Võ Nguyên Huân
Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam
Trong quá trình cải cách kinh tế ở Việt Nam, chính sách lâm nghiệp cần được sửa đổi để phù hợp với cơ sở tài nguyên rừng, phù hợp với chủ trương quản lý tài nguyên rừng có sự tham gia của người dân một cách bền vững, phù hợp với dự án trồng mới 5 triệu ha rừng và đẩy mạnh công tác chế biến lâm đặc sản.
Chính sách lâm nghiệp đúng đắn sẽ tạo động lực thúc đấỵ phát triển lâm nghiệp và công nghệ rừng ỏ Việt Nam, tạo điều kiện sử dụng một cách hợp lý tài nghuyên rừng và gia tăng thu nhập từ rừng cũng như bảo tồn được đa dạng sinh học và nguồn gen động thực vật rừng.
Dưới đây chúng tôi trình bày một số chính sách lớn đối với ngành lâm nghiệp nói chung và lĩnh vực chế biến lâm đặc sản nói riêng.
I. Chính sách đất đai
1. Quy hoạch đất đai:Xây dựng vùng nguyên liệu tập trung như sau:
a) Rừng nguyên liệu gỗ ván nhân tạo được quy hoạch đến năm 2010 là 400.000 ha, chia làm 2 giai đoạn:
– Giai đoạn 1998 – 2005: trồng 240.000 ha, bình quân mỗi năm trồng 34.000 ha. Đến năm 2005 sản lượng gỗ sẽ đạt 700.000 m3 để sản xuất 336.000 m3 ván nhân tạo.
– Giai đoạn 2005-2010: trồng 160.000 ha. Đến năm 2010 bảo đảm hàng năm sản xuất ổn định 1,1 triệu m3 ván nhân tạo.
Trồng tập trung ở các vùng gần đường giao thông và ven sông, gắn với các nhà máy chế biến gỗ Việt Trì, Cầu Đuống, Thái Nguyên, Đông Hà, Khánh Nguyên, Tân Mai, Đồng Nai, Hiệp Hoà,….
b) Vùng nguyên liệu đặc sản:450.000 ha trong đó
– Quế: 40.000 ha
– Hồi: 10.000 ha
– Thông nhựa: 100.000 ha
– Trẩu, sở, bời lời, cây chủ cánh kiến 100.000 ha.
– Tre, luồng, trúc: 200.000 ha
2. Chính sách đất đai:
Đẩy nhanh việc giao đất cho thuê đất Lâm nghiệp theo Nghị định 163/1999/NĐ – CP cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích lâm nghiệp.
Ưu tiên giao đất, cho thuê đất đối với các hộ gia đình tại chỗ, các doanh nghiệp nhà nước có liên doanh liên kết với nông dân để trồng rừng; phần còn lại giao cho các cá nhân và tổ chức khác, kể cả những người từ nơi khác đến xin nhận đất, thuê đất để trồng rừng theo dự án được duyệt.
Nhà nước đảm bảo kinh phí cho công tác giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình và cá nhân.
Đối với thông nhựa, tre trúc nên giao đất cho các doanh nghiệp trồng tập trung có quy mô đủ lớn đảm bảo nguyên liệu cho công nghiệp chế biến.
Các loại đặc sản như quế, hồi, trẩu, sở nên giao đất cho các hộ gia đình trồng.
II. Chính sách về khoa học, công nghệ:
1. Công tác giống:
Đẩy mạnh việc chọn giống, giữ giống gốc, xây dựng vườn giống, vườn chuyển hoá đồng thời với nhập giống, nhập công nghệ và quản lý bằng chứng chỉ chất lượng và giấy pháp hành nghề.
Đẩy mạnh việc áp dụng các công nghệ tiên tiến để tạo cây con (dâm hom, cấy mô…). Kiên quyết không dùng cây giống, hạt giống có chất lượng thấp để trồng rừng.
