Loài nấm Phaeophleospora destructans (M.J. Wingf. & Crous) Crous, F.A. Ferreira & B. Sutton gây bệnh đốm đen lá bạch đàn lần đầu tiên được phát hiện ở Việt Nam

 

Phạm Quang Thu

Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam

 

1. Mở đầu

Trước năm 1996 các nhà bệnh thực vật đã phát hiện được 3 loài nấm thuộc chi Phaeophleospora là mầm bệnh hại lá các loài cây Bạch đàn là P. epicocoides, P. lilianiae P. eucalypti. Theo Walker và cộng sự năm 1992 có 26 loài Bạch đàn bị loài nấm Phaeophleospora epicocoides gây hại. Ba năm sau, năm 1995 Sankaran và cộng sự đã thống kê được 35 loài Bạch đàn bị loài nấm này gây hại. Trong khi đó loài nấm khác Phaeophleospora eucalypti gây hại cho 60 loài cây chủ khác nhau trong đó chủ yếu là các loài Bạch đàn (Sanharan, 1995). Đối với nấm P. lilianae cho đến nay mới phát hiện được nó chỉ gây bệnh cho 1 loài cây chủ duy nhất là Corymbia eximia (theo Walker và cộng sự năm 1992). Hai loài nấm bệnh P. lilianiae P. eucalypti chưa phát hiện được chúng phân bố ở Đông Nam Châu á (Ken Old, 2003). Loài P. epicocoides phân bố có tính chất toàn cầu, thường gây bệnh cho các lá già ở tầng dưới của tán lá và ít gây ảnh hưởng đến cây trồng.

Năm 1996, một loài nấm khác thuộc chi Phaeophleospora gây bệnh hại lá khá nghiêm trọng cho Bạch đàn Eucalyptus grandis, được xác định là Phaeophleospora destructans, lần đầu tiên được phát hiện ở Sumatra, Inđônêxia. Đây là loài nấm bản địa của vùng này, gây bệnh cho các loài Bạch đàn bản địa (Ken Old, 2003). Sau 4 năm, năm 2000, loài nấm này bắt đầu xuất hiện ở miền Đông của Thái Lan và gây nên dịch đốm đen rồi rụng hết lá một số dòng Bạch đàn trắng E. Camaldulensis (Ken Old, M. Wingf., Pongpanich, 2003).Loài nấm gây bệnh này bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam từ cuối năm 2002, gây bệnh cho rừng trồng Bạch đàn uro Eucalyptus urophylla và một số các dòng Bạch đàn lai ở nhiều vùng trong cả nước. Loài nấm này gây bệnh hại lá Bạch đàn với triệu chứng rất điển hình là các lá bị bệnh lúc đầu có rất nhiều điểm lá bị mất dần màu xanh, lá bị loang lổ, các vết này có hình dạng bất định. Sau trời mưa hoặc thời tiết ẩm kéo dài, từ các vết bệnh ở mặt dưới của lá xuất hiện bột bào tử vô tính màu đen. Từ triệu chứng điển hình này tác giả đã gọi và đặt tên là bệnh đốm đen. Các lá bị nhiễm bệnh nhanh chóng khô toàn bộ lá rồi rụng. Cây bị bệnh giảm khả năng sinh trưởng, cây trồng yếu và nhiễm một số bệnh thứ cấp và chết. Để giúp nhận biết và hiểu biết rõ về bệnh và sinh vật gây bệnh bài viết này tập trung trình bày và mô tả triệu chứng, đặc điểm của vật gây bệnh, đánh giá ảnh hưởng của bệnh và đưa ra biện pháp phòng trừ nhằm quản lý có hiệu quả bệnh.

 

2. Nội dung và phương pháp nghiên cứu

Điều tra thu mẫu: điều tra, thu thập mẫu bệnh được tiến hành trên các khu rừng trồng Bạch đàn trên phạm vi toàn quốc. Thời gian điều tra bắt đầu vào cuối mùa mưa, tập trung vào tháng 9, tháng 10 và tháng 11 trong các năm từ năm 2002 đến năm 2005. Thu mẫu, mô tả, xử lý mẫu được tiến hành theo hướng dẫn của Ken Old và P.Q. Thu, 1999.

Giám định nấm bệnh dựa trên khoá định loại và mô tả của Crous, P.W., Ferreira, F.A. và Sutton B. 1997.

Phân lập nấm: phân lập nấm từ các tổ chức bị bệnh hoặc áp dụng phương pháp nuôi cây đơn bào tử của Ken Old, 1999; nuôi cây nấm bệnh bằng môi trường dinh dưỡng PDA.

