trung tâm, Đông Bắc bộ, nơi có độ cao 300-1300m, lượng mưa 1500-1850mm, nhiệt độ trung bình năm 20-230C. Trong tự nhiên cây Hông xuất hiện ở nơi đất trống hoặc mọc xen với các loài cây ưa sáng khác và thường chiếm tầng trên của rừng. Cây Hông tái sinh chồi mạnh, ngoài ra còn tái sinh từ rễ thành cây mới khi bị tác động cơ giới. Hiện nay, cây Hông đã được lựa chọn đưa vào danh sách các loài cây trồng rừng trong dự án trồng mới 5 triệu ha rừng của Việt Nam.
Cây Hông đã được nhiều nước như Trung Quốc, Đài Loan, Mỹ, úc,… quan tâm nghiên cứu về phân loại, các biện pháp kỹ thuật kinh doanh (gây trồng, chăm sóc, khai thác), các thuộc tính của gỗ, kỹ thuật chế biến, kỹ thuật bảo quản . . . Gỗ Hông có màu trắng vàng, mịn, mềm nhẹ, không bị nứt nẻ, cách nhiệt tốt, có khả năng chống mọt, mục, dễ hong sấy và gia công chế biến; là loại gỗ có thể sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau như gỗ xây dựng, chế biến bột giấy, đóng đồ gia dụng, bao bì, nông cụ, hàng thủ công mỹ nghệ. Gỗ Hông được sử dụng khá phổ biến ở Trung Quốc nhưng ở Việt Namthì chưa được ưa chuộng. Việc thiếu hiểu biết về loại gỗ này là một nguyên nhân dẫn đến ít sử dụng nó. Nghiên cứu về khuyết tật gỗ sẽ góp phần đánh giá được khả năng lợi dụng gỗ của loài cây này.
I. Vật liệu và phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu này nhằm tìm hiểu đặc điểm và khuyết điểm kỹ thuật của gỗ, tương quan giữa những biểu hiện thấy được trên vỏ và khuyết điểm bên trong gỗ.
Tiến hành chọn rừng, chọn cây, cưa khúc và lấy mẫu nghiên cứu theo đúng yêu cầu trong TCVN 355-70 và 356-70. Các cây được chọn nằm trong một khu vực có cùng điều kiện sống như hướng phơi, lập địa, tổ thành. Mẫu vật nghiên cứu được lấy tại Lâm trường Ngân Sơn, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn; hướng phơi đông nam, độ dốc 15-170, đất feralit phát triển trên phiến thạch sét, tầng dầy gần suối, có độ ẩm cao. Việc nghiên cứu khuyết tật bên ngoài được tiến hành ở phần thân thẳng dưới cành. Trước khi chặt mô tả vắn tắt đặc điểm hình thái, tình hình sinh trưởng và đánh dấu hướng đông-tây-nam-bắc bằng bút sơn lên thân cây được chọn. Sau khi chặt hạ phần thân dưới cành tiến hành quan sát và ghi chép những biểu hiện bên ngoài như độ dài dưới cành, đường kính gốc, đường kính ngọn, đường kính lõi, độ cong… sau đó xem xét, đo đếm, xác định vị trí của các biểu hiện bất thường trên vỏ cây theo các hướng và độ cao. Sau khi nghiên cứu đầy đủ các biểu hiện bên ngoài, phần thân này được đem xẻ thành ván và nghiên cứu các khuyết tật gỗ tương ứng hay không tương ứng với những biểu hiện trên vỏ. Kích thước của các khuyết tật tính bằng cm và chính xác tới 0,1 cm.
Các kết quả nghiên cứu được phân tích, xử lý và đánh giá dựa trên lý thuyết thống kê sinh học đủ độ tin để từ mẫu điển hình đi đến kết luận cho tổng thể.
II. Kết quả nghiên cứu và thảo luận
1. Những nhận định chung
Trên cơ sở xác định chiều cao cây, phần thân dưới cành, phần ngọn, đường kính và vòng sinh trưởng của cây chúng tôi nhận thấy Hông là loài cây có năng suất sinh trưởng cao. Tốc độ tăng trưởng chiều cao từ 1,6- 1,8m/năm và đường kính từ 2,3 – 2,7cm/năm. Sự phát triển theo chiều cao và hình dáng cây tuỳ thuộc vào điều kiện sinh thái, nếu gặp đất tốt, ánh sáng đầy đủ thì sau 10 năm cây cao khoảng 18-20 m và đường kính tại vị trí 1,3m là 35-40cm. Những cây mọc trong quần thụ có hình thù và phẩm chất gỗ tốt hơn cây mọc lẻ trên những diện tích đất trống. Một đặc điểm đặc biệt của gỗ Hông là rỗng ruột từ gốc tới ngọn và gặp ở tất cả các cây với kích thước từ 2-4cm; ở đây rỗng ruột không phải do bị sâu bệnh phá hại mà do tuỷ cây. Tuy nhiên, một số cây do bị cả sâu nấm phá hại nên rỗng ruột lớn hơn và không còn giữ được dạng hình tròn nguyên thuỷ. Không gặp trường hợp nào cây gỗ hai hay nhiều tâm.
