THÔNG BA LÁ
Tên khác: Ngo trắng
Tên khoa học: Pinus kesiya Royle ex Gordon
hoặc Pinus insularis Endl. hoặc Pinus khasya Royle ex Hook.f.
Họ thực vật: Thông (Pinaceae)
1. Đặc điểm hình thái
Cây gỗ cao 30-40 m, thân thẳng tròn, vỏ mầu nâu sẫm, nứt dọc sâu, sau bong mảnh không đều. Lá dạng kim dàI 15-20cm, mọc cụm 3 chiếc trong một bẹ, mầu xanh thẫm, mềm thường tập trung ở đầu cành; bẹ lá dài 1cm.
Nón đơn tính cùng gốc, nón đực dạng bông ngắn, nón cái hình trứng, lúc non mầu xanh bóng. Khi chín, nón dài 5-10cm mầu nâu đậm gồm nhiều vẩy hoá gỗ. Vẩy nón dày, cứng, rốn hơi lồi có hai đường gồ chéo nhau ở giữa, mái vẩy đôi khi có gai.
Ra nón tháng 2-3, chín tháng 12 đến tháng 1 năm sau. Khi chín hạt tách ra có cánh dài 1-2 cm.
2. Đặc tính sinh thái
Cây mọc tự nhiên ở trên các vùng núi cao nhiệt đới Ấn Độ, Trung Quốc, Lào, Việt Nam thành quần thụ thuần loại hoặc hỗn giao với các loài khác. Ở Việt Nam phân bố tập trung ở các tỉnh Lâm Đồng và Hoàng Su Phì (Hà Giang), Gia Lai, Kon Tum. Hiện nay đang được trồng rộng rãi ở các tỉnh Tây Nguyên và một số huyện vùng cao biên giới Việt – Trung nơi có lượng mưa từ 1500-2000 mm, nhiệt độ trung bình tháng lạnh nhất 150C, tháng nóng nhất 26-290C, thích hợp với đất chua hoặc hơi chua, thành phần cơ giới trung bình, thoát nước tốt. Có thể trồng Thông ba lá cả nơi đất nghèo dinh dưỡng, nhưng không sống được ở nơi đất kiềm hoặc mặn.
Là loài cây ưa sáng, trong vườn ươm cần có độ che thích hợp từ 25-35% ánh sáng, sau đó hoàn toàn ưa sáng. Khả năng tái sinh bằng hạt mạnh.
3. Giống và tạo cây con
Cây mẹ lấy giống được tuyển chọn từ rừng giống, rừng giống chuyển hóa hoặc vườn giống có xuất xứ Lâm Đồng. Cây mẹ lấy giống có tuổi từ 20 tuổi trở lên đối với cây giống từ hạt, 7 tuổi trở lên đối với cây giống ghép. Phải sử dụng giống có nguồn gốc, hồ sơ lý lịch rõ ràng, có phiếu kiểm nghiệm chất lượng giống.
Thời gian thu hái quả từ tháng 11 đến tháng 2 năm sau khi vỏ quả chuyển từ màu xanh sang vàng mơ hay cánh gián. Dùng cù lèo trèo lên cây móc gật quả chín, tuyệt đối không được bẻ và chặt cành.
Quả thu về được ủ đống 2-3 ngày cho quả chín đều. Đống ủ không cao quá 50cm, phải thông gió và được đảo hàng ngày. Quả chín được phơi trên nong dưới nắng nhẹ 3-5 nắng để tách hạt Thu hạt hàng ngày, hong khô hạt nơi râm mát 2-3 ngày và vò sàng sảy hết tạp vật.
Hạt phải đảm bảo các thông số theo tiêu chuẩn ngành 04-TCN-41-2001 và tỷ lệ 14-17g/1000 hạt hoặc 60000-70000 hạt/kg.
Hạt sau khi thu hái và chế biến xong, tốt nhất là đem gieo ngay. Nếu cần bảo quản phải cất trữ hạt trong chum, vại hoặc thùng gỗ có chất hút ẩm và để nơi khô ráo thoáng mát. Độ ẩm của hạt khi đưa vào bảo quản từ 7-8%. Thời gian bảo quản tối đa là 2 năm. Nếu có điều kiện thì nên bảo quản lạnh ở nhiệt độ 5oC.
Trước khi gieo hạt phải kiểm nghiệm tỷ lệ nảy mầm theo tiêu chuẩn ngành về hạt giống Thông ba lá (04-TCN-41-2001): Hạt đảm bảo có hàm lượng nước là 7 và với hạt loại 1 có tỷ lệ nảy mầm >80%, loại 2 là 75%, loại 3 là 65%.
