Quản lý rừng cộng đồng của người Mường ở Xóm Doi Xã Hiền Lương Huyện Đà Bắc – Hoà Bình

Cao Lâm Anh

Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam

Tuy phải trải qua thời kỳ quản lý theo mô hình tập thể hoá, kế hoạch hoá tập trung ở những năm bao cấp, nhưng hình thức quản lý rừng truyền thống vẫn tồn tại ở một số nơi trong một số cộng đồng. Trong thực tiễn đời sống ở vùng miền núi tồn tại một loại hình quản lý lâm nghiệp: lâm nghiệp làng bản. Khi thực thi chính sách giao đất lâm nghiệp theo Nghị định 02/CP, ở nhiều địa phương cho thấy có một diện tích đất lâm nghiệp (chủ yếu là rừng tự nhiên) được giao cho “tập thể” (tập thể ở đây phần lớn là cộng đồng thôn bản) quản lý và sử dụng.

Nếu quản lý lâm nghiệp cộng đồng là sự tham gia của các cộng đồng địa phương hoặc các nhóm hộ gia đình trong việc quản lý, bảo vệ và sử dụng rừng. Thì lâm nghiệp cộng đồng hay lâm nghiệp xã hội bao trùm hàng loại các hoạt động gắn người dân địa phương với rừng, cây và các sản phẩm cũng như lợi ích từ rừng.

Hiền Lương giao đất nông nghiệp và lâm nghiệp cho hộ gia đình hoàn thành vào năm 1994. Tuy đất lâm nghiệp được qui hoạch là rừng phòng hộ rất xung yếu nhưng vẫn được giao cho các hộ (cấp sổ đỏ). Một điều cần lưu ý trong công tác giao đất giao rừng ở đây là ngoài các hộ gia đình thì “Hợp tác xã” (HTX) cũng được giao đất lâm nghiệp, chiếm tỷ lệ 49% tổng quĩ đất được giao. Các HTX tuy được giao quản lý đất nhưng không được cấp sổ đỏ. (HTX đứng ra ký hợp đồng khoán bảo vệ rừng của toàn xóm với Ban QLRPH Sông Đà. Đối với rừng của các hộ thì HTX thu 5% tổng số tiền khoán, đối với rừng của xóm HTX đứng ra điều hành: Thuê chi hội cựu chiến binh xóm bảo vệ, trả 500.000đồng/năm. Trích 10% tiền khoán làm phí quản lý HTX. Số còn lại chia đều theo đầu hộ trong toàn xóm (không phải chỉ là hộ xã viên).

Xã Hiền Lương vốn có diện tích rừng tự nhiên khá lớn và giầu. Từ trước những năm 1990, khai thác gỗ, nứa là một nghề khá mạnh. Các HTX đều có đội sơn tràng chuyên nghiệp khai thác gỗ và vào vụ nông nhàn thì số sơn tràng không chuyên lại tăng lên. Gỗ khai thác được bán cho lâm trường quốc doanh Tu Lý. Từ khi nước ngập lòng hồ và toàn bộ rừng được đưa vào chế độ quản lý rừng phòng hộ rất xung yếu thì việc khai thác gỗ để bán ngừng hẳn, các tổ đội sơn tràng tan rã, hiện chỉ còn hoạt động khai thác gỗ lậu lẻ tẻ, ở vùng giáp ranh .

Đất lâm nghiệp của xóm Doi được giao cho 84 hộ gia đình : 147 ha (gồm cả đất rừng tự nhiên và đất trồng rừng), giao cho tập thể: 70 ha rừng tự nhiên.

Xóm Doi trước đây có 1 HTX nông nghiệp, trong thực tế đã tan rã từ lâu; mới đây được tổ chức lại và chuyển đổi thành HTX sản xuất kinh doanh đa nghề. HTX có 61 xã viên, hoạt động ở lĩnh vực dịch vụ: xay xát ngô lúa, vận tải thuyền, nuôi cá… Các xã viên không góp vốn cổ phần, chỉ xã viên nào thực sự hoạt động trong nhóm thì chung vốn và ăn chia theo vốn góp sau khi trừ chi phí quản lý và quĩ.

ở Hiền Lương, mỗi xóm đều có một ranh giới, được các xóm khác thừa nhận, nên khi ngập xóm cũ, dời lên xóm mới trên núi thì ranh giới cũ vẫn tồn tại. Trong phạm vi ranh giới xóm (làng Mường), những cư dân trong cộng đồng đều có quyền hưởng tài nguyên như nhau. Như vậy ở chừng mực nào đó cộng đồng xóm đã xác lập quyền quản lý tài nguyên đất và rừng của mình.

Hiện nay, khi thực hiện chính sách giao đất lâm nghiệp, đã xuất hiện rừng cộng đồng xóm. Rừng cộng đồng xóm chưa được pháp luật chính thức thừa nhận (không được cấp sổ đỏ), nhưng cũng là bán chính thức vì các cơ quan Nhà nước cấp huyện đều biết và thừa nhận nó trong thực tế. Do thôn xóm không thuộc đối tượng giao đất ở nghị định 02/CP nên không thể cấp giấy CNQSD đất cho xóm.

