Kỹ thuật trồng Thông đuôi ngựa

THÔNG ĐUÔI NGỰA

Tên khác: Thông mã vĩ

Tên khoa học: Pinus massoniana Lamb.

Họ thực vật: Thông (Pinaceae)

1. Đặc điểm hình thái

          Cây gỗ lớn, có thân tròn, thẳng, cao từ 20-25m, nơi đất tốt có thể cao 30m, đường kính lớn nhất đạt 0,5-0,6m, các bộ phận non của thân và cành có màu nâu nhạt. Vỏ mỏng và bong thành mảng, đây chính là đặc điểm bề ngoài để phân biệt với thông nhựa. Vỏ cây màu nâu sẫm, nứt dọc. Tỉa cành tự nhiên sớm, cây từ 5-6 tuổi trở đi trên thân để lại nhiều vết sẹo của các vòng cành. Cành nhánh cong queo tạo nên tán cây xơ xác khi cây trưởng thành từ 20 tuổi trở đi.

Lá cây có 2 dạng hình dải và hình kim, lá hình dải chỉ tồn tại ở cây con dưới 1 tuổi, mọc cách vòng thân cây non có màu xanh lá mạ với chiều dài 2-4cm, lá kim tăng dần theo tuổi cây và dài tối đa 15-20cm ở cây trưởng thành. Tán lá ở cây 5-10 tuổi hình tháp, hình trứng và hình lọng ở tuổi già.

Thông đuôi ngựa 6-7 tuổi đã bắt đầu ra nón. Nón đơn tính cùng gốc, nón đực mọc cách vòng ở gốc chồi ngọn, nón cái 1-4 mọc vòng ở đỉnh chồi ngọn. Cây ra nón vào tháng 3-4, nón chín vào tháng 11-12 năm sau. Hạt có hình trái xoan dẹt, khi chín có màu nâu sẫm.

Thongduoingua

2. Đặc tính sinh thái

Thông đuôi ngựa có nguồn gốc địa lý ở vùng ôn đới Trung Quốc, phân bố liên tục trên phạm vi rộng từ 18-23o vĩ Bắc. Ở Việt Nam Thông đuôi ngựa mọc rải rác ở một số tỉnh biên giới từ 21o vĩ Bắctrở lên.

Là cây ưa sáng nhưng chịu bóng lúc nhỏ. Thông đuôi ngựa thích hợp trồng ở nơi >23o vĩ Bắc, độ cao so với mực nước biển 700-1500m, nhiệt độ không khí bình quân năm 17-22oC, ẩm độ không khí >80%, mưa hàng năm 1000-1500mm. Có thể mở rộng vùng trồng ở nơi 18-22o vĩ Bắc, độ cao 300-700. Không thích hợp trồng ở nơi <18o vĩ Bắc, độ cao tuyệt đối dưới 300m và độ ẩm không khí <80%.

Thông đuôi ngựa thích hợp với các loại đất hình thành từ đá mẹ macma chua và đá cát, có thành phần cơ giới nhẹ, độ xốp cao, dễ thoát nước, mùn từ ít đến trung bình, pHKCl=4-4,5.

Tái sinh hạt rất mạnh trên đất trống trọc nếu có đủ cây mẹ gieo giống.

3. Giống và tạo cây con

Áp dụng tiêu chuẩn ngành 04TCN 63-2002 – quy trình kỹ thuật trồng rừng Thông đuôi ngựa ban hành kèm theo quyết định số 5205/QĐ-BNN-KHCN ngày 26/11/2002 của Bộ NN&PTNT.

Phải sử dụng nguồn giống trong rừng giống đã được đầu tư chuyển hóa từ rừng trồng kinh tế và theo tiêu chuẩn ngành số 3918/QĐ-BNN-KHCN ngày 22/8/2001 của Bộ NN&PTNT về hạt giống Thông đuôi ngựa. Giống từ các rừng giống chuyển hóa ở Đình Lập và Lộc Bình – Lạng Sơn.

Chọn đất vườn ươm có thành phần cơ giới nhẹ, cao ráo. Không chọn đất đã qua canh tác nông nghiệp, nơi úng ngập, mực nước ngầm cao.

Tạo cây con có bầu kích cỡ 8×12 cm, vỏ bằng Polyetylen ruột bầu là hỗn hợp 88% đất tầng A+B dưới tán rừng thông hoặc đất tế guột + 10% đất mùn thông + 2% supe lân.

Xử lý hạt bằng ngâm vào thuốc tím 0,1% trong 30 phút, vớt ra để ráo nước lại ngâm vào nước ấm 40-45oC trong 6 giờ, vớt ra để ráo nước cho vào túi vải ủ cho nứt nanh thì đem gieo với lượng 1kg hạt gieo trên 15-20m2 luống gieo.