Chọn và lập vườn ươm theo tiêu chuẩn 04-TCN-41-2001 và đảm bảo yêu cầu ở nơi có thực bì tế guột hoặc cây bụi có độ che phủ trên 50%; đất thịt có tỷ lệ sét thích hợp 25-35% và pHKCl = 4-4,5; cao ráo, thông thoáng, thoát nước và không có mực nước ngầm cao sát mặt đất; gần hiện trường trồng rừng, gần nguồn nước, có hàng rào bảo vệ.
Phát thực bì, gom đốt, cuốc lật sâu 30cm và nhặt sạch gốc cây, rễ cỏ. Nơi có độ dốc trên 5o phải tạo bậc thang. Phun Benlat 0,1% với liều 0,3 lít/m2 để phòng trừ bệnh lở cổ rễ và Booc đô 0,5% với liều lượng 1 lít phun trên 5-6m2 để phòng trừ bệnh rơm lá thông. Xung quanh vườn đào rãnh thoát nước 50x50cm để ngăn nước chảy tràn và xói lở. Gieo hạt vào tháng 12 đến tháng 2 năm sau và đảm bảo gieo trước khi trồng 6-8 tháng.
Vỏ bầu bằng túi Polyetylen không đáy hoặc có đáy đục lỗ, kích thước 7x14cm hoặc 8x12cm.
Nơi có điều kiện thì lấy đất ở độ sâu 0-40cm tại rừng thông trên 10 tuổi để làm ruột bầu. Nơi xa rừng thông thì lấy 90% dất nơi có thực bì tế guột hoặc cây bụi có độ che phủ trên 50% và 8% đất rừng thông ở độ sâu 0-20cm. Đất được sàng kỹ qua lỗ sàng 1cm, loại bỏ hết đá lẫn, rễ cây, tạp chất và trộn đều với 2% supe lân (có 14-15% P2O5 tổng số), không dùng phân lân nung chảy có độ kiềm cao.
Ngâm hạt vào dung dịch thuốc tím 0,1% (1 gam /lít nước) trong 15 phút, vớt ra để ráo nước. Ngâm hạt vào nước ấm 2 sôi 3 lạnh (40-50oC) trong 24 giờ, vớt bỏ các hạt nổi và rửa chua. Hong hạt cho ráo nước bằng cách rải mỏng hạt trên nia và phơi dưới nắng nhẹ. Hạt sau khi hong ráo nước được cho vào túi vải (3kg hạt / túi) để nơi thoáng mát. Hàng ngày rửa chua 1 lần bằng nước ấm 30oC, hong hạt khô lại ủ tiếp. Ở những nơi nhiệt độ thấp, có thể dùng đèn điện để ủ hạt. Hạt sẽ nứt nanh (nhú mầm) sau 5-7 ngày, đem gieo vào bầu hoặc gieo trên luống.
Gieo hạt vào bầu:
Tưới nước cho bầu đủ ẩm trước khi gieo hạt ít nhất 1 buổi, bổ sung đất vào các bầu bị vơi. Chọc 1 lỗ giữa mặt bầu sâu 0,6-0,8cm, cho 1-2 hạt đã nứt nanh xuống lỗ và lấp kín hạt. Tưới nước bằng vòi phun xương hoặc phủ lưới thưa trên mặt luống rồi dùng ô doa tưới nước. Dùng rơm rạ hoặc lá thông đã khử trùng bằng thuốc tím 0,1% che phủ mặt bầu, dày 1-2cm sau lúc gieo và dỡ bỏ khi hạt bắt đầu nhú khỏi mặt đất.
Gieo hạt trên luống:
Luống gieo rộng 1m, dài 5-10m, cao 10-15cm, rãnh luống rộng 50-60cm. Nền luống là lớp đất thịt tơi xốp đã qua sàng lỗ 1cm và trên mặt luống phủ một lớp cát nhỏ dày 5-8cm. Khi hạt nứt nanh trên 50% có thể gieo vãi đều hạt trên mặt luống gieo với lượng 1kg/ 3m2. Cách tưới và phủ đất trên hạt giống như đối với hạt gieo vào bầu. Trong vòng 5-7 ngày khi cây mầm đạt dạng que diêm thì đem cấy vào bầu.