Tổ chức nghiên cứu, tuyển chọn, lai tạo, nhập nội và khu vực hoá các giống cây rừng mới, có khả năng thích nghi tốt, đạt hiệu quả kinh tế cao.
Xây dựng các quy trình, quy phạm gây trồng, chăm sóc nuôi dưỡng và khai thác cho từng loài cây và từng vùng sinh thái.
Đối với đặc sản rừng, trước mắt cần tập trung nghiên cứu các loài sau:
– Thông nhựa: nâng cao năng suất nhựa, khai thác nhựa thông theo phương thức quản lý bền vững, nâng cao chất lượng nựa chế biến, nâng cao hiệu quả sử dụng tinh dầu thông.
– Cây quế: Chọn giống, nâng cao năng suất cây trồng và chất lượng tinh dầu.
– Cây hồi: cải thiện giống đại hồi, mở rộng vùng trồng, nâng cao sản phẩm chế biến.
– Song mật: kỹ thuật gây trồng, chọn giống, xác định lập địa.
– Trúc sào: Kỹ thuật tạo giống và tạo rừng.
2. Công tác khuyến lâm:
Tăng cường cán bộ khuyến lâm đến địa bàn xã để hướng dẫn nông dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về trồng, chăm sóc nuôi dưỡng và khai thác rừng trồng đạt hiệu quả lớn nhất. Tổng kết và phổ biến các mô hình trang trại lâm nghiệp, mô hình trồng rừng thích hợp cho rừng vùng sinh thái. Đồng thời phổ biến các thông tin về thị trường và giá cả lâm sản cho lâm nông dân.
3. Xây dựng tiêu chuẩn sản phẩm:
Tiến hành xây dựng tiêu chuẩn về ván nhân tạo (ván sợi, ván dăm…) về keo và các sản phẩm từ ván nhân tạo. nghiên cứu các biện pháp chống tác động phá hoại của vi sinh vật và thời tiết, nghiên cứu công nghệ, thiết bị sản xuất ván nhân tạo.
Nghiên cứu các công nghệ chưng cất tinh dầu quế, hồi, thông.
Trong nền kinh tế thị trường, thị trường là yếu tố quyết định đối với sản xuất, không thể bán được sản phẩm chúng ta có, mà chỉ có thể bán được sản phẩm thị trường cần. Vì vậy, cần tập trung nghiên cứu sản xuất các sản phẩm với các tính năng đáp ứng những tiêu chuẩn mà thị trường yêu cầu.
Đối với nước ta rất cần nghiên cứu các sản phẩm có khả năng bền vững với khí hậu nhiệt đới gió mùa, độ ẩm cao, biến động nhiệt độ lớn. Bên cạnh đó cần nghiên cứu các dây chuyền công nghệ có khả năng tận dụng các loại phế liệu nhằm tiết kiệm gỗ, hạ giá thành sản phẩm.
III. Chính sách đầu tư, tín dụng
Ngân sách Nhà nước hỗ trợ bình quân 2 triệu đồng/ha cho tổ chức, cá nhân đầu tư trồng rừng sản xuất với các loại cây gỗ quý hiếm có chu kỳ hơn 30 năm.
Các tổ chức, hộ gia đình cá nhân trồng rừng, khoanh nuôi bảo vệ rừng ván nhân tạo và rừng đặc sản được hưởng chế độ ưu đãi theo quy định của Luật khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi), được vay vốn từ quỹ hỗ trợ đầu tư quốc gia, các nguồn vốn tín dụng ưu đãi khác, vốn ODA, các tổ chức quốc tế và các nguồn vay khác.
Lãi suất vay được quy định hàng năm từ nguồn ưu đãi của Luật khuyến khích đầu tư trong nước.
