Đánh giá một số dự án lâm nghiệp vùng Tây Nguyên giai đoạn 1995-2005: Kết quả và khuyến nghị nâng cao hiệu quả dự án

Hoàng Liên Sơn

Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam

TÓM TẮT

Việc đánh giá thành công, hạn chế và bài học kinh nghiệm của một số dự án lâm nghiệp vùng Tây Nguyên giai đoạn 1995 – 2005 có ý nghĩa rất quan trọng cho xây dựng và thực hiện dự án lâm nghiệp nhằm mang lại hiệu quả thiết thực cho phục hồi rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, tăng cường vai trò phòng hộ của rừng, cũng như xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế xã hội. Nghiên cứu đã tiến hành đánh giá 6 dự án lâm nghiệp thuộc 2 nhóm: (i) Dự án có vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước và (ii) Dự án có vốn vay hoặc tài trợ nước ngoài tại hơn 40 điểm nghiên cứutrên địa bàn35 xã của 4 tỉnh Tây Nguyên về các khía cạnh: Hiệu quả; hiệu suất; thích hợp; bền vững; và tác động của dự án. Trong phạm vi bài viết này, chỉ trình bày kết quả đánh giá 3 dự án mang tính đại diện đề xuất một số khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư trong lâm nghiệp góp phần quản lýrừng bền vững và xoá đói giảm nghèo vùng Tây Nguyên. Dựa vào những kết quả nghiên cứu đạt được, những thành tựu và hạn chế của các dự án đầu tư lâm nghiệp vùng Tây Nguyên được khái quát như sau:

– Dự án góp phần giảm tỷ lệ đói nghèo, nâng cao cơ sở hạ tầng. Cụ thể như dự án ABD đã đầu tư nâng cấp hệ thống đường giao thông liên tỉnh – huyện.

– Dự án đầu tư lâm nghiệp có yếu tố quốc tế đã mang đến cho Tây Nguyên phương pháp tiếp cận mới nên đã tạo ra sự chủ động cùng tham gia của các bên liên quan, đóng vai trò quyết định đến tính hiệu quả đầu tư của dự án. Các dự án này đã có quá trình xây dựng dự án tiền khả thi rất nghiêm túc, xác định điểm đầu và cuối của việc đầu tư dự án, điều chỉnh ngân sách phù hợp với hoạt động và quan tâm đặc biệt đến sự phối hợp giữa các bên liên quan để cùng hướng tới mục tiêu dự án. Tuy nhiên, cần thay đổi phương pháp tiếp cận cho hài hòa với hệ thống phân cấp, phân quyền trong quản lý lâm nghiệp vùng Tây Nguyên.

– Cần tăng cường sự phối kết hợp để thực hiện chính sách 134, 135, 178 nhằm nâng cao khả năng tiếp quyền sử dụng đất và hưởng lợi của hộ gia đình nghèo và đồng bào dân tộc.

– Phân bố nguồn lực của các dự án cần tập trung, tránh dàn trải (dự án 661) để đạt được những mục tiêu lớn đặt ra tương xứng với tổng vốn đầu tư của dự án để tránh lãng phí và kém hiệu quả.

– Cần chú trọng xây dựng hệ thống giám sát – đánh giá đối với các dự án có vốn đầu tư trong nước để điều chỉnh kế hoạch kịp thời nhằm đạt được mục tiêu đã đặt ra.

Từ khóa: Vùng Tây Nguyên; Dự án lâm nghiệp; Hiệu suất; Bền vững; Xóa đói giảm nghèo.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Tây Nguyên nằm về phía Tây và Tây Nam nước ta, phần lớn diện tích lãnh thổ thuộc phía Tây dãy Trường Sơn, bao gồm nhiều dãy núi trung bình và cao nguyên, có tài nguyên rừng phong phú và đa dạng, có tầm ảnh hưởng lớn đến kinh tế – xã hội và môi trường sinh thái của toàn bộ hành lang Đông – Tây.

Tây Nguyên có diện tích đất lâm nghiệp khoảng 3,75 triệu ha, trong đó diện tích còn rừng năm 2005 là 2,971 triệu ha, chiếm khoảng 23,6% diện tích rừng cả nước, tỷ lệ che phủ của rừng so với tổng diện tích tự nhiên vào khoảng 54,57%; trữ lượng gỗ cây đứng 288,6 triệu m3. Chỉ tính trong khoảng 10 năm (1991-2000) đất nông nghiệp tại Tây Nguyên tăng lên rất nhanh, từ 8,0% năm 1991 lên đến 22,6% năm 2000, trong khi đó đất lâm nghiệp giảm từ 59,2% xuống còn 54,9% đất tự nhiên. So sánh sự biến động đất lâm nghiệp đối với các vùng khác trong cả nước, Tây Nguyên là vùng có sự biến động lớn nhất theo chiều hướng giảm diện tích đất lâm nghiệp. Mặc dù, độ che phủ rừng Tây Nguyên còn khá cao (54,5%) nhưng trữ lượng rừng đã suy giảm và cạn kiệt, diện tích rừng giàu và trung bình giảm xuống (24,71%), rừng nghèo kiệt và đất trống tăng lên, tương ứng (61,4%). Sự suy giảm diện tích rừng Tây Nguyên là nguyên nhân dẫn đến suy giảm môi trường sinh thái, diễn biến xấu và bất thường của thời tiết, khí hậu, làm tăng thêm tính khốc liệt của mùa khô kéo dài, thiên tai do mưa lũ có xu hướng gia tăng ảnh hưởng đến đời sống và văn hóa của hàng triệu đồng bào đang sinh sống ở vùng Tây Nguyên. Chính vì vậy, việc đánh giá những thành công hoặc hạn chế của một số dự án lâm nghiệp vùng Tây Nguyên giai đoạn 1995 – 2005 có ý nghĩa rất quan trọng.

Kết quả nghiên cứu được tổng kết thành bài học kinh nghiệm có ý nghĩa tham khảo cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà ra quyết định và các chuyên gia trong lĩnh vực thiết kế, xây dựng dự án lâm nghiệp ở các cấp độ, quy mô khác nhau nhằm mang lại hiệu quả thiết thực về phục hồi rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, tăng cường vai trò phòng hộ của rừng, cũng như góp phần xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế xã hội.

(Kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ giai đoạn 2006-2010, trang 539-546)

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]