Bệnh chết ngọn cây sao đen ở Đông Nam Bộ

 

TS. Phạm Quang Thu

Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam

 

1. Mở đầu

Cây sao đen (Hopea odorata Roxb.) là loài cây gỗ lớn, chiều cao có thể đạt tới 30-40 mét và đường kính ngang ngực đạt được trên 80 cm. Trong điều kiện tự nhiên, sao đen mọc thành từng đám, hỗn giao với một số loài khác như dầu nước, vên vên, dầu lông, giáng hương, căm xe, trắc nghệ và phân bố ở những nơi thấp, ven khe suối. Sao đen phân bố ở rừng kín ẩm thường xanh, tập trung ở các tỉnh phía Nam, đặc biệt ở các tỉnh Đông Nam Bộ. Gỗ cây sao đen đã được dùng để đóng tàu thuyền đi biển, dùng trong các kết cấu chịu lực, chủ yếu trong xây dựng và giao thông vận tải vì vậy, cây sao đen đã được gây trồng từ rất lâu phục vụ cho nhu cầu kinh tế của đất nước. Hiện nay, cây sao đen được gây trồng rộng rãi ở các lâm trường Mã Đà, La Ngà (Đồng Nai), Tân Phú (Bình Dương), Ekmát (Đắc Lăk) và Xuân Sơn, Xuyên Mộc (Bà Rịa-Vũng Tàu) và nhiều địa phương khác. Nhìn chung, có nhiều mô hình thành công, cây sinh trưởng tốt, rừng khép tán, nhưng có một số mô hình cây sao đen sinh trưởng chậm và bị sâu bệnh như ở Lâm trường 4 La Ngà tỉnh Đồng Nai (Bùi Đoàn, 2002). Theo số liệu điều tra về bệnh hại cây sao đen đựoc tiến hành trong 2 năm 2001 và 2002 cho thấy khu rừng trồng sao đen trồng ở Tân Phú tỉnh Bình Dương và ở Lâm trường Vĩnh An tỉnh Đồng Nai đang bị mắc bệnh chết ngọn với tỷ lệ bị bệnh tương đối cao, mức độ bị bệnh khá nghiêm trọng, cây bị bệnh thường bị chết 1/3 chiều cao của cây đối với cây có đường kính ngang ngực từ 15 đến 20 cm như ở Tân Phú và chết 1/2 chiều cây đối với cây có đường kính nhỏ từ 7 đến 10 cm như ở lâm trường Vĩnh An tỉnh Đồng Nai. Bài viết này sẽ trình bày kết quả nghiên cứu xác định các loài nấm trên các mẫu bệnh cây sao đen làm cơ sở cho những nghiên cứu tiếp theo cho việc đề xuất các giải pháp quản lý nhằm hạn chế sự thiệt hại, góp phần phát triển và gây trồng thành công loài cây gỗ bản địa có giá trị này.

 

2.Sinh vật gây bệnh

Quan sát trực tiếp mẫu bệnh trên kính hiển vi soi nổi đã phát hiện thể quả của một loài nấm trên bề mặt của mẫu bệnh. Giải phẫu thể quả nấm, quan sát, chụp ảnh bào tử nấm trên kính hiển vi quang học BX 50 với vật kính phản pha. Loài nấm này có đặc điểm như sau: Túi bào tử gồm 8 bào tử, chiều dài của túi từ 180 đến 270 mm. Bào tử túi có chiều dài 30 —35 mm, chiều rộng 10 — 15 mm, bào tử có một vách ngăn ở chính giữa, bào tử chưa thành thục có màu nâu nhạt, vách ngăn không đậm màu, bào tử thành thục có màu nâu sẫm, vách ngăn ngang có màu nâu đen, trên thân bào tử có 1 vạch ngang và 1 — 3 vạch dọc màu nâu nhạt. Đối chiếu với mô tả của Ken Old và các cộng tác viên năm 2000 trong cuốn sách: Sổ tay bệnh hại keo nhiệt đới ở úc, Đông Nam á và ấn Độ, theo phân loại của Ainsworth và cộng sự năm 1973, loài nấm tìm thấy trên vỏ thân sao đen đã chết có tên như sau:

-Tên loài: Macrovalsaria megalospora (Mont.) Sivan.

