Thông tin Luận án Tiến sĩ của Nghiên cứu sinh Trần Hồng Sơn

Tên đề tài luận án: Điều tra, đánh giá một số đặc điểm lâm học và tăng trưởng làm cơ sở phát triển loài Giổi nhung (Parachichelia braianensis Dandy) theo hướng kinh doanh gỗ lớn ở Kon Hà Nừng, Tây Nguyên

Chuyên ngành: Điều tra và Quy hoạch rừng           Mã số: 9620208

Họ và tên nghiên cứu sinh: Trần Hồng Sơn

Họ và tên cán bộ hướng dẫn: 1. GS. TSKH Nguyễn Ngọc Lung   2. TS. Phan Minh Sáng

TÓM TẮT NHỮNG KẾT LUẬN MỚI CỦA LUẬN ÁN:

– Đặc điểm hình thái, vật hậu loài Giổi nhung: Giổi nhung là cây gỗ lớn, thân tròn thẳng, D1.3 = 27,6 – 65,1cm, Hvn = 17,6 – 29,4m. Gốc có bạnh vè, phân cành tự nhiên cao, cành và lá non có lông màu hung. Thời kỳ ra lá non từ tháng 12 năm trước đến tháng 1 năm sau, và thời kỳ ra chồi từ tháng 2 – 3. Thời kỳ ra nụ từ tháng 3 – 5, ra hoa từ tháng 4 – 5. Thời kỳ kết quả từ tháng 5 – 6 và mùa quả chín từ tháng 9 – 10. Giổi nhung có chu kỳ sai quả hàng năm.

– Đặc điểm phân bố và sinh thái loài Giổi nhung: Giổi nhung là cây đặc hữu của Việt Nam, mới chỉ gặp ở 3 điểm Kon Hà Nừng (Gia Lai), Đạo Nghĩa (Đăk Nông) và Braian (Lâm Đồng) và mới đây, được phát hiện ở VQG Pù Mát (Nghệ An). Giổi nhung sinh trưởng tốt trên nhiều loại đất có đá mẹ khác nhau; ưa đất tốt, thoát nước, giàu dinh dưỡng, độ sâu tầng đất > 80 cm.

– Đặc điểm cấu trúc và tái sinh tự nhiên có loài Giổi nhung phân bố: Mật độ tầng cây cao dao động từ 548 – 1.127 cây/ha, trong đó, mật độ Giổi nhung khá thấp (4 – 63 cây/ha, chiếm từ 0,6 – 8,3%). Cấu trúc N/D có dạng phân bố khoảng cách. Tổ thành rừng trong các lâm phần điều tra khá phong phú, có từ 26 – 100 loài/ha, số loài tham gia chính chỉ từ 4 – 7 loài/ha. Giổi nhung xuất hiện chính trong tổ thành rừng ở 11/19 OTC thuộc các điểm Kon Hà Nừng, Kon Chư Răng (IV% từ 5,20 – 11,82%), khu vực Krông Pa không có sự xuất hiện của Giổi nhung trong tổ thành rừng của lâm phần. Mật độ cây tái sinh dao động từ 7.680 – 71.250 cây/ha, trong đó, Giổi nhung có từ 0 – 833 cây/ha.

– Sinh trưởng và tăng trưởng loài Giổi nhung: Số cá thể tham gia vào tầng cây gỗ dao động từ 459 – 689 cây/ha, trong đó, loài Giổi nhung có từ 8-36 cá thể/ha. Tiết diện ngang bình quân lâm phần đạt từ 34,32 – 51,93 m2, trong đó, Giổi nhung đạt từ 1,19-14,72m2. Trữ lượng bình quân lâm phần đạt từ 451,9 – 812,2m3/ha. Dự báo sinh trưởng đường kính (D1.3) của cây Giổi nhung thông qua hàm sinh trưởng Johnson – Schumacher, với phương trình: D1.3 = 28,465*exp (-30,182/(A(1-30) + 6,910)).

– Thực trạng phát triển các mô hình trồng rừng Giổi nhung đã có: Các mô hình rừng trồng Giổi nhung đã được quan tâm nghiên cứu và thử nghiệm từ năm 1986 đến nay, chủ yếu qua 3 giai đoạn: (i) Giai đoạn 1986 – 1988 trồng làm giàu rừng theo phương thức hỗn loài (Giổi xanh và Giổi nhung, tỷ lệ 1:1); (ii) Giai đoạn 1992 – 1994, trồng làm giàu rừng; và (iii) Giai đoạn 2000 – 2001, trồng rừng Giổi nhung cung cấp gỗ lớn. Tăng trưởng bình quân về đường kính từ 0,53 – 1,12cm/năm; về chiều cao cây từ 0,61 – 1,00m/năm, và đường kính tán từ 0,11 – 0,25m/năm.

– Đề xuất một số giải pháp phát triển loài Giổi nhung theo hướng kinh doanh gỗ lớn: (i) Trồng ở những khu vực còn tính chất đất rừng, đất còn tốt, tầng đất dày; (ii) Cây con đem trồng (Dgoc=1,0-1,3cm, Hvn=1,2-1,5m); (iii) Trồng làm giàu rừng thứ sinh nghèo kiệt với băng chặt từ 1/3 – 1/2 chiều cao tán rừng và trồng trên trảng cây bụi cao trên 3m với băng mở rộng 3m; và (iv) Cần áp dụng các biện pháp bón phân và chăm sóc trong 5 năm đầu, như: phát luỗng dây leo, cây bụi; cuốc, vun xới đất quanh gốc 1m, mở tán rừng…

 

Thông tin của luận án được đăng tải công khai tại đường link: https://luanvan.moet.gov.vn/?page=1.1&view=33400

 

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]