Đánh giá khả năng phát triển các loài cây thuốc tại Huyện Sa Pa –Tỉnh Lào Cai

Hoàng Văn Thắng, Phạm Văn Viện

Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam

Đặng Ngọc Quang

TT Dịch vụ và Phát triển Nông thôn

Các loài cây dược liệu nói chung là một một trong những thành phần quan trọng trong cơ cấu các loài cây trồng của nước ta. Do điều kiện khí hậu thuận lợi, rừng nước ta đã tạo ra rất nhiều loài cây thuốc có giá trị cao, cung cấp nguồn dược liệu trong nước và xuất khẩu.

SaPalà vùng có khí hậu rất phù hợp cho việc phát triển các loài cây dược liệu, nơi có nhiều người dân thuộc các dân tộc thiểu số, những người mà cuộc sống của họ chủ yếu gắn bó vào nguồn tài nguyên rừng. Vì thế, việc phát triển các loài cây ngắn ngày nói chung và cây dược liệu nói riêng nhanh cho sản phẩm nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân tộc thiểu số và người nông dân nói chung là vấn đề quan trọng và cần thiết. Để có cơ sở cho việc quy hoạch phát triển các loài cây thuốc tại Sa Pa tháng 9 năm 2004 dự án phát triển các loài cây thuốc đã thực hiện chuyên đề điều tra khả năng phát triển các loài cây thuốc tại Sa Pa – Lào Cai.

1. Mục tiêu:

· Đánh giá được khả năng trồng và phát triển các loài cây thuốc ở SaPa– Lào Cai.

· Đánh giá khả năng khai thác, chế biến các loài cây dược liệu và mối quan hệ giữa các hộ trồng cây dược liệu với các đối tác nhằm phát triển các loài cây thuốc ở SaPa– Lào Cai.

2. Địa điểm:

Tại 4 xã : Lao Chải, Tả Van, Sa Pả, Tả Phìn và thị Trấn Sa Pa của huyện Sa Pa – tỉnh Lào Cai.

3. Nội dung:

· Đánh giá thực trạng trồng và phát triển các loài cây thuốc trong khu vực.

· Đánh giá khả năng thu hái, chế biến các loài cây thuốc của các hộ dân trong vùng.

· Nghiên cứu mối quan hệ giữa các hộ trồng cây thuốc với các tổ chức liên quan.

4. Phương pháp:

Ø Áp dụng phương pháp chọn mẫu điển hình: Chọn các xã và thôn điển hình về gây trồng, thu hái, chế biến và tiêu thụ sản phẩm các loài cây thuốc ở SaPa.

Ø Sử dụng phương pháp rút mẫu thứ cấp: Sau khi chọn được mẫu so cấp (các xã) lại tiếp tục chọn mẫu thứ cấp (các thôn và hộ điển hình) để nghiên cứu. Trong mỗi xã chọn ra 2 thôn để điều tra.

Ø Sử dụng phương pháp phỏng vấn: Trong mỗi xã/thôn phỏng vấn đại diện chính quyền bằng phiếu phỏng vấn linh hoạt. Các hộ dân đại diện trong thôn/xã được phỏng vấn bằng mẫu phiếu được thiết kế sẵn (từ 8-12 hộ gia đình đại diện/1 thôn). Kết hợp với phương pháp quan sát thực tế các vườn thuốc và nơi sơ chế các sản phẩm cây dược liệu.

5. Kết quả:

5.1 Khả năng trồng và phát triển các loài cây thuốc trong vùng nghiên cứu.

Những năm trước đây, hầu hết các hộ trong các xã đều tham gia trồng các loài cây thuốc (tỷ lệ số hộ trồng cây thuốc chiếm 90.4%), các loài cây được trồng cũng tương đối phong phú, gồm các loài như xuyên khung (Ligusticum wallichii), huyền sâm (Scophularia ningpoensis), bạch chuột (Atractylodes macrocephala), thảo quả (Amomum aromaticum), đỗ trọng (Eucommia ulmoides), lão quan thảo (Geranium nepalense) … Song do giá cả thị trường không ổn định, các sản phẩm ngày càng bị mất giá, thị trường đầu ra khó tiêu thụ và dần dần giống các loài này bị thoái hoá nên tỷ lệ số hộ trồng các loài cây thuốc này ngày càng giảm, hiện tại chỉ còn khoảng 71% số hộ trồng cây thuốc. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây có một số dự án về trồng cây dược liệu đã và đang được triển khai trong khu vực. Đó là dự án phát triển cây chè actiso được công ty Traphaco Lào Cai hỗ trợ một phần thông qua số tiền tạm ứng trước vụ thu hoạch và công ty có trách nhiệm thu mua sản phẩm cho các hộ dân. Ngoài ra còn có dự án phát triển 5 loài cây thuốc tại Sa Pa. Dự án này hỗ trợ giống, phân bón cho các hộ tham gia trồng. Tuy nhiên dự án về các loài cây thuốc này chỉ đang trong giai đoạn thử nghiệm, chỉ có vài hộ được tham gia (khoảng 2-3 hộ/thôn). Các hộ dân được hỗ trợ để trồng cây thuốc cũng rất thấp chiếm 10.6%, trong đó số hộ được hỗ trợ giống và phân bón là 3.8% và số hộ được tạm ứng tiền mặt là 4.8%.

Thành phần các loài cây thuốc được các hộ gây trồng hiện nay rất đơn giản. Ở các xã Lao Chải và Tả Van chỉ trồng thảo quả, trừ 4 hộ mới được dự án phát triển các loài cây thuốc hỗ trợ trồng năm loài cây thuốc là chùa dù (Elsholtzia penduliflora), củ bình vôi (Stephania brachyandra), ngũ gia bì gai (Acanthopanax trifoliatus), sì to (Valeriana jatamansi) và tục đoạn (Dipsacus japonicus). Dự án này mới bắt đầu trong đầu năm 2004 với quy mô nhỏ (mỗi gia đình có tổng diện tích thực khoảng gần 1 sào). Còn lại ở các xã khác cũng chủ yếu là cây thảo quả, riêng ở xã Tả Phìn và thị trấn thì vẫn còn một số ít hộ trồng một số loài cây thuốc khác như chè nhật, lão quan thảo, huyền sâm, đương quy, bạch chuột và ngũ gia bì gai. Quan sát các mô hình này cho thấy hiện tại các mô hình này đều rất có triển vọng, cây trồng sinh trưởng phát triển tốt, một số loài cây đã cho thu hoạch với sản lượng cao, thảo qủa của hầu hết các hộ đều được mùa, bạch chuột cũng rất sai quả, củ bình vôi của dự án phát triển các loài cây thuốc cũng đã cho củ.

Kết quả điều tra về các loài cây thuốc hiện đang được trồng tại các xã cho thấy có khoảng 16-20 loài cây thuốc đã và đang được trồng. Số hộ trồng thảo quả là nhiều nhất (chiếm 69.5%), sau đó là đến xuyên khung (14.3%), đương quy (9.5%), tục đoạn (6.7%). Một số loài khác như lão quan thảo, huyền sâm hay đỗ trọng trước đây trồng nhiều nhưng hiện nay chỉ còn lác đác vài hộ trồng và số lượng của mỗi loài trong mỗi gia đình cũng rất ít, thường chỉ còn một đám nhỏ (khoảng 10-30m2), thậm chí chỉ có một vài cây (như cây đỗ trọng) quanh hàng rào hay một vài loài cây thuốc thông thường (như ngải cứu, gấu tầu, ngũ gia bì gai …).

Các điều kiện và phương tiện phục vụ cho việc sản xuất các loài cây thuốc của các hộ đều rất đơn giản. Dụng cụ phục vụ cho việc thu hái thuốc cũng chỉ là những đồ dùng được sử dụng trong gia đình họ như dao, cuốc, xẻng, củi tấu.

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy tổng diện tích trồng các loài cây thuốc của các xã trong khu vực nghiên cứu là rất lớn, khoảng 697.003 m2, trong đó Tả Van là xã có diện tích trồng cây thuốc lớn nhất, chiếm tới 40% và thấp nhất là xã Lao Chải chiếm 10.5%. Phần diện tích này chủ yếu là trồng thảo quả và chủ yếu là ở rừng tự nhiên. Ngoài diện tích trồng thảo quả thì diện tích trồng các loài cây khác rất ít, phần diện tích này chủ yếu nằm trong vườn của các hộ gia đình.

