Đặng Văn Thuyết
Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam
Do địa hình phức tạp, đất cát ven biển tồn tại ở dạng đụn cát, cồn cát và bãi cát với địa mạo khác nhau; đất cát khô, rời rạc, dễ bị di động do gió thổi và nước chảy kéo cát trôi. Vì vậy, vùng cát ven biển Bắc Trung bộ là vùng đất đã và đang bị sa mạc hoá do nạn cát di động nhưng mỗi phân vùng lại có mức độ xung yếu khác nhau. Bài viết này nhằm đưa ra những cơ sở phân chia và kết quả phân vùng phòng hộ theo mức độ xung yếu cho vùng cát ven biển, giúp các địa phương xây dựng kế hoạch, quy hoạch và có giải pháp phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường trong vùng đạt hiệu quả cao.
1. Cơ sở phân vùng phòng hộ:
Phân vùng phòng hộ vùng cát ven biển theo mức độ xung yếu được dựa vào tính chất gây hại và bị hại do nguồn động lực là gió và nước, mức độ nguy hiểm tới vị trí của địa bàn do cát di động gây ra.
a. Chutrình di động của cát:
Cát di động chủ yếu do 3 nguồn động lực là gió, nước và sóng. Gió thổi cát bay tạo thành các đụn cát; nước chảy kéo cát trôi thành suối cát phần thì lấp lấn đồng ruộng, phần thì đưa ra biển, sông; sóng vỗ bờ đưa cát vào bờ; gió lại thổi cát bay tạo thành đụn cát.
Gắn với chu trình di động cát, gió và nước là động lực gây nguy hại chủ yếu thông qua nạn cát bay và cát trôi.
b. Động thái cát bay, cát trôi:
Gió thổi cát bay theo 2 mùa: Mùa mưa bão có gió hại chính là gió Đông Bắc với tốc độ cao, từng đợt đưa cát vào phía đất liền và gió Tây Bắc tốc độ không cao nhưng thổi thường xuyên cát dịch chuyển về phía Đông Nam theo hướng hình thể của khu vực.
Mùa khô nóng có gió hại chính là Tây Namthổi ngược lại đưa cát lùi ra biển nhưng chậm hơn và gió Đông Namtốc độ không cao nhưng thổi thường xuyên đưa cát dịch chuyển về hướng Tây Bắc. Do vậy, nếu như hai hướng gió hại chính Đông Bắc và Tây Namtạo ra các đụn cát di động chạy dọc theo hướng Tây Bắc – Đông Namthì hai hướng gió thịnh hành Tây Bắc và Đông Namtạo ra các đụn cát di động chắn ngang theo hướng Đông Bắc – Tây Nam.
Mưa tập trung trong mùa mưa bão tạo nên dòng chảy mặt theo chiều dốc và sát mặt đất theo chiều ngang kéo theo cát dồn vào suối đưa về nội đồng hoặc chuyển ra biển. Cát rời rạc không có khả năng dính kết với sức giữ nước kém nên dễ dàng bị nước cuốn trôi, nhất là nơi không có lớp phủ thực vật, dốc mạnh, ven khe suối đã tạo thành các suối cát là nơi gây hại nguy hiểm nhất.
c. Xác định các địa bàn xung yếu.
Kết quả điều tra, tổng hợp được 4 dạng địa bàn xung yếu trên vùng cát ven biển Bắc Trung bộ là đụn cát bay, suối cát trôi, nơi đón hướng gió chính và các khu dân cư:
(1) Đụn cát bay.
Đụn bãi cát mới hình thành ven biển và đụn bãi cát di động thứ sinh ở vùng giữa là nơi bất ổn định. Đây là nguồn cung cấp cát di động cho cả hai hình thức cát bay và cát trôi theo một chu trình gần khép kín với sự tác động của 3 nguồn động lực chính là gió thổi, nước chảy và sóng xô. Vì vậy, các đụn, cồn cát di động là vùng gây hại xung yếu nhất đối với nạn cát bay.
(2) Suối cát trôi.
Suối cát là nơi tụ thuỷ thu nước từ vùng chia nước cũng là vùng cao, vùng giữa mà phần lớn là đụn cát di động thứ sinh. Do mưa lớn và tập trung, dòng chảy mạnh cuốn theo cát rời rạc không có sức kết dính làm cát di chuyển gây nên nạn cát trôi. Các lưu vực suối cát, đặc biệt hai bên bờ suối là vùng xung yếu nguy hiểm nhất gây hại cát trôi. Vì vậy, tác dụng chống cát trôi chỉ có thể hạn chế hoặc ngăn chặn khi tạo lập được các thảm xanh ven suối cát.
