Kỹ thuật trồng Pơ mu tại Sapa – Lào Cai

Thân Văn Cảnh, Phan Văn Thắng

Trung tâm nghiên cứu lâm đặc sản

I. Một số đặc điểm chung

Cây pơmu có tên khoa học Fokienia hodginssi (Dunn) thuộc họ Hoàng đàn (Cupressaceace). Có nhiều tên gọi địa phương như đỗ sam, đỗ thụ, bách Phúc Kiến (Trung Quốc), thông dầu, thông hôi, mạy long lanh, mạy vác..

Gỗ pơmu bền đẹp, thân thẳng dễ cưa xẻ, kết cấu mịn, được dùng trong xây dựng, làm đồ mỹ nghệ, điêu khắc tạc tượng; rễ cành, ngọn, mùn cưa được lấy chưng cất tinh dầu làm hương liệu. Gỗ pơmu chôn sâu dưới đất hoặc ngâm dưới nước vài năm không bị mối mọt.

* Đặc điểm sinh vật học

Pơ mu là loài cây gỗ lớn thường xanh, thân thẳng tán hình tháp không có bạnh ở gốc, chiều cao 25-30m. Đường kính 1-2 m. Pơ mu có vòng đời kéo dài tới hàng trăm năm, sinh trưởng chậm và ở tuổi già thường bị rỗng ruột. Pơ mu là loài cây mọc nông, rễ cái không rõ rệt, rễ nhánh phát triển. Vỏ cây màu nâu xám, giai đoạn còn non vỏ bong thành mảng nhỏ, ở cây tuổi già vỏ nứt dọc, thịt vỏ màu hồng có mùi thơm.

Lá pơ mu hình vảy, lá có 2 dạng: lá dinh dưỡng và lá sinh sản. Lá dinh dưỡng hai bên xoè rộng hình mũi mác, lá sinh sản nhỏ dạng vảy gần như xếp lớp, mọc đối xứng từng đôi, lá vảy giữa có đầu mũi lồi, lá vảy hai bên đầu mũi tù hoặc nhọn. Mặt trên lá có màu xanh lục, mặt dưới có phấn trắng bạc.

Hoa đực cái cùng gốc. Nón đực mọc ở nách lá, hình trứng hay hình bầu dục dài 1 cm, nón cái mọc ở đầu càn, ngắn nón cái trưởng thành hình cầu. Pơ mu ra hoa vào tháng 3-4. Quả chín vào giữa tháng 11 đến đầu tháng 12 và tách ra làm nhiều vảy quả. Quả pơ mu hình cầu, đường kính khoảng 2,0 –2,5cm.Khi quả chín màu vỏ quả chuyển từ màu xanh vàng sang màu nâu sẫm. Mỗi vảy quả có 2 hạt mỗi hạt có cánh mỏng. Mỗi quả được từ 12-18 hạt. Chu kỳ sai quả khoảng 2-4 năm. Cây cho hạt tốt tuổi từ 30-40.

* Đặc điểm sinh thái

Pơ mu là một những loài cây hạt trần của vùng ôn đới thích nghi điều kiện khí hậu ẩm ấm có nhiệt độ trung bình hàng năm 150C. Nhiệt độ trung bình tháng lạnh nhất dưới 100C và cực trị thấp nhất dưới 00C. Lượng mưa trung bình hàng năm là 1200mm phân bố đều trong năm. Pơ mu thích hợp với đất đỏ vàng phát triển trên đá mẹ granit có tầng dày thay đổi với độ chua chua thấp. Nếu trồng ở những nơi có đất sét nhẹ, nhiều chất hữu cơ cây sinh trưởng phát triển rất tốt. Pơ mu thường mọc hỗn giao trong rừng tự nhiên với một số loài cây như giẻ, re, giổi, thông nàng,… Pơ mu là loài cây ưa sáng lúc nhỏ ưa bóng với độ che phủ 0.5-0.6.

* Phân bố

Pơ mu là loài cây hạt trần đặc hữu ở vùng Nam Trung Hoa – Bắc Đông Dương. Trung Quốc, Pơ mu phân bố trong các tỉnh Phúc Kiến, Giang Tây, Quảng Tây, Triết Giang, Quảng Đông, Vân Nam, Quý Châu và phân bố một số nơi trên đất nước Lào.

Việt Nam, pơ mu phân bố từ 120 tới 230 vĩ Bắc, gồm 18 tỉnh trải rộng từ Lai Châu, Sơn La, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hoà Bình, Thanh Hoá ,Nghệ an, Hà Tĩnh, Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc..tới Lâm Đồng, Ninh Thuận. Chủ yếu phân bố từ độ cao 950-1200m.

2. Kỹ thuật trồng

2.1. Kĩ thuật tạo cây con

* Chọn cây mẹ làm giống: Cây mẹ làm giống thường là cây trội, sinh trưởng phát triển tốt không bị cong queo sâu bệnh. Tuổi cây mẹ từ 30-40, có đường kính D1.3 = 25-35 cm cho tỷ lệ chất lượng quả và hạt tương đối cao ( 70% tỷ lệ hạt chắc). Số lượng quả trên cây đạt trên 30 kg.