Gieo hạt vào tháng 9-10 để trồng cây vụ Xuân, gieo hạt từ 15/10 đến 30/11 để trồng vụ Xuân Hè.

Sau khi gieo hạt phải phủ lớp đất dầy 3-4mm, rồi phủ mặt luống bằng rơm rạ đã khử trùng bằng nước vôi loãng.

Khi cây mầm dài 1-1,5cm còn mũ hình que diêm đem cấy vào bầu. Trước ngày cấy phải tưới nước cho bầu đủ ẩm với lượng 6 lít/m2. Khi cấy xong tiến hành cắm ràng ràng che mặt luống với độ che phủ 80-90% và tưới nước cho cây. Sau 45 ngày dỡ bỏ ràng ràng để độ che phủ còn lại 50%, sau 90 ngày dỡ bỏ hoàn toàn.

Nếu cây sinh trưởng kém ở các giai đoạn 120-180 ngày thì sau 15-20 ngày bón thúc 1 lần. Dùng phân NPK (3:6:1) hoặc supe lân Lâm Thao khi cây biểu hiện tím hòa 2kg phân với 400 lít nước tưới cho 1000 bầu cây chia làm 6 lần.

Chăm sóc bảo vệ cây con cẩn thận trong suốt thời gian nuôi tạo ở vườn. Đặc biệt chú ý phải giữ đủ ẩm nhưng thoát nước tốt, phòng trừ bệnh lở cổ rễ trong tháng đầu, bệnh rơm lá thông trong mùa mưa bằng thuốc Boocđô 0,5% phun với lượng 1 lít/4m2, 10-15 ngày 1 lần.

Tiêu chuẩn cây đem trồng có tuổi từ 6 đến 9 tháng, cao 25-30 cm, đường kính cổ rễ 2,5-3mm, khoẻ mạnh, xanh tốt, rễ có nấm cộng sinh, không bị cụt ngọn.

4. Trồng và chăm sóc rừng

Phát thực bì toàn diện, dọn sạch, cuốc hố 30x30x30cm hoặc 40x40x40cm kết hợp bón lót 10g NPK loại 5:10:3 và 200 gam phân hữu cơ vi sinh cho 1 hố nếu có điều kiện.

Mật độ trồng 1330 cây/ha (3m x 2,5m) hoặc 1660 cây/ha (2,5m x 2,5m).

Vụ Xuân là vụ trồng chủ yếu, giữa tháng 2 đến tháng 4, chọn ngày râm mát, lặng gió, nếu có mưa càng tốt. Nếu do điều kiện phải trồng muộn thì sẽ trồng cây vào vụ Thu giữa tháng 7 đến đầu tháng 9, chọn những ngày râm mát.

Khi trồng cây phải rạch bỏ vỏ bầu, trồng vào những ngày giâm mát, tuyệt đối tránh những ngày có gió heo may hoặc có mưa to gió lớn.

Chăm sóc 3 năm liền, 2-3 lần/ năm, chủ yếu phát luỗng cây cỏ xâm lấn, vun xới đất quanh gốc đường kính 0,8-1,0m. Năm chăm sóc thứ 2 kết hợp bón phân NPK loại 5:10:3 với lượng 100g và 200g phân hữu cơ vi sinh cho mỗi cây.

Nhất thiết phải thiết lập các băng trắng và băng xanh cản lửa và phải có biện pháp phòng chống cháy rừng theo tiêu chuẩn ngành 04TCN 89-2006 của Bộ NN&PTNT – quy phạm kỹ thuật phòng, chữa cháy rừng thông.

Ngoài ra còn phải có biện pháp phòng trừ dịch sâu róm thông thường phá hoại từ sau khi  rừng đã khép tán.

5. Khai thác, sử dụng

Gỗ thông đuôi ngựa có màu vàng nhạt, lõi có vân đỏ, giác màu trắng hơn, sợi gỗ dài, thẳng, mặt gỗ mịn, có mùi dầu. Tỷ trọng gỗ 0,6, xếp nhóm V, sức chịu uốn cao, hàm lượng xenlulô cao 62,1% vì vậy gỗ thông đuôi ngựa được dùng làm nguyên liệu giấy, làm trụ mỏ, làm đồ gia dụng, làm gỗ bao bì. Gỗ dễ gia công, ăn sơn và dầu bóng.

Áp dụng tiêu chuẩn ngành 04TCN 143-2006 – quy trình kỹ thuật tỉa thưa rừng Thông đuôi ngựa của Bộ NN&PTNT. Có khả năng khai thác nhựa kết hợp trước khi chặt tỉa thưa hoặc khai thác chính. Nhựa dùng trong công nghiệp sản xuất sơn, giấy,… và xuất khẩu.

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]