Võ Đại Hải
Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam
Vùng miền núi phía Bắc bao gồm 14 tỉnh, phân bố ở 3 vùng sinh thái nông nghiệp là Tây Bắc, Đông Bắc và Trung tâm Bắc Bộ. Đây là vùng có vị trí chiến lược hết sức quan trọng về an ninh quốc phòng và tiềm năng phát triển kinh tế – xã hội của đất nước cũng như về phòng hộ môi trường nhưng đồng thời đây cũng là vùng chậm phát triển với cơ sở hạ tầng thấp kém, điều kiện tự nhiên phức tạp, địa hình đồi núi cao và rất dốc, đặc biệt là vùng Tây Bắc. Bên cạnh đó, yếu tố kinh tế – xã hội và nhân văn cũng là những trở ngại cho phát triển kinh tế ở vùng này.
Nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế vùng miền núi phía Bắc, trong những năm qua Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, đầu tư thực hiện nhiều chương trình, dự án, áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó phát triển lâm nghiệp đã được quan tâm chú trọng hơn như đầu tư thực hiện Chương trình 327 và hiện nay là Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng. Nhờ đó mà độ che phủ của rừng đã nâng lên được 35% năm 2002. Tuy nhiên, sự quan tâm của chúng ta trong thời gian qua tập trung nhiều vào 2 đối tượng là rừng phòng hộ và đặc dụng, rừng trồng sản xuất chưa được chú ý nhiều và hiện nay đang đặt ra rất nhiều vấn đề cần phải có lời giải đáp, trong đó có vấn đề thị trường. Trong thời gian qua chúng ta đã quy hoạch và xây dựng nhiều nhà máy giấy, ván nhân tạo,… song nhiều nơi đã xảy ra tình trạng thiếu nguyên liệu, một số nơi khác lại xảy ra hiện tượng thừa nguyên liệu,… và tất cả những vấn đề này ảnh hưởng trực tiếp tới người trồng rừng.
Để giải quyết một phần những vướng mắc nêu trên, trong chương trình nghiên cứu KHCN phục vụ phát triển nông nghiệp miền núi phía Bắc giai đoạn 2002-2005, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã giao cho Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam thực hiện đề tài “Nghiên cứu phát triển trồng rừng sản xuất có hiệu quả kinh tế và bền vững vùng miền núi phía Bắc”. Bài viết đưa ra một số kết quả bước đầu của đề tài được rút ra từ các cuộc điều tra thị trường lâm sản rừng trồng sản xuất ở các tỉnh miền núi phía Bắc.
1/ Một số đặc điểm chung về trồng rừng sản xuất ở các tỉnh miền núi phía Bắc:
1.1. Nguồn vốn đầu tư trồng rừng sản xuất
Từ kết quả điều tra, khảo sát ở các tỉnh cho thấy nguồn vốn đầu tư trồng rừng sản xuất bao gồm một số nguồn chủ yếu sau đây:
+ Ngân sách trước Chương trình 327.
+ Ngân sách từ 327 (giai đoạn đầu) và dự án 661 (vốn vay).
+ Dự án PAM (các thời kỳ).
+ Nguồn vốn xây dựng cơ bản các tỉnh.
+ Dự án trồng rừng nguyên liệu các tỉnh (vốn vay là chủ yếu).
+ Dự án nước ngoài khác (KFW, EU,…)
+ Nguồn vốn tư nhân.
Có thể thấy rằng nguồn vốn trồng rừng sản xuất ở các tỉnh khá đa dạng. Tuy nhiên nguồn vốn lớn và tập trung chủ yếu nhất là nguồn vốn từ các dự án trồng rừng nguyên liệu của các tỉnh; ngoài ra ở một số tỉnh có thêm các dự án hỗ trợ nước ngoài trồng rừng như dự án PAM ở Cao Bằng, Bắc Cạn,… dự án trồng rừng Việt – Đức KFW ở Lạng Sơn, Bắc Giang, Quảng Ninh,…
2.1. Mục tiêu trồng rừng sản xuất:
Mục tiêu này khá đa dạng tuỳ thuộc vào điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội và cơ sở chế biến lâm sản của tỉnh. Kết quả điều tra cho thấy mục tiêu trồng rừng sản xuất liên quan tới dạng sản phẩm mà rừng trồng có thể cung cấp và được chia thành 2 nhóm chính:
-
- Nhóm cung cấp sản phẩm gỗ, gồm:
+ Vật liệu xây dựng, cốp pha, cột/cọc chống, trụ mỏ,…
+ Đồ mộc gia dụng.
