Độ màu mỡ của đất rừng và năng suất cây bạch đàn ở miền Nam Tôgô

ở miền Nam Tôgô, gần 4000 ha rừng bạch đàn được trồng trên nền granitô – gnai. Việc sản xuất rừng trồng được thực hiện bằng cách trồng xen kẽ các hàng cây bạch đàn tereticornistorelliana. Theo địa hình khu rừng, người ta xác định các kiểu di truyền loại đất và các điều kiện thẩm thấu, các dòng chảy của nước mưa.

Từ năm 1982 – 1988, gần 4000 ha bạch đàn được trồng ở miền Nam Tôgô (dự án trồng rừng châu Phi – rừng Êtô – Nam Tôgô) nhằm mục đích cung cấp gỗ củi, than củi, gỗ xây dựng cho thành phố Lômê.

Trong bài này, chúng tôi giới thiệu các điều kiện kinh tế kỹ thuật của dự án này và chỉ đề cập tới năng suất của các lâm phần phụ thuộc nhiều vào chất lượng đất rừng và cung cấp các số liệu giải thích các mối quan hệ giữa đất và năng suất rừng.

1. Các đặc tính chính của rừng trồng

Rừng trồng đã được trồng ở khu rừng Êtô, cách thủ đô khoảng 50km về phía Bắc, ở độ cao trung bình 90m so với mặt biển. Tầng đất mặt trên nền granitô – gnai chiếm 3/ 4 diện tích đất Tôgô và gần 1/ 3 lục địa châu Phi.

Lượng mưa trung bình hàng năm ở đây là 1.140mm, tập trung cao điểm vào tháng 6 (mùa mưa) và tháng 10. Trong thời gian nghiên cứu lượng mưa lên tới 4.750mm (4 năm). Một đặc điểm khí hậu miền Nam Tôgô là ít mưa, hoàn cảnh thiên nhiên tạo cho vùng này những savan gỗ và một số khu rừng nửa rụng lá. Cả hai loại rừng này đều xuống cấp nghiêm trọng do cháy rừng và việc khai thác gỗ quá độ.

Công việc trồng rừng được tiến hành trước tiên ở đây, năm này qua năm khác, trên những vùng đất đã mất rừng theo quy hoạch, sau đó là công việc đồng áng. Những vùng trồng trọt tốt nhất và những vùng trồng cây cọ dầu được duy trì.

Việc trồng rừng được tiến hành theo phương pháp hỗn hợp theo hàng Eucalyptus tereticornisE. torelliana.

2. Độ màu mỡ của đất

Như đã nêu ở trên, độ màu mỡ của đất được đánh giá bằng năng suất lâm phần trong 4 năm. Những vùng màu mỡ nhất có tăng trưởng trung bình hàng năm cao nhất (14m3/ ha/ năm) chiếm khoảng 20% diện tích trồng rừng. Các vùng này chủ yếu tương ứng với đất đỏ là loại đất trên nền granitô-gnai ở Tôgô, là những vùng đất sâu, có sỏi, tiêu nước tốt. Hầu hết các loài cây nông nghiệp trồng xen kẽ đều được trồng trên cùng loại đất này. Các vùng đất ít màu mỡ có tăng trưởng trung bình hàng năm dưới 10m3/ ha/ năm tương ứng với các khu vực có móng đá ngầm trên bề mặt, các vùng trũng không tiêu nước và vùng hạ lưu của mạng lưới thuỷ văn.

Thực tế địa hình cho thấy, theo kiểu địa hình, các điều kiện tưới tiêu bên ngoài, sự nối tiếp di truyền của đất, mỗi kiểu địa hình có một kiểu tưới tiêu riêng biệt bên trong phù hợp với sự tưới tiêu bên ngoài.

Dải địa hình từ thượng nguồn đến hạ lưu là đất feralit, đất có sắt, đất bạc màu (đất đen, nhiều sét trên lớp mặt hoặc đất nhiều đá lẫn) và cuối cùng là đất gley hoặc pseudo-gley. Đất có sắt chiếm ưu thế ở vùng này (độ sâu, sự kết hạch, độ ứ nước tương đối rõ ràng).

Sự thiếu nước luôn là một thách thức lớn, đất vùng này thường xuyên thừa nước do sự tắc nghẽn của tầng đất cao hoặc trung bình trong mùa mưa, trong khi đó việc nạo vét các hồ chứa chưa được thực hiện tốt.

Ngay từ 1972, trong khuôn khổ điều tra có hệ thống đất rừng đã được xếp hạng ở miền Nam Tôgô, Bruin (1972) đã chọn việc tưới tiêu như một tiêu chuẩn xác định khả năng của đất rừng và đã chỉ ra rằng đất rừng tốt nhất là loại đất có sắt kết von ở trên bề mặt, chiếm khoảng dưới 10% diện tích điều tra.

Việc tăng dân số hiện nay ở Tôgô đặt người dân trong tình trạng phải đi tìm đất mới và là nguyên nhân gây xung đột giữa nhân dân và những người làm công tác lâm nghiệp. Nạn cháy rừng trồng là một bằng chứng nghiêm trọng.

3. Mối quan hệ giữa đất rừng và năng suất rừng

Chúng tôi chỉ giới thiệu ở đây những suy nghĩ trong trường hợp trồng rừng đại trà phục vụ năng lượng trên tầng đất cổ granitô – gnai châu Phi (Xu Đăng) và khả năng thực hiện ở những vùng tương tự.

Tuy nhiên, việc lựa chọn loài cây bạch đàn là loài cây trồng rừng làm gia tăng mục tiêu đã phân định cho loại rừng trồng này. E. tereticornis, loài thuần chủng hoặc loài lai chắc chắn là loài thích hợp nhất về sản lượng cũng như chất lượng sản phẩm.

Trở ngại hàng đầu mà người trồng rừng phải chịu là tính không đồng nhất của đất, vì vậy đòi hỏi phải có một sự lựa chọn nghiêm túc trước khi thực hiện trồng rừng.

Một dự án trồng rừng đại trà sẽ rất khó khăn bởi sự phân tán và các dạng khoảnh rừng, nhất là các cấu trúc của hạ tầng (làm đường, hàng rào chắn lửa với giá thành quá cao).

Công việc trồng rừng kiểu “nông dân” có thể tạo nên một công thức trồng rừng thay thế, đó là việc người trồng rừng thực hiện công việc này một cách kinh tế, có khả năng sinh lợi và thấy được khả năng của đất cho một mùa bội thu.

ở vùng Tây Phi giờ đây đất màu mỡ nhất và đất dễ sản sinh lợi nhuận nhất thông thường được dùng vào sản xuất nông nghiệp, trừ những nơi có rừng tự nhiên cần được bảo tồn.

Tính bền vững của nông nghiệp trong vùng này vì vậy có thể được bảo vệ ở những vùng đất hoang hoá bằng cách thay thế các loài cây bạch đàn bằng các loài cây cải tạo đất và sản xuất gỗ như Acacia mangium hoặc Acacia auriculiformis. Những loài cây này đã được trồng thử nghiệm trong những điều kiện tương tự và đã mở ra một con đường mới trong việc phát triển nông thôn toàn diện, đồng thời có thể thoả mãn các mục tiêu xã hội, kinh tế và ổn định các diện tích trồng trọt.

Mai Thành

(Lược dịch từ Tạp chí

Bois et Forêts des Tropiques” No 267/ 2001).

***************************************

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]