* Thu hái hạt giống

– Thời vụ thu hái: Quả pơmu thường thu hái vào tháng 11 đầu tháng 12 khi vỏ quả chuyển từ màu xanh vàng sang màu nâu xẫm.

– Phương pháp thu hái và tách hạt: Quả pơ mu được thu hái bằng phương pháp thủ công là tốt nhất. Sau khi thu hái quả về đem phơi quả trong bóng râm. Sau 7-10 ngày hạt tách hết khỏi vỏ (90%).Tiến hành thu gom hạt, sàng sảy hạt lép và loại bỏ tạp chất sau đó đem gieo hoặc tiếp tục bảo quản.

* Bảo quản hạt giống: Sau khi thu hái hạt xong tốt nhất là nên gieo hạt ngay tỷ lệ nảy mầm cao (50%). Khi bảo quản hạt trong thời gian dài cần bảo quản lạnh ở điều kiện nhiệt độ (9o C) tỷ lệ nảy mầm đảm bảo ( 30%). Tuy nhiên thời gian bảo quản không quá 150 ngày.

* Thời vụ gieo ươm: Thời vụ gieo ươm cây Pơ mu tốt nhất là vào cuối tháng 3 đến đầu tháng 4, thời gian này độ ẩm cao nhiệt độ đã ấm hạt dễ nảy mầm.

* Làm đất gieo ươm: Đất gieo ươm phải được cầy bừa kỹ, thoát nước tốt, tơi xốp ẩm sau đó nên luống. Bề rộng mặt luống 1m, cao 20 cm, rãnh rộng 35 cm chiều dài luống tuỳ theo diện tích, địa hình của vườn tốt nhất là 10m để tiện chăm sóc. Lên luống xong bón phân chuồng hoại mục, trộn lẫn phân N P K rải đều trên mặt luống trước khi gieo hạt xử lý bằng thuốc Benlát nồng độ 0,05% để chống nấm.

* Xử lý hạt giống:

– Phương pháp: hạt giống được xử lí bằng cách ngâm vào nước ấm (2sôi+3 lạnh) trong thời gian 4giờ rồi vớt ra rửa chua bằng thuốc tím (KMnO4) loãng (0,05%). Sau đó rửa lại bằng nước lã và trộn với cát đem gieo đạt tỷ lệ nảy mầm cao nhất (50%).

* Gieo hạt: Gieo vãi đều trên mặt luống (0,3kghạt /10m2). Gieo xong lấp một lớp mỏng bằng đất mịn, cát mịn độ dày 0,5cm, tưới nước hàng ngày cho hạt đủ ầm nảy mầm.

* Chăm sóc cây con trên luống gieo: Hàng ngày tưới nước đều đặn cho cây con trên lưống gieo với liều lượng 2lít/m2 nên tưới dạng mù hoặc hạt nhỏ. Khi hạt hạt bắt đầu nảy mầm phun 1 lần thuốc benlat nồng độ 0,05% để phòng trừ nấm. Hàng ngày phải nhổ cỏ chăm sóc cây con trên mặt luống. Khi cây con cao từ 8-10 cm tiến hành nhổ và cấy vào bầu.

* Đóng bầu: Bầu làm bằng túi Polyetylen có đáy, đục 6 lỗ ở sườn túi cho thoát nước, kích thước bầu 9 x13cm.

– Chọn đất để đóng bầu: đất nhỏ mịn tơi xốp, có chứa nhiều mùn +30% phân chuồng hoại + 2% phân N P K trọng lượng bầu 250-300g, khi đóng bầu phải đóng thật chặt để khi vận chuyển khỏi bị vỡ bầu. Bầu đóng xong xếp thành luống rộng 1m dài 10m tiện kiểm kê, chăm sóc. Trước khi cấy cây vào bầu ta phun 1 lần thuốc benlát chống nấm nồng độ 0,5%, liều lượng 10 lít trên luống 10m2 .

* Cấy cây vào bầu: dùng que hay bay nhỏ chọc một lỗ giữa bầu đặt cây con ngay ngắn không được làm gập rễ sau đó lấy tay ấn chặt gốc.

– Cấy xong làm giàn che có độ tán che 0,7-0,9, hàng ngày tưới nước 2 lần cho đủ ẩm, liều lượng tưới 1 gánh / 1 luống.

Khi phát hiện cây bị nấm cần phun thuốc trừ ngay. Khi cây con cao 12-15cm điều chỉnh độ tàn che xuống còn 0,5.

Khi cây cao 20-25cm độ tàn che giảm xuống là 0,3 . Sau 18 tháng tuổi cây cao 25 cm đường kính gốc 0,5cm là đủ tiêu chuẩn đem trồng, loại bỏ giàn che để cây thích nghi dần với điều kiện chiếu sáng. Sự thành công hay thất bại của kỹ thuật gieo ươm là điều chỉnh cường độ chiếu sáng và phòng chống nấm bệnh.

