XOAN TA
Tên khác: Sầu đông, Thầu đâu, Xoan
Tên khoa học: Melia azedarach Linn.
Họ thực vật: Xoan (Meliaceae)
1. Đặc điểm hình thái
Cây gỗ trung bình cao tới 20m, đường kính 30-50cm hoặc hơn, thân thẳng. Vỏ ngoài màu xám nâu, có những bì khổng chạy dọc màu vàng da cam.
Thịt vỏ trắng vàng, nhiều xơ, cành non có lông. Tán lá thưa, lá rụng mùa đông.
Lá kép lông chim lẻ 2-3 lần, mọc cách. Lá chét hình trứng hay hình mũi mác, mép có răng khi non phủ lông hình sao, mặt trên xanh thẫm, mặt dưới xanh vàng.
Cụm hoa hình chùy mọc ở nách lá, hoa lưỡng tính có mùi hắc. Quả hạch, vỏ ngoài nạc, vỏ trong hoá gỗ, 4-5 ô, mỗi ô chứa 1 hạt.
2. Đặc tính sinh thái
Mọc tự nhiên khá rộng ở Trung Quốc, Lào, Myanma, Thái Lan,…, có nguồn gốc từ Hymalaya.
Ở Việt Nam gặp ở hầu hết các nơi từ Bắc vào Nam, từ đồng bằng, trung du đến miền núi, mọc tự nhiên nhiều và tập trung ở các vùng biên giới Việt Lào.
Ưa khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng, ẩm có 2 mùa rõ rệt. Mưa càng nhiều mọc càng tốt, rụng lá mùa khô, khi có mưa phùn bắt đầu nẩy lộc, ra hoa, chịu được giá lạnh.
Cây tiên phong, ưa ánh sáng hoàn toàn, tái sinh rất mạnh trên đất bỏ hoá sau nương rẫy; ở độ cao trên 1000m so mực nước biển vẫn mọc được nhưng sinh trưởng kém.
Tái sinh hạt mạnh, tái sinh chồi gốc và cả chồi rễ đều rất khoẻ. Cây mọc nhanh, 5 tuổi có thể cao 8-10m, đường kính 15-20cm; 10 tuổi đường kính có thể đạt 30cm.
Ưa đất sâu, tơi xốp, thoát nước, ít chua. Thích hợp với các loại đất đá vôi, đá kiềm, đất phù sa ven sông ven suối. Đất cằn cỗi, úng, bí vẫn mọc được nhưng sinh trưởng kém. Nơi có gió bão mạnh cây bị cong queo và chậm lớn.
3. Giống và tạo cây con
a. Nguồn giống
Chọn cây mẹ 5-8 tuổi, thân thẳng, tròn, đường kính trên 15cm có đoạn thân dưới cành dài, tán lá đều, không bị sâu bệnh trong rừng chuyển hóa đã được công nhận để lấy giống.
Mùa hoa vào cuối xuân đầu hè khoảng tháng 3-4, mùa quả chín vào giữa mùa đông khoảng tháng 11-12. Cây 3-4 tuổi bắt đầu ra hoa.
Quả thường chín tập trung, khi phần lớn quả có vỏ chuyển từ màu xanh sang màu vàng da cam đậm, bóp nhẹ thấy quả mềm thì thu hái.
Quả hái về ủ 1-2 ngày cho chín đều rồi ngâm vào nước, chà xát, đãi loại bỏ hết vỏ và thịt quả để lấy hạt. Mỗi kg hạt có 2000-3000 hạt.
Phơi hạt 1-2 ngày trong nắng nhẹ rồi đem gieo hoặc cất trữ trong chum vại theo cách bảo quản khô thông thường.
b. Xử lý hạt
Theo cách đốt nóng gián tiếp là cho hạt vào hố, phủ rơm rạ cỏ rác khô, đốt trong 2-3 phút cho nóng hạt rồi đem gieo.
