Thăm dò phản ứng của keo lai giai đoạn mới trồng với phân khoáng N (Urea), K (Kali clorua ) và P (Super lân) bón đơn và phối hợp trên nền đấtrừng Tân Lập, Bình Phước.

Thăm dò phản ứng của keo lai giai đoạn mới trồng với phân khoáng N (Urea), K (Kali clorua ) và P (Super lân) bón đơn và phối hợp trên nền đất rừng Tân Lập, Bình Phước.

Phạm Thế Dũng, Nguyễn Thị Thuận,

Ngô Văn Ngọc

Phân viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Bộ

1. Mục tiêu thí nghiệm

– So sánh hiệu quả của các công thức phân khoáng, bón đơn hoặc phối hợp tới sinh trưởng của keo lai.

– Xác định loại phân và công thức phân thích hợp đối với sinh trưởng của keo lai giai đoạn mới trồng.

  1. Vật liệu và phương pháp nghiên cứu.

2.1. Vật liệu và qui cách:Thí nghiệm thực hiện trong chậu

– Chậu thí nghiệm: chậu sành có dung tích 25dm3.

– Đất trồng: lớp đất mặt 30cm tại Tân Lập, đất được trộn đều, nhặt hết rễ cây, cỏ dại, đổ đầy tới miệng mỗi chậu và sau 1 tuần, đổ thêm đất cho đầy chậu.

– Kết quả phân tích đất như sau:

+ pHH2O: 4.9

+ Mùn tổng số: 2.32 %

+ N tổng số: 0.19%

+ P2O5 tổng số: 0.11%

+ K2O tổng số: 0.26 %

– Cây giống: Cây hom giống keo lai 2 tháng tuổi, dòng TB06, cao trung bình 26cm, khoẻ mạnh, không sâu bệnh.

– Phân bón: phân bón dùng trong thí nghiệm bao gồm các loại phân khoáng: Urea (46–48% N), Super lân (16–18% P2O5), Kali clorua (25–27% K2O). Phân được cân sẵn theo liều lượng vào các túi riêng biệt và được bón theo sơ đồ bố trí thí nghiệm đã chuẩn bị sẵn. Thẻ thí nghiệm được cắm trên mỗi chậu ghi công thức phân thí nghiệm.

2. 2. Phương pháp thí nghiệm:Thí nghiệm được thực hiện trong chậu gồm 8 nghiệm thức 4 lần lập lại, bố trí theo kiểu khối hoàn toàn ngẫu nhiên.

2.2.1. Công thức thí nghiệm

TT Tên nghiệm thức Lượng phân tinh

(gr/ chậu)

Lượng phân qui đổi

(gr/chậu)

1

N

7 15
2 P 6 35
3 K 4 15
4 NP 7 + 6 15 + 35
5 NK 7 + 4 15 + 15
6 PK 6 + 4 35 + 15
7 NPK 7 + 6 + 4 15 + 35 + 15
8 ĐC (đối chứng) 0 0

2.2.2. Chỉ tiêu và phương pháp theo dõi

– Chiều cao cây: Đo từ gốc đến phần ngọn cao nhất; đo định kỳ mỗi tháng một lần; mức tăng trưởng chiều cao cây được tính là chiều cao cây của mỗi tháng trừ đi chiều cao cây của tháng trước, đơn vị tính là cm tháng..

– Đường kính gốc: Đánh dấu điểm đo ở sát gốc; dùng thước kẹp đo đường kính gốc hàng tháng cùng với chiều cao cây. Cách tính mức tăng trưởng đường kính gốc tương tự như chiều cao cây, đơn vị tính là mm/tháng. Vì cây keo lai khi còn nhỏ gốc chưa tròn nên 2 tháng đầu không đo đường kính gốc.

– Sinh khối: sau khi xử lý phân bón 9 tháng nhổ cây, cân toàn bộ thân, cành, lá, rễ. Cân tươi ngay sau khi nhổ cây.

– Trọng lượng khô: Toàn bộ cây được chặt, chẻ nhỏ, phơi và sấy khô ở nhiệt độ 75oC đến khi trọng lượng không thay đổi.

– Tỷ lệ % trọng lượng rễ so với toàn bộ trọng lượng khô của cây.

– Các chỉ tiêu hoá tính của đất sau 10 tháng trồng và bón phân cho keo lai: Đất trong chậu sau khi nhổ cây được trộn đều và lấy mẫu để phân tích các chỉ tiêu: pH, N tổng số, P2O5 tổng số, K2O tổng số, chất hữu cơ.