+ Nguyên liệu giấy, dăm,…
-
- Nhóm cung cấp sản phẩm ngoài gỗ, gồm:
+ Thân trúc sào, tre luồng.
+ Măng tre, luồng.
+ Lá chè đắng.
+ Nhựa thông.
+ Vỏ và lá quế.
+ Tinh dầu hồi,…
3.1. Mức độ phát triển trồng rừng sản xuất ở các tỉnh miền núi phía Bắc
Hiện nay, mức độ phát triển trồng rừng sản xuất ở các tỉnh không đều nhau và có thể chia thành 3 nhóm tỉnh theo mức độ phát triển như sau:
– Nhóm 1: Bao gồm các tỉnh đã phát triển rừng trồng sản xuất mạnh như Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên, Quảng Ninh,… Đây là các tỉnh đã có hoặc gần các nhà máy giấy, ván dăm, gần các khu công nghiệp lớn (than),…, rừng trồng đã được quy hoạch thành vùng tập trung, các loài cây trồng đã được khẳng định, mô hình rừng trồng đã được xây dựng thành công, các chính sách khuyến khích trồng rừng cũng đã định hình. Nhóm các tỉnh này có đặc điểm là ngoài các khu rừng trồng của công ty, của lâm trường,… rừng trồng của tư nhân cũng khá phát triển, đặc biệt đã hình thành nhiều trang trại lâm nghiệp với quy mô từ vài chục đến vài trăm ha rừng như trang trại của ông Đỗ Thập ở Yên Bái.
– Nhóm 2: Bao gồm các tỉnh đang trong quá trình hình thành các khu nguyên liệu cho việc xây dựng các nhà máy giấy, ván dăm, rừng trồng tập trung quy mô lớn chỉ mới được xây dựng 3-5 năm gần đây, các mô hình rừng, loài cây trồng và các chính sách đầu tư, khuyến khích trồng rừng, thị trường,… đang trong quá trình thử nghiệm và xây dựng. Các tỉnh nằm ở nhóm này gồm Hoà Bình, Lạng Sơn, Bắc Cạn,…
– Nhóm 3: Bao gồm các tỉnh kém phát triển rừng trồng sản xuất như Cao Bằng, Sơn La, Lào Cai,…
2. Thị trường lâm sản rừng trồng sản xuất ở các tỉnh miền núi phía Bắc:
Thị trường gỗrừng trồng các tỉnh miền núi phía Bắc có thể chia ra thành 5 loại sau đây:
– Thị trường gỗ nguyên liệu sản xuất giấy và bột giấy.
– Thị trường gỗ trụ mỏ.
– Thị trường gỗ sản xuất ván nhân tạo.
– Thị trường gỗ nguyên liệu xây dựng cơ bản dân dụng.
– Thị trường chế biến hàng mộc dân dụng và xuất khẩu.
