BẠCH ĐÀN TRẮNG CAMAN
Tên khác: Bạch đàn caman
Tên khoa học: Eucalyptus camaldulensis Dehn.
Họ thực vật: Sim (Myrtaceae)
1. Đặc điểm hình thái
Cây gỗ lớn, cao 30-40m, đường kính ngang ngực 40-50cm, thân thẳng tròn đều. Vỏ màu xám trắng hoặc xám hơi xanh, nhẵn, bong từng mảng mỏng. Phía gần gốc vỏ nứt dọc, không bong. Cành non màu nâu đỏ, mảnh, rủ xuống.
Lá đơn mọc cách, có mùi thơm. Lá non hơi có phấn, hình trứng hoặc ngọn giáo, có cuống mảnh. Lá thành thục hình ngọn giáo cong dạng lưỡi liềm, nhọn dần về phía đầu, dài 10-30cm, rộng 1,5-3,5cm. Gân giữa màu nâu, gân bên rõ.
Cụm hoa dạng tán ở nách lá, mang 4-8 hoa, nở tháng 3-4. Quả hình bán cầu, dài 0,7-0,8cm, rộng 0,5-0,6cm, mở theo 3 van hình tam giác, chín tháng 7-8 ở miền Bắc và tháng 5-6 ở miền Nam.
2. Đặc tính sinh thái
Cây nguyên sản ở Ôxtrâylia, phân bố rộng ở vùng nhiệt đới từ 15 đến 18o vĩ Nam, vùng đồi núi thấp dưới 600m so với mực nước biển. Loài cây nhập nội trồng ở nhiều nước trên thế giới, được trồng ở Việt Nam từ lâu, ở các vùng đồng bằng, vùng cát ven biển, vùng đồi đến vùng núi, suốt từ Bắc vào Nam.
Cây sinh trưởng nhanh, biên độ sinh thái rộng, chịu được hạn, nhưng cũng chịu được úng trong thời gian ngắn. Sinh trưởng và phát triển tốt ở nơi có lượng mưa 1500-2500 mm/năm, nhiệt độ trung bình tháng lạnh nhất 15oC, tháng nóng nhất 26-29oC.
Trồng thích hợp trên đất đồi trọc, sau nương rẫy, có độ cao dưới 200m so với mực nước biển, dốc dưới 15-20o, có thành phần cơ giới thịt nhẹ, sét nhẹ, cát pha đến thịt trung bình, thoát nước, độ dày >70cm, pH=4-6, có thực bì cỏ lông lợn, sim mua, tế guột. Sinh trưởng được trên cồn, bãi cát cố định không ngập nước hoặc trên bãi cát thấp, đất phèn được lên líp.
Khả năng tái sinh chồi rất mạnh, nên việc kinh doanh rừng chồi đạt kết quả tốt.
3. Giống và tạo cây con
3.1. Ươm tạo cây con từ hạt
Hạt giống:
Lấy giống ở lâm phần giống hoặc những cây được tuyển chọn từ 8 tuổi trở lên thuộc các xuất xứ Katherine, Kennedy river, Morehead river, Petford area, Gibb river.
Thu hái giống vào tháng 7-8 (miền Bắc), tháng 5-6 (miền Nam) khi vỏ quả chuyển từ màu xanh nhạt sang nâu thẫm, cuống quả mốc trắng, nắp quả chưa mở, hạt màu nâu, mày màu nâu nhạt.
Ủ quả thành đống nơi thoáng 2-3 ngày, mỗi ngày đảo 1 lần. Khi quả chín rải đều trên vải bạt hoặc nong, nia phơi dưới nắng nhẹ 2-3 ngày để tách hạt, rồi phơi lại 1-2 nắng sau đó sàng sảy loại bỏ tạp vật và bảo quản trong chum vại, thùng gỗ để nơi thoáng mát, duy trì sức sống của hạt được 10-12 tháng. Hoặc giữ hạt ở nhiệt độ 5-10oC thì duy trì sức sống của hạt được 2-3 năm.
Chu kỳ sai quả 2 năm, sản lượng của lâm phần 10 tuổi là 15kg/ha/năm. Cứ 7-8kg quả thu được 1kg hạt có 250000-300000 hạt. Tỷ lệ nảy mầm >90%, độ thuần 10-12%.
