Nhân giống một số giống cây lâm nghiệp mới được chọn lọc bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào

Đoàn Thị Mai, Lê Sơn, Nguyễn Thị Thơm, Phan Quyền

Trung tâm Nghiên cứu Giống cây rừng

TÓM TẮT

Các thí nghiệm nhân giống cho một số giống cây rừng mới chọn lọc (Keo lai tự nhiên dòng BV71, BV73, BV75, Keo lai nhân tạo MA02, Bạch đàn lai nhân tạo dòng UE35, Bạch đàn uro dòng Pn3d) và Lát hoa bằng phương pháp nuôi cấy mô đã được tiến hành tại Trung tâm Nghiên cứu Giống cây rừng nhằm đưa nhanh các kết quả nghiên cứu vào sản xuất. Kết quả thí nghiệm nuôi cấy mô cho thấy:

– Đối với Keo lai (gồm cả Keo lai tự nhiên và Keo lai nhân tạo): phương pháp khử trùng thích hợp nhất là sử dụng HgCl2 nồng độ 0,5% trong 8-10 phút. Môi trường nhân nhanh số lượng chồi thích hợp là MS cải tiến có bổ sung BAP nồng độ 1,5-2,0 mg/l. Môi trường nâng cao chất lượng chồi thích hợp là MS cải tiến bổ sung BAP nồng độ 1,5-2,0 mg/l và NAA nồng độ 0,5 mg/l. Môi trường ra rễ thích hợp là 1/2MS bổ sung IBA nồng độ 1,0-1,5 mg/l. Các chồi Keo lai nuôi cấy mô còn được tiến hành cho ra rễ trong điều kiện vườn ươm bằng cách chấm thuốc kích thích ra rễ dạng bột (kí hiệu TTG) có gốc là IBA nồng độ 1,5% với tỷ lệ ra rễ trên 95%.

– Đối với bạch đàn, phương pháp khử trùng thích hợp là sử dụng dung dich HgCl2 nồng độ 0,1% trong 10-12 phút. Môi trường nhân chồi thích hợp là MS cải tiến cho bạch đàn có bổ sung 0,5 mg/l BAP và 0,2 mg/l NAA. Môi trường ra rễ thích hợp là 1/2MS cải tiến + 1,5 mg/l IBA+ 0,1mg/l ABT1- Đối với Lát hoa, phương pháp khả trùng thích hợp là HgCl2 nồng độ 0,15% trong vòng 15 phút. Môi trường nhân chồi thích hợp là WPM* + 0,75 mg/l BAP. Môi trường ra rễ phù hợp là 1/2MS* + 1,0 mg/l IBA. Lát hoa còn được tạo rễ trong điều kiện vườn ươm với thuốc kích thích tạo rễ dạng bột TTG 1 (1,0% IBA) với tỷ lệ ra rễ đạt 82-93%.

Từ khóa: Nuôi cấy mô, TTG, Keo lai tự nhiên, Keo lai nhân tạo, Bạch đàn uro, Bạch đàn lai nhân tạo, Lát hoa.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Những năm gần đây, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về công nghệ tế bào thực vật trong công tác chọn giống cây rừng đã được thực hiện tại nhiều nước trên thế giới. Ở Việt Nam nuôi cấy mô đã được phát triển từ những năm 70. Tuy nhiên, các ứng dụng về nuôi cấy mô trong lâm nghiệp còn nhiều hạn chế về kỹ thuật, quy mô, vốn đầu tư, dẫn đến giá thành cây con từ nuôi cấy mô cao hơn nhiều so với cây hom và cây hạt do đó diện tích rừng trồng từ cây mô chưa nhiều. Mặc dù vậy, cây mô với các ưu điểm vượt trội như: có thể sản xuất quanh năm không phụ thuộc vào mùa vụ, cần ít diện tích sản xuất, cây giống sản xuất ra hoàn toàn sạch bệnh, đồng nhất về mặt di truyền, có độ trẻ hóa cao và có bộ rễ giống như cây con từ hạt nên có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt hơn trên hiện trường. Nên trong thời gian tới cây con sản xuất từ nuôi cấy mô sẽ có vị trí xứng đáng trong sản xuất lâm nghiệp.

(Kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ giai đoạn 2006-2010, trang 51-59)

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]