Ngoài thị trường gỗ, còn có thị trường về lâm sản ngoài gỗ – đây cũng là thị trường rất sôi động và luôn có sự thay đổi như nhựa/dầu thông, vỏ và tinh dầu quế, hoa hồi, lá chè đắng, măng tre/luồng,…
2.1. Phân loại nguyên liệu, sản phẩm gắn với thị trường:
Loại nguyên liệu |
Đầu mối |
Dạng sản phẩm |
Thị trường |
Phương thức tiêu thụ |
1. Nhóm gỗ | ||||
1.1. Gỗ nhỏ (Keo, Bạch đàn, Bồ đề,…) | Lâm trường, các trang trại lớn, tư thương | Cột, cọc chống, trụ mỏ, nguyên liệu giấy,… | Nội và ngoại tỉnh | Theo kế hoạch, có hợp đồng, thị trường tự do |
1.2. Gỗ lớn (Thông mã vĩ, Mỡ, Sa mộc, Keo tai tượng) |
Lâm trường |
Xây dựng cơ bản | Nội tỉnh | Theo kế hoạch có hợp đồng |
Lâm trường, công ty hoặc xí nghiệp chế biến | – Xây dựng cơ bản- Đồ mộc | Ngoại tỉnh | Qua công ty, xí nghiệp trung gian | |
2. Nhóm ngoài gỗ |
||||
2.1. Quế | Tư nhân | Vỏ | Trung Quốc | Theo tiểu ngạch |
2.2. Trúc | Công ty địa phương + công ty nước ngoài | -Mành, chiếu-Bàn ghế
-Đũa |
Nội địa, Đài Loan | Theo cơ chế thị trường qua công ty trung gian, khép kín |
2.3. Chè đắng | Công ty địa phương | Các loại đóng hộp | Nội địa | Theo cơ chế thị trường có đại lý các nơi, khép kín |
2.4. Nhựa thông | -Lâm trường-Tư nhân | Nhựa thô hoặc sơ chế | Trung Quốc, nội địa | -Theo tiểu ngạch |
2.5. Hồi | Tư nhân | Hoa hồi | Trung Quốc, sử dụng nội địa | Theo tiểu ngạch |
2.6. Tre lấy măng | Tư nhân | Măng | Nội địa | Theo cơ chế thị trường |
2.7. Tre, Luồng | Lâm trường, tư nhân | Thân cây, dăm, chiếu | Nội địa | Theo hợp đồng, cơ chế thị trường |
Từ bảng trên ta có thể thấy thị trường lâm sản rừng trồng sản xuất vận động theo 3 hình thức gắn với dạng sản phẩm và nguyên liệu:
i) Nguyên liệu thô (gỗ nhỏ và một số sản phẩm ngoài gỗ như quế, hồi, nhựa thông): Do lâm trường và tư nhân tiêu thụ nội địa và xuất khẩu tiểu ngạch qua Trung Quốc.
ii) Nguyên liệu sơ chế gỗ xây dựng cơ bản do lâm trường tiêu thụ nội tỉnh hoặc các tư thương đưa ra tiêu thụ ngoại tỉnh.
iii) Nguyên liệu tinh chế (đồ mộc, trúc, chè đắng): Do công ty, xí nghiệp trực tiếp hoặc qua trung gian để tiêu thụ hoặc xuất khẩu.
Một số sản phẩm từ cây Trúc sào
2.2. Một số đặc điểm chung về thị trường lâm sản rừng trồng sản xuất ở các tỉnh miền núi phía Bắc:
– Thị trường lâm sản rừng trồng sản xuất ở các tỉnh miền núi phía Bắc phát triển không đồng đều giữa các vùng. Yếu tố chủ yếu chi phối thị trường lâm sản là các nhà máy, xí nghiệp chế biến lâm sản và các khu công nghiệp lớn như các nhà máy giấy, ván nhân tạo, công nghiệp than,… Các nhà máy khi xây dựng đều có vùng nguyên liệu riêng và như vậy các dạng sản phẩm ở từng khu vực cũng đã được định hình. Tuy nhiên, cho tới nay chỉ có thị trường nguyên liệu giấy, ván nhân tạo (vùng Trung tâm Bắc Bộ) và trụ mỏ (vùng Đông Bắc) là được định hình rõ nét và tập trung , còn lại thị trường gỗ xây dựng, đồ mộc gia dụng,… không tập trung và thường được các tư thương, các cơ sở chế biến nhỏ thực hiện.
– Thị trường lâm sản rừng trồng phụ thuộc rất nhiều vào khả năng chế biến lâm sản của các địa phương, điều này đặc biệt quan trọng đối với các vùng xa khu vực nhà máy chế biến lâm sản quy mô lớn. Trước đây thị trường gỗ rừng trồng ở nhiều nơi rất khó khăn nhưng gần đây khi diện tích rừng trồng đã phát triển có khá nhiều các cơ sở chế biến lâm sản quy mô vừa và đặc biệt là quy mô nhỏ xuất hiện ở các xã. Các cơ sở chế biến lâm sản này đã góp phần giải quyết đầu ra cho trồng rừng sản xuất, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân địa phương, thúc đẩy trồng rừng – đây là vấn đề được Nhà nước ta đặc biệt quan tâm.
