Về chính sách Giao rừng cho cộng đồng dân cư thôn bản

Vũ Long

Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam

1. Thực hiện đường lối Đổi mới trong quản lý lâm nghiệp, vấn đề xã hội hóa lâm nghiệp đã được đẩy mạnh thông qua thực hiện chính sách giao đất giao rừng cho hộ gia đình, cá nhân, tạo cơ sở để người dân sở tại tham gia vào quản lý rừng và hưởng lợi từ rừng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số có cuộc sống gắn bó với rừng từ lâu đời. Đến 2002 Nhà nước đã giao cho hàng triệu hộ gia đình, cá nhân và tập thể với diện tích: 2.738. 917 ha rừng , chiếm 23,30% diện tích rừng tòan quốc và 2 triệu ha đất trống đồi núi trọc, chiếm tỷ lệ 27,20% tổng diện tích đất trống đồi núi trọc. Trên cơ sở rừng và đất lâm nghiệp được giao, dân đã tham gia tích cực vào Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng và nhiều dự án trồng rừng, bảo vệ rừng do quốc tế tài trợ, góp phần nhanh chóng nâng cao độ che phủ rừng toàn quốc từ .. % năm 1999 lên 35,8% năm 2002 ( Nguồn số liệu: công văn số 2490 QQĐ/BNN-KL của Bộ NN&PTNT về công bố diện tích rừng và đất lâm nghiệp tòan quốc năm 2002)

Trong diện tích rừng và đât lâm nghiệp giao cho dân, diện tích được giao cho ” tập thể” chiếm một tỷ lệ đáng kể. Theo thống kê ban đầu ở 23 tỉnh ( Cục Kiểm lâm, 2001) diện tích đất lâm nghiệp giao cho tập thể là 1.197.961 ha, chiếm 25,46% tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp giao cho dân., trong đó tỉnh Lai Châu có diện tích rừng giao cho tập thể là lớn nhất: 690.411 ha , chiếm 90,32% tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp của tỉnh. “Tập thể” này gồm những ai? Đó là: cộng đồng dân cư thôn bản, các tổ chức đòan thể quần chúng cơ sở ở nông thôn như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội CCB, HTX nông nghiệp, Trường học….Theo điều tra của chúng tôi ở 3 huyện tỉnh Cao Bằng (2000), tại 2 Huyện Quảng Uyên và Nguyên Bình thì 100% là rừng thôn bản, còn ở huyên Thông Nông rừng thôn bản chiếm tỷ lệ 91,50% diện tích rừng giao cho ” tập thể”. Và dựa vào những phân thống kê khác có thể rút ra nhận xét:

i).Rừng của cộng đồng thôn bản chiếm vị trí thứ 2 sau rừng hộ gia đình.

ii). Rừng của cộng đồng dân cư thôn bản là loại hình phổ biến trong nông thôn, đặc biệt là ở miền núi phía Bắc: tỷ lệ số xã có rừng cộng đồng thôn bản là 34,92%, những tỉnh có tỷ lệ cao là: Cao Bằng 80%, Hòa Bình 78,77%, Lai Châu75,32% Hà Giang 70,10%.

iii). Rừng cộng đồng dân cư thôn bản tồn tại rất phổ biến ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh nào có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao thì tỷ lệ số xã có rừng cộng đồng dân cư thôn bản cao.

Thực tiễn là như vậy, nhưng trong thập kỷ gần đây vấn đề cơ sở pháp lý của việc giao rừng và đất lâm nghiệp cho cộng đồng dân cư thôn bản được bàn cãi rất nhiều giữa các nhà thiết kế chính sách và các nhà khoa học, nhà quản lý. Đến nay, theo Luật Đất đai 2003, cộng đồng dân cư thôn bản cũng là một đối tượng được Nhà nước giao đất nông nghiệp, với các quyền và nghĩa vụ vụ thể:

– “Cộng đồng dân cư người Việt Nam sinh sống trên cùng một địa bàn thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum sóc và các điểm dân cư tương tự có cùng phong tục tập quán hoặc có cùng chung dòng họ đươc Nhà nước giao đất hoặc công nhận quyền sử dụng đất” ( Điều 9, khỏan 3 );

+”Giao đất nông nghiệp không thu tiền sử dụng đất” (Điều 32, khỏan 7);

+ “Thời hạn sử dụng đất ổn định lâu dài” (Điều 66 khỏan 2);

+” Đất được Nhà nước giao cho cộng đồng dân cư sử dụng để bảo tồn bản sắc dân tộc gắn với phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số”, “công đồng dân cư có trách nhiệm bảo vệ diện tích đất được giao, được sử dụng đất kết hợp với mục đích sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, không được chuyển sang mục đích khác”;

+ Và, ” cộng đồng dân cư sử dụng đất không được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho quyền sử dụng đất, không được thế chấp bảo lãnh, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất”(Điều 117, khỏan 2).