Cấy cây mầm:
Tưới nước cho bầu đủ ẩm trước khi cấy ít nhất 1 buổi. Dùng que tre kích thước 5mm vót nhọn chọc giữa bầu một lỗ nhỏ sâu hơn rễ cây mầm. Đặt cây mầm sao cho cổ rễ dưới mặt bầu khoảng 3mm, dùng que tre ép chặt đất vào rễ cây mầm. Sau khi cấy phải tưới đủ ẩm và giữ ẩm thường xuyên. Dự trữ 10% hạt mầm hoặc cây mầm để cấy dặm. Ở nơi có khí hậu nóng có thể làm giàn che cao 1,8-2m có độ tàn che 0,5-0,7 trong 1 tháng đầu khi cấy hạt. sau 15-20 ngày kiểm kê cây mầm và cấy dặm bằng cây mầm dự trữ.
Chăm sóc cây con:
Tưới nước sạch vào sáng sớm 6-7 giờ hoặc chiều mát 17-18 giờ. Hai tháng đầu tưới 2 lần/ngày, tháng thứ 3 và 4 tưới 1 lần /ngày, từ tháng thứ 5 đến khi xuất vườn tưới 1 lần / 2 ngày. Không tưới quá nhiều gây úng. Làm cỏ phá váng 15-20 ngày 1 lần trong 2 tháng đầu, các tháng sau trung bình 1 lần / tháng. Sau khi cấy cây được 30 ngày thấy cây yếu cần bón phân Supe lân 0,5% luân phiên với phân DAP 0,2% hoặc NPK(5:10:3) nồng độ 0,5% với liều lượng 2,5 lít/m2. Mỗi tuần tưới phân 1 lần cho đến khi thấy cây phát triển bình thường. Ngay sau mỗi lần tưới phân phải rửa lá kỹ bằng nước lã.
Phòng bệnh:
Phải phun thuốc Basurin để phòng trừ kiến, dế phá hoại; phun Benlat 0,2-0,5%o với liều 0,3 lít/m2, phun 2 tuần / lần cho tháng đầu tiên để phòng bệnh lở cổ rễ. Phun Boocđô 0,5-1% với liều lượng 1 lít/4-6m2, phun 2 tuần /lần để phòng trừ bệnh rơm lá.
Trị sâu bệnh:
Nếu phát hiện có chuột, chim phá hoại cần đặt bẫy xua đuổi. Khi phát hiện bệnh lở cổ rễ phải ngừng tưới nước và phun Benlat 3 ngày / lần. Nếu thông bị rơm lá phải ngưng tưới nước và dùng Booc đô nồng độ 1%, liều lượng 1 lít / 4-6m2, phun 1 lần/tuần cho đến khi hết bệnh. Nếu phát hiện thông bị bệnh vàng còi không phát triển tốt cần xăm bầu, phá vàng tạo điều kiện thông thoáng cho bầu và thấm nước tốt, bổ sung mùn thông bằng cách rắc đều đất mùn lên mặt bầu và tưới nước giữ ẩm.
Khi cây 3-5 tháng tuổi, cao 15cm phải phân loại cây theo chiều cao và tình hình sinh trưởng để có biện pháp chăm sóc kỹ hơn cho những cây kém phát triển. Trước khi trồng 15-20 ngày cần đảo bầu để hãm cây và huấn luyện cây. Trước khi đảo bầu cần tưới đẫm nước. Nên đảo bầu vào ngày trời mát và chỉ được tưới nước sau khi đảo bầu 1 ngày. Cây có chiều cao trên 25cm cần đảo bầu nhiều lần và hạn chế tưới nước để hãm cây.
Tiêu chuẩn cây con đem trồng:
Cây ươm 6-8 tháng tuổi, cao 15-20cm, đường kính cổ rễ trên 3mm, sinh trưởng bình thường, cây cứng khỏe, lá chuyển từ màu xanh lục sang màu xanh chuối non, không bị nấm bệnh, không bị cụt ngọn, không bị vỡ bầu.
4. Trồng và chăm sóc rừng
Áp dụng tiêu chuẩn ngành 04TCN 65-2003 – Quy trình kỹ thuật trồng rừng Thông ba lá ban hành kèm theo quyết định số 188 ngày 23/01/2003 của Bộ NN&PTNT.
Điều kiện gây trồng:
Thông ba lá trồng thích hợp ở những nơi có nhiệt độ trung bình năm 18-22oC, nhiệt độ tối cao 20-32oC, tổng lượng mưa 1800-2500 mm, số tháng hạn 2-3 tháng, độ cao tuyệt đối 800-1600m, địa hình là sườn, dốc <25o, đất Feralit vàng đỏ, nâu đỏ, đỏ vàng, đất mùn trên núi, thành phần cơ giới nhẹ đến trung bình, tầng dày >50cm, pHKCl=4-4,5. Có thực bì là rừng nghèo kiệt, rừng thưa có tế guột.