– Đối với lâm sản ngoài gỗ, ngoài một số sản phẩm sử dụng nguyên liệu thô thì thị trường phụ thuộc nhiều vào khả năng chế biến sản phẩm. Thị trường nguyên liệu thô chủ yếu chỉ sử dụng nội địa như măng tre, luồng, chè đắng, hoa hồi,…, các sản phẩm khác khi qua chế biến (sơ chế hoặc tinh chế) thì có thể xuất khẩu ra thị trường thế giới đặc biệt là thị trường Trung Quốc như Trúc sào, chiếu tre, mành, nhựa thông,…
– Trước đây, công tác trồng rừng và chế biến lâm sản đều do các lâm trường thực hiện. Từ khi đổi mới, đặc biệt là đổi mới các lâm trường quốc doanh, do có nhiều khó khăn nên nhiều lâm trường đã thôi không chế biến lâm sản nữa, một số khác vẫn tồn tại các xí nghiệp, xưởng chế biến nhưng hoạt động cầm chừng, quy mô nhỏ chủ yếu dựa vào các đơn đặt hàng của tư thương. Gần đây đã xuất hiện một số mô hình gắn kết giữa trồng rừng và chế biến lâm sản có hiệu quả như lâm trường Đoan Hùng tỉnh Phú Thọ. Lâm trường đã mạnh dạn đầu tư, tìm kiếm đối tác, thị trường và điều quan trọng nhất là đa dạng hoá sản phẩm để mở rộng thị trường tiêu thụ.
– Giá gỗ rừng trồng bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, một trong những yếu tố đó là cự ly từ rừng trồng tới nhà máy, ví dụ nhà máy giấy Bãi Bằng mua gỗ tại nhà máy với giá 400.000 đ/tấn nhưng người dân ở vùng Tuyên Quang và Yên Bái chỉ bán được với giá 200.000 đ/tấn. Từ thực tế này, nhiều hộ dân đã không bán cho nhà máy nữa mà bán cho các tư thương thu mua về làm cột chống cốp pha trong xây dựng nhà ở hoặc bán cho các xưởng mộc ở địa phương sơ chế. Tuy nhiên, kết quả hoàn toàn phụ thuộc vào tình hình cụ thể ở từng địa phương.
3. Một số đề xuất để phát triển thị trường lâm sản rừng trồng sản xuất ở các tỉnh miền núi phía Bắc:
– Đối với các tỉnh chưa hoặc đang phát triển trồng rừng sản xuất cần xây dựng một chiến lược sản phẩm rõ ràng cho trồng rừng sản xuất ở các tỉnh và cụ thể hoá đến từng điều kiện trồng rừng trong thực tế. Có thể tập trung vào 3 nhóm chính: i) Rừng cung cấp gỗ lớn; ii) Rừng cung cấp gỗ nhỏ (nguyên liệu) và iii) Rừng cung cấp các sản phẩm ngoài gỗ.
– Giảm lãi suất vốn vay ưu đãi từ 5,4%/năm xuống 3%/năm đối với các tỉnh vùng sâu, vùng xa – nơi có điều kiện sản xuất và tiêu thụ khó khăn, dân trí thấp.
– Hiện tại vấn đề thị trường gỗ và lâm sản ở các tỉnh đang quy hoạch xây dựng các nhà máy chế biến vẫn mang tính tự phát và tự điều chỉnh, thiếu ổn định cần có sự can thiệp của Nhà nước bằng chính sách để người trồng rừng an tâm sản xuất.
– Chính sách tự chủ sản xuất kinh doanh và hưởng lợi từ sản phẩm rừng trồng cần thực sự thông thoáng; khuyến khích phát triển kinh tế trang trại lâm nghiệp. Kinh nghiệm ở một số nơi đã phát triển rừng trồng sản xuất mạnh như Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái,… cho thấy các trang trại lâm nghiệp thực sự có vai trò không nhỏ cho sự phát triển trồng rừng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
– Khai thác, lưu thông, vận chuyển lâm sản: Đã khuyến khích tự do, tuy nhiên tiêu cực phí còn nhiều qua tất cả các khâu từ khai thác đến vận chuyển trên đường đến các nhà máy/cơ sở chế biến. Do vậy, cần phải đơn giản hoá các thủ tục lưu thông.
