SAO ĐEN
Tên khoa học: Hopea odorata Roxb.
Họ thực vật: Dầu (Dipterocarpaceae)
1. Đặc điểm hình thái
Cây gỗ lớn cao 30-40m, thân hình trụ thẳng, đường kính 60-80cm. Tán nhỏ, tỉa cành tự nhiên tốt nên đoạn thân dưới cành dài và thẳng. Vỏ màu nâu đen, nứt dọc xù xì nhiều sợi. Cành non và cuống lá phủ lông.
Lá đơn hình ngọn giáo dài 9-11cm, mặt trên màu xanh thẫm, gân lá nỗi rõ. Thay lá vào mùa khô nhưng không rụng cùng một lúc như cây khác.
Hoa mọc thành chùm có từ 11-12 nhánh nhỏ, mỗi nhánh có 4-6 hoa, nở vào tháng 2-3. Quả có hai cánh dài 5-6cm, lúc non màu xanh nhạt khi già chuyển sang màu nâu, chín vào tháng 4-5. Một kg hạt có khoảng 3000 hạt. Ở các tỉnh phía Nam chu kỳ sai quả là 1-2năm.
2. Đặc tính sinh thái
Phân bố chủ yếu ở Lào, Cămpuchia, Việt Nam trong rừng lá rộng thường xanh kín ẩm mưa mùa nhiệt đới, nhiều nhất ở vùng Đông Nam Bộ.
Cây mọc thành đám hỗn giao với cây họ Dầu khác trong rừng rậm ẩm mát nhiệt đới. Chịu bóng khi còn nhỏ nhưng từ 3-4 tuổi trở đi ưa sáng và luôn vươn lên tầng trên. Sinh trưởng tốt trên đất xám phù sa cổ, sét pha cát ở vùng Đông Nam Bộ, thích hợp nhất trên đất đỏ ba dan sâu tốt và ẩm mát với độ pH 4,5-5,0 ở độ cao tuyệt đối từ 800m trở xuống.
Sao đen sinh trưởng và phát triển tốt nơi có khí hậu nhiệt đới 2 mùa mưa và khô rõ rệt, nhiệt độ trung bình 24-25oC, lượng mưa 1800-2000mm/năm. Khi đưa sao đen trồng ở miền Bắc tuy vẫn sinh trưởng khá trên đất phù sa sâu ẩm ra hoa nhưng không kết quả. Khả năng tái sinh chồi gốc và chồi rễ mạnh và sinh trưởng không thua kém cây hạt.
3. Giống và tạo cây con
Thu lượm hạt dưới gốc cây vào buổi sáng hoặc sau cơn giông ở rừng giống chuyển hóa đã được công nhận. Chọn những quả có cánh màu xanh chuyển vàng có đốm nâu.
Hạt rất nhanh mất sức nẩy mầm nên thu hoạch xong cần gieo ngay. Nếu phải vận chuyển hạt giống đi xa thì nên trộn hạt với cát ẩm cho vào thùng gỗ nhưng không để lâu quá 5-6 ngày.
Gieo hạt vào tháng 4-5 ngay sau khi hạt chín, kịp trồng vào tháng 5-7 năm sau.
Cắt bỏ cánh hạt, chừa lại 1-2cm, ngâm vào nước lã 2-3giờ rồi đem gieo.
Luống gieo ở nơi đất tốt, ẩm, rộng 1m, cao 0,1-0,15m và được khử trùng.
Gieo hạt trên rạch ngang luống cách nhau 15cm, đặt cánh lên trên và phủ một lớp đất vừa đủ lấp kín đỉnh hạt.
Sau khi gieo 3-4 ngày hạt bắt đầu nảy mầm, đem cấy vào bầu Polyêtylen rộng 14-15cm, cao 15-20cm, thủng đáy hoặc dán đáy đục lỗ.
Ruột bầu gồm hỗn hợp 75-80% đất mặt dưới rừng lá rộng thường xanh trộn với 15-20% phân chuồng hoai và 1% supe lân.
