Cơ quan chủ trì: Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam
Chủ nhiệm đề tài: PGS. TS. Nguyễn Hoàng Nghĩa
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Keo và Bạch đàn hiện đang được lựa chọn làm hai trong số các loài cây trồng rừng chính ở Việt Nam và đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam, đặc biệt là đối với đời sống của người dân các tỉnh miền núi. Hơn nữa, đây cũng là các loài cây có giá trị kinh tế cao, có thị trường về nguyên liệu giấy, dăm và đồ gỗ xuất khẩu. Đặc biệt là các loài keo rất được ưa chuộng để đóng đồ gia dụng.
Công tác chọn, tạo giống keo và bạch đàn đã đạt được những thành công nhất định, hàng loạt các gống mới đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận là giống quốc gia và giống tiến bộ kỹ thuật tại các điểm khảo nghiệm giống cụ thể. Các nghiên cứu về kỹ thuật trồng rừng thâm canh cho keo và bạch đàn đã được thực hiện tại một số vùng. Tuy nhiên các giống tiến bộ kỹ thuật kể trên hầu hết chưa được khảo nghiệm một cách rộng rãi trên nhiều vùng sinh thái, sự phù hợp của các giống tiến bộ kỹ thuật trên đối với các vùng sinh thái được biết hiện nay rất hạn hẹp, mỗi dòng chỉ phù hợp trên 1 đến 2 vùng. Thêm vào đó, các giống tiến bộ kỹ thuật kể trên hầu hết mới chỉ được đánh giá về mặt sinh trưởng, chưa được đánh giá về mặt bệnh hại ngoại trừ một số dòng keo lai như AH7, AH1 và một số dòng Keo lá tràm như AA9, AA15 và AA1 đã được đánh giá về tính kháng bệnh. Kỹ thuật trồng rừng thâm canh chỉ được tiến hành ở một số vùng sinh thái, đặc biệt là kỹ thuật trồng rừng thâm canh cho các dòng bạch đàn lai chưa có. Vì vậy tiến hành khảo nghiệm các giống trên năm vùng sinh thái và thử nghiệm các biện pháp kỹ thuật thâm canh ở các vùng sinh thái là cần thiết và có ý nghĩa khoa học và thực tiễn.
Từ thực tiễn trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao cho Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam tiến hành đề tài: “Nghiên cứu khảo nghiệm và kỹ thuật trồng thâm canh một số giống tiến bộ kỹ thuật được công nhận những năm gần đây cho keo và bạch đàn tại một số vùng trọng điểm” giai đoạn 2009-2013. Đến nay đề tài đã đạt được một số kết quả ban đầu. Báo cáo này trình bày kết quả đề tài đã đạt được trong quá trình thực hiện từ tháng 1 năm 2009 đến tháng 12 năm 2010.
2. NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Nội dung nghiên cứu
2.1.1. Xây dựng mô hình:
a. Trồng khảo nghiệm các dòng tiến bộ kỹ thuật keo lai, Keo lá tràm và bạch đàn trên theo quy trình thâm canh nhằm đánh giá năng suất của từng dòng (48ha)
b. Khảo nghiệm bổ sung quy trình kỹ thuật trồng rừng thâm canh keo lai, Keo lá tràm và bạch đàn (32ha)
– Thí nghiệm xây dựng vườn ươm bằng giá thể hữu cơ (Không có đất) và phân chuồng cho keo lai.
– Thí nghiệm về mật độ (một mật độ trồng rừng chính theo các quy trình trồng rừng thâm canh keo và bạch đàn và một mật độ thử nghiệm).
– Thí nghiệm về phân bón (phân NPK, phân hữu cơ vi sinh và chế phẩm viên nén vi sinh vật MF1 – đây là chế phẩm lần đầu tiên được sử dụng tại Việt Nam, có tác dụng giữ nước, chống bệnh thối cổ rễ cho một số loài cây keo và bạch đàn, đặc biệt chống bệnh đốm lá, bệnh khô cành ngọn và cháy lá bạch đàn do các loài nấm rất nguy hiểm đối với bạch đàn là Cryptosporiopsis eucalypti và Cylindrocladium quinqueseptatum gây ra).