– Thuế sản phẩm: Đồng đều như các nông sản hoặc sản phẩm khác chỉ qua thu mua rồi chế biến là cao đối với lâm sản của các công ty xí nghiệp phải qua tự sản xuất nguyên liệu từ đầu đến cuối. Đề nghị miễn giảm thuế VAT cho các sản phẩm gỗ rừng trồng do chủ rừng trồng và tự chế biến.
– Khuyến khích nhiều thành phần kinh tế tham gia vào thị trường, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tránh tình trạng độc quyền mua bán trên thị trường.
– Khuyến khích người trồng rừng trực tiếp bán lâm sản cho các xí nghiệp chế biến lâm sản không qua các tổ chức trung gian. Để thực hiện được điều này các trang trại, công ty lâm nghiệp,… nên hợp đồng hoặc ký kết liên doanh với các hộ gia đình để bao tiêu sản phẩm.
– Hình thành các tổ chức kinh tế hợp tác giữa người sản xuất, người thu mua và lưu thông lâm sản.
– Làm tốt công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ lâm sản rừng trồng. Một trong những hướng đi hiện nay là đa dạng hoá sản phẩm, tăng cường và phát triển công nghệ chế biến lâm sản. Bài học kinh nghiệm trồng rừng gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm của lâm trường Đoan Hùng tỉnh Phú Thọ cho thấy rất có hiệu quả.
– Nhà nước cần quan tâm tới công tác dự báo thị trường lâm sản, đặc biệt là về quan hệ cung cầu, biến động giá cả, tình hình cạnh tranh,…
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Thị Lai và các cộng tác viên, 2003: Nghiên cứu các chính sách phát triển thị trường gỗ nguyên liệu cho công nghiệp giấy và ván nhân tạo. Báo cáo kết quả nghiên cứu, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, 2003, 85 trang.
2. Phạm Xuân Phương, 2003: Khái quát chính sách lâm nghiệp liên quan đến phát triển rừng nguyên liệu công nghiệp ở Việt Nam. Báo cáo trình bày tại hội thảo “Nâng cao năng lực và hiệu quả trồng rừng công nghiệp” tổ chức tại Hoà Bình 22-23/12/2003, 14 trang.
3. Nguyễn Xuân Quát, Nguyễn Hồng Quân và Phạm Quang Minh, 2003: Thực trạng về trồng rừng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản trong 5 năm qua. Báo cáo trình bày tại hội thảo “Nâng cao năng lực và hiệu quả trồng rừng công nghiệp” tổ chức tại Hoà Bình 22-23/12/2003, 20 trang.
Summary
There remain some problem to be solved in the market of forest products from forest plantation in North Vietnamprovinces
After analyzing some common characteristics of production forest products from forest plantation in these provinces the author makes some recommendations on development of forest products market in these regions.
Tin mới nhất
- Hội đồng tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ cấp tỉnh: Nghiên cứu trồng rừng thâm canh cây Sồi phảng (Lithocapus fissus Champ. Ex Benth) cung cấp gỗ lớn ở Quảng Ninh
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết đề tài KHCN cấp Tỉnh: Nghiên cứu xây dựng mô hình rừng trồng thâm canh Vù hương (Cinnamomum balansae H.Lec) tại tỉnh Bắc Giang
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết đề tài KHCN cấp Quốc gia: Nghiên cứu bảo tồn và phát triển nguồn gen cây Bách vàng (Xanthocyparis vietnamensis Parjon &N.T.Hiep) ở một số tỉnh miền núi phía Bắc.
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết đề tài KHCN cấp Bộ: Nghiên cứu chọn giống và kỹ thuật trồng rừng thâm canh cây Sấu tía (Sandoricum Indicum Cav) cung cấp gỗ lớn tại các tỉnh phía Nam
- Hội đồng nghiệm thu Dự án Sản xuất thử nghiệm cấp Bộ: “Sản xuất thử nghiệm và hoàn thiện công nghệ nhân giống và trồng cây Tam thất hoang (Panax stipuleanatus) theo tiêu chuẩn GACP-WHO ở vùng Tây Bắc“