Thảo quả trong vườn hộ Củ bình vôi 8 tháng tuổi

Hiện tại các xã đều thiếu đất canh tác, nhất là loại đất canh tác nông nghiệp, để phát triển các loài cây thuốc ở khu vực này thì hiện tại không còn nhiều quỹ đất. Nếu sử dụng nguồn đất đai hiện có của các hộ có thể chuyển sang trồng cây thuốc thì có thể tận dụng được khoảng 209.952m2. Loại đất được chuyển đổi này lấy từ đất nương rẫy hiện đang được trồng ngô, hoa màu hoặc một phần diện tích vườn của các hộ đang bỏ hoang.

Ngoài kinh nghiệm và đất đai để canh tác thì nguồn lao động tại chỗ cũng rất quan trọng cho việc phát triển các loài cây thuốc. Các hộ được điều tra có số nhân khẩu lớn, tuy nhiên số nhân khẩu có thể lao động chính lại chiếm tỷ lệ nhỏ từ 14.5% (thị trấn Sa Pa) đến 29% (Tả Phìn). Tỷ lệ lao động là nữ trong độ tuổi lao động thì chỉ chiếm từ 6.5% (thị trấn) đến 14.1% (Tả Phìn).

Vốn đầu tư cũng là nguyên nhân quan trọng trong việc phát triển hoặc chuyển đổi trồng cây dược liệu. Hiện tại hầu hết các hộ gia đình trong khu vực nghiên cứu đều thiếu vốn đầu tư.

5.2 Khả năng thu hái, sơ chế biến cây thuốc của các hộ gia đình

Tại thời điểm điều tra cho thấy các hộ trồng cây thuốc chủ yếu là trồng thảo quả (gần 70%) nên các nội dung sau tập trung phân tích về loài cây này. Kết quả điều tra cho thấy hầu hết các hộ khi trồng cây thuốc đều tự thu hái (chiếm 90.38%), thời vụ hái thảo quả bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 11 dương lịch. Một số hộ do kinh tế khó khăn thường thu hái sớm, vì thế khi sấy bị hao hụt nhiều hơn (thường tỷ lệ tươi – khô đối với sản phẩm hái sớm là 10kg tươi được 3kg khô, còn khi thu hái đúng vụ thì 10kg tươi thu được 4 kg khô). Sau khi thu hái đa số các hộ đều qua sơ chế rồi mới mang đi bán. Cũng có một số ít hộ (11.3%) sau khi thu hái thì bán tươi luôn không sơ chế gì. Sản phẩm chủ yếu được bán tại nhà (chiếm 47.9%) hoặc tại chợ (chiếm 39.4%), rất ít hộ có hợp đồng mua bán (chỉ chiếm 3.2%), đây chủ yếu là những hộ trồng cây actiso có hợp đồng với công ty Traphaco. Tỷ lệ số hộ có sản phẩm cây thuốc dự trữ trong nhà tương đối ít (chiếm 16.2%) và cũng chủ yếu là thảo quả khô. Các sản phẩm thuốc được dự trữ trong nhà rất ít bị mối mọt (tỷ lệ hộ bị mối mọt chiếm 19.2%). Các sản phẩm thuốc bị mối mọt thường là các loại cây thuốc lá để lâu không dùng đến hoặc thảo quả sấy chưa thật khô. Khi bị mối mọt thì các hộ xử lý bằng cách đổ ra phơi khô hoặc đem sấy lại. Không có hộ nào dùng loại thuốc để bảo quản sản phẩm thuốc. Cách thức sơ chế của các hộ rất đơn giản, đối với các loài cây thuốc lấy lá và thân sau khi thu hái về họ băm nhỏ và phơi khô trên nong, nia hoặc sân bê tông xi măng. Đối với thảo quả thì hầu hết được dùng lò sấy để sấy khô (thời gian một mẻ sấy trong khoảng 2-3 tiếng). Đối với các hộ có nơi thu hái thảo quả xa nhà và với sản lượng lớn thì họ làm lò sấy và sấy tại rừng, sau đó mang sản phẩm khô về. Với các hộ có vườn thảo quả gần nhà và sản lượng thấp họ thu hái và mang về sấy tại nhà. Sau khi sấy khô, sản phẩm được được bảo quản bằng cách cho vào bao dứa buộc lại và để lên gác bếp khi nào gặp khách hoặc được giá thì bán. Số hộ bảo quản bằng phương pháp này chiếm 73.4%. Một số hộ khác (chiếm 26.6%) để trong củi tấu hoặc chỉ gác lên sàn làm bằng nứa và được treo phía trên của bếp.