2. Khuyết tật gỗ
2.1. Những biểu hiện trên vỏ của khuyết tật.
+ Hoa hồng: là dấu hiệu bên ngoài của gốc cành đã được bọc lại trong thân gỗ, có biểu hiện là những đường gờ cong trên vỏ giống như hình râu mép, dưới phần râu mép là phần vỏ bị nhăn nhúm có qui luật. Khi bóc vỏ tại vị trí hoa hồng thấy phần gỗ bên trong bị uốn xoắn. Đây chính là lớp gỗ bọc phát triển phủ kín gốc cành, đường kính thường gặp ở hoa hồng gỗ Hông là 2-3cm. Tuỳ theo kích thước của hoa hồng ta có thể xác định được kích thước của gốc cành.
+ Bướu: Là biểu hiện nổi cục bộ, sần sùi trên vỏ, che dấu gốc cành bên trong hoặc một tổn thương nào đó trên thân gỗ đã được lớp gỗ bọc phát triển phủ kín và do một nguyên nhân nào đó phần gỗ bọc này phát triển mạnh hơn phần gỗ bên cạnh nên nổi gồ lên. ở gỗ Hông phần thân thẳng dưới cành ít gặp bướu.
+ Các biểu hiện không bình thường khác trên vỏ: Là những biểu hiện như nứt, mầu sẫm, sùi nhựa, có thể che dấu một khuyết điểm nào đó trong gỗ hoặc không. Các khuyết điểm này có thể do tác động cơ giới, sâu bệnh hại gây ra. Qua điều tra thấy có hiện tượng sùi nhựa nhưng tỷ lệ số cây và số chỗ sùi nhựa thấp.
2.2. Các khuyết tật của thân cây.
+ Thót ngọn: Là sự giảm dần của đường kính gỗ tròn theo chiều từ gốc tới ngọn khúc gỗ. ở phần thân dưới cành của gỗ Hông, xác định được độ thót ngọn (độ thon) ¡=”1,3cm/m. + Bạnh: Là phần gỗ ở gốc và thân gần gốc phát triển thành khía (múi). Kết quả điều tra cho thấy cây Hông có bạnh thấp, không gặp trường hợp nào bạnh cao trên 50 cm.
+ Lệch tâm: Đa số các cây gỗ Hông đều lệch tâm nhưng độ lệch tâm không nhiều. Độ dẹt được xác định T = 5,8%.
+ Thân cong: Rất ít gặp ở gỗ Hông, nếu có chỉ là thân cong một chiều và độ cong là không đáng kể
2.3. Khuyết tật mắt gỗ.
Mắt hình thành là do gốc cành được bọc lại trong thân gỗ. Mắt là khuyết tật có ảnh hưởng lớn đến chất lượng và khả năng tận dụng của gỗ. Kết quả nghiên cứu cho thấy số lượng mắt ở phần thân phía dưới tương đối ít, càng lên cao càng tăng dần và khoảng từ 6-8m trở đi thì hầu như không tăng nữa. Sự phân bố của mắt theo chiều cao trên thân cây không đều, nơi nhiều nơi ít nhưng tương đối đều theo các hướng. Đường kính mắt và chiều dài mắt trên các cây mọc trong quần thụ nhỏ hơn trên cây mọc lẻ ngoài chỗ trống (đường kính 1-2cm, dài 4-4,5cm đối với cây mọc trong quần thụ và đường kính 2-3cm, dài 5-5,5cm đối với cây mọc lẻ). Chiều dài và đường kính mắt tăng theo chiều cao của cây. Tỷ lệ đoạn mắt thối trên toàn bộ chiều dài của mắt chiếm 15-20%. Không xác định được trường hợp nào thối từ đầu mắt vào trong thân. Tại vùng gỗ có mắt, chiều hướng thớ gỗ bị thay đổi. ở gỗ Hông do đường kính mắt thường nhỏ nên ít ảnh hưởng đến chiều hướng thớ gỗ và vì vậy ít ảnh hưởng đến phẩm chất gỗ.
2.4. Quan hệ giữa biểu hiện trên vỏ và các khuyết tật của gỗ.
Những khuyết tật của gỗ được thể hiện bằng những vết sẹo trên vỏ qua hình dạng, loại và độ lớn của sẹo ngoài vỏ. Trong một giới hạn nhất định, người ta có thể sơ bộ biết được tính chất của những khuyết điểm trong gỗ.