(3)Nơi đón hướng gió chính:
ứng với 2 mùa của khu vực có 2 hướng gió: Mùa mưa có gió mạnh, từng đợt Đông Bắc và gió yếu, thường xuyên Tây Bắc và mùa khô nóng có gió mạnh, từng đợt Tây Nam và gió yếu, thường xuyên Đông Nam.
Tác dụng phòng hộ chắn gió chỉ có thể hạn chế hoặc ngăn chặn khi tạo lập được hệ thống đai rừng vuông góc với hướng gió mạnh và cần quan tâm đến cả 2 hướng gió thịnh hành tuy không mạnh nhưng thay đổi thường xuyên trong 2 mùa.
(4)Các khu dân cư và sản xuất:
Đó là các cụm làng mạc, ruộng đồng, đường sá, ao hồ trong vùng:
Làng mạc dân cư tập trung ở rìa ven biển phía Đông, là nơi đón gió hại chính Đông Bắc và ở dọc ven phía nội đồng là nơi đón gió hại chính Tây Nam. Đây là những địa bàn luôn bị uy hiếp bởi nạn cát bay và cát trôi.
Ruộng đồng tập trung ở phía Tây (Phía nội đồng) và một phần ở phía Đông (Giáp biển) cũng vừa bị uy hiếp bởi cát bay, vừa bị uy hiếp bởi cát trôi.
Đường sá, ngoài quốc lộ 1A còn các tuyến đường tỉnh lộ, liên huyện, liên xã, liên thôn nối liền các trung tâm, các khu dân cư trong địa bàn và các tuyến cắt ngang ra biển cũng bị uy hiếp bởi cát di động theo hướng Tây Bắc – Đông Nam. Đây cũng là những nơi xung yếu không kém. Cần có mạng lưới đai rừng kết hợp giữa đai dọc và đai ngang với những cự ly thích hợp để có thể vừa phục vụ giãn dân và định cư, định canh vừa đủ sức phòng hộ khu vực.
2. Phân vùng phòng hộ xung yếu
Vận dụng tổng hợp các yếu tố tác động chủ đạo theo tính chất xung yếu gây hại và bị hại với mức độ rất nguy hiểm hay ít nguy hiểm, phân chia thành 5 vùng theo mức độ xung yếu như ở biểu 1.
Biểu 1: Phân vùng phòng hộ theo mức độ nguy hiểm về gây hại và bị hại
Ký hiệu vùng |
Vùng phòng hộ theo mức độ xung yếu nguy hiểm |
Gây hại |
Bị hại |
||||
Rất nguy hiểm |
Nguy hiểm |
ít nguy hiểm |
Rất nguy hiểm |
Nguy hiểm |
ít nguy hiểm |
||
I |
Cát di động mới hình thành sát biển |
x |
|
|
|
x |
|
II |
Cát di động mạnh ở vùng giữa |
x |
|
|
|
x |
|
III |
Bãi cồn cát cố định làng mạc dọc biển |
|
x |
|
x |
|
|
IV |
Bãi cồn cát cố định phía trong giáp đồng |
|
x |
|
x |
|
|
V |
Bãi cồn cát thấp, cố định phủ đan xen |
|
|
x |
|
|
x |
a.Vùng cát di động mới hình thành sát biển (ở ngoài) (I).
Gồm các bãi cát khô liên tục sát biển ở bậc thềm cao thoát tầm khống chế của mực sóng vỗ bờ và những đụn cát không liên tục cao 10-15m được hình thành do sự tích đọng bởi gió thổi cát khô từ các bãi cát đó khi gặp chướng ngại vật tạo nên.
Các đụn, bãi cát này nằm ở vị trí tuyến đầu đón gió giáp biển nên thường bị di động rất mạnh uy hiếp làng mạc, nhà cửa ở phía trong.
b.Vùng cát di động mạnh ở giữa (II).