2.2.3. Xử lý số liệu: Các chỉ tiêu sinh học được phân tích thống kê theo phương pháp LSD5%; so sánh sự khác biệt nhỏ nhất giữa các trung bình ở mức độ 5%.

3. Kết quả và thảo luận

1. Ảnh hưởng của các công thức phân bón tới sinh trưởng chiều cao cây keo lai. (Bảng 1 và 2; biểu đồ 1)

Chiều cao cây vào thời điểm bón phân có sự khác biệt trong đó nghiệm thức đối chứng (ĐC) có chiều cao cây tương đương với các nghiệm thức: N, K, NK và NPK, cao hơn có ý nghĩa so với các nghiệm thức: NP, P và PK. Tuy nhiên sau 1 tháng xử lý phân, chiều cao cây của tất cả các nghiệm thức tương đương nhau, chứng tỏ phân bón đã bắt đầu có hiệu lực. Càng các tháng về sau sự khác biệt giữa các nghiệm thức thí nghiệm càng rõ rệt. (Bảng 1 và 2)

Vào tháng thứ III, nghiệm thức NPK có chiều cao cây cao nhất: 82,2cm; khác biệt có ý nghĩa so với các nghiệm thức còn lại: từ 48,0 – 68,6cm, tăng 35.5cm/tháng. Kế đến là các nghiệm thức: NP và N có chiều cao cây tương đương với P và PK; cao hơn hẳn so với K và NK. Hai nghiệm thức này có chiều cao cây thấp nhất: 51.0 và 52.4, tương đương với ĐC không bón phân.

Bảng 1: Chiều cao cây và tốc độ tăng trưởng 3 tháng đầu sau khi bón phân

Công thức Tháng thứ

I

Tháng thứ

II

Tăng trưởng (cm/tháng) Tháng thứ III Tăng trưởng (cm/tháng)
N 29.4 42.1 12.7 63.3 21.2
P 26.0 44.7 18.6 60.7 16.0
K 30.0 43.8 13.7 51.0 7.3
NP 27.4 44.1 16.8 68.6 24.5
NK 28.1 36.7 8.6 52.4 15.7
PK 24.6 43.1 18.5 59.0 16.0
NPK 28.8 46.8 17.9 82.2 35.4
ĐC 31.4 40.4 9.0 48.0 7.6
LSD5% 3.3 7.6 ns 11.1

Tuy nhiên, từ tháng thứ IV trở đi nghiệm thức K có tốc độ tăng trưởng chiều cao rất nhanh, trung bình đạt từ 29 – 30cm/tháng. Tới tháng thứ IX chiều cao cây của nghiệm thức K tương đương với NPK là nghiệm thức có chiều cao cây cao nhất trong tất cả các tháng theo dõi.

Bảng 2: Chiều cao cây và mức tăng trưởng 6 tháng cuối sau khi bón phân

Công thức Tháng thứ

IV

Tháng thứ

V

Tháng thứ

VI

Tháng thứ

VII

Tháng thứ

VIII

Tháng thứ

IX

Tốc độ tăng trưởng 6 tháng cuối

(cm / tháng)

N 99.2 112.2 135.9 162.5 196.2 217.9 25.8
P 93.5 106.5 130.5 165.2 195.9 212.5 25.3
K 79.5 102.5 131.5 172.5 206.9 224.5 28.9
NP 89.2 99.5 111.9 125.5 145.5 159.5 15.2
NK 66.9 76.5 92.5 114.5 139.5 148.9 16.1
PK 84.2 99.2 123.5 153.2 169.2 179.2 20.0
NPK 118.2 132.9 151.2 190.9 222.2 240.5 26.4
ĐC 56.9 62.2 72.5 85.2 92.2 103.9 9.3
LSD5% 17.9 20 35.7 47.6 61.9 69.1

Các nghiệm thức N và P có tốc độ tăng trưởng chiều cao cây tương đương nhau, trung bình mỗi tháng tăng từ 25 – 26cm; trong khi đó nghiệm thức NP càng về sau tốc độ tăng trưởng chiều cao càng chậm lại: 15.2cm/tháng. Từ tháng thứ VII trở đi nghiệm thức NP có chiều cao cây tương đương với ĐC.

