Một số giải pháp kinh tế nhằm phát triển làng nghề xã Chàng Sơn – Thạch Thất – Hà Tây.

Trần Duy Rương, Hoàng Liên Sơn

Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam

Nền kinh tế nước ta đang trong quá trình hội nhập với nền kinh tế thị trường của thế giới và khu vực có sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế. Một nhân tố quan trọng góp phần tăng trưởng kinh tế của địa phương là ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống với nhiều lĩnh vực khác nhau như đồ mộc, mây tre đan, thuỷ tinh – gốm, rèn v.v… Các nghề này đã tạo ra nhiều công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân địa phương, tăng giá trị sản lượng hàng hoá xuất khẩu, đồng thời đóng góp một phần vào giá trị sản xuất hàng hoá cho xã hội. Vì thế, việc quy hoạch và phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp đã và đang là vấn đề ưu tiên trong bối cảnh phát triển kinh tế đất nước nói chung và của tỉnh Hà Tây nói riêng. Nội dung bài viết này được dựa trên thực trạng sản xuất làng nghề tại xã Chàng Sơn thuộc tỉnh Hà Tây năm 2000 và đưa ra một số giải pháp khuyến khích, phát triển làng nghề này trong giai đoạn hiện nay.

1.Đặc điểm chung về xã Chàng Sơn.

Chàng Sơn là một xã thuộc huyện Thạch Thất – tỉnh Hà Tây, nằm cạnh quốc lộ 80 đi Sơn Tây với diện tích đất tự nhiên là 250ha, 1600 hộ gia đình với dân số là 7630 người; trong đó đất canh tác bình quân đầu người là 240m2, đất ở bình quân đầu người 41m2.

Biểu 1. Lực lượng lao động chính của xã

Đặc điểm lao động Số lượng Tỷ lệ (%)
1. Phân theo giới tính
· Nam 2431 49
· Nữ 2529 51
Tổng số 4960 100
2. Phân theo ngành nghề
· Nông nghiệp 1984 40
· Tiểu thủ công nghiệp 2976 60
Tổng số 4960 100

(Nguồn: Báo cáo kết quả sản xuất của xã, 2000)

Biểu 1 biểu hiện lực lượng và đặc điểm lao động của xã. Tổng số người trong độ tuổi lao động là 4960 người, trong đó nam là 2431 người, nữ là 2529 người. Nếu phân theo ngành nghề thì lao động nông nghiệp là 1984 người và lao động tiểu thủ công nghiệp là 2976 người, chiếm tỷ lệ 60%. Với lực lượng lao động này, Chàng Sơn đã phát triển một số nghề thủ công truyền thông cơ bản như mộc cổ truyển, mộc dân dụng, song mây, tre giàng đan và cơ khí, trong đó phát triển mạnh nhất là nghề mộc truyền thống, hàng song mây và tre giang đan.

2. Môi trường pháp lý cho sự phát triển ngành nghề thủ công của Chàng Sơn

 

Để thực hiện được các chương trình sản xuất tiểu thủ công nghiệp có hiệu quả, UBND xã Chàng Sơn đã căn cứ vào một số văn bản sau:

– Quyết định số 215/2000/QĐ-UB ngày 09/3/2000 của UBND tỉnh Hà Tây về phê duyệt qui hoạch phát triển công nghiệp – TTCN trên địa bàn tỉnh Hà Tây đến năm 2010.

– Chương trình phát triển sản xuất công nghiệp – TTCN 2001 – 2005 của huyện Thạch Thất.

– Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Chàng Sơn nhiệm kỳ 2001 – 2005 và nghị quyết HĐND xã khoá 16, nhiệm kỳ 1999 – 2004 về tiếp tục phấn đấu xây dựng xã thành một làng nghề theo hướng cơ cấu kinh tế, TTCN – Nông nghiệp và dịch vụ.

3. Những kết quả đạt được

Trong những năm qua, tuy tình hình kinh tế – xã hội còn nhiều khó khăn nhưng các cấp Uỷ, chính quyền xã đã chú trọng lãnh đạo chỉ đạo sản xuất TTCN, tạo ra sự chuyển biến và đạt một số kết quả đáng kể. UBND xã đã tập trung khá lớn nguồn vốn đầu tư, cải tạo nâng cấp hệ thống đường giao thông, hệ thống lưới điện để đáp ứng được nhu cầu sản xuất tiểu thủ công nghiệp (TTCN). Đến năm 2000 toàn xã đã có 3 công ty TNHH, 3 HTX TTCN, một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Sản xuất TTCN – dịch vụ giai đoạn 1996 – 2000 có tốc độ tăng trưởng khá, bình quân tăng trưởng hàng năm là 12% và chiếm 65% tổng giá trị sản xuất kinh tế của toàn xã.

Biểu 2: Biểu thu nhập chính của xã

Đơn vị: 1000đ

TT Các loại hình thu nhập Số tiền Cơ cấu (%)
1 Tiểu thủ công nghiệp 34.509 32,8
2 Dịch vụ 33.820 32,2
3 Thu khác 36.793 35
Tổng 105.122 100

(Nguồn: Báo cáo kết quả sản xuất của xã, 2000)

Biểu 2 mô tả tổng thu nhập của xã năm 2000 là 105.122 triệu đồng trong đó giá trị sản xuất TTCN có phần cao hơn thu nhập từ dịch vụ và đạt 34.509 triệu đồng chiếm 32,8%. Trong khi các nguồn thu khác là 36.793 triệu đồng chiếm 35% bao gồm: nông nghiệp, chăn nuôi v.v…

Các ngành nghề sản xuất TTCN và dịch vụ phát triển mạnh đã thu hút một lực lượng lao động thường xuyên năm sau cao hơn năm trước. Ví dụ, lực lượng lao động sản xuất TTCN năm 1996 là 2480 người chiếm tỷ lệ 51% lao động toàn xã. Đến năm 2000 có 2976 lao động chiếm tỷ lệ 60% lao động toàn xã. Theo báo cáo của UBND xã Chàng Sơn thì dự kiến giá trị sản xuất TTCN và dịch vụ của xã năm 2001 đạt 72507 triệu đồng, trong đó: sản xuất TTCN đạt 37335 triệu đồng, dịch vụ đạt 35172 triệu đồng và những con số này sẽ tiếp tục tăng trưởng ở những năm sau.