Hoa hồng trong mọi trường hợp là biểu hiện trên vỏ của mắt gỗ. Khảo sát biểu hiện hoa hồng trên vỏ cho thấy 91% các trường hợp có mắt ở trong gỗ còn 9% không thấy khuyết tật; có thể 9% đó nằm khuất trong ván sẻ nên không xác định được. Tỷ số đường kính hoa hồng và đường kính mắt là 100/62, nghĩa là người ta có thể đánh giá đường kính mắt bằng 60-65% đường kính hoa hồng. Hệ số tương quan giữa đường kính của hoa hồng với chiều dài của mắt r=”0,73″ và phương trình tương quan tuyến tính đường thẳng y= 0,35x + 1,54; trong đó y là chiều dài mắt và x là đường kính hoa hồng. Như vậy, bằng việc đo đếm kích thước hoa hồng biểu hiện bên ngoài có thể xác định được kích thước của mắt bên trong gỗ.
Bướu trên cây gỗ Hông ít và có kích thước nhỏ. Biểu hiện trên gỗ là u gỗ xoắn. Nhìn chung không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng gỗ. Những chỗ vỏ chồi lên chút ít nhưng không xác định được là bướu rõ rệt trong các trường hợp đều không đáng kể.
Tại những chỗ vỏ có chút ít biến dạng mà không có biểu hiện đặc biệt thì có tới 85% là gỗ không có khuyết tật còn 15% các trường hợp là che đậy một khuyết điểm nào đó trong gỗ như mắt nhỏ, khuyết tật do sâu bệnh hay do tác động cơ giới.
III. Kết luận
– Gỗ Hông có ít khuyết tật tự nhiên và các khuyết tật tự nhiên thường nhỏ nên không ảnh hưởng nhiều đến phẩm chất gỗ, phần gỗ lành mạnh nhiều, khả năng lợi dụng gỗ cao.
– Gỗ Hông phân cành sớm, nhất là nơi đất trống vì vậy cần che bóng trong năm đầu và chủ động tỉa cành nhằm tăng phần thân gỗ lành mạnh, mắt gỗ nhỏ và không bị thối.
– Cần có nghiên cứu thêm về khuyết tật tự nhiên của gỗ Hông ở các nơi khác. Nghiên cứu khuyết tật gia công chế biến, thời điểm khai thác hợp lý … là điều cần thiết để có kết luận tổng hợp về gỗ Hông.
Summary:Paulownia fortuneiis currently much planted in Vietnamas well as in some other countries in the region as it has wide ecological range and is at the same time a fast growing species, the wood of which can meet the raw material requirement of many industries.
To investigate the possibility of full use of the wood of this species, we have carried out the study on the natural defect of the wood from trees harvested in Ngan Son District, Cao Bang province. With the results obtained, we note that P. fortunei is a large timber species, fast growing with few natural wood defects. The wood defects are usually slight and thus little affect wood quality. Ratio of healthy wood is high allowing high ratio of wood used. Other characteristics of P. fortunei wood need be studied to have a comprehensive conclusion on it.
Tài liệu tham khảo
1. K. Esau, 1965. Plant anatomy, 2nded, Wiley.
2. Lutz- Harman, 1962. Những điều cần lưu ý khi sử dụng gỗ lá to. NXB Nông thôn.
3. Vũ Hân, 1964. Kiến thức cơ bản về gỗ. NXB Khoa học
4. TCVN 1074 – 86. Gỗ tròn – Phân cấp chất lượng theo khuyết tật
**************************************************
Tin mới nhất
- Tạp chí Khoa học Lâm nghiệp
- Ảnh hưởng của mật độ và phân bón đến năng suất rừng trồng Keo lai 9,5 năm tuổi ở Quảng Trị
- Nghiên cứu đặc điểm đất đai tại khu vực loài Trúc đen (Phyllostachys nigra Munro) phân bố tại Sa Pa, Lào Cai
- Phân tích chỉ số đa dạng sinh học của thực vật thân gỗ trong Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà - Tp. Đà Nẵng
- Nghiên cứu đa dạng di truyền cây Dầu rái (Dipterocarpus alatus Roxb.) bằng kỹ thuật RAPD
Các tin khác
- Giá trị dược liệu và cải thiện chất lượng trong nuôi trồng nhân tạo nấm Linh Chi Việt Nam
- Phương pháp ứng dụng điều tra lập địa trong công tác trồng rừng và khoanh nuôi tái sinh rừng ở một số dự án Lâm nghiệp quốc tế tại Việt Nam
- Đánh giá mức độ bệnh hại ở các loài và xuất xứ bạch đàn khảo nghiệm ở Đông Nam Bộ
- Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam 40 năm xây dựng và trưởng thành (1961-2001)
- Độ màu mỡ của đất rừng và năng suất cây bạch đàn ở miền Nam Tôgô