– Thí nghiệm trồng rừng bằng cây có bầu giá thể hữu cơ (cho keo lai) và phân bón.
– Thí nghiệm trồng bằng các biện pháp cuốc hố, cày mặt, cày ngầm
2.1.2. Xây dựng 05 vườn đầu dòng những dòng có triển vọng trên 5 vùng sinh thái
2.1.3. Xây dựng dự thảo quy trình kỹ thuật trồng rừng thâm canh và tập huấn chuyển giao kỹ thuật
a. Xây dựng dự thảo quy trình kỹ thuật trồng rừng thâm canh trên 5 vùng sinh thái
– Dự thảo quy trình kỹ thuật trồng rừng thâm canh cho keo lai;
– Dự thảo quy trình kỹ thuật trồng rừng thâm canh cho Keo lá tràm;
– Dự thảo quy trình kỹ thuật trồng rừng thâm canh cho bạch đàn;
b. Tập huấn chuyển giao kỹ thuật tại 5 vùng sinh thái
2.2. Phương pháp nghiên cứu
2.2.1. Phương pháp điều tra bệnh hại
Điều tra phân cấp bệnh hại (5 cấp: từ cấp 0 đến 4) cho các dòng bạch đàn và keo tại các khu khảo nghiệm giống đối với bệnh hại lá bạch đàn, bệnh hại thân đối với các loài keo theo 5 cấp, tính tỷ lệ bị bệnh và chỉ số bệnh bình quân cho mỗi dòng/gia đình.
2.2.2. Phương pháp xây dựng mô hình
a. Phương pháp khảo nghiệm dòng vô tính
Phương pháp thiết lập các khu khảo nghiệm giống theo các phương pháp được mô tả trong Tiêu chuẩn ngành 04 TCN 147 – 2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành kèm theo quyết định số 4108/QĐ/BNN-KHCN ngày 29 tháng 12 năm 2006. Khảo nghiệm dòng vô tính được bố trí theo khối ngẫu nhiên 8 lần lặp, mỗi lặp trồng 10 cây. Khảo nghiệm diện rộng được trồng tập trung theo đám từ 100 cây đến 200 cây, có thể có lặp hoặc không; cự ly trồng: 2,0 x 3,0m.
b. Phương pháp khảo nghiệm bổ sung quy trình kỹ thuật lâm sinh
Trồng bổ sung thí nghiệm về mật độ (hai loại mật độ) và phân bón (phân NPK, phân hữu cơ vi sinh và viên nén MF1)
2.2.3. Tính toán và xử lý số liệu
Số liệu được xứ lý bằng phần mềm GENSTAT 5 và Dataplus 3.0 đối với các khảo nghiệm giống (phân tích phương sai, độ biến động); các khảo nghiệm diện rộng số liệu được tính toán và xử lý bằng Excel 7.0.
3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
3.1. Kết quả xây dựng khảo nghiệm
– Thí nghiệm xây dựng được 01 vườn ươm bằng giá thể hữu cơ (không có đất) và phân chuồng cho keo lai.
– Đề tài đã xây dựng được 60ha keo lai, Keo lá tràm và bạch đàn trên 5 vùng sinh thái:
