Kỹ thuật trồng cây muồng hoa pháo

Hoàng Xuân Tý

Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam

Cây muồng hoa pháo (caliandra) là loài cây bụi, họ Trinh nữ có nguồn gốc từ Trung Mỹ (Costa Rica, Guatemala . . . .) nhưng ngày nay đã nổi tiếng khắp vùng Châu á Thái Bình Dương. Năm 1936 , lần đầu tiên Caliandra được nhập nội và thử nghiệm ở Indonexia để che bóng cho cà phê.

Từ 1960, và đặc biệt sau 1974 nó được gây trồng rộng rãi ở Indonexia để lấy củi, trồng xen với cây ăn quả và hoa màu.

ở Việt Nam, tuy mới được trồng khảo nghiệm, nhưng Caliandra tỏ ra có nhiều triển vọng cho một số vùng dùng để phủ đất, trồng trong nông lâm kết hợp và làm thức ăn gia súc.

1. Đặc điểm sinh thái

Cây muồng hoa pháo (Caliandra Calothyrsus), thuộc họ phụ trinh nữ (Mimosoidceae). Là loài cây bụi nhiều thân, cành, cao 4 – 6m, nơi phù hợp có thể cao 12m với đường kính 33cm. ở Việt Nam, hoa nở từ tháng 11 đến hết tháng 1 năm sau hay muộn hơn. Hoa có nhị đực rất dài, màu đỏ tươi như xác pháo (nên gọi là muồng hoa pháo).

Caliandracó thể phù hợp với nhiều loại đất, kể cả đất chua (pH=”5),” nhưng rất sợ úng. ở Việt Nam qua trồng thử đã thấy Caliandra có thể mọc tốt ở độ cao 50-1000m ở (Hoà Bình, Sơn La) và cả ở những nơi có lượng mưa 1800 – 2000mm/năm. Với mùa khô dài 5 – 6 tháng(sông Bé). Tại Việt Nam, yếu tố hạn chế đối với Caliandra là đất chua, pH 4 – 4,5 ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng.

2. Công dụng

Caliandra là cây họ đậu đa tác dụng và rất phù hợp với canh tác nông lâm kết hợp hộ gia đình.

– Làm củi: Sản lượng củi có thể đạt từ 35 – 65m3/ha/năm và có thể chặt chồi vài chục năm liền. Gỗ củi rất chắc, nhiệt năng đạt 4500 – 4750Kcalo/kg.

Do ra chồi nhiều lần, cành vừa đun bếp, không phải chẻ nhỏ nên rất được nông dân ưa thích. Sau khi chặt một năm, chồi có thể đạt kích thước ban đầu (đường kính = 3 – 5cm).

– Cải tạo đất: Caliandra có khả năng cộng sinh dễ dàng với vi khuẩn cố định đạm nên đã góp phần cải tạo đất, chống sói mòn tốt; lá Caliandra là loại phân xanh rất được ưa chuộng. Nếu cắt lá theo chu kỳ 4 tháng 1 lần thì phần lớn sản phẩm là lá xanh với hàm lượng đạm cao (4 – 4,5%). Vì vậy Caliandra được dùng phổ biến để trồng xen với chè, cà phê, hoa màu và luân canh để cải tạo đất trong thời kỳ bỏ hoá. Tại Hoà Bình và Sơn La, sau 1,5 – 2 năm, thảm cây Caliandra đã khống chế hoàn toàn cỏ dại và tăng độ ẩm đất rõ rệt.

Vai trò của cây này được tăng lên đối với các vùng lạnh ở độ cao lớn mà cây keo dậu không thể phát triển.

– Thức ăn gia súc: Rất nhiều kết quả nghiên cứu tại các nước đã cho thấy hàm lượng Protein thô trong lá non đạt tới 20 – 22%. Sản lượng lá xanh có thể đạt 46,2 tấn/ha/năm. Tuy nhiên, do hàm lượng tanin trong lá khá cao (10%) nên phần nào hạn chế tỷ lệ tiêu hoá của gia súc. Các súc vật như cừu, bò, dê, thỏ đều thích ăn lá cây này. Tuy nhiên tốt hơn là trộn với các thức ăn khác và cần huấn luyện để súc vật chóng thích ứng. Một nghiên cứu đã cho ta thấy trọng lượng tăng nhiều nhất khi trộn 40 – 60% lá Caliandra vào thức ăn.

Caliandra có rất nhiều hạt với 27% Protein và 7% chất béo cũng là nguồn dinh dưỡng cao cho gia súc.

– Công dụng khác: Caliandra rất nhiều hoa và nở gần quanh năm. Sản lượng mật ong tại các đồn điền trồng Caliandra có thể đạt 1 tấn/ha/năm. Hoa Caliandra rất đẹp và có thể làm cây cảnh ngoài ra, Caliandra là cây chủ tốt để thả cánh kiến đỏ.

3. Gây trồng và quản lý:

Trong 1kg hạt Caliandra có 14 – 19 ngàn hạt và không cần xử lý trước khi gieo. Người ta trồng bằng gieo hạt thẳng hay bằng cây thân cụt. Nếu dùng thân cụt thì nên chọn cây cao 1m, cắt thân chính để lại 30cm và 20cm rễ. Mật độ trồng có thể thay đổi từ 1m x 1m đến 1m x 5m tuỳ mục đích sử dụng. Lúc nhỏ Caliandra mọc chậm và rất cần chăm sóc, chống cỏ dại. Khi đã cao 1,5-2m nó hoàn toàn chống được cỏ và phát triển lâu dài. Lúc mới trồng nên bón một ít phân đạm + lân (5 – 10g/cây). Nếu làm củi thì chu kỳ chặt khoảng 6 – 12 tháng là phù hợp. Gốc chặt phải cao khoảng 0,5m để tạo nhiều cành và chống nấm. Nếu lấy lá cho gia súc và phân xanh thì từ 2 – 4 tháng phải cắt một lần.

Các mô hình nông lâm kết hợp sử dụng Caliandra là:

– Trồng xen che bóng cho cà phê, chè với mật độ 4 x 4m hoặc 5 x 5m.

– Trồng theo băng trên nương bậc thang, với cự ly trên băng từ 0,4 – 0,5m. Trong vụ gieo trồng cây hoa mầu, có thể đốn cành để giảm che bóng. Đây là mô hình phù hợp để canh tác đất dốc theo SAL1, SLA2.

– Trồng luân canh trong canh tác rẫy. Sau vụ ngô hay lúa cuối cùng có thể gieo Caliandra . Sau 3 – 4 năm có thể thu hoạch củi và gieo trồng trở lại.

– Trồng rừng củi để khai thác lâu dài. Có thể trồng thành băng hay phân bố đều với khoảng 4000 – 8000 cây/ha. Hàng năm chặt chồi 1 – 2 lần.

– Ngoài ra Caliandra có thể trồng làm hàng rào quanh vườn hoặc các lô canh tác cây nông nghiệp.

– Sâu bệnh: Chưa thấy loại sâu bệnh nào gây hại đáng kể cho Caliandra. Tuy vậy một vài loài bọ cánh cứng có thể phá hoại hạt cây Caliandra.

**************************************

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]