Đào Ngọc Quang, Lê Văn Bình
Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam
TÓM TẮT
Sâu róm thông (Dendrolimus punctatus Walker) là một trong những loài sâu hại nguy hiểm nhất đối với Thông nhựa (Pinus merkusii Jungh.& Vriese) xét cả về mặt mức độ gây hại và tỉ lệ gây hại. Chúng không những làm giảm năng suất và chất lượng gỗ, nhựa mà còn ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường sinh thái. Tuy nhiên, hiện nay tại xã Sơn Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh có khoảng 3ha Thông nhựa khoảng 30 tuổi, từ khi trồng đến nay chưa hề bị Sâu róm thông phá hại, mặc dù ngay bên cạnh là khu rừng thông cùng tuổi luôn bị dịch SRT tàn phá hàng năm. Chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu xác định cơ chế kháng SRT của lô rừng này. Bước đầu đã xác định được 2 cơ chế kháng Sâu róm thông của Thông nhựa là cơ chế không ưa thích và cơ chế kháng sinh từ đó làm cơ sở cho công tác chọn giống kháng sâu, bệnh hại.
Từ khóa: Thông nhựa, nhân giống, Sâu róm thông
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Tổng diện tích rừng trồng ở Việt Nam cho đến năm 2008 là 2.770.182ha; trong đó diện tích rừng trồng các loài thông chiếm khoảng 250.000ha (chủ yếu là Thông nhựa, Thông mã vĩ, Thông ba lá và Thông caribê). Cây thông là một trong những loài cây có giá trị kinh tế cao; ngoài gỗ cho xây dựng, làm giấy, nhựa thông còn được dùng trong nhiều ngành công nghiệp như sơn, vécni, vật liệu cách điện và các mặt hàng tiêu dùng khác. Cây thông dễ trồng, sinh trưởng nhanh, biện pháp lâm sinh đơn giản dễ áp dụng, trồng một lần cho thu nhập hàng năm, giá trị kinh tế cao, ổn định. Cây thông còn có giá trị đặc biệt trong cơ cấu cây trồng vùng đồi do những đặc tính sinh thái đặc biệt thích ứng với điều kiện lập địa cằn cỗi. Chính vì vậy thông được sử dụng nhiều để phủ xanh đất trống đồi núi trọc trong các chương trình trồng rừng ở nước ta.
Tuy nhiên, việc gây trồng và phát triển cây thông cũng gặp nhiều trở ngại, một trong số đó là vấn đề sâu bệnh hại, nguy cơ về sâu bệnh hại thông không chỉ xảy ra tại rừng trồng mà còn xuất hiện tại cả vườn ươm. Riêng về sâu hại đã điều tra được 45 loài bao gồm các loài sâu ăn lá, sâu đục thân, sâu đục nõn… trong đó loài gây hại nguy hiểm nhất là Sâu róm thông (Dendrolimus punctatus Walker) thuộc họ Ngài kén hay Ngài khô lá (Lasiocampidae), bộ Cánh vẩy (Lepidoptera).
Khi dịch sâu róm thông xuất hiện, chúng không chỉ gây thiệt hại về kinh tế do làm giảm quá trình sinh trưởng, giảm sản lượng nhựa,… mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan môi trường sinh thái. Đã có rất nhiều các biện pháp được nghiên cứu và đưa ra áp dụng trong phòng trừ loài sâu róm thông này, từ các biện pháp riêng lẻ như biện pháp vật lý, cơ giới, biện pháp hoá học, biện pháp sinh học cho đến áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp nhưng đến hiện nay dịch sâu róm thông vẫn xuất hiện thường xuyên tại một số địa điểm như: Sơn Động – Bắc Giang; Hà Trung – Thanh Hoá; Nghi Lộc, Nam Đàn – Nghệ An; Hương Khê, Hương Sơn – Hà Tĩnh, Quảng Trạch – Quảng Bình. Vì vậy cần phải có những phương pháp tiếp cận mới trong việc phòng chống sâu róm thông nói riêng và sâu hại nói chung với phương châm hiệu quả, bền vững và thân thiện hơn với môi trường…
Hiện nay, theo xu hướng chung để hướng tới xây dựng một môi trường sinh thái bền vững, rất nhiều nhà khoa học trên thế giới đã và đang nghiên cứu về việc phòng trừ sâu bệnh bằng biện pháp chọn giống kháng sâu bệnh. Sử dụng giống chống chịu trong sản xuất đang là một trong những hướng đi của lâm nghiệp hiện đại nhằm khắc phục những nhược điểm của các phương pháp phòng trừ sâu bệnh khác, điển hình như sự lệ thuộc vào thuốc hóa học ngày càng nhiều ở các nước đang phát triển.
(Kỷ yếu Hội nghị Khoa học Công nghệ Lâm nghiệp với phát triển rừng bền vững và biến đổi khí hậu, trang 89-100)
Tin mới nhất
- Hội đồng thẩm định Báo cáo đề nghị công nhận giống Mắc ca thuộc đề tài: “Nghiên cứu chọn giống cho năng suất, chất lượng hạt cao và giải pháp phòng trừ sâu, bệnh hại Macadamia”;
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết đề tài KHCN cấp Bộ: “Nghiên cứu chọn giống Bạch đàn để trồng rừng gỗ lớn cho vùng cao Tây Bắc”.
- Hội đồng thẩm định Báo cáo đề nghị công nhận giống
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết nhiệm vụ Bảo tồn nguồn gen cây rừng (Năm 2023).
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết nhiệm vụ KHCN cấp Bộ: “Nghiên cứu chọn tạo giống Keo lai và Keo lá tràm phục vụ trồng rừng gỗ lớn ở một số vùng sinh thái chính”.
Các tin khác
- Nghiên cứu lai giống và khảo nghiệm giống tràm lai tại Long An
- Nghiên cứu chọn các dòng keo và bạch đàn chống chịu bệnh có năng suất cao
- Công tác bảo tồn nguồn gen cây rừng giai đoạn 1996-2010
- Nghiên cứu tạo phôi soma Thông nhựa (Pinus merkusii) trong điều kiện invitro
- Kết quả nghiên cứu ứng dụng chỉ thị phân tử trong chọn giống bạch đàn