Gieo ươm:
Thời vụ gieo ươm tạo cây con trước thời vụ trồng rừng 3-4 tháng. Cho hạt vào túi vải, ngâm trong nước ấm 35-40oC, để nguội dần trong 6-12 giờ, vớt ra hong khô nơi thoáng mát, rồi cho vào túi vải ủ, rửa chua bằng nước ấm mỗi ngày 1 lần, sau 3-4 ngày hạt nứt nanh đem gieo trên luống.
Trộn hạt với cát hoặc đất bột với tỷ lệ 1 hạt: 4 đất (theo khối lượng), vãi đều 1 kg hạt trên 60-100m2 mặt luống. Dùng đất mịn tơi rắc đều phủ kín hạt, rồi phủ một lớp rơm rạ mỏng kín mặt luống. Hàng ngày dùng ô doa lỗ nhỏ tưới nhẹ, đều, tránh trôi hạt. Làm giàn che bóng 70-80%.
Sau 5-6 ngày cây mầm cao 2-3cm, nhổ cây, dùng que nhỏ chọc lỗ, cấy vào bầu. Dùng vỏ bầu Pôlyêtylen kích thước 7x12cm, ruột bầu gồm 80-90% đất mặt vườn ươm + 10-20% phân chuồng hoai + 1% supe lân. Cấy xong cần tưới nhẹ để rửa lá và làm chặt gốc. Sau 7-10 ngày kiểm tra, cấy dặm cây bị chết.
Tưới nước đủ ẩm cho cây trong 3 tháng đầu, mỗi ngày tưới 1 lần, lượng tưới 4-5lít/m2. Định kỳ 15 ngày làm cỏ phá váng 1 lần và tưới nước phân chuồng hoai hoặc phân NPK(5:10:3) pha loãng 1%.
Nếu cây bị vàng còi hoặc bạc lá dùng sunphát đạm và supe lân pha 0,1-0,2%, tưới 2,5 lít/m2, hai ngày tưới phân 1 lần, sau tưới phân phải tưới nước lã rửa lá.
Phòng trừ bệnh thối cổ rễ bằng Benlat pha theo tỷ lệ 1g với 10 lít nước phun đều trên mặt luống bầu đất. Nếu bệnh xuất hiện, pha nồng độ 6g/ 10 lít nước tưới phun cho 100m2, mỗi tuần 2 lần, phun trong 2-3 lần.
Tiêu chuẩn cây đem trồng:
Cây ươm 3-4 tháng, cao 25-45cm, đường kính cổ rễ 3mm, khoẻ, không bị sâu bệnh, không cụt ngọn, đất trong bầu không bị vỡ nát.
3.2. Ươm tạo cây con bằng hom
Vật liệu giống:
Sử dụng các dòng đã được công nhận là giống tiến bộ kỹ thuật và bắt buộc phải nhân giống bằng phương pháp giâm hom hoặc nuôi cấy mô. Các dòng Bạch đàn trắng SM16, SM23 áp dụng vùng Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và những nơi có điều kiện lập địa tương tự; dòng EF23, EF24, EF39, EF55 áp dụng vùng Đông Nam Bộ và những nơi có điều kiện lập địa tương tự; dòng C9, C55, C159, áp dụng vùng Nam Trung Bộ và những nơi có điều kiện lập địa tương tự.
Sử dụng các dòng bạch đàn lai giữa Bạch đàn trắng với Bạch đàn nâu đã được công nhận là giống tiến bộ kỹ thuật, gồm UC1, UC2 áp dụng cho Bình Phước và những nơi có điều kiện lập địa tương tự; dòng CU9, UC80 áp dụng cho Phú Thọ và những nơi có điều kiện lập địa tương tự.
Xây dựng vườn giống lấy hom:
Vườn giống lấy hom được xây dựng gần vườn ươm, nơi có đất thoát nước tốt, có diện tích bằng 1/500 diện tích rừng cần trồng cây hom hàng năm.
Cây giống lấy hom là cây mô hoặc cây hom của các dòng bạch đàn ưu trội đã được tuyển chọn, được trồng trước đợt thu chồi đầu ít nhất 2 tháng. Cự ly trồng 30x40cm, bón lót 1kg phân chuồng hoai, 50g phân NPK (5:10:3) hoặc 200g phân lân hữu cơ vi sinh Thiên nông cho 1 cây giống.
Làm cỏ, vun gốc sau khi trồng 1 tháng và lặp lại theo định kỳ 2 tháng 1 lần. Sau mỗi lần thu hoạch chồi phải phun Ben lát nồng độ 0,15-0,3%, xới đất, vun gốc cây.
