Nghiên cứu sinh (NCS) Trần Xuân Hưng đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ cấp Viện

Ngày 30/3/2025, tại Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam nghiên cứu sinh (NCS) Trần Xuân Hưng đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ cấp Viện, Ngành đào tạo: Quản lý tài nguyên rừng, Mã ngành: 9 62 02 11 với tên Luận án: Nghiên cứu thành phần loài và đặc điểm sinh học của nấm do mọt ambrosia mang theo gây hại keo và một số cây trồng lâm nghiệp khác tại Việt Nam. Người hướng dẫn Khoa học:  GS. TS Phạm Quang Thu; TS Lê Văn Bình.

Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp Viện có mặt đầy đủ với 07 thành viên do GS. TS. Nguyễn Văn Tuất làm Chủ tịch Hội đồng.

Hội đồng đánh giá cao những đóng góp của luận án, cụ thể như sau:

Luận án đã đạt được một kết quả chính sau đây:  (i) Đã ghi nhận 8 loài mọt đục thân gây hại cây keo lai, Keo lá tràm, Keo tai tượng, Bạch đàn uro, Bồ đề, Lim xanh, Quế tại Việt Nam; (ii) Đã xác định được 32 loài nấm do mọt ambrosia mang theo trên các loài cây nghiên cứu nêu trên, trong đó các loài nấm thuộc chi Fusarium chiếm tỷ lệ nhiều nhất 43,7% (14/32 loài). Xác định được hai loài nấm có tần suất xuất hiện ở tất cả các mẫu mọt ambrosia khi phân lập là Fusarium euwallaceae Ambrosiella roeperi ; (iii) Đã ghi nhận 12 loài nấm mới cho khu hệ các loài vi nấm tại Việt Nam, trong đó có 9 loài nấm thuộc chi nấm Fusarium và ba loài khác gồm Ambrosiella roeperi, Pleiocarpon algeriense Nectria pseudotrichia ; (iv) Đã đánh giá được khả năng gây bệnh của các chủng nấm đã phân lập trên cành cắt rời và cây con keo lai ở giai đoạn vườn ươm, trong đó loài nấm có khả năng gây bệnh mạnh gồm Fusarium metavorans, F. kuroshium, F. awan Ceratocystis manginecans ; (v) Đã xác định được sự ảnh hưởng của độ ẩm, nhiệt độ và pH môi trường nuôi cấy đến khả năng sinh trưởng hệ sợi của 5 loài nấm (F. kuroshium, F. metavorans, F. euwallaceae, F. solani Ambrosiella roeperi), trong đó hệ sợi nấm này sinh trưởng tốt nhất ở nhiệt độ 25-30oC, ẩm độ 70-90% và pH 6-6,5; (vi) Đã đề xuất được một số giải pháp quản lý hai loài mọt E. fornicatus X. crassiusculus gây hại rừng trồng keo

Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu, đề tài luận án có các đóng góp mới như sau:

(1) Xây dựng danh lục cập nhật về thành phần loài nấm do mọt ambrosia mang theo trên cây keo lai, Keo lá tràm, Keo tai tượng, Bạch đàn uro, Bồ đề, Lim xanh, Quế ở Việt Nam, trong đó bổ sung 12 loài nấm ghi nhận mới cho khu hệ nấm Việt Nam.

(2) Cung cấp một số dẫn liệu khoa học về khả năng gây bệnh của 32 loài nấm do mọt ambrosia mang theo đối với cành keo lai cắt rời và khả năng gây bệnh của 18 loài nấm trên cây keo lai ở giai đoạn vườn ươm.

(3) Cung cấp một số đặc điểm sinh học của 5 loài nấm do mọt ambrosia mang theo.

Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài luận án

– Về khoa học: Luận án  đã cung cấp dẫn liệu khoa học của 8 loài mọt ambrosia và 32 loài nấm do mọt ambrosia mang theo trên cây keo và một số cây trồng lâm nghiệp khác; Cung cấp dẫn liệu khoa học của 5 loài nấm thuộc chi FusariumAmbrosiella do mọt ambrosia mang theo ; Cung cấp đặc điểm sinh học, sinh thái của hai loài mọt E. fornicatus X. crassiusculus gây hại rừng trồng keo.

– Về thực tiễn: Luận án đã cung cấp các dẫn liệu về đặc điểm nhận và triệu chứng biết mọt ambrosia và nấm do chúng mang theo làm cơ sở khoa học cho việc nghiên cứu các biện pháp phòng chống sâu bệnh hại rừng trồng keo và một số cây trồng lâm nghiệp tại Việt Nam.

Sau khi tiến hành bỏ phiếu đánh giá với kết quả 7/7 phiếu tán thành, Hội đồng biểu quyết thông qua Nghị quyết kiến nghị Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cấp học vị tiến sĩ Lâm nghiệp cho NCS Trần Xuân Hưng  với sự nhất trí 100%.

Một số hình ảnh của buổi bảo vệ

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]