Có thể trồng mở rộng ở những nơi có nhiệt độ trung bình năm 16-24oC, nhiệt độ tối cao 32-36oC, tổng lượng mưa 1500-2500 mm, số tháng hạn 1-5 tháng, độ cao tuyệt đối 600-2000m, địa hình là đỉnh, dốc 25-35o, đất Feralit vàng đỏ, nâu đỏ, nâu vàng, đỏ vàng phát triển trên các loại đá cát, phiến thạch micasit, phù sa cổ, thành phần cơ giới nhẹ, sét vật lý 15-30%, tầng dày 30-50cm, pHKCl=3,5-5,5. Đất bỏ hóa sau nương rẫy 2-3 năm, thực bì là cây bụi, Lồ ô, Sim, Mua, Thẩu tấu.
Hạn chế trồng ở những nơi có nhiệt độ trung bình năm dưới 16 hoặc trên 24oC, nhiệt độ tối cao trên 36oC, tổng lượng mưa dưới 1500 hoặc trên 2500 mm, số tháng hạn trên 5 tháng, độ cao tuyệt đối dưới 600m hoặc trên 2000m, địa hình đất thấp, đầm lầy, dốc >35o, đất kiềm, thoái hóa, đất glây, đất lầy thụt, đất phát triển trên đá Bôxit, thành phần cơ giới sét vật lý >60%, tầng dày <30cm, pHKClthấphơn 3,5 hoặc lớn hơn 5,5, có thực bì gồm cỏ Mỹ, cỏ lá cứng, cỏ tranh, cỏ lông.
Khi thiết kế trồng rừng phải thiết kế cả đường băng cản lửa, các công trình phòng chống cháy rừng theo tiêu chuẩn ngành 04TCN 89-2006 – Quy phạm phòng cháy chữa cháy rừng thông cả Bộ NN&PTNT. Băng cản lửa là băng trắng hoặc băng xanh. Loài cây trồng trên băng chính là các loài keo vùng cao, keo lai, Keo tai tượng hoặc các loài cây bản địa phù hợp.
Đối với rừng trồng để phòng hộ và kinh doanh gỗ lớn nên trồng hỗn loài với keo vùng cao hoặc các loài cây bản địa khác, mật độ 1660 cây/ha, trong đó Thông ba lá chiếm 2/3 số lượng.
Đối với rừng trồng để cung cấp gỗ làm giấy thì trồng thuần loài với mật độ 2500 cây/ha.
Vùng Tây Nguyên trồng vào đầu mùa mưa, kéo dài từ tháng 6 đến tháng 8. Riêng khu vực KonPlông và Ngọc Linh (Kon Tum) mùa trồng có thể kéo dài đến tháng 9.
Phát thực bì toàn diện, chặt toàn bộ cây bụi, dây leo, cánh nhánh, băm thành đoạn ngắn vào tháng 1-4. Đốt và dọn thực bì trước vào trước mùa mưa, trước khi trồng rừng 1-2 tháng. Không xử lý thực bì và trồng rừng ven khe trong phạm vi ít nhất là 10m kể từ lòng khe suối.
Đào hố kích thước 30x30x30cm, để riêng lớp đất mặt và lớp đất dưới ở 2 bên miệng hố, xong trước khi trồng 1 tháng.
Hất lớp đất mặt vào hố và trộn đều với 50g NPK (5:10:3) hoặc 100g supe lân rồi lấp hố cao hơn mặt đất tự nhiên 2-3cm, xong trước khi trồng ít nhất 7-15 ngày.
Trồng cây vào thời điểm nắng nhẹ, râm mát hoặc mưa nhỏ. Dùng cuốc hoặc bay khơi hố rộng hơn bầu và sâu hơn bầu 1-2cm ở giữa hố. Rạch bỏ vỏ bầu và đặt cây con thẳng đứng vào giữa hố, tránh làm vỡ bầu. Dùng đất tơi ở lớp mặt bên ngoài lấp đầy hố, ép chặt đất xung quanh bầu và vun thêm đất thành mai rùa cao hơn mặt đất bình thường 2-3cm. Cây đã rải ra hố phải trồng hết trong ngày.