Riêng nghiệm thức PK, mặc dù vào thời điểm bón phân, chiều cao cây thấp nhất, nhưng ngay sau khi bón phân 1 tháng chiều cao cây đã tăng 18.5cm, tương đương với các nghiệm thức NPK và P; 5 tháng sau tốc độ tăng trưởng trung bình tương đối khá:ø 20cm/ tháng. Tới tháng thứ IX, PK có chiều cao cây tương đương với NPK.

Đối với nghiệm thức ĐC không bón phân, chiều cao cây sau 9 tháng trồng chỉ đạt 103cm, tốc độ tăng trưởng trung bình 9cm/ tháng, thấp nhất so với tất cả các nghiệm thức thí nghiệm.

Biểu đồ 1. Động thái sinh trưởng chiều cao cây keo lai

2. Ảnh hưởng của các công thức phân bón tới sinh trưởng đường kính gốc cây keo lai. (Bảng 3 và biểu đồ 2)

Do ở tháng thứ I và II gốc cây keo lai chưa tròn mình nên không đo được đường kính gốc.

Vào tháng thứ III đường kính gốc có sự kkhác biệt rõ rệt giữa các nghiệm thức: Cao nhất là NPK và NP, khác biệt có ý nghĩa so với các nghiệm thức khác; kế đến là N, có đường kính gốc cao hơn K nhưng tương đương với P, NK và PK. Nghiệm thức K có đường kính gốc thấp nhất trong các nghiệm thức phân bón và tương đương với ĐC.

Bảng 3: Đường kính gốc và tốc độ tăng trưởng của cây keo lai (mm)

Công thức Tháng thứ

III

Tháng thứ

IV

Tháng thứ

V

Tháng thứ

VI

Tháng thứ

VII

Tháng thứ

VIII

Tháng thứ

IX

Tốc độ tăng trưởng mm/thg.
NPK 12.5 17.0 18.7 21.7 25.2 25.9 26.9 2.4
K 8.4 10.6 13.6 16.4 19.2 22.3 23.6 2.5
PK 9.5 13.4 15.2 17.1 20.0 22.8 23.3 2.3
NP 12.9 16.0 16.4 17.9 19.0 21.2 23.1 1.7
P 9.5 12.2 13.8 15.9 17.4 19.8 21.0 1.9
NK 9.0 13.9 14.9 16.7 17.7 19.2 20.7 1.9
N 10.4 14.5 15.0 16.4 17.7 19.1 19.7 1.5
ĐC 7.3 9.8 10.4 11.1 12.6 14.9 15.6 1.4
LSD5% 1.6* 2.6* 2.7* 2.8* 2.8* 3.6* 4.2*

Cho tới tháng thứ XIII, đường kính gốc của NPK luôn luôn cao nhất, khác biệt có ý nghĩa so với các nghiệm thức phân khác. Các nghiệm thức phân bón còn lại có đường kính gốc tương đương nhau cho tới tháng thứ VII.

Tuy nhiên, tới tháng thứ VIII, 2 nghiệm thức PK và K có đường kính gốc vượt lên tương đương với NPK.

Từ tháng thứ V trở đi nghiệm thức ĐC có đường kính gốc thấp hơn có ý nghĩa so với các nghiệm thức phân bón.

Nhìn lại tốc độ tăng trưởng chiều cao cây ta thấy rằng nghiệm thức K đứng đầu bảng (29 cm/tháng). Tương tự như vậy, đối với đường kính gốc, K cũng có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất (2.5 mm / tháng), kế đó là NPK và PK. Các nghiệm thức P và N mặc dù có tốc độ tăng trưởng chiều cao cây nhanh: 25.3 và 25.8cm/tháng nhưng đường kính gốc tăng quá chậm, đặc biệt N chỉ tăng 1.5mm/tháng gần như tương đương với ĐC. Tương quan giữa đường kính gốc và chiều cao cây là tương quan thuận, khá chặt: r = 0,7.

Biểu đồ 2 . Động thái sinh trưởng đường kính gốc của keo lai

3. Ảnh hưởng của các công thức phân bón tới sinh khối và chất khô của keo lai (Bảng 4 và biểu đồ 3).

Trong thí nghiệm này, sinh khối và trọng lượng chất khô cây keo lai giữa các nghiệm thức thí nghiệm khác biệt rất rõ ràng cho thấy ảnh hưởng của các công thức phân bón tới sinh trưởng phát triển của cây keo lai là rất khác nhau.

Bảng 4: Ảnh hưởng của các công thức phân bón tới sinh khối và chất khô của cây keo lai.

