Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Bắc Trung bộ (Viện Khoa học lâm nghiệp VN) đã triển khai thành công mô hình rừng gỗ lớn với giống cây keo lai. Sau 13,5 năm, trữ lượng gỗ đạt từ 168 – 219 m3 gỗ/ha, tương đương trị giá hàng trăm triệu đồng/ha.
Triển vọng keo lai
TS Phạm Xuân Đỉnh, Giám đốc Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Bắc Trung bộ cho biết, keo lai là một trong những loại cây trồng rừng chủ lực, nhằm cung cấp nguyên liệu gỗ phục vụ công nghiệp chế biến bột giấy và dăm mảnh xuất khẩu. Tuy nhiên, người dân vẫn thích trồng rừng gỗ nhỏ để phục vụ nhu cầu kinh tế trước mắt nên rừng trồng gỗ lớn chưa phục vụ được nhiều cho nhu cầu sản xuất các mặt hàng xuất khẩu trong nước ngày càng tăng.
Rừng keo lai của Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Bắc Trung bộ
Trong khi đó, một trong những nội dung cơ bản của đề án Tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp đến năm 2020 là phải xây dựng vùng nguyên liệu gỗ lớn tập trung với diện tích 1,2 triệu ha. Đồng thời hạn chế khai thác rừng non, chuyển hóa rừng trồng cung cấp gỗ nhỏ thành cung cấp rừng gỗ lớn.
Đứng trước tình hình này, Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Bắc Trung bộ tiến hành thực nghiệm mô hình trồng rừng gỗ lớn với giống cây keo lai tại huyện Cam Lộ. Giống keo lai sử dụng được tạo bằng phương pháp giâm hom từ các giống tiến bộ kỷ thuật đã được công nhận. Phương thức trồng rừng là thuần loài. Xử lý thực bì và làm đất bằng phương pháp cơ giới, cày lật đất toàn diện sâu 20 – 25cm, cày rạch hàng bằng cày ngầm sâu 40cm, cuốc hố thủ công 30 x 30cm. Mật độ trồng 1.330 cây; 1.660 cây; 2.500 cây/ha, bón phân đồng nhất cho các công thức 200gr NPK kết hợp 100gr phân vi sinh sông Gianh.
Sau 2 năm trồng tỷ lệ cây rừng sống ở các công thức, mật độ khác nhau đều giảm nhưng không đáng kể. Tỷ lệ sống đạt cao và dao động từ 91,67 – 93,25%. Tuy nhiên, sau 9,5 năm và 13,5 năm trồng, tỷ lệ sống tất cả các công thức đều giảm mạnh, giảm mạnh nhất ở mật độ 2.500 cây. Tỷ lệ sống giảm mạnh không phải do keo lai không thích hợp với điều kiện hoàn cảnh nơi trồng, mà do cạnh tranh nhau về không gian sinh dưỡng giữa các cá thể đến mức gay gắt dẫn đến tỉa thưa tự nhiên. Ngoài ra do ảnh hưởng của gió bão đã làm gãy đổ một số cây lớn cũng là một trong những nguyên nhân khách quan ảnh hưởng đến tỷ lệ sống.
Mật độ 625 – 833 cây/ha là phù hợp Phân tích các chỉ số thí nghiệm, ông Phạm Xuân Đỉnh cho biết nếu trồng rừng keo lai với mục tiêu kinh doanh gỗ lớn mà không tỉa thưa nhân tạo thì nên trồng mật độ 625 – 833 cây là phù hợp. Cự ly trồng có thể là 4x4m hoặc 4x3m. Keo lai sinh trưởng và tăng trưởng nhanh ở giai đoạn rừng keo 2 tuổi.
Nếu kinh doanh gỗ lớn kết hợp với gỗ nhỏ cần tỉa thưa nhân tạo ở giai đoạn 4 đến 5 năm tuổi thì trồng mật độ 1.330 – 1.660 cây là phù hợp. Mật độ để lại sau tỉa thưa còn 550 – 800 cây. Nếu không tỉa thưa, khi đến thời điểm 9,5 năm tuổi rừng trồng cũng sẽ tự tỉa thưa tự nhiên, chỉ còn 50 – 60% số lượng cây và đến 13,5 tuổi chỉ còn lại 31 – 47% số cây đã trồng.
Theo ông Đỉnh, sau khi trồng keo đến 9,5 năm, năng suất gỗ trung bình hàng năm dao động từ 16,87 – 22,61 m3/ha/năm. Trữ lượng gỗ cây đứng giữa các công thức khác nhau và dao động từ 160 – 214 m3/ha.