Hoặc ngâm hạt vào nước ấm 50-600C (2 sôi 3 lạnh) trong 6-12 giờ, vớt ra trộn với cát ẩm để ủ trong 2-3 ngày rồi đem gieo.
c. Gieo hạt
Chọn nơi bằng phẳng, thoát nước, cày bừa làm đất kỹ. Lên luống rộng 0,8-1m, cao 15-20cm, chân luống rộng 1-1,2m, rãnh luống rộng 35-40cm.
Bón lót phân chuồng hoai 3-4 kg/m2, trộn đều và san phẳng mặt luống. Chọc lỗ sâu 4-5cm, cự ly 30x30cm. Mỗi lỗ gieo 1 hạt đã xử lý, lấp đất kín hạt, lượng hạt 1kg/m2.
Tưới nước đẫm sau khi gieo, định kỳ 2-3 ngày tưới một lần, lượng tưới 2- 3 lít/m2.
d. Chăm sóc cây con
Sau khi cây mọc một tháng thì tỉa dặm cây cho đều. Định kỳ 20-30 ngày làm cỏ xới váng một lần, 4-5 ngày tưới nước một lần, lượng tưới 4-6 lít/m2
Chống úng khi mưa to. Phát hiện có rệp sáp bám quanh thân phải tuốt bỏ, quét nước vôi đặc lên thân để phòng trừ.
e. Tiêu chuẩn cây con
Tuổi cây 9-12 tháng, chiều cao 1,5-2m, đường kính cổ rễ 2-3cm, cây sinh trưởng tốt, không bị sâu bệnh, chưa ra lá non.
4. Trồng và chăm sóc rừng
Trồng ở nơi có độ cao địa hình dưới 1000m, tốt nhất là dưới 500-700m so với mực nước biển. Nhiệt độ bình quân năm 16-220C, lượng mưa bình quân năm 1700-2000mm. Đất ít chua, pH từ 5,0-6,0, thành phần cơ giới trung bình, thịt nhẹ đến sét trung bình, tầng dày trên 40-50cm. Thực bì mới phục hồi sau nương rẫy bỏ hoá, cây bụi, cỏ có cây gỗ rải rác, trảng cỏ và trảng cây bụi.
Có 2 phương thức trồng chủ yếu:
– Trồng tập trung thuần loài có trồng xen hoặc không trồng xen cây nông nghiệp trên đất dốc hoặc đất sau nương rẫy.
– Trồng phân tán thuần loài hoặc trồng xen cây gỗ ven đường, kênh mương hoặc quanh vườn, nương.
Có hai phương pháp trồng chính:
– Trồng bằng cách gieo hạt thẳng áp dụng cho trồng tập trung.
– Hoặc trồng bằng cây con rễ trần áp dụng cho trồng phân tán.
Trồng bằng cây con rễ trần thích hợp nhất là vào cuối Đông đầu Xuân từ tháng 12 đến tháng 2, khi cây con chưa ra lá non. Trồng bằng gieo hạt thẳng thích hợp nhất vào đầu mùa mưa, có thể mở rộng trồng vào vụ Xuân hoặc vào vụ Thu.
Trồng thuần loài 2500-3000 cây/ha, cự ly 2x2m hoặc 2×1,5m.
Trồng phân tán với cự ly cây cách cây 3x3m.
Phát dọn thực bì toàn diện.
Cuốc hố kích thước 30x30x30cm để trồng rừng tập trung. Cuốc hố với kích thước 40x40x40cm để trồng phân tán.
Gieo hạt thẳng: Gieo 3-4 hạt đã xử lý vào một hố, lấp đất kín hạt dày 3-4cm. Sau 15-20 ngày thì cây mọc, sau 1 tháng tỉa dặm và để lại mỗi hố 1 cây khoẻ mạnh.
Trồng bằng cây con: Bứng cây đạt tiêu chuẩn, cắt bớt rễ cọc chỉ để lại một đoạn dài 20-25cm. Moi đất, đặt ngay ngắn, lấp đất đầy hố và dậm chặt, cào đất vun lấp tiếp cho đầy miệng hố cao ngang cổ rễ.