Sau khi trồng 20-30 ngày kiểm tra tỷ lệ sống, nếu đạt dưới 85% phải trồng giặm theo quy định. Nếu đến vụ trồng năm sau tỷ lệ sống chưa đạt 85% thì phải tiếp tục trồng giặm bằng cây con của năm trước.
Chăm sóc rừng trồng 5 năm liền. Năm thứ nhất chăm sóc 1 lần vào đầu mùa khô, gồm phát thực bì toàn diện và giẫy cỏ xung quanh gốc.
Năm thứ 2 và 3 chăm sóc mỗi năm 2 lần. Lần 1 gồm phát thực bì toàn diện, giẫy cỏ theo hàng 1m, vun xới quanh gốc cây rộng 60cm vào đầu mùa mưa. Lần 2 gồm phát thực bì toàn diện, giẫy cỏ theo hàng rộng 1m, vun xới quanh gốc rộng 60cm, đốt sạch giữa 2 hàng cây vào đầu mùa khô.
Năm thứ 4 chăm sóc 2 lần. Lần 1 phát thực bì toàn diện vào đầu mùa mưa. Lần 2 phát thực bì toàn diện, dọn sạch cỏ.
Năm thứ 5 phát thực bì toàn diện 1 lần vào đầu mùa khô.
Chú ý phòng trừ sâu bệnh hại theo quy phạm kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh hại cây rừng ban hành kèm theo quyết định số 2181/QĐ-BNN-KHCN ngày 23/5/2001 của Bộ NN&PTNT.
Tổ chức và thực hiện phòng cháy và chữa cháy rừng theo theo quy định hiện hành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
5. Khai thác, sử dụng
Gỗ có tỷ trọng 0,75, xếp nhóm IV, dùng đóng bao bì, có thể làm cột điện, làm gỗ trụ mỏ, hoặc nguyên liệu giấy và các đồ mộc thông thường khác, có khả năng khai thác nhựa tốt. Là cây trồng rừng cho công nghiệp, phủ xanh đồi núi trọc.
Áp dụng tiêu chuẩn ngành 04TCN 28-2001 – quy phạm tỉa thưa rừng Thông ba lá trồng thuần loài ban hành kèm theo quyết định số 2382/QĐ-BNN-KHCN ngày 31/5/2001 của Bộ NN&PTNT.
Khi rừng đã khép tán được 1-3 năm, có độ tàn che từ 0,7 trở lên, xuất hiện tỉa thưa tự nhiên một số cây trong lâm phần thì tỉa thưa lần đầu.
Đối với rừng Thông ba lá kinh doanh gỗ nhỏ (giấy, dăm), gỗ lớn được đưa vào tỉa thưa các lần tiếp theo phải có các điều kiện: Rừng đã khép tán được 1-3 năm, có thể kéo dài 1-2 năm nữa mặc dù rừng có độ tàn che bằng hoặc lớn hơn 0,7.
Số lần tỉa thưa: Rừng Thông ba lá trồng để cung cấp nguyên liệu gỗ nhỏ chỉ tỉa thưa 2 lần từ khi rừng khép tán đến tuổi khai thác chính. Rừng Thông ba lá trồng cung cấp gỗ lớn, phải tỉa thưa 3 lần kể từ khi rừng khép tán.
Tuổi và cường độ tỉa thưa: Với mật độ trồng ban đầu 3300 cây/ha, tuỳ theo mục đích kinh doanh và theo cấp đất được quy định như sau:
Cấpđất |
Mục đíchKinh doanh |
Mật độ trồng(cây/ha) |
Lần tỉa |
Cấp tuổi tỉa |
Cường độtỉa % theo số cây |
Số cây còn lại sau khi tỉa (cây/ha) |
D1.3 của cây còn lại |
I |
Gỗ lớn |
3300 |
1 |
7-8 |
55 |
1500 |
7-9 |
2 |
15-16 |
53 |
700 |
19-20 |
|||
3 |
25 |
53 |
330 |
29-30 |
|||
Gỗ nhỏ |
3300 |
1 |
7-8 |
50 |
1650 |
7-9 |
|
2 |
15-16 |
50 |
825 |
19-20 |
|||
II |
Gỗ lớn |
3300 |
1 |
7-8 |
55 |
1500 |
6-8 |
2 |
17-18 |
51 |
730 |
19-20 |
|||
3 |
27-28 |
52 |
350 |
28-29 |
|||
Gỗ nhỏ |
3300 |
1 |
7-8 |
50 |
1.650 |
7-9 |
|
2 |
15-16 |
50 |
825 |
19-20 |
|||
III |
Gỗ lớn |
3300 |
1 |
8-9 |
55 |
1500 |
6-8 |
2 |
19-20 |
50 |
750 |
18-19 |
|||
3 |
27-28 |
49 |
380 |
24-25 |
|||
Gỗ nhỏ |
3300 |
1 |
8-9 |
50 |
1.650 |
6-8 |
|
2 |
19-20 |
50 |
825 |
18-19 |
|||
VI |
Gỗ nhỏ |
3300 |
1 |
10-11 |
55 |
1500 |
7-9 |
2 |
19-20 |
33 |
1000 |
15-16 |
|||
V |
Gỗ nhỏ |
3300 |
1 |
11-12 |
55 |
1500 |
7-8 |
2 |
19-20 |
26 |
1100 |
12-13 |
Với mật độ trồng ban đầu 2500 cây/ha hoặc các mật độ khác khi tỉa thưa chỉ quan tâm tới số cây để lại, không tuân theo cường độ tỉa thưa (%).