 

3. Kết quả nghiên cứu

 

Triệu chứng bệnh

Những lá nhiễm bệnh thường có các đốm bệnh màu xanh nhạt, lá bị loang lổ. Bào tử vô tính của nấm bệnh được hình thành trên thể quả nhỏ màu đen ở giữa đốm bệnh. Nấm chỉ hình thành bào tử ở mặt dưới của lá có dạng giống như sợi tóc. Khác với bệnh đốm tím lá bạch đàn, do đám bào tử vô tính màu đen thường xuất hiện trên các đốm bệnh nên lá bị bệnh thường có các đốm màu đen (xem ảnh 1). Lá bị bệnh nhanh chóng bị khô và rụng. Nấm xâm nhiễm ở cả lá non và lá già vì vậy khi rừng bị bệnh nặng có thể bị rụng toàn bộ lá. Sau khi cây bị bệnh bị rụng một phần hay toàn bộ tán lá, cây trồng rất dễ bị tái xâm nhiễm của một số loài nấm gây bệnh loét cành và thân cây, dẫn đến cây có thể bị chết.

 

ảnh 1: Lá bạch đàn bị bệnh

Đặc điểm của nấm bệnh:

Thể quả của nấm bệnhnằm sâu trong lớp mô của lá và có một phần nhô lên bề mặt lá và sinh ra rất nhiều bào tử vô tính màu đen trên bề mặt của lá. Quan sát bào tử vô tính trên kính hiển vi với độ phóng đại 400 lần, bào tử vô tính có màu nâu đậm, kích thước của bào tử: chiều rộng trung bình: 2.5àm, chiều dài: 50-65 àm, thon đầu, bào tử cong hình chữ C, có 2 – 3 vách ngăn (ảnh 2). Đây là đặc điểm quan trọng để phân biệt giữa các loài trong chi nấm Phaeophleospora. Bào tử của loài nấm gây bệnh đốm đen dài và cong hình chữ C; trong khi đó bào tử vô tính của nấm gây bệnh đốm tím lại thẳng hoặc hơi cong ở phía gốc.

Hệ sợi nấm nuôi cấy trên môi trường PDA sinh trưởng rất chậm, khuẩn lạc gồ ghề, sau 20 ngày nuôi cấy, đường kính của khuẩn lạc mới đạt được 1,5 cm. Sau 20-25 ngày, khối bào tử vô tính màu đen cũng hình thành trên bề mặt khuẩn lạc.

ảnh 2: bào tử vô tính nấm gây bệnh

 

Sinh vật gây bệnh: Căn cứ vào đặc điểm của bào tử và đặc điểm của khuẩn lạc trong nuôi cấy thuần khiết. Dựa vào khoá phân loại của Crous, P.W., Ferreira, F.A. và Sutton B. 1997, nấm gây bệnh được xác định là loài: Phaeophleospora destructans (M.J. Wingf. & Crous) Crous, F.A. Ferreira & B. Sutton.

Cây chủ và phân bố: Loài nấm này rất phổ biến trên những khu vực trồng Bạch đàn trên toàn thế giới.

Bệnh dịch học: Bệnh xuất hiện vào đầu mùa mưa, nấm xâm nhiễm vào các lá của tán cây, sau thời gian ngắn lá bị khô và rụng. Bào tử nấm qua đông trên xác thực vật bị bệnh, mùa mưa năm sau nhiễm vào cây trồng qua nước mưa.

ảnh hưởng của bệnh: Một số bệnh đốm lá khác, sinh vật gây bệnh chỉ xâm nhiễm các lá già ở tầng tán phía dưới, bệnh đốm đen xuất hiện cả ở lá già và lá non, tấn công vào toàn bộ lá của cây, trường hợp nặng cây bị trụi lá hoàn toàn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh trưởng của cây. Theo kết quả điều tra tại một số rừng trồng bạch đàn bị bệnh ở Việt Nam và kết quả điều tra của Ken Old và Pongpanich, 2003 ở Thái Lan và một số nước Đông Nam á khác cho thấy khi rừng trồng Bạch đàn bị bệnh đốm đen, lá bị cháy rồi rụng, sau đó một số loài nấm gây bệnh loét thân cành, điển hình là Lasiodiplodia theobromae xâm nhiễm làm khô cành, ngọn cây và làm chết cây . Bệnh gây hại cho nhiều loài Bạch đàn: E. camadulensis, E. urophylla và một số dòng Bạch đàn lai. Các dòng Bạch đàn mẫm cảm với bệnh là: xuất xứ Petford của bạch đàn trắng E. camaldulensis, PN2 và dòng U6. Khi cây bị nhiễm nấm bệnh Phaeophleospora destructans cây có biểu hiện ngừng sinh trưởng, tán lá thưa và trong các năm sau lá thường nhỏ lại.

Biện pháp quản lý dịch bệnh: Bệnh thường xuất hiện ở rừng trồng trên mọi cấp tuổi. Khi bệnh xuất hiện có thể áp dụng một số biện pháp sau:

– Chặt toàn bộ cành lá bị nhiễm bệnh vào đầu mùa mưa, mang ra khỏi rừng trồng và tiêu huỷ.

– Phun thuốc hoá học để tiêu diệt và tránh lây lan: thuốc hoá học được sử dụng là: zineb 1%, daconil 0.1%, carbendazim 1%.

– Bạch đàn E. brassiana, E. pellita, E. saligna, E. microcorys, E. exserta ở các xuất xứ và một số xuất xứ Oro Bay, Sirinumu của bạch đàn trắng E. tereticornis có khả năng kháng được bệnh này.

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]