Xuất xứ từ các nước quanh vùng vịnh Caribê, thích nghi và phát triển tốt ở độ cao dưới 300m, ít bị sâu róm gây hại, lớn nhanh gấp đôi thông mã vĩ nên giống thông Caribê có triển vọng cho trồng rừng gỗ lớn ở miền núi phía Bắc
Rừng giống thông Caribê tại Đại Lải, TX Phúc Yên, Vĩnh Phúc Thông
Caribê có tên khoa học Pinus caribaea Morelet, thuộc họ Thông (Pinaceae) phân bố tự nhiên ở các nước và đảo quanh vùng vịnh Caribê, là loài cây ưa sáng, gỗ lớn, cao 15 – 40m, đường kính có thể trên 100cm và là một trong những loài cây hạt trần mọc nhanh được trồng nhiều nhất ở vùng nhiệt đới.
Thông Caribê có những đặc điểm ưu việt hơn các loài thông khác như tăng trưởng, phát triển nhanh, chống chịu tốt côn trùng, sâu bệnh, chất lượng gỗ tốt, thích nghi tốt trong các môi trường sống khác nhau.
Ở lập địa thích hợp, thông Caribê tăng trưởng bình quân tới 1,5 m/năm về chiều cao và 2,5cm về đường kính. Gỗ thông Caribê có màu vàng nhạt tương đối cứng, thường được sử dụng làm ván ép, gỗ xây dựng, gỗ trụ mỏ, ván dăm, bột sợi giấy.
Nhận thức được những ưu việt của cây thông Caribê, các nhà khoa học của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam (Vafs) đã du nhập và trồng khảo nghiệm từ năm 1963 tại Lâm Đồng và Phú Thọ. Từ năm 1980 đến nay, Trung tâm Nghiên cứu Giống cây rừng (VAFS), Trung tâm Nghiên cứu cây nguyên liệu giấy Phù Ninh phối hợp với nhiều cơ quan đã trồng khảo nghiệm thông Caribê ở nhiều vùng sinh thái trong cả nước.
Đặc biệt, từ năm 2000 – 2004, Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Đông Bắc Bộ (thuộc VAFS) đã xây dựng 25ha mô hình thông Caribê trên 5 tỉnh vùng Đông Bắc gồm Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc đều cho sinh trưởng tốt.
Trước đây, các dự án trồng rừng của nhà nước rất quen với việc trồng các loài thông mã vĩ, thông nhựa, song khả năng sinh trưởng kém hơn hẳn thông Caribê. Đặc biệt, thông Caribê có thể sinh trưởng tốt trên các lập địa mà các cây trồng khác khó có thể sinh trưởng. Trên những vùng đồi thoái hóa sỏi đá, những bình địa dưới 300m thông Caribê vẫn cho tốc độ sinh trưởng từ 20 m3/ha/năm. Vì vậy, cây thông Caribê đã được các chương trình khuyến lâm quốc gia chọn làm cây trồng chính thay thế các loài thông cũ.
Hiện thông Caribê được Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Đông Bắc Bộ trồng trên phần lớn diện tích đất rừng của trung tâm với tốc độ sinh trưởng từ 30 m3/ha/năm ở tuổi 10 trở lên.
TS Đặng Văn Thuyết, Chủ nhiệm đề tài Nghiên cứu kỹ thuật trồng rừng thâm canh thông Caribê cung cấp gỗ lớn cho biết, diện tích đất tự nhiên toàn quốc thích hợp để trồng thông Caribê chiếm khoảng 25%. Mật độ trồng phù hợp là 1.100 cây/ha và với phương thức trồng thâm canh, thông Caribê ở tuổi 4 có thể đạt trên 17 m3/ha/năm.
Rừng trồng thông Caribê với mục đích ban đầu để cung cấp gỗ nhỏ, mật độ trồng dày 1.600 cây/ha, nếu tỉa thưa ở tuổi 13 – 14 giữ lại nuôi dưỡng 750 – 800 cây/ha để lấy gỗ lớn, sau đó tiếp tục chăm sóc và nuôi dưỡng rừng 2 – 3 năm đạt tăng trưởng từ 27 – 39 m3/ha/năm.
Giống thông Caribê hiện đã được chọn lọc và công nhận giống tiến bộ kỹ thuật (theo QĐ số 3614/QĐ-BNN- KHCN ngày 8/8/2001 của Bộ NN-PTNT và là loài cây được đưa vào danh lục cây trồng rừng chủ lực cho các tỉnh miền núi phía Bắc. Theo ông Lê Văn Bình, Phó trưởng Bộ môn Nghiên cứu giống và công nghệ sinh học (Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Đông Bắc Bộ), thực hiện mô hình khuyến lâm trên một số tỉnh vùng Đông Bắc cho thấy thông Caribê có tốc độ sinh trưởng nhanh, thu nhập cao hơn trồng keo.
Sở hữu diện tích 40ha rừng giống thông Caribê chuyển hóa với sản lượng hạt giống chất lượng cao từ 50 – 100 kg/năm, Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Đông Bắc Bộ có thể cung cấp hàng triệu cây giống thông Caribê phục vụ cho các chương trình trồng rừng gỗ lớn, gỗ đa mục đích hàng năm.
Các nhà khoa học của VAFS và Viện Công nghiệp giấy xenlulô khẳng định, thông Caribê trồng ở nước ta là nguyên liệu đạt tiêu chuẩn để sản xuất bột giấy chất lượng cao hoặc gỗ đóng đồ nội thất…, ngoài ra gỗ thông Caribê còn có thể cho khai thác nhựa.
NGUYÊN HUÂN – TRẦN LONG
Nguồn: http://nongnghiep.vn/thong-caribe-cho-mien-nui-phia-bac-post181007.html
Tin mới nhất
- Hội nghị “Thúc đẩy thí điểm cấp, quản lý mã số vùng trồng rừng nguyên liệu và khởi động dự án FCBMO”
- Hội đồng tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ cấp tỉnh: Nghiên cứu trồng rừng thâm canh cây Sồi phảng (Lithocapus fissus Champ. Ex Benth) cung cấp gỗ lớn ở Quảng Ninh
- Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình phối hợp công tác giữa Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang với Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, giai đoạn 2021 - 2025
- PGS.TS Hoàng Văn Thắng - Viện trưởng Viện nghiên cứu Lâm Sinh - Viện khoa học Lâm nghiệp Việt Nam được tôn vinh :” Nhà khoa học của nhà nông 2024”
- Điều động, bổ nhiệm Phó Trưởng ban Khoa học, Đào tạo và Hợp tác quốc tế
Các tin khác
- Phát triển rừng trồng gỗ lớn - Báo Nông nghiệp Việt Nam
- Hội đồng tư vấn xây dựng Chiến lược phát triển các đơn vị trực thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến 2030
- Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, 55 năm trưởng thành - Báo Nông nghiệp Việt Nam
- Hội thao, hội diễn truyền thống Công đoàn cơ sở Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Chào mừng kỷ niệm 55 năm thành lập Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam (1961-2016)
- Thông báo công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư năm 2016