Qua tìm hiểu chúng tôi thấy từ lãnh đạo xã, xóm đến người dân, đa số đồng tình để lại 1 số rừng tự nhiên để tập thể quản lý với những lý do:

§ Rừng tự nhiên (của trời) còn lại ít, ở xa khu dân cư khó bảo vệ, rất khó chia đều và công bằng cho các hộ.

§ Rừng tự nhiên là của chung, để hộ nào muốn khai thác gỗ làm nhà thì còn có chỗ để khai thác, không phải mua bán.

§ Để bảo vệ nguồn nước chung.

Thường lệ rừng này vẫn được gọi là rừng tập thể, (rừng của HTX), nhưng thực chất là rừng của cộng đồng xóm, vì:

– Thôn Doi có 86 hộ thì chỉ có 60 hộ là xã viên hợp tác xã. Mọi hộ gia đình trong xóm được chia đều tiền khoán bảo vệ rừng của xóm, được quyền vào rừng của xóm để khai thác gỗ, nứa làm nhà như nhau, không phân biệt có là xã viên HTX hay không.

– Xóm trưởng là người có thực quyền điều hành việc quản lý bảo vệ rừng: xây dựng qui định bảo vệ rừng, xét cấp phép khai thác gỗ làm nhà. Khi xảy ra các vụ việc lớn thì trưởng xóm huy động công an xóm, lực lượng dân quân tham gia ngăn chặn và xử lý.

Vì vậy, thay từ “rừng tập thể” bằng từ “rừng của xóm” (làng,bản) có lẽ sẽ chính xác hơn. Xét trên hiệu lực thực tế thì xóm đã có các quyền sử dụng đất đai với rừng xóm như sau:

§ Quyền quản lý (đặt nội qui, tổ chức bảo vệ, xử lý vi phạm)

§ Quyền sử dụng gỗ, lâm sản.

§ Các quyềnkhác như các quyền của hộ được giao đất thì chưa thấy xuất hiện. Khi thảo luận với các cán bộ thôn, họ cũng nhất trí rằng, đối với rừng xóm thì không có các quyền: chuyển nhượng, thừa kế, thế chấp, góp giá trị quyền sử dụng đất để liên doanh.

Rừng của xóm đem lại lợi ích thiết thực cho dân: khai thác gỗ, nứa làm nhà và gia dụng, giữ nguồn nước ăn. So với tổng thu nhập hàng năm của hộ thì không quan trọng, nhưng vẫn được dân đánh giá cao có lẽ bởi rừng cung cấp sản phẩm khó hoặc không thay thế được và gắn liền với môi trường sống của họ từ lâu đời.

Tương lai rừng cộng đồng xóm sẽ phát triển như thế nào là câu hỏi được đặt ra và được thảo luận khá sôi nổi.

Những lợi ích mà rừng cộng đồng xóm mang lại cho người dân là rất rõ ràng. Vấn đề đặt ra là nhà nước cần xem xét đề ra các chính sách cụ thể nhằm phát triển bền vững hình thức quản lý này.

Tài liệu tham khảo

1. Ulrich Apel – Giới thiệu về lâm nghiệp cộng đồng (1997; Tái bản 1999) Dự án LNXH Sông Đà

2. Ulrich Apel và Phạm Văn Việt – Chiến lược quản lý lâm nghiệp cộng đồng của dự án phát triển lâm nghiệp xã hội Sông Đà – Dự án LNXH Sông Đà (12/1998)

3. J.R. Fisher and Pearmsak Makarabhirom – Quản lý lâm nghiệp cộng đồng trong dự án LNXH Sông Đà chiến lược và các chủ đề (4/1997)

4. Dự án LNXH Sông Đà – Đề xuất dự thảo cho việc thực thi kế hoạch chung cho các kế hoạch phát triển lâm nghiệp cộng đồng (6/1994)

Management of community forest of Muong ethnic people in Doi hamlet, Hien Luong commune, Da Bac district, Hoa Binh province

The implementation of the policy of forest land allocation to organizations, households and individuals creates favorable conditions for bringing about a step in the strong development of social forestry in mountainous regions and areas inhabited by the ethnic minority people. Besides household forestry there exists in reality a type of forestry concerning community forests as in Doi hamlet, Hien Luong commune. These community forests are rather popular and are called cooperative forests. In the current policy on land allocation (02CP) and Decision 163 dated 16/11/1999 of the government on allocation and hiring forest land to households and individuals for long – term use in forestry there is not mentioned yet the application of the policy on forest protection on contract with community forests. The existence of community forests in a real fact stemming from the tradition of Muong ethnic people, required by the present life and the aspiration of the people and is in agreement with the State policy thus is needs consideration to create a legal ground and have a policy formulated to maintain and develop versatile forms of forestry in our country.

**********************************

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]