Trong dự thảo sửa đổi Luật bảo vệ và phát triển rừng (đang trình Quốc hội thông qua), đối với cộng đồng dân cư thôn bản, việc giao rừng cũng được sửa đổi tương tự như Luật Đất đai.

2. Trong diễn đàn Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (BV&PTR) nổi lên vấn đề: không phải bất kỳ cộng đồng dân cư thôn bản nào cũng được giao đất giao rừng, cần phải có những điều kiện nhất định mới được giao.

Sau đây chúng tôi xin nêu ra những điều kiện để cộng đồng dân cư thôn bản được giao rừng và đất lâm nghiệp.

2.1 Những điều kiện để cộng đồng dân cư thôn bản được giao đất giao rừng:

a) Điều kiện khách quan

i) Trên địa vực thôn bản có rừng và đất lâm nghiệp chưa giao cho các chủ sử dụng là hộ gia đình, cá nhân. (Nhà nước đang rà sóat lại diện tích rừng và đất lâm nghiệp đã giao cho các tổ chức lâm nghiệp nhà nước để thu hồi lại một phần diện tích sử dụng không hiệu qủa để giao lại cho dân)

ii) Hiện có một số diện tích rừng và đất lâm nghiệp cộng đồng dân cư thôn bản tự xác lập quyền quản lý cộng đồng của riêng từng thôn bản hay liên thôn, bản; không có sự tranh chấp với các hộ gia đình trong thành viên cộng đồng hoặc với cộng đồng láng giềng nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền chính thức giao đất hoặc công nhận quyền sử dụng đất và rừng.

iii) Rừng và đất lâm nghiệp đã được giao cho hộ gia đình theo chính sách đất đai, nhưng nay các hộ gia đình không có điều kiện bảo vệ có hiệu quả, tự nguyện nhường lại cho cộng đồng thôn bản quản lý, sử dụng ( bằng văn bản của từng hộ gia đình hoặc biên bản hội nghi các thành viên cộng đồng, có xác nhận của UBND xã, không cần phải làm thủ tục thu hồi và giao đất).

b) Điều kiện chủ quan của cộng đồng dân cư thôn, bản

i) Cộng đồng các dân tộc thiểu số, có tập quán quản lý đất đai, tài nguyên theo cộng đồng; có tập tục sinh họat văn hóa, tín ngưỡng cộng đồng có liên quan đến rừng

ii) Phần lớn các thành viên cộng đồng có nguyện vọng được khôi phục hay xác lập mới các khu rừng cộng đồng thôn, bản theo tập quán để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, phòng hộ cho đời sống và sản xuất và nhu cầu lâm sản cho cộng đồng;

iii)Có trưởng thôn, bản được dân bầu và được Chủ tịch UBND xã công nhận; có già làng được nhân dân tính nhiệm (đối với những dân tộc có tập quán).

2.2 Đối tượng rừng và đất lâm nghiệp ưu tiên giao cho cộng đồng dân cư thôn, bản

a) Các khu rừng gắn liền với tín ngưỡng của đồng bào dân tộc thiểu số, như rừng thờ thổ thần, rừng thiêng, rừng ma…

b) Các khu rừng mó nước (cốc bó), rừng đầu ngọn suối cung cấp nước sinh họat sản xuất cho cộng đồng thôn bản, chòm xóm; những khu rừng phòng hộ các khu dân cư, sản xuất.

c) Các khu rừng cung cấp lâm sản gia dụng đã được xác lâp theo tập quán, những khu rừng già, những chòm cây cổ thụ còn sót lại trong địa vực thôn bản không thể giao đều, bảo đảm công bằng cho các hộ thành viên cộng đồng, để đáp ứng một phần nhu cầu lâm sản công cộng, có tính chất cộng đồng và hỗ trợ nhu cầu lâm sản thíêt yếu cho các thành viên cộng đồng.

d) Các khu rừng ở xa khu dân cư, địa hình hiểm trở hộ gia đình không muốn nhận vì không có đủ điều kiện để bảo vệ hoặc có nguy cơ cao về xâm hại rừng: khai thác lâm sản trái phép, phá rừng làm rãy ( những khu rừng giáp ranh giữa các xã, huyện). Thông thường các khu rừng và đất lâm nghiệp này được thống kê là loại đất chưa sử dụng, chưa giao cho chủ sử dụng, do UBND xã quản lý theo phân cấp về quản lý rừng của Chính phủ.

3. Thách thức và cơ hội phát triển rừng cộng đồng thôn bản

3.1 Cơ hội

– Trên cơ sở Luật Đất đai 2003 và Luật BV&PTR được Quốc hội thông qua và ban hành, được tổ chức thực hiện diện tích rừng và đất lâm nghiệp giao và được công nhận quyền sử dụng cho cộng đồng thôn bản sẽ tăng lên, nhất là ở các tỉnh phía Nam, nơi công tác giao đất giao rừng cho dân còn rất chậm. Đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực Trường Sơn và Tây Nguyên vốn có truyền thống quản lý tài nguyên theo cộng đồng, còn được lưu giữ khá sâu đậm trong luật tục.