Nhân dân rất muốn vay ưu đãi để trồng rừng ván nhân tạo và trồng cây đặc sản nhưng hiện nay còn khó khăn là dân không rõ nguồn vay. Mặt khác thủ tục vay vốn rất phức tạp, rườm rà gây trở ngại cho nhà đầu tư (phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc thuê đất, có dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, có giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư kèm với giấy đăng ký sản xuất kinh doanh…)
Chu kỳ sản xuất cây lâm nghiệp dài và nhiều rủi ro, nhưng lãi suất vay tín dụng quá cao (Nghị định 43 là 9%/năm, Quyết định số 175/QĐ – TTg năm 2000 là 7%/năm), không khuyến khích được các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân vay vốn để trồng rừng. Chúng tôi đề nghị Nhà nước giảm lãi suất vay tín dụng để trồng rừng sản xuất nói chung từ 7%/năm xuống còn 4%/năm).
Đầu tư cho chế biến ván nhân tạo và chế biến đặc sản bằng vốn tín dụng ưu đãi trong nước và quỹ hỗ trợ đầu tư quốc gia huy động các tổ chức, cá nhân góp vốn cổ phần, vay nước ngoài, vay ODA, ADB; liên doanh với nước ngoài và đầu tư 100% vốn nước ngoài.
IV. Chính sách thị trường, thương mại
Tiến hành nghiên cứu khả thi về đa dạng hoá thị trường thương mại các loại ván nhân tạo và đặc sản rừng nhằm gia tăng giá trị và sử dụng tối ưu nguồn tài nguyên rừng.
Tiến hành đào tạo nghề, đào tạo quản lý phân tích thông tin thị trường cho công tác kế hoạch hoá.
Khuyến khích, hỗ trợ các nhà sản xuất thăm quan, du lịch các thị trường có tiềm năng nhằm thiết lập mối quan hệ với các đối tác nước ngoài, thu hút đầu tư, liên doanh liên kết nhằm tạo kênh thương mại.
Giảm sút xu hướng phát triển thị trường một cách có hiệu quả để tạo tiền đề cho việc phân tích, tổng hợp và phổ biến thông tin thị trường tới nông dân, thương gia cũng như các doanh nghiệp chế biến.
Xây dựng hệ thống và các tiêu chuẩn kiểm tra chất lượng sản phẩm theo hướng ISO cho các mặt hàng lâm sản.
Hiện nay giá các sản phẩm ván nhân tạo và đặc sản rừng của nước ta cao hơn các nước trong khu vực từ 12 – 17% là do chi phí nguyên vật liệu, chi phí vận chuyển cao; thiết bị công nghệ chế biến lạc hậu nên tiêu hao nhiều nguyên liệu vật liệu trong chế biến.
Vấn đề đặt ra là cần phải nâng cao năng suất rừng trồng và tạo được nguồn nguyên liệu ổn định với giá cả hợp lý, giảm chi phí vận chuyển và chi phí gián tiếp trong khâu chế biến để hạ giá thành sản phẩm. Mặt khác phải sử dụng các công nghệ, thiết bị hiện đại để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Có như vậy thì sản phẩm của chúng ta làm ra mới chiếm lĩnh được thị trường trong nước và có khả năng cạnh tranh với thị trường nước ngoài.
Cần giảm số đầu mối trung gian trong các kênh tiêu thụ sản phẩm bằng cách tổ chức lại sản xuất, thực hiện cơ chế và chính sách mới cho hệ thống dịch vụ này mà hệ thống thông tin quản lý là một khâu rất quan trọng. Mặt khác, tăng cường năng lực cho các cơ sở sản xuất nguyên liệu để họ có thể tiếp thị và bán sản phẩm của mình trực tiếp đến người tiêu thụ (không thông qua đầu mối trung gian).
V. Chính sách thuế
– Các nhà đầu tư, các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trồng rừng trên đất hoang hoá, đồi núi trọc, chế biến lâm sản được hưởng các ưu đãi về thuế theo Quy định của Luật khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi)
– Miễn thuế tài nguyên đối với lâm sản khai thác từ rừng sản xuất là rừng tự nhiên được phục hồi bằng biện pháp khoanh nuôi tái sinh.