Chăm sóc 3 năm liền, mỗi năm 1-2 lần. Làm cỏ, vun gốc rộng 0,8-1m, tỉa bớt để lại 1 cây/hố và tỉa chồi ngay từ năm đầu, đến khi cây cao 7-8m thì không tỉa nữa. Quét nước vôi đặc quanh thân cây từ gốc đến độ cao 1,5m để chống rệp sáp. Những thân cây bị cong có thể dùng dao rạch một đường dọc đối diện và uốn lại thân cho thẳng.
5. Khai thác, sử dụng
Gỗ có tỷ trọng 0,50-0,55, xếp nhóm VI, màu trắng hồng, có vân, nhẹ và mềm nhưng khá bền, ít bị mọt và mục nhưng dễ bị mối. Nếu được ngâm nước 5-6 tháng thì gỗ rất bền, thường dùng trong xây dựng, đóng bàn ghế và các đồ gia dụng, đồ mộc.
Gỗ đun cho nhiệt lượng cao, đốt than làm thuốc súng. Vỏ dùng làm thuốc. Lá dùng để làm phân xanh, làm thuốc chữa giun sán cho trâu bò, chế biến thuốc phòng trừ sâu bệnh.
Rừng trồng Xoan ta trong 5-6 năm đầu có thể trồng xen với dứa, chè hoặc đỗ, lạc, sắn, ngô,… để tăng thu tiền mặt và hoa màu. Từ năm thứ 7-8 trở đi cây cao trên 10m, đường kính tới 35-40cm, bắt đầu khai thác chọn cây to lấy gỗ gia dụng kết hợp tái sinh tự nhiên bằng hạt và chồi.
Rừng trồng tập trung thuần loài đến 5-6 tuổi bắt đầu tỉa thưa chặt bỏ những cây xấu kết hợp tỉa cơ giới cách cây, để lại 1000-1500 cây/ha, tận dụng sản phẩm làm gỗ, củi.
Đến 10-12 tuổi có thể khai thác chính kết hợp với tái sinh luân kỳ 2 bằng gieo hạt thẳng và tận dụng nguồn hạt giống tại chỗ. Sản lượng khai thác đạt tới 120-150m3/ha.
Tin mới nhất
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ cấp Bộ: Nghiên cứu nâng cao hiệu quả kinh tế của các chuỗi giá trị gỗ rừng trồng, đáp ứng yêu cầu gỗ hợp pháp và quản lý rừng bền vững.
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ tiềm năng cấp Bộ: Nghiên cứu tạo giống bạch đàn đa bội nhằm đáp ứng yêu cầu trồng rừng gỗ lớn.
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ cấp Bộ: Nghiên cứu chọn giống cho năng suất, chất lượng hạt cao và giải pháp phòng trừ sâu, bệnh hại Macadamia.
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết dự án sản xuất thử nghiệm cấp Bộ: Sản xuất thử nghiệm và hoàn thiện kỹ thuật trồng một số giống Keo lai mới được công nhận (BV586, BV376, BB055, BV584, BV523, BV434, BV350).
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ tiềm năng cấp Bộ: Nghiên cứu kỹ thuật nhân giống và trồng thử nghiệm Mít nài (Artocarpus chama Buchanan-Hamilton) cung cấp gỗ lớn ở khu vực miền núi phía Bắc.
Các tin khác
- Buổi gặp mặt chúc Tết các đơn vị của Lãnh đạo Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam nhân dịp Xuân Ất Mùi 2015 (13-02-2015)
- Kỹ thuật trồng cây Xà cừ lá nhỏ
- Thông báo công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư năm 2014
- Báo cáo kết quả đề tài: Hoàn thiện công nghệ sản xuất chế phẩm XM5 và và ứng dụng để bảo quản gỗ rừng trồng làm trụ chống cho cây Hồ tiêu và Thanh long
- Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam tổ chức Hội đồng Khoa học Công nghệ nghiệm thu tổng kết đề tài: Nghiên cứu tạo giống Bạch đàn lai biến đổi gen cho chiều dài sợi gỗ ở Việt Nam