Sáng 15/11, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (TTKNQG) có buổi làm việc với Sở NN-PTNT Phú Yên, đánh giá kết quả các chương trình hợp tác khuyến nông thời gian qua.
Tham gia buổi làm việc có Giám đốc TTKNQG Lê Quốc Thanh, Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên Nguyễn Trọng Tùng cùng các đơn vị chức năng của 2 cơ quan.
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (TTKNQG) làm việc với Sở NN-PTNT Phú Yên sáng 15/11. Ảnh: Tùng Đinh.
Theo báo cáo của TTKNQG, trong năm 2021, có 4 dự án khuyến nông được triển khai trên địa bàn tỉnh Phú Yên, trong đó trồng trọt 1 dự án, chăn nuôi 1 dự án và lâm nghiệp 2 dự án.
Cụ thể, 2 dự án lâm nghiệp bao gồm xây dựng mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn bằng giống keo lai mô được công nhận trên tổng diện tích 95 ha, gồm 40 ha chăm sóc và 55 ha trồng mới ở huyện Đồng Xuân. Ngoài ra còn dự án trồng thâm canh giổi ăn hạt bằng cây ghép, quy mô 7 ha tại huyện Sông Hinh.
Dự án khuyến nông về chăn nuôi là chăn nuôi vịt biển đảm bảo an toàn sinh học tại huyện Phú Hòa và dự án về trồng trọt là sản xuất giống sạch bệnh, thâm canh, quản lý tổng hợp phòng trừ bệnh khảm lá sắn do virus gây hại tại vùng trồng sắn trọng điểm của tỉnh tại huyện Đồng Xuân.
Trong số này, dự án trồng thâm canh cây gỗ lớn bằng giống keo lai mô được đánh giá cao do mới triển khai được 1 năm nhưng đánh giá sợ bộ cho thấy hiệu quả kinh tế có phân cao hơn so với canh tác rừng tryền thống.
Cụ thể, dự án giúp giảm lượng giống trồng, giảm chi phí công trồng, bón phân, chăm sóc, giá trị kinh tế sản phẩm cao. Đặc biệt dự án này sử dụng hệ thống giống mới (AH1, BV75) có nguồn gốc nuôi cấy mô, vừa đồng đều vừa sạch bệnh, đảm bảo hiệu quả cho canh tác.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc TTKNQG khẳng định, mục tiêu của việc thực hiện các nhiệm vụ khuyến nông TW ở tỉnh là đưa công nghệ về địa phương, thông qua người sử dụng là các cán bộ khuyến nông địa phương để chuyển giao cho người dân. Theo ông, điều quan trọng là sau khi chuyển giao các đơn vị liên quan cần duy trì và nhân rộng được các mô hình.
Dự án thâm canh rừng gỗ lớn bằng keo lai mô tại xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân được người dân đánh giá cao. Ảnh: Tùng Đinh.
Với mô hình trồng keo tại xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân, Giám đốc TTKNQG cho rằng hiện nay ngành lâm nghiệp đang có nhiều lợi thế, dư địa để phát triển, xuất khẩu nhưng cùng với đó là các tiêu chuẩn đòi hỏi ngày càng cao. “Rừng hiện nay phải có chứng chỉ, có xuất xứ thì mới có giá trị cao chứ không thể trồng như trước đây, nên cần phát triển mô hình này”, ông Lê Quốc Thanh nhấn mạnh.
Đồng ý với ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên Nguyễn Trọng Tùng cho rằng mô hình trồng keo ở xã Xuân Quang 2 là hướng đi mới, sẽ đem lại hiệu quả cao do gỗ thịt có giá trị cao hơn hẳn so với gỗ dăm.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Trọng Tùng cũng thừa nhận việc thay đổi truyền thống canh tác rừng truyền thống là không dễ. “Mặc dù có giống tốt, hiệu quả kinh tế nhìn thấy được nhưng thay đổi tư duy của bà con là không dễ. Trước đây họ trồng dày, thu sớm, bây giờ trồng thưa, thu muộn nên còn nhiều việc phải làm để nhân rộng mô hình này”, Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên nói.
Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, ông Lê Quốc Thanh cho biết, trong năm tới, TTKNQG sẽ tổ chức diễn đàn để giới thiệu, lan tỏa các giải pháp công nghệ mới cho nhiều người dân trồng rừng hơn nữa, với phương châm: “Nông dân chuyển giao cho nông dân là hay nhất, sự lan tỏa đó sẽ bền vững hơn”. Giám đốc TTKNQG cũng khẳng định đơn vị sẵn sàng phối hợp với địa phương để bà con có thể tiếp cận được với những mô hình hiệu quả này.
Trao đổi về vấn đề hoạt động của hệ thống khuyến nông, ông Lê Quốc Thanh cho rằng: “Hiện nay, TTKNQG rất trăn trở về hoạt động chung của hệ thống, điều quan trọng là duy trì sự xuyên suốt từ TTKNQG đến khuyến nông tỉnh, khuyến nông huyện, khuyến nông cơ sở. Đặc biệt, cán bộ khuyến nông cơ sở là đội ngũ trực tiếp chuyển giao công nghệ, đào tạo tập huấn, kết nối sản xuất cho bà con nông dân”.
Người đứng đầu TTKNQG cho rằng, để hoạt động hiệu quả có thể không nâng biên chế, không nâng tổ chức nhưng các cán bộ khuyến nông sẽ được đào tạo để nâng cao chuyên môn, có thể làm được, hiểu được nhiều vấn đề, đặc biệt là có khả năng kết nối các đơn vị có chuyên môn sâu với bà con nông dân. “Mục tiêu của chúng ta là có được những người nông dân thông minh và nhiệm vụ này chính là của hệ thống khuyến nông”, ông Lê Quốc Thanh chia sẻ thêm.
Cũng nhằm tăng cường hiệu quả của hoạt động khuyến nông, ông Lê Quốc Thanh cho rằng, trong thời gian tới, hệ thống khuyến nông sẽ tích cực mở rộng hợp tác theo hình thức công tư (PPP), đưa doanh nghiệp tham gia cùng với bà con nông dân để xây dựng những vùng nguyên liệu quy mô, hiệu quả.
Về phía địa phương, Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên Nguyễn Trọng Tùng khẳng định đơn vị sẽ tập trung nguồn lực để phát triển, lan tỏa các mô hình khuyến nông đang triển khai hiệu quả ở tỉnh. Ngoài ra, ông Tùng cũng bày tỏ mong muốn TTKNQG quan tâm, triển khai thêm các mô hình áp dụng công nghệ mới liên quan đến các nông sản lợi thế của tỉnh.
Tùng Đinh
Nguồn: https://nongnghiep.vn/lan-toa-cac-mo-hinh-khuyen-nong-hieu-qua-o-phu-yen-d307841.html
Tin mới nhất
- Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và phương hướng triển khai nhiệm vụ năm 2025
- Viện Nghiên cứu Công nghiệp rừng nhận cờ thi đua nhân kỷ niệm 50 năm thành lập
- VFCS được công bố tại website của Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản
- Lễ ký ký biên bản ghi nhớ về việc trao các mẫu vật liệu mới từ gỗ của Đại sứ quán (ĐSQ) Phần Lan để phục vụ trưng bày tại Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam
- Hội đồng nghiệm thu sản phẩm và tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ cấp tỉnh "Nghiên cứu hoàn thiện kỹ thuật nhân giống và xây dựng mô hình trồng thâm canh Vù hương (Cinnamomum balansae H.Lec) cung cấp gỗ lớn kết hợp lấy tinh dầu tại tỉnh Lào Cai"
Các tin khác
- Cơ hội cho ngành lâm nghiệp phát triển
- Lễ bàn giao Văn phòng chứng chỉ quản lý rừng bền vững từ Tổng cục Lâm nghiệp về Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam
- Hội thảo xây dựng khung Chiến lược nghiên cứu lĩnh vực lâm nghiệp giai đoạn 2021-2030 và định hướng đến 2050
- Lễ công bố quyết định bổ nhiệm Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghiệp rừng
- Hội thảo tổng kết dự án “Mở rộng hệ thống truy xuất thông minh nguồn gốc gỗ hợp pháp (iTwood) cho gỗ rừng trồng hộ gia đình để hỗ trợ triển khai Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp VNTLAS”