– Miến thuế buôn chuyến đối với lâm sản thu gom hợp pháp từ rừng trồng và lâm sản ngoài gỗ khai thác từ rừng tự nhiên.
– Thuế doanh thu đối với các loại sản phẩm ván nhân tạo hiện nay là 5%, thuế giá trị gia tăng (VAT) bằng 10% so với tổng giá bán.
Nhiều chuyên gia cho rằng, hiện có 40% khối lượng sản phẩm gỗ tròn được khai thác không có giấy phép và có 20 – 30% khối lượng sản phẩm gỗ tròn nhập khẩu là không được phép. Đây chính xác là hàng lậu trốn thuế, gây khó khăn cho các doanh nghiệp làm ăn nghiêm chỉnh, đóng thuế đúng quy định.
Các cơ quan thuế cần có biện pháp quản lý và kiểm tra chặt chẽ để tránh thất thu thuế cho ngân sách Nhà nước và bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp làm ăn nghiêm chỉnh.
Tham gia khu vực mậu dịch tự do ASEAN cho nên Việt Namcũng đã nghiên vứu và đưa ra lộ trình giảm thuế các sản phẩm, trong đó có cả sản phẩm lâm nghiệp. Theo thoả thuận đến năm 2006 mức thuế suất các mặt hàng lâm sản nói chung, ván nhân tạo va đặc sản rừng nói riêng của Việt Namcó cùng mức thuế với các mặt hàng cùng loại trên thị trường khu vực ASEAN. Đây là một thách thức to lớn đối với các doanh nghiệp lâm nghiệp Việt Nam. Để hội nhập và cạnh tranh đòi hỏi các doanh nghiệp phải phấn đầu tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm.
Qua việc tham gia vào khu vực mậu dịch tự do ASEAN, chúng ta sẽ rút ra được những bài học kinh nghiệm quý giá, Việt Namcần xem đây là nội dung quan trọng trong quá trình phát triển sản xuất không chỉ đối với sản phẩm lâm nghiệp mà còn với tất cả các ngành kinh tế khác.
VI. Chính sách đào tạo nguồn nhân lực
Có kế hoạch giáo dục, đào tạo nhân lực cho khu vực lâm nghiệp cả về số lượng và chất lượng.
Cập nhật giáo trình, tài liệu, cơ sở đào tạo hiện nay đồng thời cung cấp cán bộ đào tạo có năng lực, phù hợp với nội dung và mục tiêu đào tạo.
Củng cố cơ sở vật chất hiện có của các trường dạy nghề và tăng cường năng lực, chất lượng đào tạo của các trường dạy nghề, cán bộ dạy nghề để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho ngành lâm nghiệp.
Xây dựng cơ chế liên kết giữa các cơ quan giáo dục đào tạo với các trường đại học nước ngoài để đáp ứng nhu cầu cán bộ chuyên ngành trong lâm nghiệp.
Đào tạo cán bộ khuyến lâm cộng động có đủ trình độ, năng lực chuyên môn và kinh nghiệm thực tế để huấn luyện kỹ thuật cho nông hộ, khuyến cáo và cung cấp thông tin đầu vào đầu ra cho các nông hộ.
Củng cố tổ chức ở địa phương và cộng đồng qua đào tạo và phổ cập, tăng cường sự tham gia của nông dân trong các chương trình phát triển lâm nghiệp ở thôn bản.
Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho lâm nghiệp cần hướng vào phục vụ dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, công nghiệp hoá và hiện đại hoá trồng rừng, khai thác và chế biến lâm đặc sản.
Trước hết cần đào tạo và đào tạo lại lực lượng lao động lâm nghiêp về áp dụng thành tựu công nghệ sinh học, đào tạo sử dụng các công cụ cơ giới, các máy móc hiện đại trong trồng rừng, khai thác, chế biến.
Cũng cần phải đào tạo các kiến thức về quản lý doanh nghiệp, các hiểu biết về kế toán, tiếp thị (marketing) cho người lao động để họ có thể làm việc có hiệu quả cao trong nền kinh tế thị trường.
Cần nghiên cứu và thực hiện các chính sách khuyến khích và tạo điều kiện cho con em nông dân vào học va học được ở các trường chuyên nghiệp, các trung tâm đào tạo nghề và chuyển giao công nghệ, trước hết là vào học các trường của ngành.
VIII. Chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài
Khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài liên doanh với các tổ chức và cá nhân trong nước để đầu tư trồng rừng và chế biến lâm sản tiếp tục làm thử phương thức cho thuê đất, đầu tư 100% vốn nước ngoài để trồng rừng.
Các nhà đầu tư nước ngoài được hưởng chính sách ưu đãi quy định tại Luật đầu tư nước ngoài, Nghị định số 10/1998/ NĐ-CP ngày 23-01-1998 của Chính phủ về một số biện pháp khuyến khích và bảo đảm hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam.
Các nhà đầu tư nước ngoài được xuất khẩu trực tiếp sản phẩm từ rừng trồng đã qua chế biến. Trong thời gian đầu, có thể xuất khẩu các sản phẩm thu hoạch từ rừng trồng do tự đầu tư mà có, chưa qua chế biến.
Tài Liệu tham khảo
1. Nghị quyết số 09/2000-CP ngày 15 – 6 – 2000 của Chính phủ về một số chủ chương và chính sách về chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp
2. Chỉ thị số 66/2000/CT/BNN – KH cả Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về việc xây dựng kế hoạch phát triển nông, lâm nghiệp, thuỷ lợi và phát triển nông thôn 5 năm từ 2001 – 2005.
3. Nghị định số 163/1999/NĐ – CP nhày 16/11/1999của chính phủ về giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp.
4. Quyết định số 175/QĐ – TTg về lãi suất cho vay tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước năm 2000 ngày 2/3/2000của Thủ tướng Chính phủ.
Summary
Some mechanism and policy approaches to production of composite board and
special forest products production.
Pushing ahead the processing and consumption of forest products in an important requirement of the forestry branch. Well – organized processing and consumption of new forest products is an impetus given to products, creating employment and step by step improving the living standards of the forest labourers.
In this paper the author suggests some mechanism and policy approaches to promoting the production of composite board and special forest products and this in a contribution to working out a plan for forest commodities development in the 2001 – 2005 period of the Ministry of Agriculture and Rural Development
Tin mới nhất
- Tạp chí Khoa học Lâm nghiệp
- Ảnh hưởng của mật độ và phân bón đến năng suất rừng trồng Keo lai 9,5 năm tuổi ở Quảng Trị
- Nghiên cứu đặc điểm đất đai tại khu vực loài Trúc đen (Phyllostachys nigra Munro) phân bố tại Sa Pa, Lào Cai
- Phân tích chỉ số đa dạng sinh học của thực vật thân gỗ trong Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà - Tp. Đà Nẵng
- Nghiên cứu đa dạng di truyền cây Dầu rái (Dipterocarpus alatus Roxb.) bằng kỹ thuật RAPD
Các tin khác
- Các loài tre với dự án trồng mới 5 triệu ha rừng
- Bước đầu nghiên cứu về bệnh héo thông ba lá do tuyến trùng ở tỉnh Lâm Đồng
- Kết quả điều tra sinh thái - Di truyền bốn loài cây họ dầu trên vùng cát ven biển
- Thành tựu nghiên cứu chủ yếu về rừng tự nhiên và những vấn đề đặt ra trong thời gian tới
- Đất nước Camơrun và việc xuất khẩu gỗ tròn