Keo lá liềm được xác định là một trong những loài cây trồng rừng chủ yếu ở nước ta theo Quyết định số 4961/QĐ-BNN-TCLN ngày 17/11/2014 của Bộ NN-PTNT
Rừng keo lưỡi liềm trền vùng cát trắng huyện Triệu Phong, Quảng Trị
Keo lá liềm có khả năng sinh trưởng tương đương với keo tai tượng nhưng khối lượng riêng của gỗ cao và đặc biệt có khả năng chịu hạn và chịu ngập nước theo mùa rất tốt nên loài cây này được sử dụng khá rộng rãi trong trồng rừng ở các vùng cát và cát nội đồng ven biển Bắc Trung bộ. Diện tích đất cát vùng Bắc Trung bộ là 334.740ha, chiếm 12% tổng diện tích đất lâm nghiệp của cả vùng, trong đó 36,7% diện tích còn bị bỏ hoang.
Trước đây, rừng trồng ở vùng đất cát này chủ yếu là rừng trồng keo lá tràm, sinh trưởng kém, tỷ lệ thành rừng thấp và không có hiệu quả kinh tế. Đứng trước yêu cầu cấp bách của địa phương và bà con nông dân về thay thế rừng trồng kém chất lượng và tăng tỷ lệ phủ xanh đất hoang hóa, Trung tâm Khoa học lâm nghiệp Bắc Trung bộ (Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam) bắt đầu triển khai nghiên cứu đưa cây keo lá liềm vào trồng rừng vùng cát từ những năm 2000.
Qua nhiều năm tập trung nghiên cứu về hệ thống các biện pháp thâm canh rừng trồng, như các biện pháp kỹ thuật làm đất, bón phân, mật độ trồng, khả năng cải tạo đất, tỉa cành… Trung tâm đã đạt được nhiều kết quả nổi bật ứng dụng vào sản xuất, góp phần tăng diện tích rừng keo lá liềm lên 6.500ha như hiện nay. Qua đó, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho rừng trồng ở vùng cát nội đồng Bắc Trung bộ.
Theo ông Trương Duy, Chủ tịch UBND xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, Quảng Trị, từ trước đến nay người dân vùng cát thường chỉ trồng rừng theo các dự án với mục tiêu chính là phòng hộ, chống cát bay, cát lấp, hầu như không cho sản phẩm gỗ, có chăng chỉ là một lượng nhỏ củi đốt. Nhưng từ khi rừng keo lá liềm được trồng theo các tiến bộ kỹ thuật đã tạo ra khái niệm trồng rừng cho sản phẩm gỗ, nhờ đó đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân vùng cát.
Ở vùng cát nội đồng, kỹ thuật lên líp (tức là làm luống cao) do Trung tâm Khoa học lâm nghiệp Bắc Trung bộ nghiên cứu đã đảm bảo độ thoát nước tốt, hạn chế hiện tượng cát bay, tăng tỷ lệ sống của rừng trồng lên hơn 20% và trữ lượng bình quân của rừng tăng gần 200% so với phương pháp trồng rừng truyền thống (không lên líp).
Rừng Keo lưỡi liềm 12 tuổi áp dụng các TBKT so với rừng keo lá tràm > 20 tuổi dân trồng theo phương pháp thông thường, không lên líp tại huyện Triệu Phong, Quảng Trị.
Rừng Keo lưỡi liềm 12 tuổi áp dụng các TBKT so với rừng keo lá tràm > 20 tuổi dân trồng theo phương pháp thông thường, không lên líp tại huyện Triệu Phong, Quảng Trị Bên cạnh đó, việc bón phân vi sinh hữu cơ đã cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cây sinh trưởng, phát triển, đồng thời bổ sung một lượng chất hữu cơ giúp vừa làm giảm tỷ lệ cát trong đất vừa hạn chế hiện tượng cát bay.
Hiệu quả của việc bón phân là tăng tỷ lệ sống của rừng lên 10 – 15%, sinh trưởng của cây tăng 120 – 150% và hiệu quả kinh tế tăng 44,3%. Đối với keo lá liềm trồng mật độ 1.650 cây/ha phù hợp nhất cho trồng rừng trên cát nội đồng, với trữ lượng rừng tăng 132 – 208% so với các mật độ dày hơn (2.200 – 2.500 cây/ha) và lãi ròng (NPV) đạt 19.541.561 đồng/ha/7 năm.
