LIM XẸT
Tên khác: Hoàng linh bắc bộ, lim vang, xẹt vảy
Tên khoa học: Peltophorum pterocarpum
(D.C.) Backer ex K. Heyne
Họ thực vật: Vang (Caesalpiniaceae)
1. Đặc điểm hình thái
Cây gỗ lớn, cao 25-30m, đường kính ngang ngực tới 50-60cm. Vỏ màu nâu nhạt, có nhiều đường vòng quanh thân, khi già bong vảy. Thân thẳng, gốc có bạnh vè nhỏ. Cành có lông màu gỉ sắt.
Lá kép lông chim 2 lần, chẵn, màu xanh đậm, có 7-16 đôi cuống lá thứ cấp. Mỗi cuống lá có 5-15 đôi lá chét hình thuỗn trái xoan dài 1cm, rộng 4-9mm. Lá non có lông màu rỉ sắt, có lá kèm sớm rụng.
Hoa tự chùm màu vàng, mọc đầu cành, hình tháp. Hoa có lông màu gỉ sắt, lá bắc sớm rụng. Đài 5, tràng 5, có bao phấn lắc lư. Cuống hoa dài gấp 2-3 lần nụ. Bầu có lông đựng 3-4 noãn. Quả hình quả trám, mỏng, dài 9-13cm, rộng 2-3cm, màu nâu, có 2-4 hạt nằm chéo góc 450, vỏ hạt cứng.
Trong rừng tự nhiên Lim xẹt ra hoa kết quả ở tuổi 7-8, đến tuổi 15-20 rất sai quả. Hoa nở tháng 4-5, quả đậu dẹt, chín tháng 8-10. Khi quả chín, vỏ màu nâu sẫm, vỏ quả dính chặt cuống quả.
2. Đặc tính sinh thái
Phân bố trong rừng thứ sinh có độ cao 700m trở xuống ở các vùng phía Bắc, miền Trung và 1000m trở xuống ở các tỉnh phía Nam, có lượng mưa 700-2500mm, nhiệt độ bình quân năm 20-25oC, nhiệt độ trung bình tháng lạnh nhất dưới 15oC, trên đất feralit vàng đỏ phát triển trên phiến thạch mica, gnai, đất đỏ badan, đất bồi tụ,…
Cây ưa sáng, chiếm tầng trên trong rừng thứ sinh, hỗn loài với trám, dẻ, lim xanh, ngát, gội, ràng ràng, dung,… tái sinh theo đám sau nương rẫy, ở lỗ trống lớn trong rừng và bìa rừng.
3. Giống và tạo cây con
Cây 7-8 tuổi bắt đầu ra hoa, kết quả nhưng chỉ lấy giống ở cây 15-20 tuổi trở lên. Thu hái quả vào tháng 8-9, khi quả có màu nâu hoặc xám đen, phơi khô sẽ tự nứt ra, hạt có màu cánh dán, bóng và cứng.
Cất trữ hạt trong lọ sành, chum vại 1-2 năm vẫn giữ được tỷ lệ nảy mầm 75-80% hoặc cho vào túi nilông hàn kín để trong tủ lạnh ở 5-10oC sẽ duy trì sức sống của hạt được vài năm. Mỗi kg hạt có 9.500-11.000 hạt.
Ngâm hạt trong nước nóng 60-700C để nguội dần sau 8-12 giờ vớt ra cho vào túi vải ủ trong bao tải, mỗi ngày rửa chua một lần, 3-5 ngày hạt nứt nanh, đem gieo vào bầu. Dùng bầu Polyêtylen kích thước 12x19cm. Hỗn hợp ruột bầu gồm 70% đất mặt trộn đều với 30% phân chuồng hoai.
Mỗi bầu gieo 2-3 hạt đã xử lý và ủ nứt nanh. Nếu gieo trên luống thì đất phải được cày bừa kỹ, trộn đều với phân chuồng hoai 1,5kg/m2 mặt luống. Gieo 1 kg hạt trên 400m2 mặt luống, theo hàng, cự ly 20cm x 5-10cm. Sàng một lớp đất mịn lấp kín hạt, tủ một lớp rơm rạ và tưới giữ ẩm thường xuyên cho luống gieo hay bầu gieo.
Khi hạt nảy mầm, dỡ bỏ lớp rạ, thay bằng giàn che 30% ánh sáng. Khi cây có 2-3 lá thật nhổ cấy vào bầu, cấy xong phải tưới nước, cắm ràng che bóng, ngăn chặn dế cắn gốc cây con.
