Tối ưu hóa sản xuất gỗ ván từ rừng trồng – Báo Nông nghiệp Việt Nam

Nhằm thúc đẩy cao hơn giá trị sử dụng của gỗ keo và bạch đàn ở Việt Nam bằng cách tối ưu hóa SX ván mỏng từ nguồn tài nguyên này, Dự án FST 2008/039 đã ra đời

16-12-07 Vanboc1

GS.TS Võ Đại Hải, GĐ Viện Khoa học Lâm nghiệp VN phát biểu tại hội nghị

Hiện gỗ rừng trồng tại nước ta chủ yếu để SX bột làm giấy có giá trị thấp hoặc hoặc chế biến dăm gỗ xuất khẩu với giá trị không cao. Trong khi đó, keo và bạch đàn từ rừng tự nhiên ở Úc từ lâu đã được sử dụng để SX ván mỏng đặc biệt.

Nhằm thúc đẩy cao hơn giá trị sử dụng của gỗ keo và bạch đàn ở Việt Nam bằng cách tối ưu hóa SX ván mỏng từ nguồn tài nguyên này, Dự án FST 2008/039 đã ra đời.

 

1m3 vá dán giá trị gấp 4 lần ván dăm

Phát biểu tại hội thảo tổng kết Dự án FST 2008/039 tăng cường SX ván mỏng từ gỗ keo và bạch đàn rừng trồng tại Úc và Việt Nam, GS.TS Võ Đại Hải, Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp VN nhấn mạnh, VN sở hữu nền công nghiệp SX và xuất khẩu nội thất rất lớn, các vùng trồng keo và bạch đàn lên tới hàng trăm nghìn ha.

Vì vậy, mục tiêu của Dự án FST 2008/039 nhằm phân phân tích nguồn lực sẵn có, chuỗi cung ứng, phương pháp chế biến gỗ và để hỗ trợ thị trường tập trung vào sản phẩm ván mỏng và các sản phẩm làm từ ván mỏng. Bên cạnh đó, thử nghiệm các kỹ thuật, phương pháp xử lí mới các sản phẩm từ ván mỏng để tăng sự phục hồi và chất lượng cũng như cải thiện giá trị gia tăng của sản phẩm làm từ gỗ keo và bạch đàn.

Theo điều tra của Viện Khoa học Lâm nghiệp VN, trong số diện tích rừng trồng thuộc khu vực Đông Bắc bộ và Bắc Trung bộ thuộc sở hữu của các hộ dân là chủ yếu, chiếm tới 47%. Chu kì kinh doanh rừng đối với keo tai tượng (5 – 7 năm), bạch đàn urô (7 – 8 năm) nên rất thích hợp với SX ván bóc trên máy bóc lồng.

Ở VN, gỗ keo và bạch đàn rừng trồng được sử dụng chủ yếu làm dăm gỗ chiếm khoảng 70%, gỗ xẻ 15%, ván bóc 10% và 5% còn lại cho các mục đích sử dụng gỗ tròn khác như cọc xây dựng.

Thống kê năm 2015 cho thấy, VN xuất khẩu ròng giá trị rất lớn đồ nội thất 6,3 tỷ USD, dăm gỗ 1,4 tỷ USD, ván dán, ván phủ vơ nia 100 triệu USD và ván mỏng 70 triệu USD. Trong khi đó, VN nhập khẩu ròng gỗ xẻ 230 triệu USD, gỗ tròn 90 triệu USD, ván MDF 100 triệu USD và ván dăm 20 triệu USD.

Theo tính toán, nếu đầu tư thêm nguồn lực, cứ mỗi 1 m3 gỗ đủ tiêu chuẩn làm ván dán, VN sẽ tạo ra và giữ lại gấp 4 lần giá trị gia tăng so với làm ván dăm. Bên cạnh đó, phân bổ giá trị gia tăng trong chuỗi ván dán cũng tốt hơn so với dăm gỗ rất nhiều.