Công thức Sinh khối

(gr/cây)

% so với ĐC Chất khô

(gr/cây)

% so với ĐC
NPK 1783.2 300.3 677.5 251.2
P 1412.2 237.8 532.7 197.5
PK 1361.9 229.3 514.5 190.8
K 1001.5 168.6 380.5 141.1
N 733.5 123.5 277.2 102.8
NP 629.2 105.9 239.2 88.7
NK 556.5 93.7 211.4 78.4
ĐC 593.9 100.0 269.7 100.0
LSD5% 306.3* 118.5*

Biểu đồ 3. Ảnh hưởng của phân bón đến sinh khối cây sau 10 tháng tuổi.

Nghiệm thức bón phối hợp đầy đủ 3 yếu tố NPK có sinh khối và trọng lượng chất khô cao nhất: 1783,2gr/cây, khác biệt có ý nghĩa so với các nghiệm thức còn lại. Kế đến là 2 nghiệm thức P và PK, 2 nghiệm thức này có sinh khối và trọng lượng khô tương đương nhau: 1412,2gr và 1361,9 gr/cây, cao hơn hẳn so với K: 1001gr/cây. Các nghiệm thức phân bón còn lại: N, NP và NK có sinh khối và trọng lượng khô tương đương đối chứng ĐC, là những nghiệm thức có sinh khối và trọng lượng khô thấp nhất.

Như vậy đối với cây keo lai, trong giai đoạn đầu mới trồng, bón phối hợp đầy đủ 3 yếu tố NPK có hiệu quả tốt nhất tới sinh trưởng phát triển: cây phát triển cân đối, cao, to, cành lá nhiều. Bón N đơn độc làm tăng chiều cao cây nhưng không làm tăng đường kính gốc cây. Phối hợp 1 trong 2 yếu tố còn lại: NP hoặc NK thì hoàn toàn không có hiệu quả cho việc tích lũy sinh khối và chất khô. Hai nghiệm thức này mặc dù làm tăng đường kính gốc nhưng không làm tăng chiều cao cây so với ĐC, dẫn đến sinh khối và chất khô không tăng.

So sánh hiệu quả của 2 công thúc phân P và K ta thấy rằng nghiệm thức P có sinh khối và chất khô đứng thứ 2 trong bảng (Chỉ thấp hơn so với NPK): 1412.2gr/cây. Tuy nhiên, đường kính gốc và chiều cao cây của nghiệm thức P tương đương so với nghiệm thức K. Sự khác biệt về sinh khối và trọng lượng khô giữa 2 nghiệm thức này là do tác dụng của 2 loại phân khác nhau đến sự phát triển của cây: P thúc đẩy sự phân cành và phát triển cành lá; trong khi K làm tăng chiều cao cây, hạn chế phát triển cành lá. Điều này đã gặp trong trường hợp cây tràm.

Bảng 5: Tổng hợp các chỉ tiêu sinh học cây keo lai 10 tháng tuổi

Công thức Sinh khối

(gr/cây)

D gốc

(mm)

H cây

(cm)

Chất khô

(gr/cây)

%rễ

(khô)

NPK 1783.2 26.9 240.5 677.5 23.3
P 1412.2 21.0 212.5 532.7 16.9
PK 1361.9 22.5 179.2 514.5 19.7
K 1001.5 23.6 224.5 380.5 23.0
N 733.5 19.7 217.9 277.2 16.0
NP 629.2 23.1 159.5 239.2 20.3
NK 556.5 20.7 148.9 211.4 19.2
ĐC 593.9 15.6 103.9 269.7 19.1
LSD5% 306.3* 4.2* 69.1* 118.5* 8.1

4. Ảnh hưởng của các công thức phân bón tới hóa tính đất sau 10 tháng trồng keo lai. (Bảng 6)

Bảng 6: Một số chỉ tiêu hóa tính đất sau khi trồng keo lai 10 tháng

CT % mùn % đạm pH nước P2O5 % K2O %
ĐC 2.97 0.21 4.97 0.09 0.33
P 2.49 0.20 4.90 0.12 0.30
K 2.28 0.18 5.28 0.10 0.27
N 2.15 0.17 5.05 0.08 0.24
NP 2.12 0.18 4.92 0.11 0.29
PK 2.12 0.18 4.87 0.11 0.29
NK 1.91 0.18 5.26 0.11 0.27
NPK 1.75 0.17 4.95 0.10 0.30
Trước khi trồng 2.32 0.19 4.90 0.11 0.26