1. Vùng sinh thái Tây Bắc (xã Trường Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) 12ha,
2. Vùng sinh thái Trung Tâm (xã Cẩm Ân, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) 12ha,
3. Vùng sinh thái Bắc trung bộ (xã Lương Sơn, Thường Xuân, Thanh Hóa) 12ha,
4. Vùng sinh thái Tây Nguyên (Trạm Đắc Plao, tỉnh Đắc Nông) 12ha,
5. Vùng sinh thái Tây Nam Bộ (Kiên Lương, Kiên Giang) 12ha.
Cụ thể mỗi vùng như sau:
2009: Keo lai: 0,5 ha khảo nghiệm; 2ha mô hình diện rộng/vùng;
Keo lá tràm: 0,5ha khảo nghiệm, 1ha mô hình diện rộng/vùng;
2010: Bạch đàn 0,5ha khảo nghiệm; 1,15ha mô hình diện rộng; 0,9ha thâm canh bổ sung quy trình KTLS; 0,25ha thí nghiệm các biện pháp cuốc hố, cày mặt, cày ngầm/vùng;
Keo lai: 1,6ha mô hình diện rộng; 1,35ha thâm canh bổ sung quy trình KTLS; 0,25ha thí nghiệm các biện pháp cuốc hố, cày mặt, cày ngầm/vùng;
Keo lá tràm 0,75ha mô hình diện rộng; 1ha thâm canh bổ sung quy trình KTLS; 0,25ha thí nghiệm các biện pháp cuốc hố, cày mặt, cày ngầm/vùng.
– Kết quả khảo nghiệm các giống keo lai và Keo lá tràm năm 2009 tại 5 vùng sinh thái cho thấy cây thí nghiệm sinh trưởng tốt như ở Yên Bái (2009) và Hòa Bình (2010). Trong đó: dòng AH1 sinh trưởng tốt nhất ở cả năm điểm khảo nghiệm, đặc biệt là ở Yên Bái. Các dòng Keo lá tràm tuy sinh trưởng kém hơn các dòng keo lai nhưng các dòng AA1, AA9 và AA15 rất có triển vọng tại các điểm khảo nghiệm.
3.2. Kết quả điều tra bệnh hại bạch đàn và keo
Kết quả điều tra rừng trồng thí nghiệm năm 2009 tại 5 vùng sinh thái cho thấy các dòng keo lai và Keo lá tràm mới bị một số loại bệnh hại không nguy hiểm, bị hại ở mức nhẹ và tỷ lệ bị bệnh thấp. Các loại bệnh chính hại keo tại các vùng được tổng hợp trong các bảng sau:
Bảng 1: Danh mục các sinh vật gây bệnh trong khu khảo nghiệm tại Yên Bái
TT |
Tên sinh vật gây bệnh |
Cây chủ |
Tên bệnh |
Bộ phận bị hại |
1 |
Pestalotiopsis neglecta |
Keo lá tràm, keo lai |
Bệnh héo lá |
Lá |
2 |
Oidium acaciae |
Keo lá tràm, keo lai |
Bệnh phấn trắng |
Cây con |
3 |
Phomopsis sp. |
keo lai, Keo lá tràm |
Đốm lá |
Lá |
Bảng 2: Danh mục các sinh vật gây bệnh keo ở Hòa Bình
TT |
Tên sinh vật gây bệnh |
Cây chủ |
Tên bệnh |
Bộ phận bị hại |
1 |
Meliola brisbanensis |
keo lai, Keo lá tràm |
Bồ hóng |
Lá |
2 |
Oidium acaciae |
keo lai, Keo lá tràm |
Bệnh phấn trắng |
Lá |
3 |
Pestalotiopsis neglecta |
keo lai, Keo lá tràm |
Đốm lá |
Lá |
4 |
Phomopsis sp. |
Keo lá tràm |
Đốm lá |
Lá |
Bảng 3: Danh mục các sinh vật gây bệnh keo ở Thanh Hóa
TT |
Tên sinh vật gây bệnh |
Cây chủ |
Tên bệnh |
Bộ phận bị hại |
1 |
Oidium acaciae |
keo lai, Keo lá tràm |
Bệnh phấn trắng |
Lá |
2 |
Pestalotiopsis neglecta |
keo lai, Keo lá tràm |
Đốm lá |
Lá |
Bảng 4: Danh mục các sinh vật gây bệnh keo ở Đắc Nông
TT |
Tên sinh vật gây bệnh |
Cây chủ |
Tên bệnh |
Bộ phận bị hại |