Ngoài các loài cây thuốc được trồng trong vườn hộ người dân còn thu hái các loài cây thuốc trong rừng tự nhiên. Các loài được thu hái như cây bổ máu, tục đoạn các loài cây thuốc tắm …

5.3 Mối quan hệ giữa các hộ gia đình trồng cây dược liệu với các tổ chức liên quan trong vùng

Kết quả điều tra cho thấy, mối quan hệ giữa các gia đình trồng cây dược liệu với các tổ chức khác ở mức độ rất đơn giản. Đa số các hộ gia đình chỉ giao dịch với tư thương (69.8%) khi bán sản phẩm. Hình thức giao dịch này diễn ra quanh năm. Khi đến mùa vụ thu hái sản phẩm tư thương đến các hộ gia đình và sau khi thoả thuận giá cả hai bên nhất trí và mua bán với nhau. Một số ít hộ (chiếm 3.8%) có giao dịch với các hộ kinh doanh thuốc, họ có thể là các đầu mối thu mua sản phẩm cây thuốc ở xã hoặc cũng có thể là các hộ kinh doanh thuốc trên thị trấn. Tỷ lệ số hộ giao dịch với trạm dược liệu cũng thấp (7.55%). Với các hộ trồng cây chè actiso thì ngoài giao dịch với tư thương và hiệu thuốc họ còn giao dịch với công ty Traphaco ở Sa Pa. Trong hợp đồng công ty Traphaco chỉ mua sản phẩm lá, còn lại cọng và thân của cây actiso thì người dân phải bán cho tư thương ở chợ hoặc các hiệu thuốc.

Khi giao dịch với các đối tác này, chỉ các hộ có hợp đồng với công ty Traphaco hoặc với dự án phát triển các loài cây thuốc thì được hỗ trợ về giống (12.7%), phân bón (6.4%), được tập huấn kỹ thuật (17.5%) hoặc được tạm ứng tiền mặt (11.1%). Trạm khuyến nông huyện cũng đóng vai trò quan trọng đối với các hộ dân trồng cây dược liệu thông qua việc mở các lớp tập huấn về trồng trọt và hỗ trợ giống hoặc phân bón. Đối với tư thương thì họ chỉ thu mua sản phẩm ngoài ra không có sự hỗ trợ nào khác như hướng dẫn kỹ thuật trồng, chế biến. Với các tổ chức trong xã họ thường chỉ giúp nhau ngày công lao động trong quá trình sản xuất cây thuốc. Tất các các hộ trồng cây thuốc đều không được hướng dẫn phương pháp chế biến cho các sản phẩm của họ.

6. Kết luận.

· Loài cây trước đây được nhiều người dân trồng là đương quy, xuyên khung, bạch chuột, huyền sâm, đỗ trọng. Hiện tại các loài cây này ít được trồng do đầu ra không tiêu thụ được và giống của chúng đã bị thoái hoá. Thay vào đó là số hộ trồng thảo quả đang ngày càng tăng lên, do đầu ra tiêu thụ tốt do sản phẩm được bán sang Trung Quốc.

· Có từ 16 đến 20 loài cây thuốc được trồng tại Sa Pa. Trước đây có nhiều hộ tham gia trồng cây thuốc (90.4%). Nhưng hiện tại số hộ trồng cây thuốc đã giảm còn 71%.

· Tất cả các hộ trồng thảo quả đều không bón phân, trừ một số hộ còn trồng các loài cây khác thì có dùng phân hoá học hoặc phân chuồng để bón.

· Diện tích đất có thể chuyển đổi sang trồng cây thuốc trong khu vực còn gần 28.6ha. Đây là nguồn đất đai mà hiện tại các hộ đang sử dụng để trồng ngô, hoa màu.

· Hầu hết các hộ trồng thuốc đều thu hái và chế biến thuốc (90.4%). Tuy nhiên biện pháp chế biến đơn giản chỉ là phơi hoặc sấy khô bằng các lò sấy.

· Phương tiện và dụng cụ sử dụng cho việc thu hái và chế biến các sản phẩm thuốc thường là các dụng cụ thông thường trong gia đình như dao, cuốc, xẻng, củi tấu, bao dứa, nong nia, sân xi măng.