Thời gian 10 tháng cũng là thời gian quá ngắn để phân giải hết những lá keo già rơi rụng thành dạng mùn. Vì vậy, sự khác biệt về tỷ lệ mùn trong đất giữa các nghiệm thức không nhiều lắm. Bảng 6 sắp theo thứ tự hàm lượng mùn trong đất của các nghiệm thức thí nghiệm từ cao xuống thấp. Đứng đầu bảng là nghiệm thức đối chứng ĐC: 2.97%, cao hơn so với trước khi trồng: 2.32%; trong khi đó nghiệm thức NPK có hàm lượng mùn thấp nhất: 1.75%, thấp hơn so với trước khi trồng là 0.57%. Các nghiệm thức P và K cũng có tỉ lệ mùn trong đất khá cao: 2.28 – 2.49%, tương đương với hàm lượng mùn trong đất trước khi trồng. Các nghiệm thức còn lại: N, NP, NK, PK có hàm lượng mùn gần tương đương nhau, thấp hơn so với hàm lượng mùn trước khi trồng keo lai.

Hàm lượng đạm tổng số (N tổng số) trong đất dao động từ: 0.17 – 0.21%, có tương quan thuận rất chặt với tỷ lệ mùn trong đất. Hệ số tương quan r = 0.9, nghĩa là nghiệm thức nào có hàm lượng mùn cao thì cũng có hàm lượng N tổng số cao và ngược lại.

PHH20của dung dịch đất thường ít bị thay đổi bởi tác động bên ngoài do có độ đệm nhất định, tùy thuộc vào hóa lý tính của từng loại đất. Trong thí nghiệm này, nhìn chung pH đất sau 10 tháng trồng keo lai của các nghiệm thức không thay đổi nhiều so với trước khi trồng, hầu hết chỉ dao động trong khoảng từ 4.9 – 5.0; duy chỉ có 2 nghiệm thức phân bón K và NK là có độ pH cao hơn: 5.26 – 5.28.

Hàm lượng P2O5 tổng số dao động từ 0.09 – 0.12 %, không khác biệt so với trước khi trồng: 0.11. Tương tự như vậy, hầu hết hàm lượng K2O tổng số trong đất của các nghiệm thức dao động từ 0.27–0.33%, nằm trong khoảng hàm lượng K2O tổng số của đất trước khi trồng: 0.26

Như vậy, việc bón phân vô cơ cho keo lai trong giai đoạn đầu chưa làm thay đổi hóa tính đất, ngay cả ở nghiệm thức ĐC không bón phân cũng chưa có gì khác biệt đáng kể ngoại trừ hàm lượng mùn trong đất hơi cao hơn một chút.

4. Kết luận và đề nghị

1. Công thức phân bón phối hợp NPK và các công thức phân đơn: N, P, K rất có hiệu quả trong việc làm tăng trưởng chiều cao cây ở giai đoạn năm đầu mới trồng, tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 26cm/tháng.

2. Đối với đường kính gốc, tất cả các nghiệm thức phân bón đều có hiệu quả làm tăng trưởng đường kính gốc so với ĐC, trong đó NPK, K và PK là các công thức phân bón có hiệu quả nhất với tốc độ tăng trưởng bình quân: 2.4 – 2.5mm/tháng.

3. Đối với sinh khối và chất khô, các công thức phân: NPK, P, PK và K rất có hiệu quả trong việc tích lũy sinh khối và chất khô, trong đó NPK có hiệu quả nhất.

4. Trong số các công thức phân bón, sự phối hợp NPK là có hiệu quả nhất đối với sinh trưởng của cây keo lai; hiệu quả tương tác giữa P và K (công thức phân PK ) cũng rất cao dẫn đến cây phát triển cân đối cả chiều cao cây, đường kính gốc và sinh khối. Sự phối hợp NP và NK ít có hiệu quả nhất trong các công thức phân phối hợp đa yếu tố. Đặc biệt phân K khi bón đơn cũng rất có hiệu quả trong việc tăng trưởng chiều cao và đường kính gốc cây keo lai.

5. Về ảnh hưởng của việc bón phân vô cơ cho keo lai tới chất lượng đất trong giai đoạn năm đầu mới trồng, thời gian quá ngắn, chưa thể hiện khác biệt rõ ràng giữa các công thức thí nghiệm.

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]