Mùa tỉa thưa tốt nhất là vào mùa khô hanh, nhưng tuỳ theo điều kiện hoàn cảnh rừng, khí hậu, địa hình và tổ chức sản xuất mà mùa tỉa thưa có thể mở rộng sang các tháng khác trừ các tháng mưa nhiều.
Cây bài chặt là những cây đang chết, bị sâu bệnh, lệch tán, cong queo, cụt ngọn hoặc hai ngọn, bị chèn ép (cây thuộc cấp IV, V và một phần cấp III nếu cường độ tỉa mạnh theo cách phân cấp của Kraft), cây sinh trưởng quá lớn chèn ép một bộ phận cây xung quanh.
Những khu rừng trồng đúng hàng lối, có tỷ lệ sống cao, cây sinh trưởng đồng đều phải áp dụng cả hai phương pháp tỉa cơ giới và tỉa chọn. Những khu rừng trồng không đúng hàng lối, địa hình dốc, rừng đã để quá tuổi tỉa thưa thì phải áp dụng phương pháp tỉa chọn. Không tỉa 3 cây liền nhau trong lần tỉa đầu và 2 cây liền nhau trong các lần tỉa sau. Phải tạo điều kiện cho các cây được chọn nuôi dưỡng đến khai thác chính luôn có đủ không gian dinh dưỡng. Phải dữ toàn bộ cây bụi, thảm tươi và các loại cây gỗ tái sinh có giá trị.
Kỹ thuật chặt hạ, vận xuất, dọn vệ sinh rừng sau khi tỉa thưa phải tuân theo quy định trong quy trình khai thác rừng gỗ.
Sau khi tỉa thưa xong, cán bộ kỹ thuật phải thực hiện công tác kiểm tra số cây còn lại so với thiết kế, số cây còn lại sau khi khai thác và đổ vỡ, đường kính bình quân của các cây còn lại, tình hình vệ sinh rừng,…
Cấp đất và sản lượng gỗ lấy ra được kiểm tra theo Biểu cấp đất và Biểu thể tích Thông ba lá.
Tin mới nhất
- Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và phương hướng triển khai nhiệm vụ năm 2025
- Viện Nghiên cứu Công nghiệp rừng nhận cờ thi đua nhân kỷ niệm 50 năm thành lập
- VFCS được công bố tại website của Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản
- Lễ ký ký biên bản ghi nhớ về việc trao các mẫu vật liệu mới từ gỗ của Đại sứ quán (ĐSQ) Phần Lan để phục vụ trưng bày tại Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam
- Hội đồng nghiệm thu sản phẩm và tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ cấp tỉnh "Nghiên cứu hoàn thiện kỹ thuật nhân giống và xây dựng mô hình trồng thâm canh Vù hương (Cinnamomum balansae H.Lec) cung cấp gỗ lớn kết hợp lấy tinh dầu tại tỉnh Lào Cai"
Các tin khác
- Kỹ thuật trồng Sồi phảng
- Thông báo bán đấu giá tài sản là rừng trồng thuộc trạm Thực nghiệm Lâm nghiệp Cam Ly, phường 5, TP Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng.
- Thông tin về buổi lễ bảo vệ luận án Tiến sĩ cấp Viện của NCS Vũ Đức Quỳnh
- Báo cáo tóm tắt đề tài: Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình rừng trồng Keo bằng giống tiến bộ kỹ thuật mới được công nhận tại vùng Bắc Trung Bộ.
- Kỹ thuật trồng Sao đen