Sau khi trồng khoảng 2 tháng, dùng kéo cắt ngang thân cây cách mặt đất 20-30cm để đốn tạo chồi, rồi phun Ben lát nồng độ 0,15-0,3% ướt cả cây để khử trùng. Sau khi đốn 28-30 ngày có thể thu hoạch lứa chồi đầu tiên.
Hàng năm phải trẻ hóa vườn giống trước thời vụ giâm hom 1 tháng, đốn bỏ các chồi yếu, để lại 1-2 chồi khỏe nhất. Sau mỗi lần đốn cây phải phun Ben lát nồng độ 0,15%, làm cỏ, xới đất quanh gốc cây, bón thúc cho mỗi cây 50g NPK (5:10:3). Chỉ sử dụng cây giống để lấy hom trong 3 năm, sau đó phải thay bằng cây mô mới hoặc cây hom thế hệ đầu nhân từ cây mô.
Giâm hom:
Dùng kéo sắc cắt chồi ở vị trí sát thân cây, chỉ để lại 2 lá hoặc 2 chồi ngủ ở gốc chồi, sau đó sẽ cắt để tạo hom. Mỗi chồi chỉ nên lấy 1 hom ngọn dài 7-10cm, mang 6-8 lá. Vết cắt cách đốt dưới cùng 0,2cm, sau đó cắt bỏ 2 lá dưới cùng và 1/2 phiến của 2 lá kế tiếp.
Hom cắt xong phải ngâm ngay vào dung dịch Ben lát 0,02% trong thời gian 15-20 phút để phòng nấm bệnh. Sau đó xử lý thuốc kích thích ra rễ IBA nồng độ 0,02% hoặc ABT bột nồng độ 0,03%.
Dùng vỏ bầu Polyêtylen cỡ 6x11cm, đóng đầy hỗn hợp: 1/3 cát phía trên + 2/3 đất phía dưới. Trước khi cấy hom 12 giờ, tưới dung dịch Ben lát 0,06% hoặc thuốc tím 0,1% với liều 10lít nước cho 50m2 mặt bầu để phòng chống nấm. Tưới nước ẩm toàn bộ ruột bầu trước khi cấy hom. Dùng que chọc 1 lỗ sâu 2-3cm ở giữa bầu, đường kính lỗ lớn hơn gốc hom. Cấy hom sâu 2-3cm, dùng ngón tay ấn nhẹ đất xung quanh gốc hom.
Nếu vườn ươm ở xa có thể giâm hom vào cát thô sạch, đến khi ra rễ mới cấy vào bầu đất như trên.
Chăm sóc hom giâm:
Ngay sau khi cấy hom phải phủ nilon lên khung vòm để giữ ẩm và tưới phun sương cho hom hàng ngày. Khoảng cách giữa 2 lần tưới phun là 30-40 phút, mỗi lần phun 7-10 giây.
Sau khoảng 3-5 tuần, cây hom có bộ rễ phát triển hoàn chỉnh thì ngừng tưới phun nước cho cây hom và chuyển bầu cây hom ra ngoài vườn để nuôi dưỡng. Với hom giâm trong cát, sau khi cấy 2-3 tuần hom ra rễ dài 1,2-2cm, cấy vào bầu đất và tiếp tục che nắng như ở nhà giâm hom khoảng 1 tuần, khi cây hom ổn định mới dỡ bỏ giàn che.
Định kỳ 1 tuần tưới phân 1 lần, liều lượng 1kg NPK (5:10:3) hòa tan trong 33 lít nước, tưới cho 5000 cây, rồi tưới nước rửa lá. Định kỳ mỗi tuần phun Benlát 1 lần với nồng độ 0,06%, liều lượng 10 lít cho 50m2 bầu cây. Sau khi chuyển cây hom ra vườn ươm 2 tuần phải phân loại cây để có chế độ chăm sóc phù hợp. Ngừng tưới phân trước khi đem cây đi trồng 2 tuần.
Tiêu chuẩn cây hom đem trồng:
Cây cao 20-30cm, đường kính cổ rễ >3mm, cây xanh đẹp, khỏe mạnh, không sâu bệnh.
4. Trồng và chăm sóc rừng
Áp dụng tiêu chuẩn ngành QPN 8-89 – Quy phạm trồng rừng bạch đàn trắng caman, ban hành kèm theo quyết định số 456/LS-CNR ngày 4/9/1989 của Bộ Lâm nghiệp.