Trong 3 tháng đầu tưới nước đủ ẩm cho cây, mỗi ngày 1 lần, lượng tưới 3-4lít/m2. Định kỳ 15-20 ngày nhổ cỏ, phá váng, tưới nước phân chuồng hoai hoặc NPK(5:10:3) pha loãng 1% hay phân đạm sunfat nồng độ 15-20 g/lít nước.
Tiêu chuẩn cây con đem trồng: 7-12 tháng tuổi, cao 0,7-0,8m, đường kính cổ rễ 0,4-0,5cm, không cụt ngọn, bị sâu bệnh.
4. Trồng và chăm sóc rừng
Trồng ở những nơi đất còn tính chất đất rừng, đất rừng nghèo, đất sau nương rẫy hoặc trảng cỏ cây bụi có cây gỗ rải rác.
Trồng theo băng, theo hàng, trồng làm giàu rừng hay theo phương thức nông lâm kết hợp. Có thể trồng hỗn giao theo hàng với Lát hoa, Re gừng,…
Trồng cây con có bầu hoặc cây rễ trần.
Trồng những ngày có mưa hoặc râm mát vào tháng 4 đến tháng 8.
Trồng toàn diện với mật độ 1100 cây/ha, cự ly 3x3m, giữa hai hàng cây có thể gieo lúa, đỗ, lạc.
Trong thảm rừng nghèo, chặt cây cao che bóng, dây leo và dọn sống.
Cuốc hố 30x30x30cm hoặc 40x40x 40cm.
Chăm sóc 3 năm đầu:
– Năm thứ nhất chăm sóc 2 lần vào giữa và cuối mùa mưa. Trồng dặm cây chết, cắt bỏ dây leo, cây chèn ép, xới đất, làm cỏ kết hợp vun quanh gốc cây rộng 0,6-0,8m.
– Năm thứ hai chăm sóc 2 lần như năm thứ nhất, ngoài ra cần chăm sóc cả những cây tái sinh mục đích.
– Năm thứ ba thời điểm chăm sóc như năm 1 và 2. Nội dung chăm sóc gồm phát dây leo, mở tán cho những cây lim xẹt và cây tái sinh mục đích bị chèn ép, xới đất quanh gốc rộng 0,6-0,8m và vun gốc cây.
5. Khai thác, sử dụng
Gỗ giác lõi không phân biệt, màu hồng, hoặc giác lõi phân biệt giác màu vàng xám, lõi màu vàng nâu, vòng sinh trưởng rõ, rộng 4-8mm, tia gỗ nhỏ và hẹp, thớ mịn, ít bị mối mọt, cong vênh.
Gỗ Lim xẹt thuộc nhóm V, cứng trung bình, nặng trung bình, khối lượng thể tích khô 740kg/cm3, tỷ trọng 0,7. Dùng đóng đồ mộc gia dụng, trong xây dựng và giao thông vận tải.
Rừng 10 tuổi tỉa những cây xấu, để lại 500-600 cây/ha, đến 18-20 tuổi tỉa lần 2 để lại 200-300 cây/ha nuôi dưỡng lấy gỗ lớn.
Có sẵn giống, dễ trồng, rễ cọc phát triển, dùng để trồng rừng phòng hộ, cây cảnh quan môi trường. Rễ phụ có nốt sần chứa vi khuẩn cố định đạm cộng sinh.
Tin mới nhất
- Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và phương hướng triển khai nhiệm vụ năm 2025
- Viện Nghiên cứu Công nghiệp rừng nhận cờ thi đua nhân kỷ niệm 50 năm thành lập
- VFCS được công bố tại website của Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản
- Lễ ký ký biên bản ghi nhớ về việc trao các mẫu vật liệu mới từ gỗ của Đại sứ quán (ĐSQ) Phần Lan để phục vụ trưng bày tại Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam
- Hội đồng nghiệm thu sản phẩm và tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ cấp tỉnh "Nghiên cứu hoàn thiện kỹ thuật nhân giống và xây dựng mô hình trồng thâm canh Vù hương (Cinnamomum balansae H.Lec) cung cấp gỗ lớn kết hợp lấy tinh dầu tại tỉnh Lào Cai"
Các tin khác
- Thông báo về việc tổ chức lễ bảo vệ luận án Tiến sĩ cấp Viện cho NCS Huỳnh Nhân Trí
- Báo cáo tóm tắt đề tài: Nghiên cứu tuyển chọn thuốc và công nghệ bảo quản nứa nguyên liệu làm hàng thủ công mỹ nghệ phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu
- Nghị định số 40/2014/NĐ-CP ngày 12/5/2014 của Chính phủ quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ
- Kỹ thuật trồng Lim xanh
- Báo cáo tóm tắt đề tài: Nghiên cứu kỹ thuật gây trồng một số loài cây bản địa có giá trị ở vùng khô hạn Ninh Thuận – Bình Thuận