Tạo cây giống từ hom:

– Thời vụ: Qua kết quả nghiên cứu tại SaPa cho thấy thời vụ giâm tốt nhất vào tháng 10, 11 và tháng 2, 3 với tỷ lệ ra rễ đạt 90%.

– Chuẩn bị nơi giâm: Nơi giâm cần thoáng, mát mẻ, gần nguồn nước, xa các ổ dịch bệnh, thoát nước tốt.

– Nguyên vật liệu giâm: gồm có cát, vòm che nilon, mái che điều chỉnh độ tán che, bình tưới, thuốc khử trùng benlát, chất kích thích sinh trưởng AIB, dụng cụ cắt hom.

– Kỹ thuật giâm:

+ Cành giâm: cành bánh tẻ ở cây có độ tuổi 3-4 tuổi là tót nhất với tỷ lệ ra rễ là 90%.

+ Cách xử lý: Sau khi cắt cành giâm cho vào nước, rồi tiến hành đem giâm ngay. Hom được cắt với độ dài 7-10cm, sau đó ngâm vào thuốc khử trùng bằng thuốc benlát và xử lý bằng chất kích thích sinh trưởng AIB.

+ Cờy: Nền cấy là cát với mật độ cấy 5 x 5cm.

+Chăm sóc: Sau khi cấy dùng vòm che nilon che lại. Nơi giâm luôn có độ tán che >0.9. Hàng ngày tưới cho đủ ẩm và tránh ánh sáng trực xạ chiếu trực tiếp.

+ Chuyển ra bầu: Sau 2-3 tháng hom ra rễ đều với tỷ lệ >60%, hom có số lượng ra rễ TB >5 và chiều dài rễ > 5cm chuyển ra bầu. Có thể để hom trong 4-6 tháng khi thấy số lượng rễ nhiều, kích thước rễ dài >10cm có thể nhổ và trồng trực tiếp với tỷ lệ sống> 90%.

2.2. Kỹ thuật trồng

Thí nghiệm trồng trên 2 dạng lập địa chủ yếu:

– Trên đất rừng thứ sinh nghèo kiệt phục hồi sau nương rẫy có độ tàn che 0,4 với thực bì gồm một số cây tái sinh ưa sáng: Tống quá sủ, sồi, hu đay,..với chiều cao bình quân (>4m), đường kính 1,3m bình quân 10-15cm. Cây bụi thảm tươi gồm lau, chít, chè vè..

– Trên đất trống sau nương rẫy.

* Phương thức trồng: Tuỳ theo các loại đất mà tiến hành chọn phương phức trồng phù hợp.

– Trên đất rừng thứ sinh nghèo kiệt phương thức trồng chủ yếu là hỗn giao theo đám, cụm với một số cây tái sinh tự nhiên có sẵn. Các cây này trước tiên để lại làm nhiệm vụ che bóng.

– Trên đất trống tiến hành trồng thuần loài . Trong đó có công thức trồng thuần loài có kết hợp canh tác cây nông nghiệp trong giai đoạn đầu như trồng lúa.

* Mật độ trồng: Tiến hành nghiên cứu với mật độ trồng chủ yếu 1100cây/ha ( 3x3m).

* Thời vụ trồng: Tiến hành trồng vào tháng 7-8.

* Xử lý thực bì: Tiến hành phát quang dây leo cây bụi tại khu vực trồng.

* Đào hố trồng: Tiến hành đào hố trước khi trồng 1 tháng kích thước hố 40x40x40cm.

* Lấp hố và rẫy cỏ xung quanh miệng hố sau khi đào hố 2 tuần.

* Trồng: Lấy đất trong hố ra và trồng cây vào đó . Chú ý khi trồng nên đặt cây ngay ngắn vào chính giữa hố, lấp đất thật chặt xung quanh gốc.

* Chăm sóc: tiến hành chăm sóc 3 lần/ năm bằng cách phát xung quanh gốc và xới với đường kính 0,8-1 m. Trong khi chăm sóc có kết hợp bón phân NPK liều lượng 0,2kg /gốc. Thường xuyên bảo vệ và phòng trừ sâu hại.

Trong quá trình thực hiện đề tài, kết quả đo đếm về sinh trưởng cây pơ mu trên các dạng lập địa như sau:

– Tỷ lệ sống: Các công thức nghiên cứu đều cho kết quả cao(>85%). Cao nhất là trên đất trống có canh tác lúa đạt 92%.

– Các chỉ tiêu sinh trưởng sau hai năm trồng:

Công thức D00 (mm) Hvn(cm) Tình hình sin trưởng
PM1 34,5 200,3 Tốt
PM2 25,9 141,4 Trung bình
PM3 61,3 225,3 Tốt

Sơ qua số liệu trên cho thấy công thức PM3 cho sinh trưởng tốt nhất trong những năm đầu. So sánh các chỉ tiêu thống kê cho thấy giữa 3 công thức có sự sai khác rõ ràng về các chỉ tiêu sinh trưởng với độ tin cậy 95%. Điều này có nghĩa là sinh trưởng của Pơ mu trồng trên đất trống có canh tác nông nghiệp trong những năm đầu là tốt nhất.

***********************************************

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]