Ngoài hiệu quả kinh tế, rừng keo lá liềm trồng đúng kỹ thuật còn có tác dụng chắn gió rất tốt, bảo vệ diện tích canh tác nông nghiệp phía sau đai rừng, cải tạo tính chất lý hoá học của đất và tăng độ pH đất, từ đó làm giảm độ chua của đất cát nội đồng. Thấy được hiệu quả kinh tế cao của mô hình rừng trồng keo lá liềm, bà con nông dân tại huyện Triệu Phong đã học tập và trồng trên 200ha rừng.
Trung tâm Khuyến nông các tỉnh Bắc Trung bộ cũng đã ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật này để xây dựng trên nhiều mô hình trình diễn cho bà con thăm quan học tập. Với những ưu điểm nổi bật của tiến bộ kỹ thuật trồng rừng keo lá liềm trên cát nội đồng vùng Bắc Trung bộ, các nhà khoa học mong muốn các địa phương, các cơ quan chức năng và bà con ứng dụng tiến bộ kỹ thuật này để mở rộng diện tích trồng rừng keo lá liềm trên diện tích đất hoang hóa hoặc thay thế các rừng trồng kém chất lượng nhằm nâng cao hiệu quả trồng rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.
+ Trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện các nghiên cứu chọn tạo ra những giống keo lá liềm vừa có năng suất vừa có chất lượng gỗ cao, cũng như nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật thâm canh rừng trồng phù hợp cho các vùng cát khác, vùng đồi khô hạn và sẽ đẩy nhanh chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho sản xuất trong thời gian tới. + Theo Th.S Nguyễn Thị Liệu, PGĐ Trung tâm Khoa học lâm nghiệp Bắc Trung bộ, ngày 5/5/2015 Bộ NN-PTNT đã ra quyết định số 194a/QĐ-TCLN-KH&HTQT công nhận tiến bộ kỹ thuật: “Kỹ thuật lên líp, bón phân và mật độ thích hợp trồng rừng keo lá liềm trên cát nội đồng vùng Bắc Trung bộ”. Để sản xuất hiệu quả, khi lựa chọn giống bà con lưu ý sử dụng các giống keo lá liềm đã được Bộ NN-PTNT công nhận, như xuất xứ Mala, Derideri, Dimisisi hay các rừng giống và vườn giống có địa chỉ uy tín, rõ ràng.
Nguyễn Huân
Nguồn: http://nongnghiep.vn/keo-la-liem-buoc-dot-pha-trong-rung-tren-cat-post166178.html
Tin mới nhất
- PGS.TS Hoàng Văn Thắng - Viện trưởng Viện nghiên cứu Lâm Sinh - Viện khoa học Lâm nghiệp Việt Nam được tôn vinh :” Nhà khoa học của nhà nông 2024”
- Điều động, bổ nhiệm Phó Trưởng ban Khoa học, Đào tạo và Hợp tác quốc tế
- Hội thảo Tham vấn Báo cáo đánh giá rủi ro vùng nguyên liệu theo Tiêu chuẩn SBP
- Hội thảo Công nghệ giám định gỗ DART-TOFMS của Hoa Kỳ – Bước tiến giúp minh bạch hóa chuỗi cung ứng gỗ hợp pháp ở Việt Nam
- Sinh hoạt học thuật “Kỹ năng viết bài báo khoa học”.
Các tin khác
- Hội thảo: Giá trị di sản mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà gắn với phát triển bền vững
- Giống keo lai và cuộc cách mạng lâm nghiệp - Báo Nông nghiệp Việt Nam
- Cây tràm hồi sinh ở đồng bằng sông Cửu Long - Báo Nông nghiệp Việt Nam
- Quy chế quản lý hoạt động Khoa học và công nghệ của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam ban hành theo Quyết định số 224/KHLN-KH ngày 18/5/2016
- Lễ công bố Quyết định bổ nhiệm Viện trưởng Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Bộ và Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiệp Nam Bộ