4. Những tồn tại

Mặc dù chính quyền địa phương đã tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển làng nghề nhưng vẫn còn hạn chế.

Do điều kiện đất chật người đông, nhu cầu sản xuất mở rộng nhưng chính quyền địa phương chưa có quy hoạch thành một vùng chuyên sản xuất TTCN, chưa đáp ứng được một số tiêu chuẩn về môi trường, chưa quản lý tốt việc kinh doanh của người dân. Bên cạnh đó, hệ thống giao thông chưa đáp ứng được, thường xuyên ách tắc giao thông. Công nghiệp quốc doanh còn nhỏ bé, còn nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, thị trường tiêu thụ còn hạn hẹp, nhất là thị trường xuất khẩu.

Mẫu mã cải tiến chậm, khả năng cạnh tranh còn hạn chế, đáng chú ý là đang xuất hiện tình trạng làm hàng xô, hàng chất lượng kém ảnh hưởng đến uy tín làng nghề truyền thống.

Các công trình thuộc kết cấu hạ tầng không đáp ứng được nhu cầu sản xuất TTCN, như đường xá còn hẹp, bến bãi hầu như chưa có hoặc quá hẹp, vì vậy nguyên vật liệu ngổn ngang chiếm hết lòng đường ảnh hưởng thường xuyên đến trật tự ATGT, hệ thống lưới điện chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất TTCN hiện nay.

5. Các giải pháp và chính sách nhằm thúc đẩy phát triển TTCN xã Chàng Sơn.

Để thúc đẩy phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp thì chính quyền các cấp, chính quyền địa phương xã Chàng Sơn cần phải cải tiến, nâng cấp cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất như:

– Quy hoạch vùng sản xuất TTCN tập trung, có diện tích phù hợp với quy mô sản xuất của xã.

– Đẩy mạnh các loại tín dụng ngân hàng với các hình thức cho vay ưu đãi với lãi suất thấp. Coi trọng củng cố các quỹ tín dụng nhân dân, các quỹ hội của các tổ chức chính trị, đoàn thể quần chúng nhằm đáp ứng cho các cơ sở sản xuất được thuận tiện nhất về thời gian và thuận tiện lựa chọn các hình thức vay ngắn hạn, trung hạn hoặc dài hạn.

– Xây dựng hệ thống phòng cháy chữa cháy cho từng cơ sở, mở lớp tập huấn và nâng cao kiến thức về phòng và chữa cháy cho các hộ sản xuất.

– Xây dựng nguồn điện hợp lý phù hợp với nhu cầu sản xuất.

– Cải tiến, nâng cấp hệ thống giao thông hợp lý, đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hoá như mở rộng và nâng cấp đường giao thông, giáo dục người dân chấp hành tốt luật giao thông và có biện pháp xử lý thích đáng những người vi phạm giao thông.

– Xây dựng, quản lý và xử lý hệ thống chất thải, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường cho toàn khu vực và cho từng loại hình sản xuất (ví dụ như nước thải của từng hộ phải được nối với hệ thống tiêu thoát tập trung và được xử lý trước khi thải ra đồng).

– Đầu tư trang thiết bị mới, hiện đại, cải tiến chính sách thị trường để có thể cạnh tranh được với thị trường,.

– Chính phủ nên hỗ trợ và cung cấp thông tin về thị trường nhất là về thị trường xuất khẩu đồ mộc.

– Đào tạo nguồn nhân lực, phù hợp với nhu cầu sản xuất

Về quản lý Nhà nước.

– Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch.

– Tăng cường công tác quản lý chuyên ngành để đảm bảo an ninh trật tự an toàn xã hội, chú trọng các giải pháp về môi trường.

– UBND xã xây dựng kế hoạch chi tiết về vùng quy hoạch cho các cơ sở, các hộ được thuê đất. Phải chỉ đạo thống nhất theo quy định hình thức, kích thước và phương pháp xây dựng nhà xưởng phù hợp với điều kiện tự nhiên tại địa phương, đảm bảo về môi trường, nhất là tiếng ồn.

Tài liệu tham khảo

  1. Báo cáo tình hình thực hiện các chỉ tiêu kinh tế – xã hội của xã Chàng Sơn năm 2000.
  2. Báo cáo tổng kết các hoạt động sản xuất TTCN, huyện Thạch Thất, năm 2000.
  3. Chương trình phát triển sản xuất công nghiệp – TTCN, giai đoạn 2001 – 2005 của huyện Thạch Thất.
  4. Đề án qui hoạch phát triển công nghiệp – TTCN trên địa bàn tỉnh Hà Tây đến năm 2010.

Summary

The paper points out the role of the cottage industry in Chang Son, Thach That, Ha Tay in socio-economic development for the local people, creating more employment for the labourers.The content of the paper deals with the actual situation of the cottage industry in Chang Son commune, Ha Tay province and proposes some basic measures aimed at encouragement and development of this cottage industry at the present stage.

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]