– Nhiều tổ chức quốc tế đang và rất muốn tài trợ cho các dự án phát triển Lâm nghiệp cộng đồng như LNXH Sông Đà, Dự án xóa đói giảm nghèo miền Trung và Tây Nguyên của ADB. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy có một xu hướng muốn khuyến khích đẩy mạnh phát triển rừng cộng đồng, hạn chế giao đất giao rừng cho hộ gia đình vì cho rằng giao đất giao rừng cho hộ gia đình tạo ra sự manh mún của đơn vị kinh doanh, rừng cộng đồng có quy mô lớn hơn thuận lợi cho việc tổ chức kinh doanh và quản lý rừng. Song, chúng tôi thấy đối lập rừng cộng đồng và rừng hộ gia đình là không đúng với thực tiễn Việt Nam. Hộ gia đình có vai trò rất quan trọng trong kinh tế nông nghiệp và nông thôn, cần phải được tăng cường và củng cố, trước hết bằng việc giao đất nông lâm nghiệp đủ cho hộ sản xuất. Con đường đi lên của kinh tế hộ là HTX sản xuất kể cả nông và lâm nghiệp. Rừng cộng đồng của dân cư thôn bản có chức năng riêng, phù hợp với tính chất của tổ chức xã hôi của cộng đồng dân cư. Biến tổ chức cộng đồng dân cư thôn bản thành một tổ chức kinh tế ( riêng về lâm nghiệp) là không thích hợp với các thể chế kinh tế hiện nay nhất là với quyền rất hạn chế của cộng đồng dân cư thôn bản đối với rừng và đất được giao.

3.2 Thách thức

– Sự cạnh tranh về hiệu quả quản lý, sử dụng rừng giữa rừng cộng đồng thôn bản với rừng hộ gia đình ngay trong chính cộng đồng.

Ngoại trừ rừng thiêng, rừng nguồn nước được bảo vệ nghiêm ngặt để phục vụ lợi ích phi hàng hóa cho toàn cộng đồng sẽ không có sự cạnh tranh, còn các khu rừng khác của cộng đồng sẽ bị canh tranh về hiệu quả sử dụng rừng với hộ gia đình vì mục đích kinh tế.

Quản lý rừng cộng đồng tỏ rõ ưu thế về mặt bảo vệ rừng so với hộ gia đình vì sử dụng sức mạnh toàn cộng đồng và luật tục truyền thống; nhưng lại thiếu và khó huy động nguồn lực để phát triển diện tích và nâng cao chất lượng rừng cộng đồng. Nếu hiệu quả sử dụng rừng cộng đồng thấp sẽ kém sức hút các thành viên cộng đồng tham gia quản lý. Cộng đồng không có quyền thế chấp để vay vốn để bảo vệ và phát triển rừng cộng đồng như hộ gia đình, vì vậy chỉ trông chờ vào nguồn nội lực rất hạn chế và sự hỗ trợ của Nhà nước và quốc tế. Dường như kinh tế không phải là động lực chính cho phát triển rừng cộng đồng.

– Nếu không được quản tốt, minh bạch rừng cộng đồng sẽ không phục vụ tôt lợi ích chung tòan cộng đồng, mà trở thành công cụ phục vụ lợi ích của một nhóm người nắm quyền lực trong thôn bản, như vậy sẽ làm suy yếu sự tham gia của người dân vào quản lý rừng, làm suy yếu, biến chất LNCĐ. Nâng cao năng lực quản lý của lãnh đạo cộng đồng ở thôn bản và sự giám sát của Kiểm lâm xã có vị trí quan trọng trong việc củng cố kiện tòan LNCĐ.

Tài liệu tham khảo

1. Phân tích vị thế quản lý rừng thuộc quyền sử dụng của thôn/ bản ở các tỉnh Miền Bắc VN. Vũ Long & Cao Lâm Anh- Tổ công tác Quốc gia về quản lý rừng cộng đồng, 10,2002.

2. Tài liệu Hôi thảo: Khuôn khổ chính sách hỗ trợ quản lý rừng cộng đồng ở VN, 11,2001.

3. Luật Đất đai, 2003.

4. Dự thảo Luật BV&PTR.

On the policy of forest allocation to the hamlet communities

Summary

Hamlet communities are communities established from long time in rural areas in Vietnam. Communities of the ethnic minorities in mountainous regions have the habit of natural resources management by the communities including community forest.

Prior to 2003 although there had not been legal basis for forest allocation to hamlet communities but the local authorities based on the people’s aspiration and the good impact of the communities on the management and protection of local forest had allocated millions of hectares of forest and forest land to the hamlet communities.

Nowadays the land law and the revised draft law on forest protection and development formally legalize the forest allocation to the hamlet communities. The state will have regulations conditions to allocate forest and forest land to the hamlets.

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]