Cần có dàn che lúc đầu che 50% ánh sáng, có thể tháo gỡ được dần khi tuổi cây tăng lên và phải thường xuyên tưới nước, làm cỏ bắt sâu trong quá trình chăm sóc.
Tiêu chuẩn cây đem trồng: Cây 12 tháng tuổi, đường kính cổ rễ 0,4-0,5cm, cao 1,0-1,2m, xanh tốt và không đứt rễ cái.
4. Trồng và chăm sóc rừng
Thời vụ trồng tốt nhất vào tháng 5-7. Đào hố 40x40x40 cm.
Cần chọn nơi trồng ở các chân đất sâu mát dưới rừng thứ sinh kiệt hoặc rừng sau khai thác. Xử lý thực bì theo đám, theo băng hoặc toàn diện tùy phương thức trồng nhưng phải giữ lớp cây phù trợ mà không che lấp hoặc lấn át cây Sao đen.
Ở Đông Nam Bộ khi trồng theo phương thức xử lý toàn diện, trồng Muồng đen làm cây bạn và Đậu tràm phù trợ giúp cho Sao đen sinh trưởng phát triển tốt. Mật độ 400-500 cây/ha, cự ly 5-6m x 4m.
Chăm sóc 3 năm liền, mỗi năm 2-3 lần. Chủ yếu là phát dọn cây cỏ xâm lấn và vun xới gốc vào đầu và cuối mùa mưa.
Cũng phải có biện pháp phòng chống cháy rừng trong mùa khô.
Tùy đất tốt hoặc xấu và mật độ trồng dày hay thưa, sau 8-10 năm có thể tỉa thưa lần đầu để mở tán cho cây sinh trưởng thuận lợi.
5. Khai thác, sử dụng
Gỗ Sao đen xếp nhóm II, tỷ trọng 0,75, dễ cưa, bào và bền chắc cả ở điều kiện khô, ẩm hoặc chôn dưới đất nên được dùng trong xây dựng, đóng tàu thuyền, tà vẹt và đồ mộc,…
Có thể dùng để trồng rừng, trồng bổ sung dưới tán, lỗ trống theo đám hay theo băng để nâng cao chất lượng rừng nghèo kiệt hoặc rừng sau khai thác.
Có hình thân cao, dáng đẹp nên được trồng phân tán, trong công viên, làm cây bóng mát.
Tin mới nhất
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ cấp Bộ: Nghiên cứu nâng cao hiệu quả kinh tế của các chuỗi giá trị gỗ rừng trồng, đáp ứng yêu cầu gỗ hợp pháp và quản lý rừng bền vững.
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ tiềm năng cấp Bộ: Nghiên cứu tạo giống bạch đàn đa bội nhằm đáp ứng yêu cầu trồng rừng gỗ lớn.
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ cấp Bộ: Nghiên cứu chọn giống cho năng suất, chất lượng hạt cao và giải pháp phòng trừ sâu, bệnh hại Macadamia.
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết dự án sản xuất thử nghiệm cấp Bộ: Sản xuất thử nghiệm và hoàn thiện kỹ thuật trồng một số giống Keo lai mới được công nhận (BV586, BV376, BB055, BV584, BV523, BV434, BV350).
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ tiềm năng cấp Bộ: Nghiên cứu kỹ thuật nhân giống và trồng thử nghiệm Mít nài (Artocarpus chama Buchanan-Hamilton) cung cấp gỗ lớn ở khu vực miền núi phía Bắc.
Các tin khác
- Báo cáo tóm tắt đề tài: Khảo nghiệm giống và đánh giá khả năng phát triển cây Macadamia ở Việt Nam
- Thông báo Bán đấu giá tài sản là rừng trồng tại trạm Thực nghiệm Lâm nghiệp Thạnh Hóa – Long An.
- Thông báo về việc tổ chức lễ bảo vệ luận án Tiến sĩ cấp Viện cho NCS Vũ Đức Quỳnh
- Báo cáo tóm tắt đề tài: Nghiên cứu khả năng hấp thụ và giá trị thương mại carbon của một số dạng rừng trồng chủ yếu ở Việt Nam
- Kỹ thuật trồng Re gừng