Bản chất kinh tế của sản xuất lâm nghiệp và tính tất yếu khách quan của quá trình tích tụ ruộng đất

Trần Văn Con

Phòng Nghiên cứu Kỹ thuật Lâm sinh

Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam

TÓM T ẮT

Bài viết phân tích các bản chất kinh tế của rừng và đặc trưng cơ bản của quá trình sản xuất lâm nghiệp trong nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường chịu sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa để làm rõ tính tất yếu khách quan của quá trình tích tụ ruộng đất trong phát triển rừng và nghề rừng ở nước ta hiện nay. Bản chất kinh tế của rừng được thể hiện ở ba thuộc tính cơ bản: (i) nó vừa là đối tượng vừa là tư liệu sản xuất; (ii) giá trị sử dụng của rừng mang tính tổng hợp và đa mục đích và (iii) giá trị sử dụng của rừng mang tính tiềm năng nghĩa là ích lợi của rừng không chỉ nằm ở các giá trị sử dụng của sản phẩm và dịch vụ của nó mà còn ở khả năng tái tạo ra các giá trị đó. Đặc trưng cơ bản của quá trình sản xuất lâm nghiệp là ở chổ kết hợp hài hoà quá trình tái sản xuất sinh học có luân kỳ lâu năm với quá trình tái sản xuất kinh tế có chu kỳ hàng năm. Do dó, đối tượng sản xuất lâm nghiệp không phải là một hay tổng của nhiều cây, hoặc một hay tổng của nhiều lâm phân cộng lại một cách đơn thuần mà là một đơn vị quản lý rừng (FMU) có diện tích đủ lớn, có cấu trúc không gian và thời gian thích hợp để lấy không gian thay thế thời gian nhằm kết hợp tối ưu hai quá trình tái sản xuất sinh học và tái sản xuất kinh tế. Giao đất giao rừng cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng và tổ chức ngoài nhà nước là sự cần thiết để thực hiện việc chuyển đổi một nền lâm nghiệp Nhà nước với đặc trừng tập trung, quan liêu, bao cấp và kém hiệu quả thành một nền lâm nghiệp xã hội với sự tham gia tích cực của mọi thành phần kinh tế; tạo ra sự công bằng về cơ hội phát triển kinh tế cho mọi thành phần. Tuy nhiên, mặt trái của quá trình này là việc chia lẻ rừng, đất lâm nghiệp vào tay các chủ rừng không thuận lợi cho quá trình sản xuất, quản lý. Tích tụ đất đai là điều kiện tất yếu khách quan để chuyền nền kinh tế lâm nghiệp sản xuất nhỏ lẻ, manh mún thành nền lâm nghiệp sản xuất hàng hoá theo hướng tập trung hoá, chuyên môn hoá, công nghiệp hoá và hiện đại hoá.

Từ khoá: Bản chất kinh tế của rừng, đặc trưng của sản xuất lâm nghiệp, tích tụ ruộng đất

ĐẶT VẤN ĐỀ

Những hạn chế và yếu kém trong hệ thống tổ chức và thực tiễn quản lý, kinh doanh rừng của chúng ta hiện nay có rất nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng nguyên nhân cội nguồn có thể xuất phát từ những nhận thức và quan niệm sai lầm hoặc thiếu chính xác về đối tượng và bản chất triết học của quá trình sản xuất lâm nghiệp. Quan niệm về nội dung lâm nghiệp đã, đang và sẽ thay đổi theo từng giai đoạn phát triển của xã hội tuỳ vào trình độ nhận thức, nhu cầu và xu thế phát triển của từng thời kỳ (Trần Văn Con, 2006). Đối tượng của ngành lâm nghiệp là đất rừng và các hệ sinh thái rừng (HSTR). Nhận thức khác nhau về rừng sẽ dẫn đến các quan niệm khác nhau về chiến lược tổ chức và phát triển nghề rừng. Ví dụ nếu quan niệm rừng là “kho tài nguyên thiên nhiên bất tận” thì chiến lược quản lý rừng chỉ chú trọng đến khâu khai thác tài nguyên (cũng như các nguồn tài nguyên khoáng sản khác). Nhưng nếu quan niệm rừng là một hệ sinh thái (một cơ thể sống) có các qui luật phát sinh, phát triển và suy thoái thì việc kinh doanh rừng phải cân đối được cả khâu khai thác và xây dựng tái tạo lại hệ sinh thái đó.

Cập nhật tại đây

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]