1 |
Oidium acaciae |
keo lai, Keo lá tràm |
Bệnh phấn trắng |
Lá |
2 |
Pestalotiopsis neglecta |
keo lai, Keo lá tràm |
Đốm lá |
Lá |
3 |
Phomopsis sp. |
Keo lá tràm |
Đốm lá |
Lá |
Bảng 5: Danh mục các sinh vật gây bệnh keo ở Kiên Giang
TT |
Tên sinh vật gây bệnh |
Cây chủ |
Tên bệnh |
Bộ phận bị hại |
1 |
Meliola brisbanensis |
Keo lai, Keo lá tràm |
Đốm lá |
Lá |
2 |
Pestalotiopsis neglecta |
Keo lai, Keo lá tràm |
Đốm lá |
Lá |
3 |
Phomopsis sp. |
Keo lai |
Đốm lá |
Lá |
4 |
Phyllosticta sp. |
Keo lai |
Đốm lá |
Lá |
4. KẾT LUẬN
– Các dòng keo lai 1 tuổi sinh trưởng tốt, đặc biệt là dòng AH1 sinh trưởng tốt nhất ở cả năm điểm khảo nghiệm.
– Các dòng Keo lá tràm tuy sinh trưởng kém hơn các dòng keo lai nhưng các dòng AA1, AA9 và AA15 rất có triển vọng tại các điểm khảo nghiệm.
– Tại các điểm khảo nghiệm đều có xuất hiện bệnh nhưng mới chỉ thấy các bệnh hại lá với mức độ bị hại nhẹ, chưa ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Tiếng Anh
– Caroline Mohamed et al, 2003 Heart rot disease of Acacias in Indonesia, 8th ICPP 2003, Christchurch New Zealand.
– Ken Old et al, 2003 A manual of Diseases of Eucalypts in Soth-east Asia, CIFOR
– Thu PQ, Griffiths MW, Pegg GS, McDonald, JM, Wylie, FR, King J and Lawson,SA. 2010. Healthy Plantations: A field guide to pets and pathogens of Acacia, Eucalyptus and Pinus in Vietnam. Department of Employment, Economic, Deverlopment and Innovation, Queensland, Australia.
Tiếng Việt
– Lester W. Burgess, Timothy E. Knight, Len Tesoriero, Phan Thuy Hien, 2009. Cẩm nang chuẩn đoán bệnh cây ở Việt Nam. Chuyên khảo ACIAR, số 129A, 210pp.
– Lê Đình Khả 2002. Nghiên cứu chọn tạo giống và nhân giống cho một số loài cây trồng rừng chủ yếu. Đề tài cấp Nhà nước KHCN 08-04. Giai đoạn1: 1996-2001, Báo cáo khoa học, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam
– Nguyễn Hoàng Nghĩa, 2006. Nghiên cứu chọn giống kháng bệnh có năng suất cao cho một số loài bạch đàn và keo. Đề tài cấp Bộ, Giai đoạn 1: 2001-2005. Báo cáo khoa học, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam.
Tin mới nhất
- Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và phương hướng triển khai nhiệm vụ năm 2025
- Viện Nghiên cứu Công nghiệp rừng nhận cờ thi đua nhân kỷ niệm 50 năm thành lập
- VFCS được công bố tại website của Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản
- Lễ ký ký biên bản ghi nhớ về việc trao các mẫu vật liệu mới từ gỗ của Đại sứ quán (ĐSQ) Phần Lan để phục vụ trưng bày tại Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam
- Hội đồng nghiệm thu sản phẩm và tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ cấp tỉnh "Nghiên cứu hoàn thiện kỹ thuật nhân giống và xây dựng mô hình trồng thâm canh Vù hương (Cinnamomum balansae H.Lec) cung cấp gỗ lớn kết hợp lấy tinh dầu tại tỉnh Lào Cai"