Thời vụ trồng ở các tỉnh vùng cát ven biển Bắc Trung Bộ tháng 10-12, các tỉnh Nam Trung Bộ tháng 9-10. Chọn ngày có mưa hoặc trời râm mát, đất trong hố đủ ẩm để trồng rừng.
Xử lý thực bì theo băng, đào hố 30x30x30cm hoặc 40x40x40cm. Nơi có điều kiện có thể cày đất theo băng hoặc cày toàn diện trước khi đào hố.
Có thể trồng thuần loài hoặc hỗn giao theo hàng hay theo băng với các loài keo tai tượng, keo lá tràm, keo lá liềm, phi lao trên các lập địa bãi cát cố định không ngập nước, trên các líp ở nơi bãi cát bán ngập, khu vực canh tác nông nghiệp; hoặc trồng phân tán ven đường, quanh vườn, quanh nhà, các khu công sở, trường học.
Mật độ trồng 2000 cây/ha, cự ly 2×2,5m hoặc 1600 cây/ha, cự ly 2,5×2,5m.
Nơi có điều kiện bón lót 1kg phân chuồng hoai và 0,05kg NPK ngay lúc trồng cây. Lấp đất mặt xuống trước 1/3 hố, sau đó bón phân chuồng và phân NPK, rồi cho đất tới 2/3 hố, trộn đều đất với phân trong hố. Đặt bầu cây ngay ngắn giữa hố, lấp đất đầy hố, vun thành hình mai rùa cao hơn miệng hố 5-10cm và giẫm chặt xung quanh bầu cây.
Sau khi trồng 2-3 tuần, tiến hành kiểm tra cây chết và trồng dặm.
Chăm sóc 3 năm đầu, mỗi năm 1-2 lần vào cuối mùa khô và cuối mùa mưa. Nội dung chăm sóc gồm phát cây cỏ cạnh tranh với cây trồng, xới, vun gốc rộng 0,6m. Nếu có điều kiện kết hợp bón thúc 75-100g NPK(5:10:3) cho mỗi gốc.
Bạch đàn ở tuổi non dễ bị mối ăn hại, rệp hại ngọn, nấm hại lá, cần kiểm tra, phát hiện sớm, có biện pháp xử lý kịp thời. Cấm chăn thả trâu bò vào rừng trong 3 năm đầu.
5. Khai thác, sử dụng
Gỗ màu đỏ nhạt, mịn, tỷ trọng và độ cứng trung bình, dễ bị cong vênh, dùng trong công trình dưới nước, cầu, tà vẹt, cột điện, đóng đồ mộc. Đặc biệt là một trong những loài cây trồng để cung cấp gỗ nguyên liệu giấy và trụ mỏ. Cũng là loài cây trồng phổ biến ở các vườn rừng, trồng phủ xanh đồi núi trọc. Lá có thể chưng cất tinh dầu; hoa nhiều, thơm dùng để nuôi ong.
Tin mới nhất
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ cấp Bộ: Nghiên cứu nâng cao hiệu quả kinh tế của các chuỗi giá trị gỗ rừng trồng, đáp ứng yêu cầu gỗ hợp pháp và quản lý rừng bền vững.
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ tiềm năng cấp Bộ: Nghiên cứu tạo giống bạch đàn đa bội nhằm đáp ứng yêu cầu trồng rừng gỗ lớn.
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ cấp Bộ: Nghiên cứu chọn giống cho năng suất, chất lượng hạt cao và giải pháp phòng trừ sâu, bệnh hại Macadamia.
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết dự án sản xuất thử nghiệm cấp Bộ: Sản xuất thử nghiệm và hoàn thiện kỹ thuật trồng một số giống Keo lai mới được công nhận (BV586, BV376, BB055, BV584, BV523, BV434, BV350).
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ tiềm năng cấp Bộ: Nghiên cứu kỹ thuật nhân giống và trồng thử nghiệm Mít nài (Artocarpus chama Buchanan-Hamilton) cung cấp gỗ lớn ở khu vực miền núi phía Bắc.
Các tin khác
- Kỹ thuật trồng Bạch đàn nâu
- Thông báo tuyển tư vấn cá nhân của UNDP
- Thông tin buổi bảo vệ luận án Tiến sĩ của NCS Mai Trung Kiên
- Hội thảo về Phát triển thuần hóa các loài cây trồng ở Việt Nam
- Báo cáo tóm tắt đề tài: Nghiên cứu khả năng hấp thụ và giá trị thương mại carbon của một số dạng rừng trồng chủ yếu ở Việt Nam