Các đụn, bãi cát di động thứ sinh rộng, dài, cao và gần liên tục, cao nhất tới 50-60m thậm chí 90m (ở Nam Quảng Bình), phổ biến cao 30-40m có hình hơi dốc thoải về phía biển, dốc đứng về phía Tây, thường bị sụt lở về phía ấy được hình thành do gió đưa cát ở vùng ngoài bay xa vượt qua các bãi cát cố định, gặp chướng ngại bị dồn đọng lại.
Đặc trưng chính của loại này là khô rời không có cỏ cây che phủ, di động mạnh theo mùa gió chính và có xu hướng di chuyển vào nội địa uy hiếp làng mạc, đường sá dọc theo phía ấy. Đây chính là vùng chia nước về mùa mưa đã tạo dòng chảy kéo cát trôi đổ xuống các tụ thuỷ tạo thành các khe hay suối cát dồn ra biển và đổ về phía nội đồng lấn lấp ruộng màu. Do vậy đây là vùng xung yếu về mặt phòng hộ cho cả cát bay và cát trôi, nhưng nguy hiểm nhất là ở dải rìa phía Đông (ven biển) và phía Tây (nội đồng) của vùng cũng như ở ven rìa các khe suối cát.
c.Vùng bãi cồn cát cố định khu làng mạc dọc biển (ở ngoài) (III).
Gồm các cồn bãi cát đã cố định dọc biển là đất thổ cư, đất canh tác hay đã trồng phi lao bị bỏ trống ở giữa và cắt đoạn một số nơi do không có đường giao thông từ quốc lộ 1A ra biển hoặc là cửa ra biển của các con suối.
Đặc trưng chính là cát đã được cố định nhờ tác động của con người và có nhiều phần đất thấp gần suối chảy ra biển, nguồn nước phong phú nhưng cũng là vùng nguy hiểm nhất chịu uy hiếp trực tiếp cát bay của vùng cát di động ven biển và cát lấp của vùng cát di động ở giữa đưa ra theo các dòng suối.
d.Vùng cồn bãi cát cố định phía trong giáp đồng (IV).
Các cồn, bãi cát đã được cố định hoặc bán di động cao 5-10m, đất thổ cư vườn, ruộng lúa làm thành một dải hẹp khá liên tục, dọc phía giáp nội đồng. Đặc trưng chính là cát đã được cố định nhờ tác động của con người với 3 hoạt động chính: Trồng phi lao và giữ lớp thảm tự nhiên trên các cồn bãi sau khi di chuyển vào lục địa, làm các công trình ngăn chặn tạo thành đất thổ cư vườn nơi cao và canh tác nông nghiệp ở nơi thấp. Tuy nhiên, đây vẫn là vùng nguy hiểm do nằm ở vị trí tiếp giáp ở rìa phía Tây phải chịu sự uy hiếp nạn cát bay của vùng cát di động ở giữa và cũng nằm ở điểm cuối của các suối cát trước khi vượt qua Quốc lộ 1A chảy vào vùng trũng phía nội đồng nên còn bị uy hiếp ác liệt của nạn cát trôi.
e.Vùng bãi cồn cát thấp, cố định phủ đan xen (V).
Bao gồm các bãi cát bằng bán ngập, thấp hoặc cao, khá dài rộng và liên tục song song hoặc xen kẽ với vùng ngoài và vùng trong, rộng nhất là các bãi cỏ rười hoặc các cồn cỏ quăn hay các thung hoặc bãi thấp hẹp. Các bãi cồn cát phủ thấp cố định này được hình thành do cát bay, cát chảy phủ lấp những nơi địa hình thấp trũng và nhờ có mực nước ngầm nông hoặc ngập nước mùa mưa nên được cố định bởi lớp phủ họ hoà thảo, một số nơi đã được khai phá canh tác nông nghiệp hoặc trồng phi lao.
Như vậy, có 5 phân vùng phòng hộ với mức độ xung yếu về gây hại và bị hại khác nhau. Vùng I, II không có lớp thảm thực vật che phủ, bị uy hiếp mạnh bởi cát bay, là vùng chi phối mức độ xung yếu đến các vùng còn lại. Thực trạng phần lớn diện tích đất cát trên phân vùng I và II còn để trống, mới chỉ được gây trồng các đám rừng manh mún ở phần chân đồi cát di động. Rừng trồng trên các phân vùng này chỉ có phi lao với mật độ thưa, cây rừng có chiều cao thấp nên chưa đủ độ kín để chắn gió, chống cát bay. Vì vậy, cần quy hoạch thành hệ thống các đai chính và đai phụ phòng hộ chắn gió, chắn cát.
