Qua 5 năm triển khai, với vai trò chủ đầu tư dự án, Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Bắc Trung Bộ (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) đã bước đầu triển khai thành công dự án Đầu tư, phát triển giống phục vụ trồng rừng tại các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ do Bộ NN-PTNT phê duyệt năm 2011.
Vườn giống keo tai tượng thuộc dự án tại Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Bắc Trung Bộ
Dự án được ngành lâm nghiệp hướng đến mục tiêu phát triển giống mới, sử dụng giống tiến bộ kỹ thuật, áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến các giống cây lâm nghiệp có năng suất và chất lượng cao của một số loài cây chủ lực phù hợp với điều kiện khí hậu, lập địa các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ. Từ đó, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng tại các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và nâng tỷ lệ sử dụng giống mới trong trồng rừng lên 65 – 80%.
Địa bàn triển khai của dự án gồm các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế với các hạng mục chính được đầu tư gồm: Xây dựng rừng giống, vườn giống, chuyển hóa rừng giống, sản xuất và cung cấp giống gốc, chuyển giao kỹ thuật; Đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác phát triển giống phục vụ trồng rừng tại Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Bắc Trung Bộ.
Ông Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị cho biết, hàng năm tỉnh này trồng mới khoảng 7.000ha rừng, trong đó các chủ rừng đã chủ động sử dụng nguồn giống mới của Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Bắc Trung Bộ sản xuất. Các giống được trung tâm sản xuất có chất lượng tốt nên tỷ lệ cây sống và sinh trưởng rất cao.
Còn theo ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, đây là một trong những dự án phát triển tương đối toàn diện, tăng cường năng lực quản lý, chuyên môn, phát triển được nhiều giống mới phục vụ trồng rừng cho các tỉnh miền Trung, động lực cho tái cơ cấu ngành lâm nghiệp. Nhờ dự án mà việc phát triển trồng rừng sản xuất, trồng rừng phòng hộ, đặc dụng được nâng cao. Thông qua việc có nhiều giống mới trồng rừng nhằm cung cấp gỗ, lâm sản, góp phần tăng thu nhập của người dân, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học; giải quyết một phần nhu cầu thiết yếu về kết cấu hạ tầng để phát triển kinh tế, xã hội, cải thiện sinh kế cho người dân trong vùng.
Theo lãnh đạo Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Bắc Trung Bộ, giai đoạn 2011 – 2015 đơn vị đã tổ chức được 1 lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật công nghệ xây dựng rừng giống và vườn giống cho 20 học viên là cán bộ kỹ thuật và người dân sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế. Tổ chức bình tuyển và chọn lọc cây trội, thu hái, chế biến kiểm tra chất lượng hạt giống 105 lô hạt giống của keo tai tượng, keo lá tràm, keo lá liềm và huỷnh; Sản xuất và chuyển giao giống gốc keo lai mô, hom (các dòng BV10, BV16, BV33, BV71, BV73, BV75) cho các đơn vị, cơ sở sản xuất giống trên địa bàn các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ với tổng số lượng là 427.000 cây.
Dự án hiện cũng đã hoàn thành các hạng mục xây dựng cơ bản lâm sinh bao gồm: Xây dựng, chăm sóc quản lý bảo vệ 4ha vườn giống keo tai tượng tại Cam Lộ và Vĩnh Linh tỉnh Quảng Trị. Đặc biệt, dự án xây dựng 30ha rừng giống thuộc Trung tâm và các Cty Lâm nghiệp như: Cty TNHH MTV Lâm Công nghiệp Long Đại, Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Bến Hải, Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Đường 9, Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Tiền Phong.
Với những kết quả khả quan, thiết thực bước đầu, dự án phát triển giống phục vụ trồng rừng tại các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ đã góp phần nâng cao giá trị gia tăng ngành lâm nghiệp trong vùng. Trong giai đoạn tới, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác sử dụng giống mới có chất lượng cao, cần kết hợp các biện pháp kỹ thuật lâm sinh và quản lý lập địa để nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng đáp ứng yêu cầu trồng rừng kinh tế theo đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp.
Từ các cây giống gốc dự án cung cấp, sẽ nhân giống được trên 100 triệu cây/năm; Chuyển hóa 15ha rừng giống sao đen, gụ lau, trường mật tại Quảng Trị. Trong năm 2016, Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Bắc Trung Bộ tiếp tục được Bộ NN-PTNT phê duyệt điều chỉnh dự án phần vốn sự nghiệp thực hiện chuyển hóa 30ha phi lao tại Quảng Bình và 50ha thông nhựa tại Thừa Thiên – Huế để chuẩn bị nguồn giống tốt phục vụ trồng rừng đối phó với biến đổi khí hậu trong giai đoạn 2017 – 2020. |
NGUYÊN HUÂN
Nguồn: http://nongnghiep.vn/phat-trien-giong-phuc-vu-trong-rung-vung-bac-trung-bo-post204462.html
Tin mới nhất
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ cấp Bộ: Nghiên cứu nâng cao hiệu quả kinh tế của các chuỗi giá trị gỗ rừng trồng, đáp ứng yêu cầu gỗ hợp pháp và quản lý rừng bền vững.
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ tiềm năng cấp Bộ: Nghiên cứu tạo giống bạch đàn đa bội nhằm đáp ứng yêu cầu trồng rừng gỗ lớn.
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ cấp Bộ: Nghiên cứu chọn giống cho năng suất, chất lượng hạt cao và giải pháp phòng trừ sâu, bệnh hại Macadamia.
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết dự án sản xuất thử nghiệm cấp Bộ: Sản xuất thử nghiệm và hoàn thiện kỹ thuật trồng một số giống Keo lai mới được công nhận (BV586, BV376, BB055, BV584, BV523, BV434, BV350).
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ tiềm năng cấp Bộ: Nghiên cứu kỹ thuật nhân giống và trồng thử nghiệm Mít nài (Artocarpus chama Buchanan-Hamilton) cung cấp gỗ lớn ở khu vực miền núi phía Bắc.
Các tin khác
- Nhà khoa học lâm nghiệp được vinh danh Thương hiệu Việt Nam 2017
- Hội thảo tham vấn lần 2 Bộ tiêu chuẩn QLRBV và Chuỗi hành trình sản phẩm gỗ thuộc Hệ thống Chứng chỉ Rừng Việt Nam
- Hội thảo “Hướng tới thị trường các bon Đông Nam Á: Ước tính năng suất sinh khối ở rừng tự nhiên ở Malaysia, Thái Lan và Việt Nam”
- Hội thảo Quản lý bền vững rừng trồng Keo và Bạch đàn đa luân kỳ
- Lễ “Giao tài sản Nhà nước cho các đơn vị công lập quản lý theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp” cho các đơn vị trực thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam