TS. Pham Quang Thu
Phòng Nghiên cứu bảo vệ rừng
Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam
1. Mở đầu:
Hiện nay ở một số vùng sinh thái, các loài bạch đàn được chọn là một trong những loài cây trồng chính với mục tiêu cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp với diện tích rừng trồng tập trung lớn. Nhiều địa phương trồng bạch đàn phân tán trong các vườn hộ, dọc theo các bờ kênh với mục tiêu cung cấp gỗ xây dựng. Tuy nhiên, khi trồng rừng bạch đàn ở những nơi có lượng mưa trung bình hàng năm cao trên 2000 mm, đặc biệt có 2 đến 3 tháng liên tục trong mùa mưa có lượng mưa bình quân tháng trên 350 mm thì rừng bạch đàn với một số loài hoặc xuất xứ mẫn cảm thường bị mắc bệnh cháy lá, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh trưởng và phát triển của rừng (Phạm Quang Thu, 1999; Ken Old, 1999, 2000). Để giảm thiểu ảnh hưởng của bệnh, các nhà khoa học thuộc viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam, hợp tác với các nhà khoa học Ôxtrâylia từ năm 1995 đến nay đã nghiên cứu điều kiện phát sinh, phát triển của bệnh và tuyển chọn các dòng và xuất xứ kháng bệnh phục vụ việc trồng rừng bạch đàn đạt hiệu quả kinh tế cao (Nguyễn Hoàng Nghĩa, 2000).
Hiện nay, tại một số rừng trồng bạch đàn non và vườn ươm cây bạch đàn bị một loài ong lạ xuất hiện và gây hại khá nghiêm trọng cần có những nghiên cứu về loài ong này nhằm ngăn chăn sự lây lan khi chúng còn xuất hiện trên diện hẹp ở nước ta nhằm bảo vệ và phát triển bền vững loài cây trồng với diện tích lớn nhất hiện nay trên phạm vi cả nước.
2. Những thông tin về loài ong lạ trên thé giới.
Hiện nay tại các nước Trung Đông, các nước thuộc Địa Trung Hải và châu Phi đã phát hiện được 5 loài ong gây u bướu cho bạch đàn là: Quadrastichodella nova Girault; Epichrysocharis burwelli Schauff; Ophelimus eucalypti (Gahan); Aprostocetus sp.(Beardsley & Perreira 2000) và Nambouria xanthops Berry & Withers. Theo công bố của các nhà khoa học Ôxtrâylia và Israel năm 2004 cho rằng loài ong gây bướu gân lá và cành non cây bạch đàn đang gây hại trên một diện tích rộng lớn ở các khu vực trên được xác định tên là Leptocybe invasa Fisher & La Salle. Đây là một loài mới được phát hiện và đặt tên thuộc họ Eulophidae, bộ cánh màng Hymenoptera. Theo thông tin từ viện Nghiên cứu lâm nghiệp Kenya, loài ong này gây bướu gân lá, cành non bạch đàn bắt đầu xuất hiện ở Kenya vào tháng 11 năm 2002. Các nhà khoa học cho rằng loài ong này đến từ miền đông của Uganda. Tính đến nay đã có 35.000 ha bạch đàn ở khu vực tư nhân và 15.000 ha rừng bạch đàn ở khu vực quốc doanh bị loài ong này gây hại; dịch hại có xu hướng lan nhanh sang các vùng khác, gây thiệt hại khá nghiêm trọng về kinh tế cho sản xuất.
Theo kết quả nghiên cứu của Zvi Mendel và cộng sự năm 2004, các mẫu ong thu được thuộc loài Leptocybe invasa Fisher & La Salle chỉ có con cái, kích thước trung bình về chiều dài là 2.1 mm, thời gian cho một vòng đời trung bình là 132.6 ngày ở nhiệt độ phòng, ở Israel có 2 hoặc 3 thế hệ gối nhau trong một năm. Thời gian sống của con trưởng thành trong điều kiện nuôi bằng mật và nước trung bình 6.5 ngày. Loài ong này đẻ trứng trên lá và cành non, trứng nở thành sâu non, sâu non xâm nhập vào cây chủ tạo thành các bướu nhỏ ở gân lá và cành non, trung bình một lá có thể trên 50 bướu. Có 10 loài bạch đàn được xem là mẫm cảm với loài ong này: Eucalyptus botryoides, E. bridgesiana, E. camaldulensis, E. globulus, E. gunii, E. grandis, E. robusta, E. saligna, E. tereticornis và E. viminalis (Zvi Mendel, 2004).
3. Tình hình dịch ong gây bướu lá và cành bạch đàn ở Việt Nam
Từ đầu tháng 2 năm 2004 các vườn ươm cây bạch đàn trắng Eucalyptus camaldulensis, Eucalyptus tereticornis, một số dòng bạch đàn lai và ở một số rừng trồng bạch đàn non dưới 2 tuổi thuộc thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam bộ bị một loài ong đẻ trứng ký sinh ở gân lá và các cành non tạo nên các u bướu làm lá và cành non phát triển dị dạng, gây khô lá, chết cành và toàn bộ cây bị chết; gây thiệt hại khá nghiêm trọng (xem ảnh 1). Tuy dịch mới xuất hiện nhưng có xu hướng lan rộng tới các rừng trồng bạch đàn khác. Qua các mẫu ong trưởng thành thu được các đặc điểm về phân loại rất trùng khớp với mô tả của Zvi Mendel, Alexey Protasov, Nicole Fisher và John La Salle năm 2004 đối với loài Leptocybe invasa Fisher & La Salle (xem ảnh 2).
Qua điều tra khảo sát, thu mẫu tại các khu khảo nghiệm hậu thế các dòng bạch đàn trắng E. camaldulensis và các dòng và các tổ hợp bạch đàn lai tại lâm trường Minh Đức tỉnh Bình Phước cho thấy mật độ ong trưởng thành tại các khu rừng bị bệnh là khá cao. Với kích thước rất nhỏ, chiều dài cơ thể trung bình chỉ có 2.1 mm nhưng cũng dễ dàng thu được mẫu vì ong trưởng thành đậu vào người và sổ sách khi đang ghi chép ở hiện trường. Mức độ bị hại rất khác nhau giữa các dòng và các tổ hợp lai, một số dòng rất mẫn cảm bị ong ký sinh gây u bướu toàn bộ lá và cành non dẫn đến cây chết hàng loạt.
Các vườn ươm cây bạch đàn tại thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai cũng bị thiệt hại khá nghiêm trọng, ong ký sinh làm lá và thân bị u bướu, phát triển dị dạng và chết gây thiệt hại rất lớn về kinh tế và ảnh hưởng tới kế hoạch trồng rừng của nhiều địa phương. Qua nghiên cứu về các dấu hiệu bị hại và mẫu ong trưởng thành cũng giống như các mẫu thu được tại rừng trồng 2 tuổi tại Bình Phước.
4. Kết luận và kiến nghị
Loài ong gây bướu gân lá và cành non cây bạch đàn là một loài côn trùng lạ mới xuất hiện ở Việt Nam vào đầu năm 2004. Đây là loài côn trùng mới xuất hiện ở Việt Nam gây hại mạnh cho bạch đàn ở vườn ươm và bạch đàn và rừng trồng tuổi non; có xu hướng lan nhanh và đã gây hại trên diện rộng của một số nước trên thế giới.
Cần có nghiên cứu kịp thời xác định chính xác tên loài ong, các đặc điểm sinh học về vòng đời, điều kiện phát sinh phát triển và cây chủ đối với loài ong này để có giải pháp ngăn chặn kịp thời.
Không di chuyển và không mang cây con ở vườn ươm đã bị bướu ở gân lá đi trồng rừng và di chuyển ra khỏi vùng đang bị dịch.
Bước đầu điều tra cho thấy sự mẫn cảm đối với ong gây bướu gân lá và cành non cây bạch đàn ở mức độ loài, xuất xứ và dòng vì vây cần có điều tra đánh giá trên diện rộng để xác định dòng có sức chống chịu cao cho sản xuất.
Tin mới nhất
- Hội đồng tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ cấp tỉnh: Nghiên cứu trồng rừng thâm canh cây Sồi phảng (Lithocapus fissus Champ. Ex Benth) cung cấp gỗ lớn ở Quảng Ninh
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết đề tài KHCN cấp Tỉnh: Nghiên cứu xây dựng mô hình rừng trồng thâm canh Vù hương (Cinnamomum balansae H.Lec) tại tỉnh Bắc Giang
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết đề tài KHCN cấp Quốc gia: Nghiên cứu bảo tồn và phát triển nguồn gen cây Bách vàng (Xanthocyparis vietnamensis Parjon &N.T.Hiep) ở một số tỉnh miền núi phía Bắc.
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết đề tài KHCN cấp Bộ: Nghiên cứu chọn giống và kỹ thuật trồng rừng thâm canh cây Sấu tía (Sandoricum Indicum Cav) cung cấp gỗ lớn tại các tỉnh phía Nam
- Hội đồng nghiệm thu Dự án Sản xuất thử nghiệm cấp Bộ: “Sản xuất thử nghiệm và hoàn thiện công nghệ nhân giống và trồng cây Tam thất hoang (Panax stipuleanatus) theo tiêu chuẩn GACP-WHO ở vùng Tây Bắc“
Các tin khác
- Bệnh đốm tím lá Bạch đàn ở vườn ươm và rừng trồng do nấm Phaeophleospora epicocoides (Cooke & Massee) Crous, F.A. Ferreira & B. Sutton
- Bệnh khô đầu lá cây re gừng
- Bệnh đốm lá, khô ngọn Bạch đàn do nấm Cryptosporiopsis eucalypti Sankaran & Sutton
- Bệnh chết ngọn cây sao đen ở Đông Nam Bộ
- Loài nấm Phaeophleospora destructans (M.J. Wingf. & Crous) Crous, F.A. Ferreira & B. Sutton gây bệnh đốm đen lá bạch đàn lần đầu tiên được phát hiện ở Việt Nam