Đối với phân vùng III, IV và V tuy mức độ xung yếu do cát bay kém hơn nhưng địa bàn các vùng này lại bị uy hiếp bởi nạn cát trôi và gắn với các khu dân cư, khu canh tác nông nghiệp, vì vậy cần thiết xây dựng đủ hệ thống đai rừng với các loài cây trồng phù hợp dạng lập địa đảm bảo chắn gió, chắn nóng, chắn cát trôi,…
3. Kết luận
Dựa vào chu trình di động, động thái cát bay, cát trôi và địa bàn, vùngcát ven biển Bắc Trung bộ được chia thành 5 phân vùng phòng hộ theo mức độ xung yếu: (I) vùng cát di động mới hình thành sát biển, (II) vùng cát di động mạnh ở giữa, (III) bãi cồn cát cố định khu làng mạc dọc biển, (IV) bãi cồn cát cố định phía trong giáp đồng và (V) bãi cồn cát thấp, cố định phủ đan xen. Vùng I và II rất nguy hiểm về gây hại và nguy hiểm về bị hại, vùng III và IV nguy hiểm về gây hại và rất nguy hiểm về bị hại, vùng V ít xung yếu nhất.
Tài liệu tham khảo
Đào Công Khanh, Đặng Văn Thuyết,… (1997). Báo cáo nghiên cứu khả thi: Khảo sát và quy hoạch trồng rừng vùng cát NamQuảng Bình, Dự án ARCD Quảng Bình.
Summary
Taking into account all main affecting factors, critically harmful and being harmed, at highly and less dangerous levels, 5 critical zones are demarcated: the shifting sand zone newly formed near the seashore (outside)(I); the swiftly shifting sand zone in the middle (II); fixed sand zone with villages along the coast (outside)(III); fixed sand dune zone adjacent to the fields (IV); interspersed fixed, low sand dunes zone (V).
Zone I, II have no vegetation cover and are severely threatened by shifting sand and these zones govern the critical level of the remaining zones. The critical levels of zones III, IV and V are weak due to less shifting sand but these zones are more threatened by sand moving and are linked with the population and agricultural cultivation thus sufficient system of wind-break belts must be established against wind, heat and sand movement.
Tin mới nhất
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ tiềm năng cấp Bộ: Nghiên cứu kỹ thuật nhân giống và trồng thử nghiệm Mít nài (Artocarpus chama Buchanan-Hamilton) cung cấp gỗ lớn ở khu vực miền núi phía Bắc.
- Hội đồng nghiệm thu sản phẩm và tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ cấp tỉnh "Nghiên cứu hoàn thiện kỹ thuật nhân giống và xây dựng mô hình trồng thâm canh Vù hương (Cinnamomum balansae H.Lec) cung cấp gỗ lớn kết hợp lấy tinh dầu tại tỉnh Lào Cai"
- Hội đồng tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ cấp tỉnh: Nghiên cứu trồng rừng thâm canh cây Sồi phảng (Lithocapus fissus Champ. Ex Benth) cung cấp gỗ lớn ở Quảng Ninh
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết đề tài KHCN cấp Tỉnh: Nghiên cứu xây dựng mô hình rừng trồng thâm canh Vù hương (Cinnamomum balansae H.Lec) tại tỉnh Bắc Giang
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết đề tài KHCN cấp Quốc gia: Nghiên cứu bảo tồn và phát triển nguồn gen cây Bách vàng (Xanthocyparis vietnamensis Parjon &N.T.Hiep) ở một số tỉnh miền núi phía Bắc.
Các tin khác
- Kết quả nghiên cứu vai trò của giới trong việc thu hái và sử dụng gỗ củi ở xã khang ninh – vùng đệm vườn quốc gia ba bể
- Thị trường lâm sản rừng trồng sản xuất ở các tỉnh miền núi phía Bắc và các chính sách để phát triển
- Bước đầu xây dựng hệ thống phân loại hiện trạng sử dụng với các số liệu thu thập được từ ảnh vệ tinh tại lưu vực phòng hộ đầu nguồn sông Đà, Việt Nam
- Quy trình kỹ thuật ươm giống luồng bằng cành
- Kỹ thuật trồng Lim xanh