Thông tin Luận án Tiến sĩ Lâm nghiệp của Nghiên cứu sinh Huỳnh Văn Chung

Đề tài luận án: “Nghiên cứu cơ sở khoa học để phục hồi và quản lý bền vững rừng phòng hộ đầu nguồn lưu vực sông Pô Kô, tỉnh Kon Tum”.

Chuyên ngành: Lâm sinh; Mã số: 9.62.02.05.

Họ và tên NCS: Huỳnh Văn Chung

Họ và tên cán bộ hướng dẫn:  1. PGS.TS Trần Văn Con ;   PGS. TS Nguyễn Danh

Cơ sở đào tạo: Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam.

Tóm tắt những kết luận mới của luận án:

  1. Hiện trạng các trạng thái RPHĐN: Lưu vực sông Pô Kô, tỉnh Kom Tum có tổng diện tích 316.676,2 ha, diện tích có rừng là 164.685,4 ha (chiếm 52 %). RPHĐN có 64.052,4 ha, chiếm 38,9 % tổng diện tích có rừng của khu vực nghiên cứu. Diện tích rừng và đất lâm nghiệp phân bố không đều giữa các đơn vị hành chính huyện, tập trung chủ yếu ở các huyện Đắk Glei có 56.604 ha (chiếm 34,4 %), Tu Mơ Rông (49.129 ha, 29,8 %), Đắk Hà (23.637 ha, 14,4 %), Đắk Tô (19.272 ha, 11,7 %), Ngọc Hồi (11.665 ha, 7,1 %). Tổng trữ lượng gỗ các trạng thái rừng lưu vực sông Pô Kô khoảng 20,21 triệu m3, trong đó RPHĐN có khoảng 9,02 triệu m3 (44,6 %). Rừng trồng thuộc RPH có 158.161 m3 (16,4 %). Rừng tre nứa có khoảng 33,54 triệu cây tre nứa các loại, trong đó, rừng tre nứa thuộc RPH có 5,76 triệu (17,2 %).
  2. Tình hình quản lý RPHĐN: RPHĐN hiện được giao cho 8 nhóm đối tượng sử dụng, trong đó 7 BQL RPH đã được giao quản lý chiếm diện tích lớn, với 53.517 ha (32,5 %); các Công ty Lâm nghiệp quản lý 50.709 ha (30,8 %); UBND các xã 24.522 ha (14,9 %); hộ gia đình, cá nhân 19.660 ha (11,9 %).
  3. Các đặc trưng lâm học cơ bản của RPHĐN: (i) Trữ lượng gỗ bình quân của các trạng thái rừng lá rộng thường xanh đạt từ 37,66 – 317,13 m3/ha; các trạng thái rừng lá kim từ 40,43 – 279,1 m3/ha và rừng trồng đạt 150,1 m3/ha; (ii) Tổ thành rừng khá phong phú, dao động từ 19 – 51 loài, trong đó có từ 3 – 10 loài tham gia chính. Các loài cây chiếm ưu thế sinh thái như: Trâm vỏ đỏ, Trám trắng, Dẻ trắng, Trâm núi, Giổi nhung, Hoắc quang, Đũa,…; (iii) Cấu trúc N/H các trạng thái rừng LRTX có dạng phân bố lệch trái, mật độ cây tập trung nhiều nhất ở các cỡ chiều cao 9 – 11 m (LRTX-PH) đến 17 – 19 m (LRTX-G), tương ứng có từ 37 – 72 cây/ha; sau đó giảm dần sang hai phía, giảm xuống còn từ 1 – 5 cây/ha ở các cỡ kính tương ứng.
  4. Đặc điểm cấu trúc rừng liên quan đến khả năng phòng hộ của RPHĐN: (i) Giá trị chỉ số cấu trúc C đạt từ 8,3 đến 15,9 tức là khả năng phòng hộ từ trung bình trở lên. (ii) Khả năng điều tiết dòng chảy mặt của rừng để bảo đảm mức tối thiểu 250 m3/ha/năm chỉ đạt được khi rừng có chỉ số Cs ≥ 72, tức là chỉ số C phải trên 4 và ở các lập địa có hd/s ≥ 18. Để rừng bảo đảm mức xói mòn đất cho phép ở 10 tấn/ha/năm thì phải có chỉ số C ≥ 2, nếu bằng 2 thì chỉ số hd/s ≥ 24 tức là ở các lập địa tương đối bằng phẳng và độ dày tầng đất cao.
  5. Cấu trúc rừng mong muốn để đáp ứng các chức năng PHĐN của rừng: Các ngưỡng để đánh giá mức độ suy thoái của RPHĐN là: (i) Rừng đủ tiêu chuẩn để phòng hộ đất và điều tiết dòng nước khi chỉ số Cs > 50, đây là chỉ số cấu trúc rừng mong muốn. (ii) Rừng bị suy thoái nhẹ (Cs = 40 – 50). (iii) Rừng bị suy thoái trung bình (Cs = 30 – 40). (iv) Rừng bị suy thoái nghiêm trọng (Cs < 30). Mức độ suy thoái của RPHĐN: (i) Rừng không bị suy thoái (12,3 %); (ii) Rừng bị suy thoái nhẹ (31,5 %); (iii) Rừng bị suy thoái trung bình (38,5 %); và (iv) Rừng bị suy thoái nghiêm trọng (17,7 %).
  6. Các giải pháp đề xuất cho phục hồi và quản lý RPHĐN: Các giải pháp đề xuất cho phục hồi và quản lý RPHĐN ở lưu vực sông Pô Kô, nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao năng lực phòng hộ của rừng, thông qua nâng cao chỉ số cấu trúc của thảm rừng C bằng các biện pháp trồng mới trên đất chưa có rừng, xúc tiến tái sinh và nuôi dưỡng rừng, trồng làm giàu rừng và các biện pháp cải thiện cấu trúc của rừng.

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]