Kết quả giâm hom Vù hương phục vụ bảo tồn nguồn gen cây rừng

Kết quả giâm hom Vù hương

phục vụ bảo tồn nguồn gen cây rừng

Nguyễn Hoàng Nghĩa, Nguyễn Văn Thọ

Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam

Vù hương còn gọi là Gù hương, có tên khoa học là Cinnamomum balansae H.Lec, thuộc họ Re (Lauraceae), là loài cây gỗ lớn, cao tới 20 – 30m, đường kính có thể đạt trên 1m. Hạt, gỗ, rễ và vỏ có tinh dầu thơm (có nhiều ở vỏ và hạt), được sử dụng trong sản xuất xà phòng và dầu nhờn, sản xuất tinh dầu xá xị; gỗ tốt không mối mọt có mùi thơm (mùi long não) nên được ưa chuộng trong đóng đồ gỗ gia dụng. Loài cây có phân bố rải rác ở khu vực đồi, núi thấp của của các tỉnh phía Bắc. Hiện nay, số lượng cây vù hương còn rất ít, chỉ còn thấy ở VQG Cúc Phương (Ninh Bình), Ba Vì (Hà Tây), trong rừng thứ sinh và vườn hộ ở Thạch Thành (Thanh Hoá) và rải rác ở một số nơi; song hiện nay đã bị khai thác quá mức, không còn gặp nhiều trong rừng tự nhiên nên được xếp vào loại hiếm (Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường, 1996). Khó tìm thấy cây có kích thước lớn và không phải cây trưởng thành nào cũng có quả, thu hái hạt giống ở cây lớn rất khó khăn, mặt khác do hạt có chứa nhiều tinh dầu, nhanh mất sức nảy mầm, tỷ lệ nảy mầm thấp, cho nên việc thử nghiệm nhân giống bằng hom để góp phần lưu giữ nguồn gen là hết sức cần thiết.

1. Vật liệu và phương pháp nghiên cứu

1.1. Vật liệu giâm hom: Hom đầu cành không có hoa, quả được thu hái tại Cầu Hai (Phú Thọ) từ các cây mọc rải rác trong rừng và vườn hộ. Hom được lấy từ cây mẹ khoảng có D1,3 35cm, chiều cao 12m (khoảng 15 năm tuổi), thời gian thí nghiệm từ tháng 9 đến tháng 12/2003.

1.2. Thuốc kích thích ra rễ: Sử dụng 4 loại thuốc kích thích ra rễ là: AIA (axit indol axetic), AIB (axit indol butiric), ANA (axit naphtalen axetic) và ABT1 ở dạng bột, trộn với than hoạt tính ở các nồng độ: 0,5; 1,0; 1,5 ; 2,0 %. Đối chứng là các hom không xử lý với các chất kích thích trên.

2. Kết quả nghiên cứu

Các số liệu thu thập được tại Biểu 1 cho thấy vù hương có khả năng ra rễ ngay cả khi không có thuốc kích thích, mặc dù tỷ lệ ra rễ chỉ đạt 40%. Thuốc kích thích ra rễ sau khi xử lý đã làm tăng đang kể tỷ lệ ra rễ của hom vù hương lên đến 1,5 – 2,0 lần; trong đó thuốc AIA nồng độ 0,5 – 1,5% cho tỷ lệ ra rễ đạt từ 70 – 80% tổng số hom giâm, ABT nồng độ 1 – 2% đạt 60 – 80% ra rễ. Hai loại thuốc ABT và AIA có hầu hết các công thức đạt tỷ lệ ra rễ trên 60%, đủ tiêu chuẩn giâm hom cho sản xuất.

Chất lượng bộ rễ được đánh giá qua các chỉ tiêu: số rễ trung bình, chiều dài trung bình của rễ và chiều dài rễ của rễ dài nhất. Kết quả cho thấy không có sự khác biệt rõ ràng giữa các công thức thí nghiệm nhưng hầu hết các công thức được xử lý thuốc kích thích ra rễ đều có bộ rễ tốt hơn công thức đối chứng.