-Bộ nấm túi đệm: Dothideales

-Lớp nấm xoang: Loculoascomycetes

-Ngành phụ nấm túi: Ascomycotina

 

Túi bào tử và bào tử túi Macrovalsaria megalospora (Mont.) Sivan

Loài nấm này lần đầu tiên được phát hiện ở Việt Nam. Ken Old và cộng sự khi mô tả về các bệnh hại các loài keo đã đề cập đến loài nấm này. Tác giả cho rằng đây là loài nấm gây bệnh hại thân keo, làm cho vỏ thân nơi nấm xâm nhiễm bị chết và sau đó ngọn cây keo bị héo và chết.Phân bố của loài nấm này rất rộng, gây bệnh chết ngọn cho keo tai tượng, keo lá tràm và keo lai ở nhiều nước, đặc biệt các nước vùng Đông Nam á. Các giả cũng cho rằng trên một số tài liệu tham khảo khác, nấm Macrovalsaria megalospora còn thấy xuất hiện nhiều trên thân cỏ, tre, luồng và các giá thể khác đã chết. Như vậy, loài nấm này sau giai đoạn ký sinh gây bệnh cho cây, chúng có thể tồn tại ở dạng hoại sinh, khi gặp điều kiện thuận lợi lại tiếp tục ký sinh gây bệnh. Cần có những nghiên cứu bổ sung để làm sáng tỏ vòng đời của loài nấm này.

 

3. Kết luận và một số giải pháp hạn chế dịch bệnh

– Bệnh chết ngọn cây sao đen ở Đông Nam Bộ gây thiệt hại đáng kể đến sản xuất, rừng trồng sao đen bị bệnh không có khả năng phục hồi.

– Bệnh chết ngọn sao đen ở Đông Nam Bộ do một loài nấm tồn tại ở 2 dạng ký sinh và hoại sinh, loài nấm này lần đầu tiên được phát hiện ở Việt Nam. Đây là một bệnh rất nguy hiểm cần đầu tư nghiên cứu về nấm bệnh, bệnh dịch học nhằm quản lý hiệu quả bệnh dịch, góp phần gây trồng thành công loài cây gỗ có giá trị này.

– Để hạn chế dịch bệnh xảy ra trên diện rộng cần áp dụng một số biện pháp sau đây:

-Biện pháp kỹ thuật lâm sinh: trồng cây đúng lập địa, không trồng những lập địa thoát nước kém, bị úng ngập cục bộ trong mùa mưa. Thực hiện tốt việc trồng cây che bóng cho cây con trong giai đoạn đầu và mở tán kịp thời cho cây sinh trưởng tốt trong những năm sau. Không trồng cây với mật độ quá cao ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây. Không nên tỉa cành và gây vết thương cho thân cây sao đen. Loài nấm bệnh này rất phổ biến trên các rừng keo, đặc biệt là rừng keo tai tượng, vì vậy cần có biện pháp kiểm soát tránh lây lan và thận trọng khi trồng keo tai tượng để che bóng cho sao đen.

-Biện pháp kiểm dịch: chặt toàn bộ cây bị bệnh và tiêu huỷ để tiêu diệt nguồn bệnh. Không thu hái hạt giống từ những cây mẹ ở vùng có bệnh.

-Chọn và trồng các xuất xứ có tính chống chịu bệnh cao là một hướng đicần được quan tâm nghiên cứu trong thời gian tới.

-Sản xuất cây con ở vườn ươm cần chú ý đến bón nhiễm chế phẩm nấm cộng sinh nhằn tạo cho cây sinh trưởng tốt, hạn chế dịch bệnh.

Rừng sao đen bị bệnh chết ngọn ở Lâm trường Vĩnh An – Đồng Nai

———————————-

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]