Sau 13,5 năm tuổi, trữ lượng gỗ đạt từ 168,10 – 219,54 m3/ha. Với trữ lượng và khối lượng như vậy bán gỗ từ rừng trồng gỗ lớn thu về hơn 200 triệu đồng/ha. Sau 13,5 năm tuổi, mức độ phân hóa cây theo đường kính rõ ràng hơn. Số cây đạt tiêu chuẩn gỗ lớn (đường kính lớn hơn 18cm) tăng mạnh, chiếm tỷ lệ 44 đến 53%. Giai đoạn 9,5 năm tuổi cây tập trung ở đường kính 15 – 18cm. Nhưng sau 13,5 năm tuổi rừng đã già hơn nên số cây đạt tỷ lệ cung cấp gỗ lớn đạt từ 48 – 58%. Hơn nữa, đây là giai đoạn xuất hiện các cây to, có đường kính trên 25cm với tỷ lệ 2 – 7%.
Từ những nghiên cứu qua mô hình thực nghiệm, TS Phạm Xuân Đỉnh kiến nghị, trồng rừng kinh doanh gỗ lớn cần phải duy trì rừng trồng trên 10 năm, tốt nhất từ 13 – 15 năm. Nếu kết hợp kinh doanh gỗ nhỏ với gỗ lớn thì mật độ trồng ban đầu từ 1.330 – 1.660 cây/ha. Với mật độ này cần phải áp dụng các biện pháp kỹ thuật tỉa thưa vào giai đoạn 4 – 5 năm tuổi, mật độ để lại 550 – 750 cây/ha. Nếu chỉ trồng rừng kinh doanh gỗ lớn nên trồng mật độ từ 625 – 833 cây (cự ly 4 x 4m hoặc 4 x 3m), nhưng cần kết hợp phương thức nông lâm kết hợp trong năm đầu để tránh lãng phí đất và khống chế cỏ dại.
Hiện tại mô hình trồng rừng gỗ lớn của Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Bắc Trung bộ được nhiều địa phương đến nghiên cứu học tập kinh nghiệm. Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đánh giá cao mô hình này và cho biết sẽ vận động người trồng rừng áp dụng mô hình của trung tâm để đạt được diện tích rừng trồng gỗ lớn như trong đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp của Quảng Trị.
Thực tế, mỗi năm tỉnh Quảng Trị trồng mới gần 6.000ha rừng sản xuất và 1.000ha rừng phòng hộ. Theo tính toán mỗi năm sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng Quảng Trị đạt gần 500 ngàn m3, gỗ nguyên liệu chủ yếu bán cho nhà máy gỗ MDF trên địa bàn và làm gỗ dăm xuất khẩu, chưa có gỗ giá trị cao… Vì vậy, chỉ có phát triển rừng trồng gỗ lớn phục vụ chế biến các mặt hàng xuất khẩu và hàng gia dụng thì giá trị mang lại từ rừng trồng mới lớn hơn.
LÂM QUANG HUY
Nguồn: http://nongnghiep.vn/phat-trien-rung-trong-go-lon-post180899.html
Tin mới nhất
- Hội nghị “Thúc đẩy thí điểm cấp, quản lý mã số vùng trồng rừng nguyên liệu và khởi động dự án FCBMO”
- Hội đồng tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ cấp tỉnh: Nghiên cứu trồng rừng thâm canh cây Sồi phảng (Lithocapus fissus Champ. Ex Benth) cung cấp gỗ lớn ở Quảng Ninh
- Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình phối hợp công tác giữa Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang với Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, giai đoạn 2021 - 2025
- PGS.TS Hoàng Văn Thắng - Viện trưởng Viện nghiên cứu Lâm Sinh - Viện khoa học Lâm nghiệp Việt Nam được tôn vinh :” Nhà khoa học của nhà nông 2024”
- Điều động, bổ nhiệm Phó Trưởng ban Khoa học, Đào tạo và Hợp tác quốc tế
Các tin khác
- Hội đồng tư vấn xây dựng Chiến lược phát triển các đơn vị trực thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến 2030
- Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, 55 năm trưởng thành - Báo Nông nghiệp Việt Nam
- Hội thao, hội diễn truyền thống Công đoàn cơ sở Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Chào mừng kỷ niệm 55 năm thành lập Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam (1961-2016)
- Thông báo công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư năm 2016
- Chế phẩm AM (Arbuscular mycorrhiza) Tăng năng suất rừng trồng - Báo Nông nghiệp Việt Nam