Biểu 1. Tỷ lệ ra rễ ở các công thức giâm hom

Công thức Nồng độ (%) Số lượng cành giâm Ra rễ Ra mô seo Chết
N % N % N %
Đối chứng 20 8 40 1 5 11 55
0,5 20 9 45 0 0 11 55
ANA 1,0 20 8 40 3 15 9 45
1,5 20 10 50 4 20 6 30
2,0 20 9 45 2 10 9 45
0,5 20 11 55 2 10 7 35
AIB 1,0 20 12 60 3 15 5 25
1,5 20 8 40 4 20 8 40
2,0 20 12 60 0 0 8 40
0,5 20 14 70 2 10 4 20
AIA 1,0 20 14 70 0 0 6 30
1,5 20 16 80 3 15 1 5
2,0 20 9 45 5 25 6 30
0,5 20 9 45 0 0 11 55
ABT1 1,0 20 15 75 2 10 3 15
1,5 20 16 80 1 5 3 15
2,0 20 12 60 2 10 6 30

Biểu 2. Chất lượng rễ của các công thức giâm hom

Công thức Nồng độ (%) Số rễ Trung bình trên hom Chiều dài Trung bình rễ (cm) Chiều dài rễ dài nhất (cm) Số rễ nhiều nhất trên hom
Đối chứng 1,11 3,22 4,1 3
0,5 4,00 2,49 5,7 6
ANA 1,0 1,45 3,47 8,4 4
1,5 0,86 2,63 4,0 4
2,0 1,55 1,89 2,5 6
0,5 1,85 1,86 5,2 4
AIB 1,0 1,13 1,76 2,9 4
1,5 1,82 3,44 9,0 4
2,0 3,45 3,47 5,8 6
0,5 1,12 1,68 3,8 4
AIA 1,0 2,29 2,93 7,6 4
1,5 2,68 2,65 7,5 6
2,0 1,20 3,46 5,5 3
0,5 2,11 2,38 3,9 7
ABT1 1,0 2,06 1,37 3,2 5
1,5 1,76 2,13 6,0 8
2,0 2,57 2,30 5,1 5

3. Kết luận và kiến nghị

Sách đỏ Việt Nam (Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường, 1996) xếp hạng vù hương vào hạng bị đe doạ (loài hiếm R) nên cần mau chóng được bảo tồn thông qua việc xây dựng các quần thụ bảo tồn ex situ để có thể bảo vệ được loài trong tương lai. Vù hương khó thu hạt và hạt giống có tỷ lệ nảy mầm thấp nên giâm hom là biện pháp nhân giống hiệu quả hơn trong việc nhân giống phục vụ bảo tồn cũng như trồng rừng diện tích lớn sau này.

Vù hương là cây dễ ra rễ, ngay cả với cây lớn tuổi (15 tuổi) không có chất kích thích cũng cho tỷ lệ ra rễ đạt 40%. Hai chất kích thích ra rễ là AIA và ABT1 đều có nhiều nồng độ làm tăng đáng kể tỷ lệ ra rễ, có khi tăng 2,0 lần so với đối chứng và là các chất có hiệu quả cao nhất trong số 4 chất kích thích đã sử dụng vào giâm hom. Các chất kích thích ra rễ đều cho bộ rễ tốt hơn so với đối chứng về số lượng rễ trên hom giâm.

Tài liệu tham khảo

Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trư­ờng, 1996. Sách đỏ Việt Nam, phần thực vật. Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.

Nguyễn Hoàng Nghĩa, 2001. Nhân giống vô tính và trồng rừng dòng vô tính. Nhà xuất bản Nông nghiệp, Hà Nội.

Nguyễn Hoàng Nghĩa và Trần Văn Tiến, 2002. Kết quả nhân giống hom bách xanh, pơ mu, thông đỏ ở Lâm Đồng. TC Nông nghiệp &PTNT, 6/2002.

Nguyễn Hoàng Nghĩa và Trần Văn Tiến, 2004. Kết quả nhân giống hom Hồng tùng phục vụ trồng rừng bảo tồn nguồn gen. TC Nông nghiệp &PTNT, 3/2004.

Summary

Cinnamomum balansaeis the rare species, which is hard to find a grown plant in the nature. As it is difficult to collect its seeds, raising and cutting is an effective method of propagation. This species generates its roots quite easily, even those grown plants (15 year old) without stimulus produce root-generating rate of 40%. Two stimulus substances are AIA and ABT1 that have great concentration to raise root-generating rate considerably, sometimes twice as high as checking one. Those stimulus substances help plants generate root sets better than checking one in term of root quantity on cutting & raising. It is possible to use the cutting propagation method to produce cutting plants, conservation and development of forests in the future.

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]