Đồng bộ các giải pháp

Có 3 vấn đề mà doanh nghiệp nên ưu tiên khi đầu tư vào SX gỗ ván. Một là cải thiện quản lý SX, hai là đầu tư công nghệ SX các sản phẩm từ ván mỏng và ba là phải đảm bảo tiếp cận với gỗ nguyên liệu phù hợp.

 

16-12-07 Vanboc2

Việt Nam rất có tiềm năng phát triển gỗ ván

Theo quan điểm của các chuyên gia, nhà khoa học tại hội thảo, có hai vấn đề cần ưu tiên nhất nên làm là phân loại gỗ nguyên liệu và kiến thức các thông số kỹ thuật. Bởi thách thức lớn nhất của các doanh nghiệp là đảm bảo nguồn cung gỗ nguyên liệu phù hợp cho nhu cầu SX của mình. Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các mục đích sử dụng gỗ (dăm gỗ để làm giấy/xuất khẩu cạnh tranh với ván bóc/lạng và gỗ xẻ).

Dự báo, tiêu thụ nội địa ròng của ván MDF, ván dăm, ván dán, ván cách điện, ván mỏng đang tăng lên một cách nhanh chóng và Việt Nam cũng đang ngày càng nhập khẩu nhiều các sản phẩm này cho tiêu dùng nội địa nên triển vọng cho ngành ván ép trong tương lai là rất tươi sáng, khả quan.

Tuy nhiên, đảm bảo nguồn cung gỗ nguyên liệu phù hợp đòi hỏi không chỉ nỗ lực của doanh nghiệp mà còn cả sự phối hợp của hộ trồng rừng, cơ sở thu mua gỗ. Hộ trồng rừng quy mô nhỏ đóng vai trò thiết yếu để cải thiện chất lượng gỗ rừng trồng vì các hộ này chiếm đến 47% diện tích rừng trồng SX. Để tạo thêm giá trị, hộ trồng rừng nên cung ứng gỗ nguyên liệu có chất lượng phù hợp cho bóc/lạng.

Qua đó, cần phải thực hiện đồng bộ rất nhiều giải pháp như: Thực hiện chu kỳ trồng rừng dài hơn; Cải thiện năng suất; Cải thiện kiến thức kỹ thuật. Điều tra của dự án cho thấy, phần lớn hộ trồng rừng có tài sản hạn chế, chịu sức ép thanh khoản ngắn hạn (các hộ đều trả lời họ cần phải khai thác sớm để có tiền mặt cho nhu cầu chi tiêu gia đình). Điều này dẫn tới chu kỳ trồng rừng ngắn phù hợp với làm gỗ dăm hơn làm gỗ bóc/lạng. Nhà nước, doanh nghiệp, hộ trồng rừng cần ngồi lại với nhau để bàn kế hoạch cho những bước đi tiếp theo. Nỗ lực cải thiện hiệu quả của chuỗi giá trị ván mỏng đòi hỏi sự phối hợp của tất cả các bên trong chuỗi.

Kết quả nghiên cứu đã cho thấy một số loại gỗ/ô tiêu chuẩn cung cấp chất lượng gỗ khúc, chất lượng ván bóc tốt hơn so với loại gỗ/ô tiêu chuẩn khác. Gỗ keo tai tượng phù hợp để SX ván lớp mặt do có tỷ lệ gỗ lõi cao, số lượng, kích thước mắt nhỏ hơn gỗ keo lai. Gỗ keo lai, số lượng, kích thước mắt lớn hơn, phù hợp sử dụng làm ván lớp trong của sản phẩm ván ép nhiều lớp. Bạch đàn urophylla phù hợp để SX các sản phẩm dùng cho các kết cấu có yêu cầu chịu lực như ván LVL, ván dán dùng trong xây dựng

ĐĂNG QUÂN

Nguồn: http://nongnghiep.vn/toi-uu-hoa-san-xuat-go-van-tu-rung-trong-post168696.html

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]