Kết quả nghiên cứu một số đặc điểm sinh lý, sinh thái cây Giáng hương

Hà Thị Mừng

Trung tâm NC Sinh thái và Môi trường rừng

Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam

TÓM TẮT

Giáng hương (Pterocarpus macrocarpus Kurz) là loài cây gỗ lớn bản địa có giá trị kinh tế cao, đã và đang bị khai thác rất mạnh, được ghi vào Sách đỏ Việt Nam. Đây là loài cây cần được bảo tồn nguồn gen và được lựa chọn là loài cây ưu tiên cho trồng rừng đặc dụng ở Việt Nam, tuy nhiên, hiểu biết về đặc điểm sinh lý sinh thái của loài còn ít. Do đó, nghiên cứu một số đặc điểm sinh lý, sinh thái của Giáng hương là cần thiết nhằm cung cấp các thông tin cơ sở cho việc xây dựng các biện pháp kỹ thuật gây trồng và phục hồi rừng cây bản địa.

Vật liệu nghiên cứu là các cá thể, quần thể Giáng hương ở rừng tự nhiên tại vườn quốc gia Yok Don – Dak Lak; cá thể Giáng hương 1-2 năm tuổi trong vườn ươm tại Hà Nội và Hòa Bình.

Các phương pháp được sử dụng trong nghiên cứu này bao gồm: phương pháp kế thừa; phương pháp khảo sát đánh giá hiện trường (điều tra theo ô tiêu chuẩn – Mishra, 1968; Odum 1971, Rastogi, 1999 và Sharma, 2003); phương pháp bố trí thí nghiệm trong vườn ươm; và phương pháp phân tích và xử lý số liệu (các chỉ tiêu sinh lý của cây và hóa tính của đất được phân tích theo các phương pháp thông thường trong phòng thí nghiệm; chỉ số giá trị quan trọng (IVI) của mỗi loài tính theo công thức của Mishra, 1968; độ phong phú tính theo công thức của Curtis and Mclntosh, 1950).

Kết quả nghiên cứu cho thấy: Giáng hương phân bố ở những nơi có nhiệt độ trung bình năm 21,9 -26,90C, nhiệt độ tối cao tuyệt đối 36,0- 42,70C, nhiệt độ tối thấp tuyệt đối 1,7 – 15,00C, nhiệt độ tối cao trung bình tháng nóng nhất 29,7 – 35,30C, nhiệt độ tối thấp trung bình tháng lạnh nhất 10,4 – 20,90C, lượng mưa 1268,3 – 2172,1 mm/năm,trên đất có hàm lượng dinh dưỡng từ nghèo đến khá. Trong các lâm phần nghiên cứu tại vườn quốc gia Yok Don, giá trị IVI của Giáng hương là 32, đứng thứ 2 sau Cà chít, các quần thể ở đây có tính đa dạng sinh học cao, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, và cung cấp đủ cây con cho quá trình đào thải tự nhiên. Tỷ lệ che bóng thích hợp cho Giáng hương 6 tháng tuổi là 50%, 12 tháng tuổi là 25%, sau đó dỡ giàn che hoàn toàn. Lượng phân bón hợp lý là 38,17 mgN/kg đất bầu + 76,3 mg P2O5/kg đất bầu + 22,9 mg K2O/kg đất bầu cho cây con Giáng hương giai đoạn 1 năm tuổi ở vườn ươm và 57,30 mgN/kg đất bầu + 114,5 mg P2O5/kg đất bầu + 45,8 mg K2O/kg đất bầu cho cây con giai đoạn 2 năm tuổi ở vườn ươm.

Từ khóa: Sinh lý, Sinh thái, Giáng hương

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Giáng hương (Pterocarpus macrocarpus Kurz) là loài cây gỗ lớn bản địa có giá trị kinh tế cao, đã và đang bị khai thác rất mạnh, số lượng cá thể và quần thể giảm sút một cách nhanh chóng nên được ghi vào Sách đỏ Việt Nam. Đây là loài cần được bảo tồn nguồn gen và được lựa chọn là loài cây ưu tiên cho trồng rừng đặc dụng ở Việt Nam.

Một số mô hình trồng rừng Giáng hương đã được xây dựng, song hiểu biết về đặc điểm sinh lý sinh thái của loài còn ít. Do đó, nghiên cứu một số đặc điểm sinh lý, sinh thái của Giáng hương là cần thiết nhằm cung cấp các thông tin cơ sở cho việc xây dựng các biện pháp kỹ thuật gây trồng và phục hồi rừng cây bản địa. Bài báo này trình bày kết quả nghiên cứu về một số đặc điểm sinh lý, sinh thái của cây Giáng hương thuộc đề tài “Nghiên cứu một số đặc điểm sinh lý, sinh thái một số loài cây lá rộng bản địa làm cơ sở cho việc gây trồng rừng” được Trung tâm Nghiên cứu Sinh thái và Môi trường rừng thực hiện từ năm 2006 đến 2009.

(Kỷ yếu Hội nghị Khoa học Công nghệ Lâm nghiệp với phát triển rừng bền vững và biến đổi khí hậu, trang 120-136)

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]