· Các hộ sau khi thu hái chế biến thì bán luôn, ít hộ có sản phẩm cây thuốc trong gia đình (16.2%). Tỷ lệ sản phẩm thuốc bị mối mọt cũng thấp (19.2%). Khi bị mối mọt các hộ lại đem phơi hoặc sấy lại.

· Quan hệ giữa các hộ trồng thuốc với các đối tác chủ yếu là với tư nhân (69.8%). Số hộ có quan hệ với các Trạm dược liệu, của hàng thuốc hoặc đối tác khác ít (3.8%).

· Rất ít hộ gia đình trồng thuốc được hỗ trợ (10.6%). Hình thức hỗ trợ có thể là giống cây trồng (3.8%), phân bón (3.8%) hoặc tạm ứng tiền mặt (4.8%).

· Phần lớn các hộ gia đình đều không có vườn thuốc rõ ràng hoặc có thì với diện tích rất bé, trừ các hộ trồng thảo quả thì có vườn thuốc với diện tích lớn tập trung trong rừng tự nhiên. Đa số các hộ trồng các loài cây thuốc khác với số lượng rất nhỏ kết hợp với các loài cây khác trong vườn hộ. Hiện tại thảo quả và bạch chuột cho năng xuất cao.

7. Kiến nghị.

Để phát triển các loài cây thuốc tại SaPađạt hiệu quả và được bền vững cần quan tâm đến các vấn đề sau:

· Quy hoạch vùng trồng cụ thể cho từng địa phương, quy mô phải đủ lớn và tập trung để sản phẩm có thể trở thành hoàng hoá.

· Xác định các loài cây thuốc đang được người dân quan tâm và có thị trường tiêu thụ ổn định trong tương lai nhưng phải là loài cây phù hợp với điều kiện sinh thái của khu vực.

· Do các hộ dân phần lớn là người dân tộc, điều kiện kinh tế khó khăn và học vấn hạn chế vì thế nên hỗ trợ bà con về các mặt như tập huấn kỹ thuật trồng, hỗ trợ giống cây, phân bón. Người dân phải bỏ ngày công lao động hoặc đóng góp một phần nhỏ để họ có trách nhiệm hơn.

· Vì diện tích canh tác còn lại của các hộ trong khu vực để có thể chuyển đổi sang trồng cây thuốc không nhiều do đó phải lựa chọn loài cây trồng có thu nhập cao hơn các loài cây trồng mà hiện tại đang được trồng trên mảnh đất đó thì mới có thể phát triển ổn định.

· Cần thiết phải phát triển rộng hơn các mối quan hệ giữa các hộ trồng cây thuốc với các tổ chức liên quan tạo thành một chuỗi liên hoàn, khép kín. Trước hết đó là mối quan hệ giữa người trồng cây thuốc với đối tác đầu tư – khuyến nông huyện và đối tác tiêu thụ sản phẩm từ đó tạo điều kiện để phát triển ổn định các loài cây thuốc tại SaPa.

Tài liệu tham khảo.

1. Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, NXB Y học Hà Nội 1999.

2. FRONTIER Việt Nam, Tài liệu hướng dẫn trồng cây dược liệu, 2002.

Assessment of the potentiality to develop medicinal plant species in Sa Pa district, Lào Cai province.

Summary

Results of the survey on real situation of medicinal plants planting and developing in SaPa district, LaoCaiProvinceshow that previously many households did plant medicinal plants and the number of medicinal plant species was rather abundant. But as the products found no market and the introduced species deteriorated, the number of households engaged in medicinal plant planting at present and the number of medicinal plant species now planted has much been reduced. Presently in the surveyed communes only Amomum costatum is planted. This is a species that can be planted under the canopy of natural forest thus requires no agricultural land. Due to it’s high productivity and the product sells well to China, the area planted with A.costatum is increasing. Other medicinal plants are planted by only a few households now, in very small areas, for self-comsumption. Most of households that plant medicinal plants do harvest and roughly treat the product themselves for selling to private traders or to drug stores. The products are mainly sold at home or on the market. Various organizations in SaPa district play an important role in development of medicinal plants especially the district agricultural extention service. There remains in the communes land that can be converted to medicinal plant planting. This land area is however not large and is presently under slash-and-burn and crop cultivation. The people are ready to change their land-use provided the output for the products is ensured.

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]